Một bác sĩ trẻ tài năng nhưng khiêm nhường, sống rất nhân bản, sống yêu thương và phục vụ tha nhân theo tinh thần của Đức Kitô. Anh đúng là một nhà truyền giáo dù không được Giáo hội chính thức sai đi, là một tâm hồn vĩ đại, và là một thầy thuốc của lòng thương xót. Đó là một ơn gọi.
Xin trân trọng giới thiệu “tấm gương sáng” của bác sĩ trẻ Công giáo này để cùng học hỏi…
BS Thomas Heyne được nhận Giải thưởng uy tín năm 2012 là Giải Ho Din của ĐH Y dược Tây nam Texas.
Đức tin Công giáo của anh ảnh hưởng gia đình, và nhiệm vụ tới các nước thuộc Thế giới thứ ba đã khiến anh muốn phục vụ “những người nghèo nhất trong những người nghèo” theo tinh thần của Chân phước Mẹ Teresa Calcutta. BS trẻ Thomas Heyne 28 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH Dallas, bang Texas, khoa Lịch sử và Sinh học, có bằng thạc sĩ thần học của ĐH Oxford ở Anh, và hoàn tất chương trình Fulbright Fellowship về nghiên cứu tôn giáo.
Trước khi tới Boston làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, chuyên khoa nhi, anh đã trả lời phỏng vấn của NCRegister về mối quan tâm tới nhân đạo trong lĩnh vực y khoa.
Xin anh cho biết về gia đình và việc thụ hưởng nền giáo dục Công giáo.
Tôi là con thứ 6 trong 8 anh chị em: Em gái kế tôi là nữ tu đã vĩnh khấn. Chị tôi tốt nghiệp ĐH Công giáo Hoa Kỳ, có gia đình và là luật sư bảo vệ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Cha tôi là BS Roy Heyne, chuyên khoa nhi, mẹ tôi là BS Elizabeth Heyne và là nhà tư vấn tâm lý. Cha mẹ tôi quan tâm các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã thành lập Trung tâm Phát triển Trẻ em Sinh thiếu tháng để chăm sóc các gia đình của các em này. Cha mẹ tôi thực sự hít thở không khí Tin Mừng. Cha mẹ đưa chúng tôi đi lễ hằng ngày tại tu viện Xitô và lần chuỗi Mân Côi chung hằng đêm trước khi đi ngủ. Công việc của cha mẹ tôi làm vì người nghèo (và vì chúng tôi) là tấm gương sáng ghi sâu trong lòng chúng tôi.
Điều gì thúc đẩy sự quan tâm của anh về ngành y và đặc biệt là nhu cầu cần thiết về y tế của người nghèo?
Chắc chắn tôi ảnh hưởng giáo dục. Có 5 thế hệ gia đình tôi làm y bác sĩ và y tá, có thể ngành y đã mã hóa gen của chúng tôi. Hồi nhỏ, Matthêu 25:31-46 nói về cuộc phán xét, Chúa Giêsu nhắc tới việc phục vụ “những người bé mọn nhất là phục vụ chính Ngài”, Thánh Phanxicô Assisi và Chân phước Mẹ Teresa Calcutta đã sống như vậy và cuộc đời các ngài đã in đậm trong tôi. Theo tôi, chúng ta phải hợp lý hóa các giáo huấn của Đức Kitô về sự nghèo khó. Tôi càng đi nhiều, càng nhận thấy nhiều người sống trong những điều kiện hầu như không được nghe đến ở Hoa Kỳ. Ý tưởng phục vụ “những người nghèo nhất” có vẻ vừa hợp lý vừa tốt lành.
Công tác y tế của anh ở Mexico, Haiti, Ấn Độ, các nước Phi châu và Mỹ châu Latin đã ảnh hưởng anh thế nào?
Từ viễn cảnh y tế, tôi học thêm các lĩnh vực y học mà tôi không biết: Người ta không gặp nhiều bệnh sốt rét, bệnh leishmaniasis (do ký sinh leishmania gây ra), bệnh sởi, bệnh thấp tim (rheumatic heart disease), chứng kwashiorkor (suy dinh dưỡng thể phù),… ở Hoa Kỳ. Từ viễn cảnh nhân đạo, tôi thấy những con người sống với phẩm giá và niềm tin giữa những điều kiện sống đau khổ. Tôi khâm phục sự đại lượng và cao quý của họ.
Ngay cả khi chúng ta nhận phần thưởng này hay phần thưởng nọ, ngay cả trong những ngày chúng ta hạnh phúc nhất, chúng ta cũng chỉ có thể nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10). Nếu gặp hoàn cảnh tương tự, có bao nhiêu người làm được hơn? Tôi nghĩ tới một em bé sắp chết đói mà tôi gặp ở Uganda, nhiều người bị mất chân hoặc mất tay ở Haiti, hoặc một phụ nữ bị bệnh lao xương nặng ở Ấn Độ. Những người này có thể đã làm được những điều vĩ đại hơn nếu họ có cơ hội tốt như chúng ta.
Từ viễn cảnh tâm linh, tôi đã đến những nước hầu như không nghe nói tới Phúc Âm hoặc các nước Công giáo vẫn có nhiều người hầu như không biết gì về đức tin. Sau khi học các trường Công giáo, tôi và một bác sĩ Tin Lành cùng đi công tác, tôi bắt đầu phản ánh sâu sắc về giáo huấn Công giáo đối với sự ủy thác nhiệm vụ.
Qua sự hấp thụ giáo dục, anh đã được một số giải thưởng và rất tích cực đưa ra các sáng kiến. Điều gì thúc đẩy anh thành lập Huynh đoàn Thánh Basiliô Cả tại ĐH Tây Nam Texas?
Huynh đoàn Thánh Basiliô là một hội “lạ” trong trường y dược. Tôi cảm hứng từ một thành viên trong khoa đề nghị rằng chiến lược ở trường thuốc không nên chỉ là sinh tồn mà còn là tiến bộ (nỗ lực làm thánh, phát triển đức tin và giúp đỡ người khác cũng làm như vậy). Trường y dược là cơ hội minh chứng đối với người khác, giúp họ đến gần đức tin và đến gần tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Thánh Basiliô Cả là giám mục GP Caesarea, thế kỷ IV, là người mở bệnh viện công đầu tiên cho người nghèo (gọi là Basiliad). Chọn ngài là Thánh bảo trợ, chúng tôi muốn nhấn mạnh sự ảnh hưởng tích cực mà Công giáo đối với y tế, nhất là đối với người nghèo.
Thành công của nhóm không là gì, chỉ có 200 người (cả Công giáo và không Công giáo) trong vòng 2 năm thành lập nhóm. Những người đến với những buổi nói chuyện buổi trưa của chúng tôi vì chất lượng giới thiệu, thường do các bác sĩ địa phương đảm trách hoặc các phát ngôn viên được hoan nghênh như Peter Kreeft. Qua những buổi nói chuyện này, cũng như việc phục vụ và tâm linh, chúng tôi cố gằng loan truyền tình yêu của Thiên Chúa, của Giáo hội và lòng nhân đạo.
Anh có dự định riêng cho tương lai?
Tôi nói được tiếng Tây Ban Nha và tôi thích văn hóa Latin, cho nên tôi nghĩ tới việc hành động ở một trong các nước nghèo đói của Mỹ châu Latin, có thể mở một bệnh viện Công giáo hoặc hỗ trợ một tổ chức Công giáo phi chính phủ nào đó. Dĩ nhiên, tôi muốn một chiều kích tâm linh đối với công việc của tôi. Tôi cũng nghĩ tới việc giúp mở một trường học, giúp một giáo phận hoặc một tổ chức tôn giáo về các chương trình giáo dục.
Các khó khăn về y tế ở Hoa Kỳ thì sao?
Bạn không cần là một thầy thuốc cũng có thể nhận ra rằng hệ thống y tế ở Hoa Kỳ có những vấn đề quan trọng. Nhưng, thành thật mà nói, nhu cầu y tế và các vấn đề của các nơi như Uganda hoặc Haiti làm còi cọc các mối quan tâm của chúng ta.
Một vấn đề khác là vấn đề đạo đức hoặc chính trị đối với cuộc sống. Đặc biệt vào lúc này, chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện cho việc giải quyết tích cực về nhiều vấn đề đang được giải quyết tại các tòa án. Chúng ta được mời gọi yêu thương và và bảo vệ con người, kể cả các thai nhi, những người già, những người nghèo và những người nhập cư.
Đối với tôi, các vấn đề trong HHS [Health and Human Services – lệnh y tế và con người] là nghiêm trọng. Ngay khi còn là sinh viên y khoa, tôi đã cố gắng tìm cách hoàn tất phần việc liên quan sản phụ khoa mà không vi phạm lương tâm (một số thầy thuốc cho rằng thuốc phá thai hầu như là thuốc chữa bệnh). Khó để là một người Công giáo tích cực trong cộng đồng y dược ngày nay. Đó là lý do khác mà chúng tôi thành lập Huynh đoàn Thánh Basiliô Cả, nhằm “củng cố các bác sĩ tương lai đang bị áp lực đè nặng trên đe dưới búa”.
Chân phước Mẹ Teresa Calcutta đã ảnh hưởng ơn gọi y tế của anh thế nào?
Tôi may mắn được làm việc với các nữ tu Dòng Truyền giáo Bác ái (Missionary of Charity) ở nhiều nước, tấm khăn sari trắng với đường viền xanh luôn khiến tôi vui. Mẹ tôi đã đưa Mẹ Teresa tới Dallas để mở cơ sở của Dòng Truyền giáo Bác ái. Mẹ Teresa sống cơ bản, giản dị và chính thống về Phúc Âm – cầu nguyện tập trung vào Thánh Thể, trực tiếp phục vụ những người nghèo và những người bị bỏ rơi, nhân đức tôi luyện trong sự nghèo khó, khiết tịnh và bác ái. Cách sống đó nói mạnh với thế giới hậu hiện đại. Mẹ Teresa luôn vui vẻ, tươi cười, đó là châm ngôn sống cho mọi người: “Hãy mỉm cười về mọi thứ, hãy dâng tất cả cho Chúa bằng một nụ cười vui vẻ”.
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)