… Bà Alessandra York là một phụ nữ Hoa Kỳ. Với mái tóc vàng óng ánh, với đôi mắt tinh anh và với điệu đi uyển chuyển, bà là biểu tượng cho mẫu người phụ nữ tự tin, yêu đời và thành công trong cuộc sống. Nhưng sỡ dĩ bà được như thế là nhờ đức kiên nhẫn, lòng can đảm và tình phụ tử bao la của người Cha. Xin nhường lời cho bà nói về người Cha đáng kính.
Mùa hè năm 1949 – tôi lên 8 tuổi – Hoa Kỳ trải qua một thời kỳ đau thương. Đây đó trên toàn nước đều bị bệnh dịch tê bại trẻ con hoành hành. Tại nhiều thành phố, nhà thương không còn chỗ để tiếp nhận các trẻ em đáng thương. Người ta phải đặt thêm giường trên các hành lang.
Tôi là một trong số các trẻ em bị bệnh này. Chứng bệnh ban đầu làm cho tôi không nuốt được. Tiếp đến: cổ, hai chân và cánh tay phải của tôi hoàn toàn bị tê liệt. Tôi được chở đến nhà thương. Các bác sĩ nói với Cha Mẹ tôi là tôi không thoát ra được chứng bệnh hiểm nghèo này.
Bệnh tê bại từ từ lan rộng sang các phần thân thể khác của tôi, nhưng phần bị nặng nhất là các đốt xương nơi cổ của tôi, khiến tôi không thể nào nhấc đầu lên khỏi chiếc gối.
Các bác sĩ giải thích cho Cha Mẹ tôi hiểu rằng nếu theo một lối chữa trị thích hợp, có lẽ tôi sẽ đi đứng và sử dụng được cánh tay phải, nhưng tôi phải mang luôn luôn một vòng bao quanh cổ và phải theo học nơi trường dành cho các trẻ em tàn tật.
Ý nghĩ rồi đây tôi sẽ trở thành một đứa trẻ tàn tật, luôn luôn tùy thuộc người khác và là đối tượng cho người khác thương hại xót thương, khiến cho thân phụ tôi không thể nào chấp nhận được.. Ba tôi liền lục lội tìm đọc tất cả những sách nói về chứng bại trẻ em. Ba tôi cũng thăm dò ý kiến của các bác sĩ và y tá. Sau cùng, Ba tôi thấy rằng, cần phải đưa tôi ra khỏi nhà thương càng sớm càng tốt để bắt đầu các buổi thực tập hầu tôi có thể sử dụng lại tứ chi của mình. Trong khi chờ đợi, Ba nói với tôi:
– Con phải làm tất cả những gì các bác sĩ và y tá bảo con làm, và phải làm cho tận lực.
”Phải làm cho tận lực” là điều Ba vẫn hằng nhắn nhủ tôi và hôm nay, người trịnh trọng nhắc lại.
Những tháng sau đó, tôi thấy các trẻ gái lần lượt rời nhà thương trên ghế lăn. Ba nói với tôi:
– Con cũng sẽ rời nhà thương nhưng không phải trên chiếc ghế lăn mà bằng hai chân của con.
Ba không bao giờ nói:
– Nếu con được khỏi bệnh,
nhưng luôn luôn nói:
– Khi nào con khỏi bệnh ..
Từ tuổi lên 3, tôi đã theo học các khóa dạy vũ cổ điển. Nhớ lại các bài học này tôi tận dụng các hiểu biết để tìm ra một phương pháp giúp tôi ngồi yên trên giường được hai ba phút. Tôi cũng tìm cách để giữ cho cái đầu được thăng bằng. Các bác sĩ không thấy gì là đặc biệt cả nhưng Ba tôi thì thật vui mừng, như thể là tôi sắp lành bệnh đến nơi!
Tôi rời nhà thương, nhưng vẫn chưa đi được. Thay vì đẩy tôi trên chiếc ghế lăn, Ba quyết định bồng tôi trên đôi tay người.
Tôi học đánh dương cầm từ tuổi lên năm. Khi về đến nhà, Ba tôi ngồi trước đàn và đặt tôi ngồi trên đầu gối của người. Giữ cho tôi được thăng bằng xong, Ba tôi để hai bàn tay tôi trên các phím đàn. Nhưng tay phải của tôi cứ buông thõng xuống, trượt ra khỏi các phím đàn. Thấy thế Ba liền nói:
– Không sao cả! Thế nào con cũng chơi đàn trở lại! Rồi con sẽ thấy!
Ba tôi mời bác sĩ đến tận nhà tập cho tôi sử dụng trở lại các bắp thịt. Chính Ba tôi cũng bỏ bớt việc làm để đứng ra tập luyện cho tôi. Từ từ tôi có thể đi đứng được, giữ cho đầu được thăng bằng và chơi được vài nốt đàn.
Mùa thu năm sau, tôi trở lại trường học và trở lại với môn dương cầm và môn vũ cổ điển.
Khi bước vào bậc trung học, tôi là một thiếu nữ bình thường như bao thiếu nữ khác. Ba nói với tôi:
– Con sắp gặp một số đông học sinh không biết gì về chứng bệnh của con. Vậy con đừng nói với ai cả. Bệnh tật đã qua rồi!
Tôi tuyệt đối nghe theo lời khuyên của Ba. Ngay cả giờ đây, chỉ trừ một ít người thân và bạn bè, còn lại không ai biết là tôi đã từng bị bệnh tê liệt.
Ba tôi qua đời vào năm người thọ 61 tuổi. Nhưng trước đó, Ba đã hãnh diện đưa tôi vào nhà thờ ngày tôi lãnh Bí Tích Hôn Phối. Sau đó, Ba sung sướng khi thấy tôi xuất hiện trên màn ảnh truyền hình. Rồi Ba tôi cảm động đọc những tác phẩm tôi viết về sức khoẻ và về sắc đẹp. Nói tóm lại, Ba đã chứng kiến tất cả những thành công của tôi, và nhất là Ba biết rằng tôi là một phụ nữ tự tin, hạnh phúc và ngẩng cao đầu khi góp mặt với đời.
Tất cả những thành công tôi đạt được là nhờ công ơn trời biển của hiền phụ tôi, người không đầu hàng trước căn bệnh hiểm nguy của tôi và cùng tôi chiến thắng căn bệnh này. Suốt đời, tôi mãi mãi ghi ơn Ba tôi.
… ”Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông chúng ta qua các thế hệ. THIÊN CHÚA đã sáng tạo nên nhiều người con hiển hách là các vĩ nhân từ những thưở xa xưa: Có những người cai trị đất nước mình và là những con người nổi danh về quyền lực. Có những người lãnh đạo dân bằng các lời chỉ dẫn, bằng tài dạy dỗ dân chúng và những lời giáo huấn khôn ngoan. Có những người sáng tác những điệu nhạc du dương, viết ra những bài thơ bài phú. Có những người giàu sang, lắm quyền nhiều thế, sống bình an hòa thuận trong nhà. Hết thảy đều được người đương thời khen ngợi, được vẻ vang trong lúc sinh thời. Trong các vị, có những người lưu danh hậu thế cho người đời ca ngợi tán dương (HC 44,1-8).
(”Reader’s Digest SELECTION”, Juin/1992, trang 49-53)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Nguồn: RV