“Vậy nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. (Mt 5, 23-24)
Những buổi chiều tối mùa đông ở thành phố Dalat thật lạnh, càng về đêm cái lạnh càng se sắt cắt da, sương mù giăng dầy đặc… Phố xá đã lên đèn từ bao giờ, tia sáng vàng vọt của những ngọn đèn đường tỏa chiếu lung linh trên mặt đường, xuyên qua màn sương thật đẹp, thật dịu dàng… trong khi nhà mình thì vẫn tối tăm kể từ ngày đổi đời (1975).
Tôi dắt bốn đứa con nhỏ đến nhà thờ chánh tòa để tham dự Thánh Lễ đêm. Đêm nay khắp thế giới đang tưng bừng kỷ niệm mừng đón Chúa Giáng Sinh.
Hàng cây anh đào hai bên đường ủ rũ đứng lặng im trong sương đêm. Mẹ con tôi dắt díu nhau co ro đi trên phố vắng thật vắng, tự nhiên tôi rùng mình, cảm tưởng có một chút gì rờn rợn trong tâm tư thật tê tái như sợ sợ, như buồn buồn, như thảm thảm… khung cảnh sao mà buồn da diết, tâm hồn tôi cũng da diết buồn và tủi thân tủi phận… „người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“.
Nhìn bốn đứa con gầy guộc, hốc hác, ăn mặc không đủ ấm so với những ngày bình yên trước 1975, lòng tôi đau như cắt, nước mắt lúc nào cũng đoanh tròng chỉ chực rơi.
Mừng Chúa Giáng Sinh mà mẹ con cũng chả được một bữa ăn cho no, nói chi đến đầy đủ calorie, nói chi đến gà nướng, bánh Noel và những gói quà dưới gốc cây thông như đã từng, và v.v…
Miền Nam đổi chủ, Dalat thơ mộng của chúng tôi cùng cả miền Nam Việt Nam đón tiếp những hoảng hốt, những nghi ngờ, những hoang mang, đầy sự sơ hãi. Nhìn vẻ mặt thất thần của những em bé thơ ngây, những học sinh mới lớn đến các cụ già đều hằn sâu nét nhẫn nhục, chịu đựng, sợ sệt.
Nhất là chị em chúng tôi, những người vợ lính cô đơn cô độc, bơ vơ giữa đời lạ, ngay nơi mình được sinh ra, sống và lớn lên… Người phối nhẫu của chúng tôi bị nhà cầm quyền việt cộng ghép là „những người có tội với nhân dân“ lùa vào trại cải tạo.
Chính sách đổi tiền của nhà nước cộng thêm sự càn quét của cải ở miền Nam đem ra miền Bắc khiến dân miền Nam rơi vào cảnh đói nghèo khốn khổ. Chúng tôi cũng không ngoại lệ,
Từ ngày chồng tôi được nhà nước kêu đi trình diện mang theo lương thực cho 10 ngày. Thế mà cho đến nay đã bốn năm rồi, mẹ con tôi chờ đợi mòn mỏi, trong thất vọng rồi trong tuyệt vọng (tôi nghĩ chắc là không bao giờ còn được gặp mặt nhau nữa). Cảnh sống bữa đói, bữa lưng lửng thường trực ngự trị hằng ngày giữa mẹ con tôi. Nỗi cô đơn, bơ vơ, lẻ loi, sợ sệt luôn bao trùm cuộc sống của chúng tôi trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ… mấy mẹ con không có chút niềm vui hay hy vọng và bình an nào.
Trong tháng 3.1975 khi cả miền Nam sôi xục hốt hoảng chạy, mẹ con chúng tôi theo đoàn người di tản về Saigon vì hy vọng chồng tôi cũng từ đơn vị đóng ở Pleiku sẽ theo đoàn quân di tản về Saigon, nên „đồ tuế nhuyễn, của riêng tây“ trong nhà bị mất sạch. Tháng 5.1975 chúng tôi trở về Dalat thì may mắn còn căn nhà trống không, đôi đũa, cái chén cũng không còn. (may mắn vì nhà ở đường hẻm) cỏ trong vườn cao ngập đầu người.
Để tồn tại, tôi cố gắng tập tành buôn thúng bán bưng nuôi 4 đứa con vị thành niên. Tôi ra chợ Dalat tìm những người quen của ba mẹ tôi xưa kia bán hàng ngoài chợ xin họ cho tôi lấy trái cây đem đi bán lẻ để kiếm chút tiền lời đong gạo nuôi con mà cũng không nên thân. Đêm về thì luôn luôn hồi hộp lo sợ, không bao giờ được ngủ yên giấc vì bụng đói cồn cào, vì lo lắng không biết sống ra sao, vì sợ nhỡ công an đang đêm đập cửa, nói là khám xét nhà, rồi vô cớ bắt tôi đi tù cải tạo nữa thì các con tôi còn quá nhỏ sẽ ra làm sao đây (vì tôi là công chức của Việt Nam Cộng Hòa), cứ nghĩ đến đó là rùng mình, rởn tóc!
Thời gian này có cô hàng xóm sống bằng nghề buôn bán rau trái, trước kia sống gần bên cạnh nông trại của ba mẹ tôi ở ấp Đa Thiện, nhìn thấy tôi khổ sở quá nên động lòng thương, rủ tôi đi buôn chung với cô.
Tôi không có một đồng xu lận lưng thì làm sao buôn chung được. Cô tự nguyện bỏ tiền ra, mỗi buổi sáng sớm tôi và cô ta, hai chị em ra chợ găp nhau, rồi cùng đi vào các làng trồng rau quả xem có gì thì mua nấy và đem ra chợ bán kiếm lời. Những nhà vườn ở Dalat rất nhân đức, khi chúng tôi không có tiền trả thì họ cho đem hàng ra chợ bán xong hôm sau đem tiền về đưa cho họ cũng được. Đây là một truyền thống của tất cả những nhà vườn trồng rau và trái cây ở Dalạt, Ba mẹ tôi thời còn nông trại cũng sống như vậy.
Ngày nào lời được chút tiền thì hai chị em được ăn phần cơm trưa, cũng có chút tiền mua gạo cho con và vài cục đường hay gói bột bích chi để dành cuối tháng đi thăm chồng trong tù cải tạo.Tạ ơn Chúa, cho thiên thần là cô bạn quý này đến giúp mẹ con tôi trong lúc khốn khổ tột cùng, kéo dài cuộc sống.
Trong lúc mẹ con tôi sống cơ cực, túng quẫn và khốn khổ như thế, mà cô bạn thân bị người tình phụ bạc quất ngựa truy phong, bây giờ mang cái bào thai oái oăm đến xin tá túc, nhờ tôi nâng đỡ. Thương bạn nhiều mà thương mình nhiều hơn nên cứ dùng dằng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thời buổi này nhà nước họ kiểm soát gắt gao lắm. Cứ vài ngày ông tổ trưởng dân phố và chàng công an khu vực lại ghé thăm mà mắt thì láo liên dòm từng ngõ ngách, dù nhà đã trống trơn không bàn, không ghế, không tủ… làm sao tôi dám chứa cô bạn mình ở nhà đây!?
Phần thì cơm gạo đâu mà nuôi thêm hai miệng ăn nữa chứ, trong khi mẹ con tôi còn phải hàng ngày nhịn bớt để có chút đỉnh tiền mà đi thăm nuôi chồng trong tù cải tạo.
Ôi! Gánh tôi sao mà nặng thế này!!! Bạn mình không dám về nhà vì sợ ba mẹ, sợ thiên hạ xầm xì, phỉ nhổ, cười chê gia đình nên cứ liều ở lì nhà tôi. Tôi cũng liều cưu mang bạn mình. Tôi dấu bạn tôi ở trên gác, chỉ thỉnh thoảng vào lúc đêm tối mới dám đưa bạn ra ngoài đi dạo một chút.
Vài tháng sau tôi trở thành con nợ như chúa chổm. Tối nào cũng có người đến đòi nợ, cô bạn tôi có chút tiền dành dụm cũng tiêu tan hết. Chúng tôi chả còn biết trong cậy vào đâu?
Cô bạn tôi đánh liều sai tôi đi Saigon thú thật hết mọi việc cho hai cụ thân sinh của bạn để xin viện trợ.Thế là tôi chạy vạy, vay mượn đủ tiền mua một vé xe đò đi về Saigon gặp hai cụ để ca bài „con cá nó sống vì nước“.
Sau khi trình bày ngọn ngành tình trạng khó khăn của mẹ con tôi và tình trạng đau thương của cô bạn, cụ bà liền phán một câu: „Cho nó chết đi chứ sống làm gì mà làm nhục gia phong như thế à“. Tôi chỉ biết cúi đầu và ngậm câm. „Thôi được rồi, bây giờ bác đưa cho con ít tiền để con cưu mang nó trong lúc này, con cứ để nó ở trên Dalat và dấu kỹ nó dùm cho bác, chứ nó mà chường mặt ra cho dân Dalat trông thấy hay vác cái bầu ấy về đây thì bác độn thổ con ạ“.
Thế là từ đó thỉnh thoảng cạn tiền tôi lại được sai đi Saigon. Nhờ món tiền này của mẹ bạn, tôi thanh toán một số nợ nần khi tôi mua chịu thức ăn nuôi bảy miệng ăn trong gia đình, và nuôi sống chúng tôi trong lúc khốn quẫn quá chừng quá đỗi.
Để lo tìm người quen và tin cẩn gởi đứa bé. Tôi phải mất nhiều thời gian dò hỏi và may mắn tìm được người hàng xóm trước kia của chúng tôi. Anh chị đều là nhân viên cảnh sát, đã nhanh chân chạy về Saigon khi di tản và đổi tên, đổi họ ở lại Saigon, anh chị sống bằng cách nhận đan áo len cho các tiệm bán quần áo và sinh sống ở Tân Định.
Gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa của bạn, tôi đưa bạn mình về Saigon và gởi ở nhà anh chị cho đến khi sanh nở. Bây giờ đến lượt anh chị săn sóc cho bạn tôi song tôi vẫn là người liên lạc với các cụ, để các cụ cứ nghĩ là tôi còn dấu con và cháu gái của cụ ở Dalat.
Khi bé gái được đầy tháng tôi về Saigon đưa bạn tôi về nhà xin lỗi hai cụ và xin hai cụ chu cấp hàng tháng cho hai mẹ con cách kín đáo. Hai cụ đồng ý chu cấp qua anh chị nuôi cháu bé, song vẫn còn giận con gái nên không cho con bước vào nhà và không cho phép được bén mảng đến nhà. Tôi biết cụ còn giận con gái lắm chứ, nhưng thương thì vẫn thương nhiều lắm.
Nhân dịp này bà cụ đòi tôi phải đưa trả lại nửa số tiền cụ đưa cho tôi hàng tháng để lo cho con gái cụ. Trong người tôi không có một đồng xu dính túi lấy tiền đâu mà trả cho cụ. Đồng tiền như miếng chín, có thì tiêu, nhất là „tiền vào nhà khó như gió vô nhà trống“. Tôi buồn và giận lắm, không kềm chế được, tôi khóc và chào hai cụ rồi quay về Dalat ngay.
Hai cụ chỉ biết quý đồng tiền mà không hề nghĩ đến công khó cùng sự vất vả của tôi trong mấy tháng cưu mang bạn mình trong lúc hoạn nạn. Hai cụ cũng không biết thương hại mẹ con tôi trong hoàn cảnh khốn khó trong lúc đổi đời như thế này mà chồng tôi còn trong tù cải tạo.
