Ngày thứ năm 1-5-1539, hoàng hậu Isabella của Tây-Ban-Nha hấp hối, tuổi đời 35. Quận công Phanxicô de Borgia có mặt bên giường bệnh. Bằng giọng yếu ớt hoàng hậu thì-thào với quận công:
– Vì tình yêu THIÊN CHÚA, ta xin người đưa thi hài ta về Grenada chôn cất nơi phần mộ các vì vua.
Quận công Phanxicô vuốt mắt hoàng hậu, quì gối cạnh giường cầu nguyện rồi rời phòng.
Nhận hung tin, hoàng đế Carlo Quint cấp tốc tới nơi. Hoàng đế khóc thương và cầu nguyện bên xác hoàng hậu suốt đêm ấy. Sau đó hoàng đế vào một đan viện tĩnh tâm trong vòng 2 tháng.
15 ngày sau, thi hài cố hoàng hậu Isabella về tới Grenada. Quận công Phanxicô de Borgia với tư cách hộ tống thi hài, truyền mở nắp quan tài để xác nhận thi thể. Từ một hoàng hậu nhan sắc lộng lẫy, giờ đây hoàng hậu Isabella chỉ là thân xác thối rữa, xông mùi hôi thối.
Quận công Phanxicô vô cùng xúc động. Ông tự nhủ:
– Còn đâu là đôi mắt tinh anh ngời sáng? Hỡi sắc đẹp tuyệt trần, giờ ngươi ở đâu? Hỡi hoàng hậu Isabella, phải chăng ngài đang nằm đây, đôi mắt khép kín và trông thật xấu xí???
THIÊN CHÚA Quan Phòng dùng cái chết của hoàng hậu Isabella để thay đổi tận gốc rễ quận công Phanxicô de Borgia và chọn làm tôi tớ tín trung của Ngài.
Quận công Phanxicô de Borgia (1510-1572) lúc ấy đã lập gia đình, có 8 con và đang sống hạnh phúc. Ông phục vụ tại triều đình Tây-Ban-Nha. Hiền thê là bà Eleonora de Castro, một phụ nữ đức hạnh. Chính bà đưa chồng vào con đường hiến thân phụng sự THIÊN CHÚA, Vua của vũ trụ muôn loài.
3 năm sau ngày hoàng hậu Isabella từ trần, vào cuối tháng 2 năm 1542, 3 tu sĩ đầu tiên của Dòng Tên đến thuyết giảng tại Barcelona. Xúc động trước lời giảng dạy, bà Eleonora mời các Linh Mục về nhà dùng bữa. Quận công Phanxicô de Borgia lấy làm thán phục trước lề lối tu đức mới mẻ của các Cha dòng Tên. Ông chăm chú lắng nghe và tự nhủ:
– Hẳn đây là con đường thích hợp giúp mình tiến đến gần THIÊN CHÚA, yêu mến Ngài, vượt hẳn phạm vi gia đình, dòng tộc và tổ quốc Tây-Ban-Nha.
Quận công tìm cách liên lạc với thánh Inhaxiô de Loyola (1491-1556) Vị sáng lập dòng Tên.
Năm 1546 bà Eleonora de Castro qua đời. Từ nay quận công Phanxicô de Borgia cảm thấy thoát khỏi mọi ràng buộc của hôn nhân. Nhưng ông phải đợi thêm 5 năm nữa mới quyết định từ bỏ tất cả để vào dòng Tên.
Quận công Phanxicô de Borgia ước ao chọn đời sống khiêm tốn ẩn danh của một tu sĩ. Ngài muốn đi truyền giáo tại Ấn Độ. Nhưng thánh Inhaxio – lúc bấy giờ là Bề Trên Tổng Quyền – quyết định cách khác. Ngài truyền cho Cha Phanxicô de Borgia đi giảng thuyết tại Tây-Ban-Nha và Bồ-đào-nha. Cha Phanxicô cúi đầu tuân phục và đã gặt hái thành công lớn lao bất ngờ.
Nghe tin Cha Phanxicô de Borgia trở lại quê hương, dân chúng Tây-Ban-Nha tuốn đến để nghe vị Linh Mục từng là quận công của họ, thuyết giảng. Mọi người đi từ ngạc nhiên này đến kinh ngạc khác.
Trước hết, từ quận công cao lớn vạm vỡ, Cha Phanxicô trở thành tu sĩ gầy guộc khắc khổ. Từ một người – mà danh tánh gắn liền với quý tộc giàu sang cùng vinh quang – giờ đây trở thành bạn đồng hành của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, một tu sĩ Dòng Tên. Nhưng điểm nổi bật nhất: dĩ vãng quận công bị xóa mờ, trước vẻ đẹp cao cả thiêng liêng và lời giảng thuyết hùng hồn của Linh Mục dòng Tên Phanxicô de Borgia.
Năm 1565 Cha Phanxicô de Borgia được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền thứ ba của Dòng Tên, sau thánh Inhaxiô de Loyola và Cha Jacques Laynez. Năm ấy Cha 55 tuổi. Sức khoẻ Cha yếu kém nhưng ý chí Cha thật sắc đá và tinh thần Cha luôn hăng say, nhanh chóng, thực tiễn cùng hữu hiệu.
Nổi bật nhất là con tim Cha vô cùng quảng đại bao la. Cha hướng dẫn toàn thể Dòng Tên bước đi trên con đường tuân phục tuyệt đối Đức Thánh Cha và phục vụ Giáo Hội của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Thầy Chí Thánh Tối Cao.
Cha Phanxicô de Borgia qua đời tại Roma ngày 30-9-1572 hưởng thọ 62 tuổi, sau 7 năm cai quản Dòng Tên.
… ”Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ai sẽ tường thuật những chiến công của Chúa, sẽ công bố mọi câu tán tụng Người? Hạnh phúc thay người giữ đức công minh và hằng thực thi điều chính trực!” (Thánh Vịnh 106).
(”MISSI” (Magazine d’Information Spirituelle et de Solidarité Internationale), Avril-Mai 1984, n.464 trang 25-26)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt