… Trong vòng hơn 10 năm, tôi thường xuyên viếng thăm các tù nhân với tư cách trợ tá nhân viên thiện nguyện. Đây là thời gian ghi đậm nơi tôi kinh nghiệm và kỷ niệm khó phai mờ. Tôi nhớ rõ tâm tình chấn-động phản-loạn cùng với hoàn cảnh cá nhân và gia đình đau thương của các tù nhân, do chính họ kể cho tôi nghe. Chúng tôi tạo nên và dệt thành mối quan hệ vừa thân hữu vừa tín trung bền chặt.
Đối với tôi, mỗi lần viếng thăm tù nhân là một kinh nghiệm mới mẻ, đôi khi là xúc động mãnh liệt. Trong số các tù nhân tôi đặc biệt thăm viếng tù nhân trẻ tên Antonio. Tôi phân chia thời gian dành cho Antonio và cho các tù nhân khác, những ai muốn chia sẻ đối thoại với tôi.
Mỗi Chúa Nhật, tôi đích thân đến nhà tù Rebibbia ở trung tâm thủ đô Roma. Sau Thánh Lễ, tôi đến phòng giam của Antonio. Chúng tôi trao đổi tâm tình, giải bày tâm sự và giúp nhau xây dựng cuộc đời. Thật ra gặp gỡ trao đổi với các tù nhân không phải chuyện dễ dàng. Nhưng với nhãn hiệu và danh xưng nhân-viên thiện-nguyện chúng tôi được tiếp nhận về cả hai phía: tù nhân và nhân viên canh tù.
Một ngày Antonio hỏi tôi:
– Các anh chị là ai mà dành riêng trọn Chúa Nhật để đến đây viếng thăm chúng tôi? Làm việc cả tuần, Chúa Nhật cần nghỉ ngơi, thế mà các anh chị lại hy sinh thời giờ nghỉ ngơi để đến đây làm công tác tông đồ???
Câu hỏi vừa gây thắc mắc vừa là phương thuốc chữa lành vết thương hận thù của tù nhân đối với xã hội bên ngoài. Bởi lẽ các nhân viên thiện nguyện thi hành công tác hoàn toàn nhưng không và nhân đạo, được thúc đẩy từ Tình Yêu vô bờ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ con người.
Với thời gian, tôi nhận ra công tác tông đồ cạnh các tù nhân mang lại bước tiến nho nhỏ thật khiêm tốn. Dầu vậy, không phải là không hữu ích. Tiếp xúc với tù nhân đòi hỏi kín đáo, tế nhị, kính trọng và nhất là yêu thương. Chính tình yêu là phương thuốc hữu hiệu có sức chữa lành các vết thương.
Đối với Ban Giám Đốc và nhân viên canh tù Rebibbia thì chúng tôi gặt hái thành quả lớn lao hơn. Được thế là nhờ tấm lòng quảng đại bao la của vị giám đốc nhà tù. Ông tỏ ra xứng đáng với cương vị điều khiển các tù nhân. Ông thông minh, nhưng nhất là ông có tấm lòng vàng. Ông dành nhiều dễ dãi và ưu tiên cho nhóm nhân viên thiện nguyện thuộc Tu Hội Pro Sanctitate. Nhờ vậy chúng tôi có thể thi hành công tác tông đồ bên cạnh các anh chị em tù nhân đáng thương đáng mến.
Trở lại với câu chuyện tù nhân trẻ tuổi Antonio.
Antonio từ từ biến đổi trên hai bình diện nhân bản và luân lý đạo đức. Đến phiên mình, Antonio trở thành ”tông đồ” bên cạnh các anh chị em tù nhân khác. Antonio liên hệ đặc biệt với một tù nhân trẻ, từng chuyên nghề cạy cửa ăn cắp trong các khu chung cư. Antonio vui vẻ nói với tôi:
– Em đang làm trợ tá thiện nguyện giống y như anh. Hy vọng em cũng sẽ thành công như anh đã thành công với em vậy!
Nhờ hạnh kiểm tốt, Antonio hưởng nhiều đặc ân. Đặc ân sau cùng là giảm án tù. Antonio ra khỏi tù với con người mới, hoàn toàn thay đổi. Hiện tại Antonio lập gia đình và có con cái. Hy vọng giờ đây, lầm lỡ tuổi trẻ và tháng ngày tù tội nơi nhà giam Rebibbia chỉ còn là bóng mờ của dĩ vãng đau thương!
Chứng từ của anh Agostino Gherardini, Phong trào Nên Thánh Đại Đồng – Pro Sanctitate.
… ”Có người yếu đuối cần được nâng đỡ, sức lực thua kém, túng thiếu trăm bề, mà THIÊN CHÚA lại ghé mắt nhìn xem, để thi ân cho họ, và cất nhắc họ lên khỏi cảnh khốn cùng. Người làm cho họ ngẩng đầu hiên ngang, khiến nhiều kẻ phải ngạc nhiên về họ. Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do THIÊN CHÚA. Phúc lộc của THIÊN CHÚA còn mãi cho những người đạo hạnh, và tình thương của Người hướng dẫn họ đến muôn đời” (Huấn Ca 11,12-17).
(”Il MASSIMALISSIMO per un impegno di vita”, anno XVIII, n.104, Novembre-Dicembre 2004, trang 51-53)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt