Sơ Ariane và “Nhóm Gặp Gỡ” trên đường phố Langstrasse, Thụy Sĩ

Câu chuyện của sơ Ariane cùng với các thành viên của “Nhóm Gặp Gỡ”, giúp đỡ những người nghèo, gái mãi dâm, người vô gia cư và nghiện ma túy trên đường Langstrasse ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ. Hiện nay, do đại dịch các hoạt động bác ái của Nhóm càng phải năng động và cấp thiết hơn.
 

Ngọc Yến – Vatican News

Khu phố Langstrasse là một trong những nơi có nhiều ngóc ngách nhất của Zurich. Trong thời gian này, các hoạt động về đêm của khu phố như các quán bar, các nhà hàng đều đóng cửa. Nhưng ngược lại, tại nơi đây, vào mỗi chiều tối các hoạt động của sơ Ariane, nơi sơ đã biết rất rõ lại càng cấp thiết hơn. Từ khi băt đầu cuộc khủng hoảng đại dịch, sơ cùng với “Nhóm Gặp Gỡ” do chính sơ thành lập đã gia tăng các hoạt động bác ái dành cho những người đang cần được giúp đỡ.

Sơ Ariane phân phát các bữa ăn nóng cho những người nghèo dọc theo các con đường của Zurich. Ngoài ra, vào ngày thứ Bảy những người gặp khó khăn còn nhận được từ nhóm của sơ các gói thực phẩm và đồ dùng vệ sinh cá nhân. Nhóm tình nguyện của sơ Ariane gồm 80 bạn trẻ làm việc liên kết với Cộng đoàn Thánh Egidio.

“Trên vỉa hè khóc”

Sơ Ariane chia sẻ về những hoạt động của nhóm trong thời gian này: “Thời gian này, chúng tôi phải làm việc nhiều hơn. Do các biện pháp cách ly xã hội, có những buổi chiều tối khi đi ngang qua những dãy phố với những quán bar đóng cửa, tôi thấy những thiếu nữ đứng khóc trên vỉa hè vì họ không còn khách hàng. Tôi bị xúc động mạnh và tự nhủ tôi phải hành động”.

Thực tế, biện pháp cách ly xã hội do chính phủ đưa ra đã đẩy tình trạng những người sống trên các hè phố có đời sống bấp bênh lại càng trở nên khó khăn hơn. Những người kiếm tiền trên vỉa hè, những người đôi khi không còn con đường nào khác đành phải bán thân. Đa số họ là những người nhập cư không có giấy tờ cá nhân nên rất khó kiếm việc làm. Họ là thành phần, trước đó được các tổ chức buôn người lừa lấy hết tiền và hứa đưa tới vùng đất gọi là “thiên đàng” nhưng rồi tới nơi giấc mộng vỡ tan. Họ còn là những người phải chạy trốn chiến tranh, những cuộc nội chiến đẫm máu, ở lại cũng chết, và thế là liều mình ra đi tìm đến một nơi mà hy vọng có thể sống sót. Bản năng sống vẫn còn trong họ; vì thế, khi không thể kiếm việc làm họ đành nhắm mắt bán thân nuôi miệng. Nhưng giờ đây, đại dịch với lệnh cách ly xã hội họ chẳng biết bám víu vào đâu. Như thế, với những bữa ăn tối, những gói thực phẩm và đồ dùng cá nhân của “Nhóm Gặp gỡ” thực sự là cái phao cho cuộc sống của họ.

Một tia sáng trong ánh mắt

Mỗi chiều tối, nhóm chia thành từng đội nhỏ khoảng 20 người. Tất cả mặc đồng phục áo xanh kết hợp với khẩu trang và bao tay như quy định về an toàn cho chính mình và cho người khác trong thời điểm đại dịch.

Sau khi tập trung tại một nơi để chuẩn bị các gói thực phẩm, đồ dùng, và đồng thời trao cho nhau những lời động viên tinh thần, mọi người bắt đầu tỏa đi khắp mọi ngóc ngách của đường phố, đến gặp những người đang chờ đợi họ. Các gói thực phẩm trao cho những người sống trên đường phố gồm các loại thực phẩm có thể giúp họ sống trong một tuần. Ngoài ra còn có có các đồ dùng vệ sinh cá nhân tối thiếu như kem và bàn chải đánh răng, xà bông, chất khử trùng và vitamin. Các tình nguyện viên cho biết họ luôn nhận được những ánh mắt ánh lên niềm hy vọng khi đến với người nghèo.

Đường phố là nhà thờ của sơ Ariane

Sơ Ariane cho biết, khi nhận thấy tình hình nguy cấp của những người phải kiếm sống từng ngày trong đại dịch, ngay lập tức sơ Ariane tổ chức một cuộc quyên góp. Có 17 giáo xứ Công giáo và 10 giáo xứ Tin lành đã hưởng ứng và đóng góp cho hoạt động bác ái của sơ. Nhóm bắt đầu với 70 gói thực phẩm và hôm nay là 800 gói.

Sơ Ariane gần như biết rõ những người được sơ giúp đỡ. Đối với sơ, công việc này là một ơn gọi. Sơ chia sẻ: “Tôi tự hỏi: Nếu ở trong hoàn cảnh này Chúa Giêsu làm gì? Ngài sẽ đi tìm kiếm và gặp gỡ những người đang sống bên lề xã hội”. Đây chính là câu châm ngôn sống của nhóm và để giúp các thành viên nghi nhớ và sống tinh thần này nhóm đã quyết định viết hàng chữ “Gặp gỡ” trên áo đồng phục của nhóm.

Đối với sơ Ariane, giờ đây, đường phố là nhà thờ. Sơ không chỉ phân phát các túi thức ăn mà còn dành cả buổi chiều để lắng nghe những người đang cần được cảm thông. Sơ chia sẻ: “Sự hiện diện, xây dựng tình bạn là điều cần thiết. Nhu cầu, sự cô đơn của những người bạn đường phố của chúng tôi rất là lớn”.

Rủi ro trong khi dấn thân

Sơ cho biết mặc dù làm việc bác ái không có nghĩa là mọi sự đều suôn sẻ. Có lần sơ đã bị người nghiện ma túy trong cơn say đã tấn công sơ. Sơ rất sợ nhưng như sơ xác quyết: “Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại hoạt động tông đồ đường phố này”.

Chia sẻ Bài này:

Related posts