Món qùa nhỏ dâng Chúa

Người phụ nữ có gương mặt khả ái mỉm cười. Chị không đứng lên chào khách được. Khách vui vẻ chúc chị mau có em bé cho vui cửa vui nhà. Chị hạnh phúc mặt đỏ bừng e thẹn. Có em bé cũng thêm vui. Khách ra về, tự tay khép lại cánh cổng ngôi nhà chị ở trọ. Người phụ nữ quay lại với xâu tràng chuỗi đang làm dở. Quả thật cho tới lúc này, với chị mọi sự thật là viên mãn.

  • Ai Cũng Có Một Thời Tuổi Trẻ

Người ta thường ví von thế. Nhưng với Phương, tuổi trẻ bỗng đóng lại rất đột ngột. Mười bảy tuổi, khi đang là nữ sinh cấp ba, Phương bị tai nạn giao thông. Người gây tai nạn bỏ chạy. Miền quê, nhà nghèo, không có tiền chạy chữa kịp thời, cô ngậm ngùi biến thành người tật nguyền. Hai chân Phương vĩnh viễn mất khả năng vận động.

Khỏi phải nói nỗi gian nan cơ cực thế nào khi gia đình đông con ấy vất vả cưu mang Phương. Nhà có năm chị em gái, thu nhập cũng chông chênh vì còn tuổi ăn tuổi học. Phương qua cái nạn song đối mặt với cái nạn khác lớn hơn, thích nghi sao đây với cái tình cảnh bỗng đâu phải bất động trên xe lăn, tương lai đóng sầm lại. Đã thế sau tai nạn không lâu, thì kinh tế kiệt quệ. Bố Phương muốn vực gia đình lại, tìm cách cứu đứa con. Ông tính đi làm ăn xa khi có một cơ hội vừa nhen lên, song ba Phương ốm đột ngột và qua đời. Với gia đình, và với cá nhân Phương, đó là thảm họa. Cùng quẫn, Phương quyết định rời quê lên thành phố tím cơ hội lập nghiệp.

Người mẹ dù không vui nhưng vẫn phải chiều con. Khi nộp hồ sơ vào học một trường trung cấp nghề ở thành phố, Phương mong có một cái nghề để mưu sinh, và để thoát khỏi quê nghèo, nơi cô bị ám ảnh sau tai nạn.

Phương không lường được những khó khăn khi đến trường với đôi chân bị liệt. Việc học tập đòi phải ngồi mấy tiếng liền một ngày. Phương trở bệnh, vì bị loét lại nơi vết thương. Bè bạn giúp Phương nhập viện, và cô phải trải qua những ca phẫu thuật. Những người bạn sẵn sàng chăm sóc cho Phương, song vấn đề chi phí thì rất là khó khăn. Họ cũng là học sinh nghèo từ quê lên ở trọ đi học nên không có khả năng hỗ trợ Phương. Gia đình cũng kiệt quệ. Bản thân Phương rơi vào bế tắc.

May mắn cho Phương, trong thời gian nằm viện, một nữ bệnh nhân cùng phòng san sẻ với cô rất nhiều. Chị cảm thông với một cô gái trẻ nằm bệnh không có người nhà lo, mà toàn các nữ sinh thay nhau chăm sóc. Biết hoàn cảnh ngặt nghèo của Phương, chị giới thiệu với Phương về một điều kỳ diệu.

Chị cho biết tại thành phố này có một cộng đoàn chuyên cầu nguyện lòng Chúa xót thương. Không chỉ cầu nguyện mà họ còn có cố gắng thực hành lòng thương xót bằng những hành động yêu thương cụ thể dành cho những người nghèo khổ, bệnh tật, đau đớn tinh thần, đau đớn thân xác. Người phụ nữ cho cô địa chỉ của người linh mục, nói Phương cứ mạnh dạn trình bày. Rồi người phụ nữ ấy xuất viện.

Còn lại một mình với nỗi đau đớn lo lắng vô vọng nhưng Phương không gọi điện thoại. Với cô khái niệm đạo Công Giáo còn rất xa lạ. Cô không muốn dây dưa với tôn giáo khác. Phương vẫn cứ nằm đấy, gắn với cái giường bệnh và rất nhiều nỗi lo âu. Và nỗi lo tiền là không thể tránh khỏi, tiền viện phí, và tiền duy trì cuộc sống nơi đất khách.

  • Những Con Người Thầm Lặng

Chị bệnh nhân : Tôi đã nhận ra sự hờ hững của Phương khi giới thiệu cô với cộng đoàn. Tôi cũng đã nhìn thấy sợi dây chuyền cô ấy đeo có mặt Phật Bà. Tôi biết khó có thể khiến cô ấy tin vào lòng tốt của con người, mà lại người khác đạo. Song ở cùng phòng bệnh, tôi thấy rõ nỗi khó khăn của cô bé ấy, nên tôi đi tìm ông linh mục của lòng thương xót…

Người linh mục : khi nghe chị giáo dân trình bày, tôi xót thương cô học trò gặp nạn. Nhưng điều làm tôi xót thương hơn cả là tôi nhận ra sự cô đơn khốn khổ của cô. Ngần tuổi ấy nhẽ ra có mẹ có cha chăm lo, thế mà cô bé phải đối mặt với cái đau cái thiếu có một mình, điều đó dễ khiến tâm hồn con người ta chai sạn, vì thế tôi quyết định tới bệnh viện cùng chị bệnh nhân thăm cô bé.

Và thế là tại bệnh viện, Phương gặp lại chị bệnh nhân đến cùng người linh mục. Ông động viên cô, chả khác nào lời người cha cô căn dặn lúc cha cô còn sống. Ông đứng ra gánh vác giúp cô những chi phí bệnh viện và cả chi phí sinh hoạt cho cô, ông dặn cô gặp khó khăn gì cứ chủ động liên lạc cho ông biết đừng ngại.

Lời chị T một tình nguyện viên :

Tôi được sai đến gặp một cô bé tàn tật ở ký túc xá. Nhiệm vụ của tôi hơi nặng : đến dạy cô làm tràng chuỗi Mân Côi và chuỗi Lòng Thương Xót. Ban đầu tôi có hơi bực mình, vì nhà tôi mãi từ Tân  Bình mà chạy tới quận 9 để dạy nghề độc cho có một người. Song tới nơi, nỗi bực bõ của tôi tan biến. Cô bé gầy quá, và lại không có khả năng lao động kiếm tiền, xâu tràng chuỗi là công việc nhẹ nhàng, tạo cho cô thu nhập nho nhỏ. Ban đầu dạy cô cũng vất vả lắm. Cô xâu nhanh, nhưng thắt những nút cuối cùng cho thành chuỗi thì cô ấy không làm được. Tôi lại giúp cô việc đó, và giao tràng chuỗi ấy cho một số nơi, để cô bé có thu nhập ăn học.

Ba năm trôi qua, từ sự giúp đỡ ấy, Phương đã học xong. Ngày cô ra trường, người linh mục giúp cô cái máy tính xách tay. Ông biết rõ cô cần nó lắm. Cô học ngành đồ họa, không có máy tính thì làm sao có thể thực hành. Món quà ấy thật quý giá. Quý giá hơn nữa, người linh mục tạo cho cô thêm nhiều mối kết giao chị em, mà chính những kết giao ấy tạo cái nền cho cô hội nhập.

Chị P : Tôi có căn nhà nhỏ. Tôi dồn góp gia đình về ở chung với cha mẹ, tính có chút chi phí thêm về việc thuê nhà. Nghe nói về Phương, tôi bỗng thấy mình còn may mắn. Tôi đồng ý để Phương và một số bạn khuyết tật của em sử dụng nhà của mình một hời gian, miễn phí hoàn toàn, để cho các em có nơi ăn chốn ở ổn định cuộc sống.

Được hỏi về lượng xâu chuỗi khá lớn mà Phương và bạn bè giao lại cho chị hàng tháng, chị P bật cười :

– Thâu góp gì đâu! Chẳng ai kinh doanh tràng chuỗi thời buổi này. Người linh mục này muốn cho Phương và các bạn khuyết tật cái cần câu để các bạn tự mình đi kiếm cá mà không mặc cảm ăn bám sống nhờ, để các bạn tự tin vào đời vững vàng hơn, để các bạn vui sống, thấy được giá trị của lao động… Người linh mục đã tạo cho Phương cơ hội, để Phương đứng đầu một nhóm gồm ba em khuyết tật làm tràng chuỗi Mân Côi và Chuỗi Lòng Thương Xót. Chúng tôi dùng tràng chuỗi đó làm món quà   tinh thần cùng với những món quà vật chất tặng cho đồng bào nghèo trong mỗi chuyến đi công tác bác ái xã hội nơi vùng sâu vùng xa…

Chị L : Tôi thường đến thăm Phương và kêu thêm bè bạn, để các em có chỗ dựa tinh thần. Con người ta sống là sống với, không ai sống một mình, nếu không sẽ biến thành ốc đảo cô đơn thật là buồn lắm. Người linh mục dạy chúng tôi nỗi buồn vì bị cô đơn giữa cộng đồng có khi còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Chính bởi những động viên trợ lực như thế, Phương ra trường hòa nhập với cuộc sống đô thị rất nhanh. Nhờ mối quan hệ quen biết từ các tình nguyện viên, Phương tham gia sinh hoạt ở một cơ sở dành cho người khuyết tật. Chính tại nơi này Phương tìm thấy hạnh phúc với một chàng trai làm nghề tài xế, đẹp trai và hoàn toàn cảm thông với hoàn cảnh của Phương. Họ tính ngày nên vợ nên chồng. Phương báo tin vui cho người linh mục.

Trong một buổi gặp gỡ với các tình nguyện viên, vị linh mục chia sẻ tin vui của Phương. Mọi người vui mừng, kẻ tặng cặp nhẫn cưới, người giúp đôi bông tai. Mỗi người góp một chút làm quà cưới cho đôi bạn trẻ không cùng tôn giáo với mình.

Vị linh mục nhắc nhở : Đừng bao gờ dừng lại đóng khung ở một sự “xin cho” – dễ làm con người ta yếu đi, ỷ lại. Hãy để tình yêu của Thiên Chúa thông ban qua việc làm của cộng đoàn, giúp con người ta lớn lên, trưởng thành. Lòng thương xót của Thiên  Chúa phải được tỏ hiện qua tấm lòng của chúng ta nơi những mảnh đời tưởng như không còn có cơ hội nào cả. Hãy sống linh đạo lòng Chúa xót thương, đó là tín thác vào Chúa và tỏ lòng nhân ái đối với tha nhân.

Trong sổ tay công tác của vị linh mục, có thêm một hàng chữ : một con người đã trưởng thành, hội nhập với cuộc đời, xã hội bớt một nỗi lo, một gánh nặng.

Và như thế thêm một quà nhỏ dâng Chúa trên thập giá tình yêu. Chúa giầu lòng thương xót chắc sẽ vui hơn bởi những món quà nhỏ dâng Chúa thiết thực, cụ thể như vậy.

T.H

Nguồn: conggiaovietnam.net

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment