… Hôm ấy là Thánh Lễ an táng cụ bà Djo-Méa, thuộc bộ tộc Mélanésie ở Thio, nước Tân-Calédonie. Cụ ông Humbert qua đời trước đó 3 năm.
Trong gia đình đông con từ 8 đến 12 người, ”le poindi” là tên hiệu của trai út. Cậu là cục-cưng của Mẹ, là quý-tử của Cha. Phụ-Mẫu tuôn đổ trên cậu bao thương yêu trìu mến trong tuổi già.
Theo quan niệm thổ dân Mélanésie, trai út là con chiên dịu hiền và khiêm tốn. Những đứa con đầu thường có dòng máu hung-bạo, có sức lực vũ-bão của các loài hùm-beo sư-tử. Trong khi trai út nhẹ nhàng êm ái, rút trọn ruột gan của Cha Mẹ già! Vì thế, thân phụ chuyển đạt tất cả các món gia truyền, các bí mật nhà nghề cho trai út. Trai út biết nhiều chuyện. Chàng dùng lời ăn tiếng nói của mình để phân xử, phán quyết mỗi khi trong bộ tộc có điều gì bất bình, không ổn. Mọi người đổ dồn các cặp mắt hướng về chàng. Chàng là điểm quy chiếu sống động của truyền thống bộ tộc.
Trai út của cụ ông Humbert và cụ bà Djo-Méa tên Zeldo. Đẹp, trẻ và khoẻ mạnh là 3 điểm nổi bật nơi chàng Zeldo 24 tuổi. Thế nhưng, Zeldo bị bạn bè quyến dũ, dại dột đi theo con đường trộm cướp. Vào một đêm khuya vắng, cả bọn 5 thanh niên – trong đó có Zeldo – đập phá và cướp bóc một tiệm hàng ở Thio. Cuộc trộm bị khám phá nên tất cả bị bắt và bị tống ngục.
Rủi cho chàng Zeldo vì cùng lúc ấy, cụ bà Djo-Méa qua đời.
Theo tục lệ thổ dân Mélanésie, trước khi hạ huyệt, đứa con trai út có nhiệm vụ hôn thân mẫu hoặc thân phụ quá cố lần cuối và đậy nắp quan tài.
Làm thế nào bây giờ? Sáng hôm ấy, Thánh Lễ an táng diễn ra ngoài trời. Bên cạnh bàn thờ là quan tài cụ bà Djo-Méa còn mở nắp. Ông Francis, giáo lý viên điều động buổi phụng vụ ngỏ lời với đám đông:
– Tôi đã xin được phép đặc biệt cho Zeldo. Chàng sẽ về đậy nắp quan tài cho Mẹ. Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu Thánh Lễ.
Thánh Lễ diễn tiến trong bầu khí vô cùng trang nghiêm và sốt sắng. Chỉ vào cuối Thánh Lễ có tiếng động ồn ào xôn xao nổi lên. Chàng trai út Zeldo xuất hiện với đôi tay bị còng đi giữa hai nhân viên cảnh sát. Thật là cảnh tượng não lòng! Đám đông la rú phản đối. Tiếng khóc các phụ nữ ré lên như muốn xé rách không gian. Zeldo từ từ tiến đến gần bàn thờ, nơi đặt quan tài thân mẫu quá cố. Chàng bước đi như rảo qua sa mạc, tiến vào bóng tối sự chết.
Cha Jean Kermarrec, Linh Mục thừa sai người Pháp, chủ tế Thánh Lễ an táng. Cha phân vân không biết xử sự ra sao trước hoàn cảnh đau thương như thế.
Bỗng chốc biến cố bất ngờ xảy ra. Các anh chị của Zeldo tức khắc chạy đến bao vây chàng tội phạm trẻ tuổi. Người thì hôn, kẻ thì vuốt ve trìu mến. Zeldo dàn dụa nước mắt. Chàng khóc như mưa. Khóc như chưa bao giờ khóc. Chàng cúi xuống hôn thân mẫu quá cố lần cuối. Quan tài được đậy nắp lại và được đưa đến nghĩa trang. Nơi đây, chàng trai út Zeldo lại ném xuống huyệt của hiền mẫu cánh hoa của chàng. Sau đó Zeldo được đưa trở lại nhà tù.
Chàng Zeldo trải qua kinh nghiệm nhớ đời. Chàng được toàn bộ tộc tha thứ và tiếp đón như vị anh hùng. Chàng vẫn giữ nguyên tước vị và mọi ưu đãi dành riêng cho ”le poindi – trai út”. Chàng được tất cả anh chị thương yêu trìu mến. Mọi người như quên mất đôi tay ”bị còng” của chàng.
Chàng cũng thế. Từ đây, nơi bốn bức tường nhà giam, Zeldo dành thời giờ để suy tư và để hồi tâm thống hối. Chàng bắt đầu cuộc sống mới.
… ”Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây; một thời để nhổ cây: một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui chơi; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa” (Sách Giảng Viên 3,1-8).
(”Missions Étrangères de Paris”, n.356, Février/2001, trang 57-59)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Nguồn: Vietvatican