Bác sĩ Richard Selzer – người Mỹ – làm việc tại bệnh viện New Haven, bang Connecticut. Khi quyết định chọn ngành y khoa, bác sĩ Selzer muốn nối gót hiền phụ, từng dâng hiến trọn cuộc đời để chữa trị bệnh tật thể xác cho anh chị em đồng loại. Bác sĩ Richard Selzer nói về bậc thân sinh như sau.
Thập niên 1930, Ba tôi có phòng mạch riêng tại thành phố Troy, bang New York. Gia đình chúng tôi sống ở tầng lầu, ngay trên phòng mạch của Ba. Trước phòng mạch, có ghi giờ mở cửa: từ 13 đến 15 và từ 18 đến 20 giờ. Thật ra, đây chỉ là thời khóa biểu ghi trên giấy, bởi vì trong thực tế, Ba tôi tiếp bệnh nhân bất cứ giờ nào, mỗi khi có người đến gõ cửa.
Người dân thành phố biết rõ họ có thể đặt tin tưởng nơi Ba tôi. Đối với họ, chiếc cặp đen của Ba – chứa đầy dụng cụ y khoa và thuốc men – như có sức nhiệm mầu chữa lành mọi tật bệnh, ngay cả việc làm cho người chết sống lại!
Một ngày, tôi thắc mắc hỏi Ba:
– Có thật Ba làm cho người chết sống lại không?
Ba tôi nhẹ nhàng mỉm cười trả lời:
– Chưa! Lúc này đây, Ba mới chỉ là chuyên viên làm cho người chết-một-nửa sống lại thôi!
Câu trả lời của Ba chứa đựng một phần sự thật. Ngoài thuốc men Ba dùng chữa bệnh, nguyên sự hiện diện của Ba bên cạnh bệnh nhân, đủ để trấn an người bệnh và thân nhân. Đây là yếu tố tâm lý tích cực, giúp cho việc chữa trị được nhanh chóng.
Ngoài việc khám bệnh nơi phòng mạch riêng, Ba tôi còn là bác sĩ chính thức của nhà tù trung ương thành phố. Năm tôi mừng sinh nhật thứ 12, Ba bảo tôi cùng đi với người tới nhà giam. Tôi còn nhớ như in hình ảnh Ba đi chậm rãi từ phòng giam này sang phòng giam khác, để khám bệnh cho các tù nhân. Mỗi khi bước vào phòng nào, Ba thân mật bắt tay hỏi thăm người tù. Ba tôi tỏ thái độ yêu mến và kính trọng từng người. Ba nói với tôi sau đó:
– Phải tìm cách trực tiếp chạm đến người tù. Đôi khi đó chỉ là điều đơn sơ duy nhất mình có thể làm cho họ, nhưng lại là điều quan trọng. Bởi vì người tù rất cần cảm thấy được thông cảm và yêu thương.
Thông thường, khi nói với tôi về nghề nghiệp của người, Ba coi tôi như đứa con nít. Nhưng ngoài phạm vi nghề nghiệp thì Ba cư xử với tôi như người lớn. Ba khuyên tôi:
– Con nên học tiếng la-tinh để có thể viết các toa thuốc. Hai môn vật lý và hóa học sẽ giúp con hiểu biết thế giới.
Thời đệ nhị thế chiến 1939-1945, nhiều bác sĩ phải nhập ngũ, khiến con số bác sĩ trở nên khan hiếm. Do đó Ba tôi phải làm việc gấp ba, gấp bốn. Ba làm việc bất kể ngày đêm. Một ngày Mẹ nói với Ba:
– Anh đang tự giết mình!
Ba điềm tĩnh trả lời:
– Người bệnh phải làm việc nặng nề. Anh chỉ là người lười biếng, khi so sánh với họ!
Một hôm tôi hỏi Ba:
– Tại sao mọi người lại phải chết? Thật là bất công!
Ba tôi ôn tồn trả lời:
– Phải nói: thật đúng! Bởi vì cái chết nằm trong số mệnh con người. Nếu người ta không chết, thì mới thật là khốn cực!
Lần khác, Ba nói với tôi:
– Con biết không. Cuộc sống con người giống như bức tranh cũ. Chúng có thể được sửa chữa, nhưng tới lúc nào đó, thì cuộc sống phải ngừng lại. Nhưng mà người ta thường can đảm hơn là con tưởng.
Một ngày thứ năm Mùa Xuân – một tháng trước khi tôi tròn 15 tuổi – Ba tôi bị xỉu trong phòng mạch. Hai ngày sau thì Ba tôi trút hơi thở cuối cùng, trước khi đôi mắt tôi có đủ thời giờ ghi đậm hình ảnh thân yêu của người cha khả kính.
Chính cái chết bất ngờ của Ba khiến tôi quyết định chọn ngành y khoa. Nếu tôi không may mắn sống lâu bên cạnh Ba, ít ra tôi gặp lại người trong nghề bác sĩ, một nghề mà Ba đã dâng hiến trọn cuộc đời để chu toàn.
Tôi hành nghề bác sĩ trong Bệnh Viện thành phố New Haven, bang Connecticut. Một ngày, tôi khám vết thương nơi chân một người bệnh. Tôi tự giới thiệu tên. Người bệnh nói với tôi:
– Ở thành phố Troy có một bác sĩ cùng tên với ngài. Đó là bác sĩ Selzer, người chữa cục bướu cho tôi, ngày tôi còn là thiếu niên. Bác sĩ Selzer vừa là bác sĩ giỏi vừa là người có lòng tốt!
Nước mắt tôi tự nhiên tuôn ra. Tôi thật sự xúc động, không cầm được nước mắt. Vị bác sĩ ấy không ai khác là thân phụ tôi, người cha khả kính dấu ái của tôi!
… ”Này con, đừng xao lãng, nhưng hãy cố gắng sống khôn ngoan và thận trọng: đó sẽ là sức sống cho tâm hồn, là đồ trang sức đeo nơi cổ. Rồi bước đường con đi sẽ an toàn, và chân con sẽ chẳng bao giờ vấp. Khi ngả lưng, con không khiếp sợ. Nằm xuống rồi là an giấc thảnh thơi. Đừng sợ chi khi kinh hãi bất thần ập xuống, hay kẻ ác xông vào tấn công. Vì THIÊN CHÚA sẽ ở bên con, giữ chân con khỏi sa vào cạm bẫy. Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành. Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: ”Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho bạn”. Đừng mưu hại tha nhân, hại người đang cùng con sống yên ổn. Đừng cãi cọ với ai vô cớ, khi họ chẳng làm gì để hại con. Chớ phân bì với ai tàn bạo, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi. Vì đối với THIÊN CHÚA, kẻ gian tà là đồ ghê tởm; còn những ai chính trực, thì Ngài nhận làm bạn tâm giao. THIÊN CHÚA giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác, nhưng tuôn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh” (Sách Châm Ngôn 3,21-33).
(”Reader’s Digest Sélection, Octobre/1993, trang 8-12).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Nguồn: RV