Tôi buồn lắm, giận mình, giận bạn, giận đời và tủi cho thân phận, mà không biết tâm sự cùng ai…chỉ biết khóc… Vài tháng sau, tôi đi Saigon đem cuốn sổ ghi tất cả những chi phí cho bạn mình trong thời gian tôi giúp đỡ bạn cho đến nay, trao cho cụ. Tôi buồn giận hơn nữa là cô bạn thân từ ngày về Saigon cũng chẳng liên lạc gì với mình.·
Đêm nay, trong ngôi Vương Cung Thánh Đường Dalat, với không khí thật trang trọng, thiêng liêng trong Thánh Lễ. Tôi lắng nghe đoạn Tin Mừng:
Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5,23-24).
Vị linh mục chủ tế giảng: đâu là bác ái của người Kitô hữu? Anh chị em thể hiện tình bác ái thế nào với tha nhân? Nếu mình có lỗi với anh em mà mình biết lỗi và đến xin lỗi thì chuyện rất bình thường. Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta, cả tôi và anh chị em, con cái của Ngài phải thể hiện tình bác ái bằng cách, khi người anh em có lỗi với mình, mình đến với họ, xin lỗi họ, làm hòa với họ“, như thế mình mới thể hiện lòng bác ái của Chúa Kitô. (cha chủ tế nay là Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Việt Nam)
Âm vang của đoạn Phúc Âm và lời giảng của cha đánh động tâm tư tôi rất mạnh. Nhìn lại mình tôi thấy mình thật có lỗi lớn trong chuyện này. Mình đã không tế nhị, không chút khiêm nhường, không kính trọng bậc trưởng thượng như cha mẹ mình.
Tôi có lỗi đã không chịu nhẹ nhàng và tế nhị giải thích cho hai cụ hiểu mà thương đến hoàn cảnh khó khăn của hai chúng tôi, cả tôi và bạn tôi đều có lỗi bất hiếu với hai cụ và thiếu tình thương với bạn mình.
Trong tim, tôi tự hứa với mình sẽ phải đến xin lỗi hai cụ. Nhưng thật khó khăn làm sao! Chúa ơi, xin Ngài giúp con để con can đảm thực hành việc này. Tôi đắm chìm trong cầu nguyện, tha thiết xin Chúa giúp. Cho đến lúc rước Thánh Thể Giêsu vào lòng, tôi tự hứa với Chúa Giêsu là tôi sẽ nhất quyết đến làm hòa với bạn mình và xin lỗi hai cụ.
Tuần sau đó, vào một buổi tối ở Saigon, tôi đến nhà bạn. Người ra mở cửa là cô em bạn tôi. Vừa nhìn thấy tôi, cô ta quay vào nhà la thật lớn: „Chị V. ơi, chị T. rồi cầm tay tôi lôi vào nhà“. Bạn tôi từ trên lầu chạy a xuống ôm chầm lấy tôi, hai đứa không nói được lời nào. Chỉ có nước mắt đã nói thay tất cả. Hai chúng tôi khóc, cô em gái khóc và ông cụ đang đau ốm, nằm trên giường bệnh đã mấy năm nay cũng khóc.
Tôi được biết cụ bà đã qua đời cách đây vài tháng vì bệnh tim.Trong khi nằm bệnh viện và trước lúc qua đời cụ cứ nhắc đến tôi với lòng thương cảm và chút ân hận.
Tạ ơn Chúa đã thêm sức cho con, đã đồng hành với con để giúp con biết làm hòa với anh chị em con như Lời Chúa dạy. Phần thưởng Chúa ban cho chúng tôi là tình thân gia đình và tình bạn của chúng tôi lại thắm thiết hơn xưa.
Cụ ông cứ nắm tay tôi thật lâu không buông và nói đi nói lại hoài một câu: bác thương con lắm… thương con lắm.
Tôi sung sướng tràn ngập đón nhận tình thương của gia đình bạn và tình thương này đã nâng đỡ đời sống tôi rất nhiều. Tạ ơn Chúa và Ngợi Khen Ngài.
Elisabeth Nguyễn