Ở Congo chỉ có 20% dân số có thể sử dụng điện. Sơ Alfonsina nghiên cứu và đã tìm cách xây dựng một nhà máy thuỷ điện nhỏ để cung cấp điện cho các công trình của tu viện, trường học và một trung tâm y tế.
Mặc dù sống trong một thành phố hẻo lánh ở Congo gần biên giới với Rwanda, nhưng sơ Alphonsine Ciza đã thu hút sự chú ý của tờ New York Times và hãng tin Reuter về những nỗ lực nghiên cứu để có thể trợ giúp cho người nghèo của đất nước châu Phi. Thực tế, hiện nay sơ Alphonsine, là một nữ tu đồng thời là một kỹ sư cơ khí, năng động tìm nguồn điện cho người dân.
Cùng với tu phục của một nữ tu, đôi ủng cao su, mũ bảo hiểm của một công nhân xây dựng, sơ Alphonsine dành phần lớn thời gian trong ngày để điều khiển một nhà máy thuỷ điện nhỏ do chính sơ thiết kế và xây dựng, nhằm khắc phục tình trạng cắt điện hàng ngày ở thành phố Miti của sơ, một khu vực nằm ở phía đông của Congo. Sơ làm việc với một nhóm các nữ tu và kỹ sư, với những thao tác như tra dầu mỡ, kiểm tra máy móc máy phát điện cung cấp cho một tu viện, một nhà thờ, hai trường học và một trung tâm y tế.
Thành phố Midi luôn phải sống trong bóng tối vì không có điện. Khoảng 90 triệu người Congo đang sử dụng một hệ thống điện lạc hậu và quản lý kém, điều tệ hơn nữa là mặc dù nguồn điện ít nhưng phần lớn lại được sử dụng cho các mỏ khai thác hoặc chuyển ra nước ngoài.
Trước thực trạng này, thay vì than phiền sơ Alphonsine đã dám đưa ra một ý tưởng cấp tiến hơn, và bị cho rằng đi ngược lại với những ý tưởng thông thường. Năm 2015, sơ xin phép bề trên đi học kỹ sư và sau 7 năm, một nhà máy thuỷ điện nhỏ do chính sơ xây dựng, đang cung cấp điện cho khu vực.
Khi truyền thông thế giới biết về dự án và bày tỏ sự ngạc nhiên về nhà máy điện và hỏi sơ về ơn gọi của một nữ tu và dấn thân phục vụ người nghèo, hai điều có mâu thuẫn với nhau không. Sơ Alphonsine trả lời rằng chính trong cầu nguyện và tương quan với các chị em trong cộng đoàn đã giúp sơ mở ra sự hiện diện với thế giới bên ngoài và như thế sơ tập trung vào công trình của Chúa.
Sơ Alphonsine đã từng là người rất giỏi trong việc sửa chữa các sự cố điện trong tu viện, và với khả năng này, sơ đã thuyết phục bề trên cho phép sơ theo học kỹ sư. Trong những năm theo học sơ đã gây quỹ để có thể xây dựng nhà máy thủy điện mà sơ đã có trong tâm trí để đáp ứng nhu cầu của tu viện cũng như các hoạt động tông đồ của các nữ tu. Hiện nay, nhờ nguồn điện này, trong các lớp học, các em học sinh có thể sử dụng máy tính cá nhân ổn định; tại trung tâm y tế, các bác sĩ không phải lo lắng bị mất điện giữa các hoạt động chăm sóc chữa bệnh cho bệnh nhân. Hãng tin Reuters bình luận về công việc của sơ Alphonsine như sau: Nếu chúng tôi là ban biên tập của một tạp chí chỉ quan tâm đến điều gây chú ý, thì chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong quyết định đưa tin này thuộc thể loại nào. Đây là năng lượng sạch, vậy chúng ta đang nói về sinh thái ư? Chúng tôi đang đứng trước một phụ nữ đã phá vỡ những khuôn mẫu và có một ý chí mạnh mẽ, chúng tôi đang nói về niềm tự hào nữ quyền ư? Các sự kiện diễn ra ở châu Phi nghèo, có lẽ đó là một tin khẩn cấp nhân đạo ư? May mắn là chúng tôi không phải lựa chọn, bởi vì chúng tôi có một giả thuyết kết hợp những gì tách biệt theo cách dán nhãn đương thời.
Đây chính là sự vô lý khủng khiếp của thời hiện đại: thay vì sửa đổi các điều kiện để thích ứng với thực tại con người, thì lại đi thay đổi thực tại con người để phù hợp với các điều kiện. Ai quan tâm đến tâm hồn chứ không phải nhãn mác, thì mới là người làm việc thực sự. Nữ tu này có một sự thống nhất trong ơn gọi và hoạt động tông đồ, ở vùng đất nơi sơ đang hiện diện và cái nhìn về Thụ tạo. Sơ có khả năng cách mạng hóa một vùng đất có điều kiện bất lợi để bảo tồn và canh giữ những linh hồn được giao phó cho sơ. Sơ trở nên sáng tạo, dấn thân vì sinh thái.
“Nữ tu này giỏi thật”, chúng ta có thể chỉ dừng lại ở việc nói như vậy. Và coi đó là một câu chuyện tuyệt vời về sứ mạng Kitô hữu, nhưng cuối cùng, chẳng thấy liên quan gì đến bối cảnh của chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta cố gắng xem xét các yếu tố thực tế, chúng ta sẽ thấy sân vườn của ngôi nhà chúng ta. Chúng ta có biết làm thế nào để nhận ra tính cấp thiết của mảnh đất được giao cho chúng ta không để đóng góp vào môi trường? Ánh sáng nào bị thiếu ở đây? Việc làm của sơ Alphonsine không phải là muốn cứu Thế giới thứ ba, mà thực tế còn hơn thế nữa.
Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở một nữ tu sĩ với mũ bảo hiểm của một kỹ sư, một nữ anh hùng ở một vùng đất xa xôi và tuyệt vọng. Đúng hơn, câu chuyện này cho chúng ta thấy khả năng sáng tạo và phát triển mạnh mẽ trong một bối cảnh của con người, được Thiên Chúa giao phó cho một nơi chốn và một thời gian, và họ đón nhận sự tin tưởng này của Chúa với cái nhìn của những người xem mặt đất này như một bước để đến Thiên đàng.
Ngọc Yến – Vatican News