Một ngày trong năm 1938 một phụ nữ trung niên người Hoa tìm gặp tôi tại Cứ Điểm Truyền Giáo ở Hồng Kông. Bà rụt rè nói: ”Cúi lạy Cha, con không phải người Công Giáo, xin Cha miễn thứ nếu con quấy rầy Cha, nhưng con có một sứ điệp quan trọng cần chuyển đạt cho Cha .. Thưa Cha, con gái của bà bạn con bị bệnh lao phổi và có lẽ không sống được lâu. Tên Tàu của cô là Quan-Thị nhưng cô thích được gọi là Têrêsa. Cô muốn theo đạo Công Giáo, nhưng bệnh tình quá nặng, cô không thể đích thân đến gặp Cha. Vậy Cha có sẵn lòng đến gặp cô không?”. Không ngần ngừ một giây, tôi nhận lời tức khắc.
Người đàn bà nói tiếp: ”Ồ, lạy Cha, Cha thật tốt lành! Nhưng bà bạn nhờ con nhắn trước với Cha rằng, nếu Cha nhận lời đến, xin Cha liệu cách hết sức kín đáo. Ông chồng của bà không thích các tín hữu Kitô và ông không muốn con gái cưng của ông theo đạo Công Giáo. Ông ngăm đe bà vợ rằng ngày nào có vị Linh Mục nào dám bén mảng tới nhà, ông sẽ ‘đá đít’ ra khỏi nhà! Vậy tốt nhất Cha nên đến vào buổi sáng, lúc ông đã đến sở làm việc. Lạy Cha, xin Cha nhớ cẩn thận!”. Nói xong, người đàn bà viết nghệch nghoạc trên mảnh giấy nhỏ địa chỉ của cô Têrêsa, rồi cáo biệt ra về.
Tôi dò hỏi thì được biết ông Lộ hành nghề luật sư và nổi tiếng trong vùng. Ông có hai vợ. Têrêsa là con vợ bé. Bà này sống ở phía tây thành phố. Trong khi ông Lộ sống với vợ lớn nơi căn nhà ở trung tâm thành phố.
Vào một buổi sáng tôi tìm đến nhà Têrêsa. Căn nhà cũ kỹ nằm trong khu phố không có bóng dáng người ngoại quốc nào. Tôi cảm thấy ngượng ngùng lúng túng dưới hàng trăm con mắt của lũ trẻ và của những người đàn bà. Tôi bước vội lên lầu một. Bà Lộ lịch sự tiếp rước tôi. Bà rót nước trà mời tôi. Sau cùng bà đưa tôi đến gặp Têrêsa.
Tôi thật xúc động khi trông thấy cô gái. Cô nằm dài trên chiếc giường bằng gỗ và đầu gối trên viên gạch nung. Căn phòng không sáng và không rộng lắm. Thân hình cô gầy guộc vì bệnh tình khá lâu. Tuy nhiên cô vẫn giữ nguyên nét đẹp của một thiếu nữ ở tuổi trăng tròn với bộ tóc dài đen óng mượt với đôi mắt tinh anh rực sáng trên khuôn mặt xanh xao. Bằng tiếng Anh – với cung giọng đặc biệt của học sinh người Hoa – Têrêsa kể cho tôi nghe là khi học ở trường Tin Lành tiếng Anh, cô chọn tên Têrêsa chỉ vì thích âm giọng của tên gọi. Chỉ sau đó cô mới có dịp nghe nói về thánh nữ Têrêsa thành Lisieux. Cô cảm thấy yêu thích cuộc đời Chị nữ tu Nhà Kín trẻ tuổi và ước ao trở thành tín hữu Công Giáo giống Chị.
Têrêsa thật sự bày tỏ nguyện vọng được rửa tội. Tôi hứa sẽ nhờ một phụ nữ trẻ tuổi Công Giáo dạy đạo cho cô, đồng thời bà sẽ cho tôi biết tin tức đều đặn về cô.
Ba tháng sau, bà Ellen – phụ nữ Trung Hoa tôi nhờ lo dạy đạo cho Têrêsa – báo cho tôi biết bệnh tình trầm trọng của Têrêsa. Tôi liền đến thăm. Vừa trông thấy tôi, Têrêsa xin tôi rửa tội cho cô, vì cô đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhận thấy cô mệt nhiều và nói một cách khó khăn, tôi tức tốc rửa tội cho cô và trao Mình Thánh Chúa cho cô. Bà Ellen trở thành Mẹ Đỡ Đầu cho Têrêsa.
Được rửa tội và được rước Đức Chúa GIÊSU vào lòng, Têrêsa sốt sắng cầu nguyện, khuôn mặt chan chứa niềm an bình hạnh phúc. Khi từ biệt cô gái, tôi giơ tay ban phép lành cho cô. Têrêsa ngước nhìn tôi với ánh mắt tràn ngập niềm vui và lòng tri ân. Tôi không bao giờ quên cái nhìn này.
Khi trở lại cứ điểm truyền giáo tôi cảm thấy lòng buồn rười rượi. 20 phút sau, bà Ellen gọi điện thoại cho tôi và nói: ”Kính thưa Cha! Têrêsa vừa mới trút hơi thở cuối cùng. Rõ ràng là cô gái chờ Cha để chết! Cô chết trong an bình với nụ cười trên đôi môi!”.
Tôi chỉ tỏ ý tiếc vì không thể cử hành nghi lễ an táng theo phép đạo Công Giáo cho Têrêsa.
Ngày kế tiếp sau khi Têrêsa qua đời, tôi thật ngạc nhiên khi bà Ellen bất ngờ gọi điện thoại cho tôi. Bà nói: ”Kính thưa Cha, Cha có tin được là ông Lộ mời Cha đến tham dự lễ an táng cô Têrêsa chiều nay không? Ông thật hài lòng vì Cha đã rửa tội cho Têrêsa!”. Buổi chiều hôm đó, trong lòng chen lẫn chút hồi hộp, tôi đi đến nhà Têrêsa.
Căn nhà nhỏ bé hôm nay nghi ngút khói hương. Vị Sư đang gõ mỏ tụng kinh. Tôi cảm thấy hơi lúng túng lạc loài trong khung cảnh hoàn toàn Phật Giáo. Khi nhìn ra quan tài đặt sát tường, tôi rẻ đám người đứng kín gian phòng, từ từ tiến lại gần quan tài. Chính lúc này đây, một người đàn ông – trạc tuổi 50 dáng điệu chững chạc, ăn mặc lịch sự theo kiểu người Hoa – đến bên cạnh tôi và nói:
– Kính thưa Linh Mục, tôi là thân sinh của Quan-Thị. Chính ngài đã rửa tội cho con gái cưng của tôi. Xin ngài nhận lòng biết ơn chân thành của tôi.
Tôi hoàn toàn không hiểu gì cả. Không phải chính ông đã ngăm đe mọi người sao??? Tôi còn đang ngạc nhiên thì ông nói tiếp:
– Thưa Linh Mục, ngài đã ban cho gia đình tôi một ân huệ thật lớn lao. Nhưng liệu ngài có miễn thứ nếu tôi dám xin ngài ban một ân huệ khác, lớn lao hơn không?
Dĩ nhiên là tôi hoàn toàn chấp nhận vì thầm nghĩ có lẽ ông muốn tôi cử hành lễ an táng cho Têrêsa theo nghi thức Công Giáo. Ông Lộ nói tiếp:
– Linh Mục biết không, có một điều tôi không hiểu được. Vợ tôi nói với tôi là con gái tôi chết an bình hạnh phúc. Khi tôi đến, ngay sau khi con tôi vừa tắt thở, tôi thật xúc động khi nhìn thấy gương mặt tươi vui của Quan-Thị. Con bé có vẻ đang mơ một giấc mơ đẹp. Suốt đời, tôi chưa từng trông thấy người nào chết tốt lành như thế. Tôi luôn luôn nghĩ Quan-Thị sẽ cảm thấy bất hạnh vì mệnh yểu. Nhưng tôi đã lầm. Do đó tôi nghĩ rằng tôn giáo của ngài thật khác xa tôn giáo của tôi. Nếu tôn giáo của ngài gây hiệu quả tốt lành như thế hẳn có điều gì đó vượt quá tầm hiểu biết của tôi. Tôi ước ao biết rõ hơn về tôn giáo của ngài. Ngài có bằng lòng nói với tôi về tôi giáo của ngài không?
Tôi chấp thuận. Ông Lộ hứa sẽ điện thoại cho tôi.
Tôi ra về lòng buồn rười rượi với ý nghĩ ”Têrêsa không được an táng theo nghi lễ Công Giáo”. Mấy ngày sau, tôi đến nghĩa trang Aberdeen dành cho người Hoa ở Hồng Kông và làm phép ngôi mộ của Têrêsa.
Hai tuần sau, ông Lộ mời tôi đến dùng bữa tại nhà ông. Trong bữa ăn, ông hỏi tôi về sự khác biệt giữa Kitô Giáo và Khổng giáo. Tôi cố gắng trả lời cho ông hiểu một cách vắn gọn. Tôi nói:
– Khổng giáo đúng ra là một lề luật luân lý hơn là một đạo giáo. Người theo Khổng giáo thường hành đạo vì sợ hãi và vì muốn cho tâm trí được an bình. Khổng giáo không hề dạy về Tình Yêu của THIÊN CHÚA. Trái lại, Kitô Giáo đặt nền tảng trên Tình Yêu và chúng tôi tin THIÊN CHÚA là CHA. THIÊN CHÚA là CHA dựng nên chúng ta để chúng ta vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu và để cho quan hệ của chúng ta với Ngài là quan hệ tình yêu, giống như tình phụ tử của Cha đối với con và lòng thảo hiếu của con đối với Cha.
Tôi vừa nói vừa chăm chú nhìn ông. Ông Lộ cũng chăm chú nhìn tôi như uống từng lời tôi nói. Mắt ông long lanh ngời sáng. Khi tôi nói xong, ông nhắm mắt lại một lúc. Sau đó ông để hai ngón tay trên môi và thầm thì nói với tôi:
– Như thế, Linh Mục muốn nói rằng THIÊN CHÚA yêu tôi như con của Ngài và Ngài cũng muốn tôi yêu mến Ngài như chính Cha tôi vậy? Thật là tuyệt diệu! Suốt đời, tôi chưa từng nghe nói như thế bao giờ!
Sau thời gian tìm hiểu Kitô Giáo, ông Lộ nói với tôi:
– Thưa Cha Maestrini, những gì Cha nói với con thì thật hay và thật đẹp. Do đó con muốn chia sẻ với người đồng hương của con. Con tin chắc chắn rằng hàng triệu người Hoa chưa hiểu rõ ý nghĩa đích thực của Kitô Giáo. Con sẽ viết một cuốn sách bằng tiếng Trung Hoa với tựa đề: ”Sứ điệp đích thực của Kitô Giáo là TÌNH YÊU”.
Tôi hoàn toàn đồng ý và giúp ông hoàn thành cuốn sách này.
Cuốn sách thành công đến độ vị giám đốc Đại Học Công Giáo Bắc Kinh xem là tác phẩm văn chương Công Giáo hay nhất viết bằng tiếng Trung Hoa cổ điển kể từ sau các tác phẩm của nhà truyền giáo người Ý, Cha Matteo Ricci(1552-1610) ở thế kỷ XVII.
Câu chuyện trên do Cha Nicola Maestrini (1908-2010) người Ý kể lại. Cha thuộc Hội Thừa Sai Milano PIME và truyền giáo tại Hồng Kông trong vòng 20 năm 1930-1950.
… ”Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA ủi an. Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được THIÊN CHÚA xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy THIÊN CHÚA. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con THIÊN CHÚA. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh chị em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh chị em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh chị em ở trên Trời thật lớn lao” (Matthêu 5,3-12).
(”Missions Étrangères de Paris”, Juin/1994, trang 171-174)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt