Ở Ba Lan, trong thời gian qua, một đài phát thanh đã thành công trong các chương trình dành riêng cho người lớn tuổi và những người thiểu năng tâm thần.
Radio Sovo là tên gọi của đài phát thanh đặc biệt này. Đài phát thanh này có điểm đặc biệt: không phải là đài phát thanh Internet như các đài phát thanh khác, và được tạo ra từ những người lớn tuổi và những người bị thiểu năng tâm thần.
Hiện nay, ở Ba Lan Radio Sovo có 30 chi nhánh, 15 trong số này được điều hành bởi những người cao niên và các nhà báo bị thiểu năng tâm thần.
Một giáo sư đang giảng dạy tại một trường đại học nói về Radio Sovo: “Tôi luôn tìm kiếm những điều mới mẻ. Vì thế khi đang giảng dạy môn toán tôi được giới thiệu về dự án của Radio Sovo, lập tức tôi tham gia và tôi cảm thấy thực sự vui khi được tham gia với chương trình phát thanh đặc biệt này”.
Giáo sư nói thêm: “Radio Sovo đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên mới mẻ. Trong cuộc sống, tôi là một người dễ hoà đồng nhưng đồng thời tôi luôn ngại tiếp xúc với người lạ. Nhưng giờ đây điều này không còn nữa, vì tôi được làm việc với những người rất tuyệt vời. Với thời gian tôi có được nhiều kỹ năng làm việc hơn. Chúng tôi luôn cố gắng để chương trình trở nên chuyên nghiệp hơn”.
Những nỗ lực của các nhà báo của Radio Sovo đã mang lại kết quả: Chi nhánh Gniew do ông Ryszard, 81 tuổi điều hành đã dành được giải thưởng của thị trưởng cho các hoạt động xã hội trong năm 2021 vừa qua.
“Điều quan trọng nhất trong dự án của chúng tôi là cho đến nay những nhóm người bị loại trừ, do tuổi tác hoặc do khuyết tật, có thể cảm thấy mình quan trọng, được đánh giá cao và có vai trò là giáo viên cho những người khác, trong việc truyền tải kiến thức về thế giới. Nhờ đó, họ cảm thấy mình hữu ích”, Magdalena Janczewska, tổng biên tập của Radio SoVo của Quỹ Bảo vệ Văn hoá nhận xét và nói thêm: “Các nhà báo của Radio chúng tôi rất tự hào khi có thẻ báo chí. Họ đã phát triển khả năng báo chí thực sự của mình”.
Dawid Klein chịu trách nhiệm chính của chi nhánh Radio Tczew, là một trong những nhóm biên tập có mặt tại cuộc tuyển chọn ứng cử viên Ba Lan cho Eurovision 2021 nói: “Dự án này cho phép những người thiểu năng tâm thần vượt qua các rào cản. Thường sau hai năm làm việc ở đài phát thanh, họ trở nên tự tin hơn. Họ không ngại tiếp xúc với người khác. Họ phát triển khả năng kỹ thuật số bằng cách tạo ra các chương trình”.
Dawid Klein giải thích: “Những người được chúng tôi phỏng vấn, đặc biệt những nghệ sĩ nổi tiếng đôi khi ngạc nhiên trước những câu hỏi của các nhà báo của chúng tôi. Nội dung các câu hỏi khác những lần họ được phỏng vấn. Một lần, trong một cuộc phỏng vấn ở hậu trường phóng viên của chúng tôi hỏi một nghệ sĩ: Hồi nhỏ ông thích ăn món gì? Một câu hỏi gây ngạc nhiên nhưng lại đưa đến một cuộc trò chuyện rõ ràng không ngại ngùng. Đối với nhiều người được phỏng vấn, đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc với người khuyết tật”.
Magdalena Janczewska nhấn mạnh rằng ngay từ đầu cô đã quan tâm đến mục tiêu của dự án để tránh những câu hỏi về chính trị hoặc ý thức hệ. Cô nói: “Chúng tôi muốn truyền tải những tin tích cực”.
Sau hai năm hoạt động, Dự án được tài trợ bởi Chương trình Hoạt động Kỹ thuật số Ba Lan, sẽ kết thúc vào tháng 9/2022. Mọi người không biết Radio SoVo có tồn tại được hay không, mặc dù những ai hoạt động báo chí đều đánh giá rất cao.
Magdalena Janczewska cho biết: “Hiện chúng tôi đang tìm kiếm nguồn tài trợ để cho phép đài tiếp tục hoạt động. chúng tôi hy vọng sẽ huy động được số tiền cần thiết. Những người lớn tuổi và những người bị thiểu năng trí tuệ của chúng tôi chỉ đơn giản là đã phát triển tốt trong dự án này. Và đó là điều vô giá. Cô kết luận “Và ngay cả khi dự án kết thúc, điều đó sẽ không ngăn cản các nhà báo hoạt động. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình và đưa chúng lên web”.
Những người đã đưa ra dự án Radio Sovo đã sống theo những lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong sứ điệp gửi đến Hội nghị lần thứ hai về Sức Khoẻ Tâm thần của Ý, 25/6/2021, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cần tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe để bảo vệ bệnh nhân tâm thần, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ cho những ai tham gia nghiên cứu khoa học về những bệnh lý này. Mặt khác, cần phải thúc đẩy các hiệp hội và tổ chức tình nguyện làm việc cùng với người bệnh và gia đình của họ.
Đức Thánh Cha lưu ý, cần phải khắc phục sự kỳ thị liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần và làm cho “văn hóa cộng đồng” chiếm ưu thế hơn so với não trạng “vứt bỏ” – một văn hoá thường coi trọng những người mang lại lợi ích sản xuất cho xã hội, và quên những người đau khổ. Vì thế, cần phải có một hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp không bỏ lại bất kỳ ai, phải chăm sóc tất cả mọi người “một cách toàn diện và có sự tham gia của mọi người”.
Ngọc Yến – Vatican News