Cách đây 30 năm, sơ Elvira Petrozzi, thường được gọi là Mẹ Elvira thiết lập Cộng đoàn Cenacolo – Phòng Tiệc ly. Đây không chỉ là một công trình xã hội hay phúc lợi, nhưng trước hết là một nơi của đức tin, một mái ấm dành cho những người trẻ nghiện ma tuý.
Mẹ Elvira Petrozzi nói về chính mình như sau: “Tôi là một phụ nữ có nhiều đam mê. Tôi say mê từ cái chỗi quét nhà đến nhà bếp, từ những anh chị em nghèo khó đến nhà nguyện. Tôi là một phụ nữ của đường phố, chứ không phải của văn phòng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình học để có thể dạy người khác, để làm việc bác ái. Bác ái là lẽ sống của tôi, là hồng ân tôi đã lãnh nhận, món quà của niềm vui trao ban ngày càng chân thật và say mê”.
Sơ Elvira được mọi người gọi là “nữ tu của những người nghiện ma tuý”. Sơ sinh ở Sora, của Ý, ngày 21/01/1937. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với gia đình nghèo, sơ di cư đến Alessandria. Ở đây sơ trải qua thời gian đầy khó khăn cơ cực trong việc phục vụ người khác. Sơ nhớ lại thời gian đó với lòng biết ơn. Vì cái nghèo đã dạy cho sơ bài học hy sinh. Trong gia đình, cùng với 7 anh chị em, sơ thường rời bàn ăn nhưng cơn đói vẫn còn. Sơ còn học được bài học khác từ người cha nghiện rượu. Đối với người khác, đây là cái cớ để than vãn, nhưng đối với sơ cái nghèo và những khó khăn trong gia đình là trường dạy cho sơ phải biết yêu thương và phục vụ mọi người với phẩm giá của họ.
Ở tuổi 19, thiếu nữ Elvira nhận ra rằng tình yêu dành cho một người là quá nhỏ đối với mình. Vị nữ tu tương lai hiểu ơn gọi của mình là chia sẻ sự dịu dàng của một Vị Hôn Thê khác, người đã gõ cửa tâm hồn, đã yêu thương, dõi theo và nuôi dưỡng Elvira từ khi còn nhỏ. Elvira đi theo tiếng gọi này và trở thành nữ tu. Cho đến năm 46 tuổi, sơ Elvira là một nữ tu “bình thường” và công việc là dạy học mẫu giáo.
Năm 1983, trong sơ có một sự thôi thúc khác, sơ đã quyết định thiết lập cộng đoàn “Cenacolo – Phòng Tiệc Ly” trong một biệt thự cũ có từ thế kỷ 18 nằm trên một ngọn đồi của Saluzzo, ở Piedmont. Từ cộng đoàn này, 56 ngôi nhà khác ở Ý và trên khắp thế giới được tạo dựng.
Lúc đầu sơ nghĩ đơn giản là thiết lập cộng đoàn dành cho những người trẻ đang buồn chán, bất an, không nơi nương tựa. Sơ khẳng định: “Tôi ước muốn bằng mọi giá như Đức Maria hiện hiện với các tông đồ, với Giáo hội tại Phòng Tiệc Ly, trong lúc các ông đóng kín cửa vì sợ hãi sau cái chết của Chúa Giêsu. Nhưng trong Phòng Tiệc Ly, với Đức Maria, các tông đồ cầu nguyện. Thánh Thần đã ngự xuống trên các ông và biến đổi các ông trở thành những chứng nhân can đảm. Cánh cửa bị đóng kín vì sợ hãi đã mở toang với lòng can đảm và niềm vui làm chứng”.
Những người đầu tiên gõ cửa cộng đoàn là những người trẻ nghiện ma tuý. Ngoài ma tuý, trong họ vẫn có một khao khát khác. Khi đón họ, mẹ Elvira nhận ra rằng “nếu chỉ áp dụng liệu pháp con người thì không đủ cho những tâm hồn này”. Vì vậy mẹ quyết định giúp họ cầu nguyện để thắp lại hy vọng trong họ. Mặc dù những bước đầu tiên không chắc chắn và không tránh khỏi những khó khăn, mẹ vẫn không từ bỏ niềm tin chắc chắn rằng “công trình của Chúa được sinh ra trong thinh lặng chứ không phải trong những tiếng ồn ào”. Mẹ học cách đọc cuốn sách cuộc đời của những người trẻ nghiện ma tuý này, từ đó dẫn đến mầu nhiệm Thập giá. Và như thế, từ cuộc gặp gỡ với Mẹ Elvira, các thanh niên đã được thuyết phục và chấp nhận các quy tắc được nữ tu đề ra cách siêng năng. Các quy tắc gồm: Thức dậy vào lúc 6 giờ sáng để cầu nguyện, làm việc và chia sẻ cuộc sống. Giải thích tại sao lại áp dụng các quy tắc này, sơ Elvira nói: “Bởi vì các trung tâm này không phải là những cộng đoàn trị liệu nhưng là trường đời”.
Khi một người mới đến cộng đoàn, người này sẽ được một “thiên thần hộ thủ” hướng dẫn. “Thiên thần này” là một người trẻ đang trên hành trình tái sinh, đã vượt qua những khó khăn ban đầu, và giờ đây tới lượt mình sẵn sàng giúp người khác tái sinh. Mỗi người có một nhiệm vụ từ nấu ăn đến dọn dẹp, xây dựng, hướng đến mục đích tái khám phá giá trị của nỗ lực sống với lòng trung thực và trách nhiệm. Mỗi tuần cộng đoàn có một lần “duyệt xét lại cuộc sống”: các thành viên được chia thành những nhóm nhỏ để chia sẻ về những chiến thắng cũng như những thất bại của những ngày trước đó. Ba lần trong tuần các linh mục đến cử hành Thánh lễ cho các bạn trẻ. Thực tế, cầu nguyện là trung tâm của một ngày sống của cộng đoàn. Và trong ngày, có ba lần lần chuỗi mân côi, bởi vì đây chính là liều thuốc duy nhất đảm bảo cho sự hoán cải.
Mẹ Elvira đặc biệt quan tâm đến tương quan của các bạn trẻ với gia đình của họ trong hành trình tái sinh. Mẹ nói: “Nhiều cha mẹ sống trải nghiệm thánh giá của những người con hư mất. Những đau khổ này họ không thể tự giải quyết, vì thế họ phải nhờ đến một ai đó hỗ trợ giải quyết vấn đề. Nhưng cũng chính những thánh giá này đã làm cho cuộc đời họ được biến đổi. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tái ngộ với những giọt nước mắt và cái ôm hoà giải, tha thứ của những gia đình được tái sinh”.
Sau khi kết thúc 3 năm hành trình, các chàng trai nhận một “phép lành” và ra đi, nhưng có một số xin ở lại để đáp lại tình thương mà họ đã lãnh nhận. Một số khác bày tỏ ước muốn có thể thực hiện ơn gọi lập gia đình trong cộng đoàn theo Công giáo. Từ đây, nảy sinh “các nhà tập của các cặp vợ chồng”, đây là nguồn gốc của các gia đình truyền giáo.
Đối với các bạn trẻ rời cộng đoàn, cộng đoàn sẽ tổ chức một bữa tiệc chia tay. Sơ Elvira sẽ trao cho mỗi người một Thánh giá, và xâu chuỗi mân côi, bởi vì theo sơ, được chữa lành là chưa đủ, ơn cứu rỗi mới là quan trọng.
Ngọc Yến – Vatican News