Khi thấy Bác Sĩ Tom Dooley leo lên bàn mổ người ta không khỏi buồn cười. Đối với các phụ tá của ông, dường như đó là chuyện khôi hài khi một y sĩ vĩ đại như Bs Dooley cũng trở thành một loại bệnh nhân trong chính bệnh viện của ông ở Muong Sing bên Lào.
Đó chỉ là tiểu giải phẫu, được thi hành ngay tại chỗ nên có thể cười đùa. Chính bệnh nhân cũng nói vài câu hóm hỉnh khi bạn đồng nghiệp của ông, Bs William Van Vallin, bắt tay vào việc.
Chính vị bác sĩ này, khi từ Hoa Kỳ đến thăm đã đề nghị cắt bỏ cái bướu đó. Cục u này từng làm Bs Tom đau đớn, và cả hai đều nghĩ rằng đó chỉ là một cục u có bã nhờn. Khi giải phẫu chấm dứt, Bs Tom trố mắt nhìn cục u một cách kinh ngạc.
“Này Bill–nó đen ngòm.”
Bác sĩ Van Vallin giữ sự bình thản thường lệ.
“Đúng vậy,” ông trả lời. “Nó đen ngòm.”
Cái bướu được ngâm trong hóa chất để được gửi đi phân tích tại phòng thí nghiệm ởBangkok. Bác sĩ Van Vallin ra đi với cái bướu, và Bs Tom Dooley trở về với công việc. Khối u đó, giờ đây được xác định không phải là một u nang nhưng hầu như là máu bầm bị hoá xương vì ông bị ngã trước đây.
Thật vậy đó là một bướu độc–một hình thức ung thư chết người. Mười tám tháng sau đó, sau ngày sinh nhật thứ ba mươi bốn, Bs Tom Dooely đã từ trần ở Nữu Ước. Hàng ngàn người đến viếng xác của ông. Một thông tín viên đài truyền hình, thay vì tường thuật quang cảnh, đã xúc động đến độ khóc ngất.
“Ông ta không sống lâu, nhưng ông đã xử dụng thời gian ấy một cách cao cả.” Tờ New York Times đã lên tiếng thay cho cả triệu người mến mộ ông. Vào lứa tuổi khi hầu hết các bác sĩ trẻ còn đang chập chững hành nghề thì ông Tom đã nổi tiếng trên thế giới. Mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều biết đến ông qua công việc dành cho người nghèo ở Đông Nam Á. Medico, một tổ chức do ông sáng lập, đã đưa sự trợ giúp y khoa đến với hàng ngàn người mà nếu không có tổ chức này họ đã chết trong tuyệt vọng.
Khi còn sống, Bs Tom Dooley cũng bị chỉ trích. Ông bị tố cáo là kiêu ngạo và thiếu kiên nhẫn. Một số người cho rằng ông là một người hám danh. Một số khác đã phẫn nộ tẩy chay điều ấy. Họ tuyên bố rằng, những người kết án ông thì không thực sự biết ông.
Chắc chắn là ông Tom hiểu rõ về chính ông. Ông luôn nhấn mạnh rằng những ai muốn làm việc với tổ chức Medico thì phải hiểu rằng Dooley là một người khó cộng tác. Một trong những bạn ông có nói với ông, “Nếu bạn là thánh, thì hào quang của bạn phải nằm ở một góc độ lệch lạc.” Không cần phải nói, ông Tom không bao giờ nói về mình như vậy–mà có lẽ ông sẽ cười ngất với ý tưởng đó. Tuy nhiên, ngày nay những ai biết ông đều tin rằng ông là một vị thánh. Tiến trình đầu tiên trong việc phong thánh cho ông đã được tiến hành.
Thomas Anthony Dooley III sinh ởSaint Louis,Missouri, vào ngày 17 tháng Giêng 1927. Cha ông, một kỹ sư, là giám đốc của công ty “American Car and Foundry”. Mẹ ông, xuất thân từ một gia đình ởPennsylvania, trước đây có kết hôn với một phi công Không Quân và đã tử trận trong Thế Chiến I. Gia đình nhà Dooley có khi sống ởSt. Louisvà có khi ởGreen Lake,Wisconsin.
Tài năng của Tom khi ấu thời là âm nhạc: ông có thể đọc nốt nhạc trước khi đọc chữ, và khi lên bốn ông đã chơi dương cầm một vài bản đơn giản. Ở trường ông sáng giá về sinh ngữ mà khả năng đó đã giúp ông rất nhiều khi sang Á Châu. Nhưng tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ ông yêu thích nhất. Được theo học những khóa mùa hè ở Sorbonne Ba Lê, ông trở nên thông thạo ngôn ngữ ấy.
Không ai hồ nghi rằng Tom Dooley là một thiếu niên thông minh. Ông cũng đẹp trai, và có duyên. Chính năng lực vô bờ và sự tự tin là điều khiến người ta chú ý đến ông. Ông chẳng sợ ai cả. Khi còn là một học sinh, mẹ ông lo sợ rằng sự hăng say quyên góp tiền cho người nghèo của ông có thể làm mất lòng các người hàng xóm, mà một số người ấy có địa vị. Ông trả lời, “Sao vậy, mẹ. Họ cũng là con người như ai khác phải không mẹ?”
Khi Tom cho biết ông muốn trở thành bác sĩ, cha ông đã chống đối ý tưởng đó, sợ rằng Tom không đủ kiên nhẫn cho những năm dài học hỏi. Ông cũng nghĩ là con ông quá nghệ sĩ không thích hợp cho một y sĩ.
Sau cùng Tom đã đạt được ý nguyện, nhưng trước hết ông là một y tá quân y trong Hải Quân, là nơi ông nổi tiếng vì thuyết phục được Hildegarde, một ca sĩ phòng trà nổi tiếng, đến thăm các bệnh nhân thuộc quân y viện ở Saint Albans, Long Island. Cô này nhất định là Y Tá Dooley phải hộ tống cô khi đi qua các phòng bệnh–và ông đã tháp tùng cô, cùng với cả một chuỗi sĩ quan đi theo sau.
Tom Dooley yêu thích Hải Quân đến độ ông đã quyết định sẽ trở lại đây sau khi hoàn tất việc học ở Notre Dame. Trong những năm học, vì thiếu kiên nhẫn với sự đều đều của giờ học và thực tập bệnh viện quả thật đôi khi ông đã đụng độ với giới chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, ông đã an toàn tốt nghiệp y khoa vào tháng Ba 1953, và tháng tiếp đó ông là bác sĩ nội trú trong một bệnh viện hải quân tạiCamp Pendleton,California.
Sau đó ông được bổ nhiệm làm việc tại Nhật và Phi Luật Tân. Và rồi, vào năm 1954, ông Tom được lệnh sang ViệtNamđể giúp cuộc di cư nửa triệu người từ Bắc vàoNamlánh nạn cộng sản.
Khi đến Nhật, ông Tom cảm thấy thích thú với Đông Phương vì ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa của vùng này. Nhiều giá trị truyền thống đã lôi cuốn ông, nhất là việc kính trọng người già và tình cảm trong gia đình, anh chị chăm sóc các em. Ông thấy đau lòng khi các bệnh nhân sợ hãi và nghi ngờ ông, vì ông là một người Hoa Kỳ; tuy nhiên ông hiểu tại sao họ lại cảm thấy như vậy. Quá khứ đã khiến họ đồng hóa người da trắng với sự bóc lột và chủ nghĩa thực dân.
Không lâu, nhiều người đã bị khuất phục bởi tính tình vui vẻ của Bs Tom, cũng như tài chữa bệnh và cá tính hoạt bát của ông. Như một nghệ sĩ tài ba, ông có thể làm các em cô nhi đang hoảng sợ phải cất tiếng cười khi ông pha trò bằng tiếng Việt sành sõi. Nhiều em nhỏ, sau khi được chữa lành, đã cõng em mình đến để được chữa trị bởi “Bác Sĩ Mỹ”.
Bác sĩ Tom không chỉ chữa nạn đói khát và bệnh tật. Nhiều bệnh nhân của ông bị đau khổ bởi bàn tay của Việt Minh. Trong số đó có các phụ nữ, trẻ em, và người già, một số đã bị đánh đập tàn nhẫn. Chính ông cũng bị bắt bởi các quan thầy Cộng Sản và bị giam một ngày và một đêm trong chiếc cũi dơ bẩn trong khi ông bị tra vấn với lời lẽ cay độc về lối sống giầu sang của người Hoa Kỳ: “Thưa ông, có đúng rằng chiếc xe hơi của ông có giá trị bằng một năm lương của nhiều người Việt Nam không?”
Tuy nhiên, trước khi điều đó xẩy ra, ông đã từng mục kích những người tự nhận là đấu tranh cho người nghèo đã làm được gì cho đồng bào của họ.
Vào một tối tháng Mười Một, ông Tom bị thức giấc bởi một linh mục ViệtNamđến yêu cầu ông chữa trị cho một bệnh nhân. Cả hai cùng lái xe díp ra ngoại ô thành phố.
Sau nhiều tháng chăm sóc người di cư, Bs Tom đã quen với những hình ảnh thương tâm. Tuy nhiên, cảnh tượng đó bấy giờ làm ông khiếp sợ.
Bệnh nhân, một linh mục già nua sống trong ngôi làng do cộng sản chiếm giữ, và Việt Minh đã đến bắt giữ ngài, kết án ngài là đã nói những điều dối trá về chúng. Vị linh mục già nua nói rằng ngài chỉ nói về Thiên Chúa.
Bọn Cộng Sản bắt ngài treo ngược đầu trên xà nhà và lột hết quần áo. Chúng đánh đập ngài với thanh tre, hầu như chỗ nào cũng có vết thương và nhất là chúng tấn công tàn bạo vào chỗ kín. Chúng thọc đũa vào tai và đóng gai nhọn lên đầu ngài, để chế giễu sự đau khổ của Đức Kitô. Khi các chú giúp lễ đến nhà thờ, ngài vẫn còn bị treo ở đó. Các mạch máu ở mắt ngài đã vỡ ra, khiến ngài gần như mù.
Các chú giúp lễ biết rằng nếu bọn Việt Minh trở lại, vị linh mục chắc là bị giết, nên họ đã đem ngài đi trốn. Với sự can đảm và xoay sở lạ thường, họ đã khiêng vị linh mục bị thương tích này qua các đồng lúa đến bờ sông, là một hành trình dài mất một ngày và một đêm. Họ không dám đưa ngài sang sông vào ban ngày, nên đã giấu ngài trong bụi chờ đêm đến. Sau đó họ đặt chiếc cáng trên một bè gỗ rồi đẩy xuôi theo dòng nước sang bờ bên kia, và đưa vị linh mục đến trung tâm là nơi gặp được Bs Tom. Lạ lùng thay, ngài được bình phục–nhờ sự chăm sóc của Bs Tom.
Một linh mục khác phải đau khổ hơn nữa. Bọn Việt Minh không chỉ tiêu hủy thính giác của ngài, chúng còn cắt lưỡi ngài với con dao rỉ sét để ngài không còn rao giảng Lời Chúa được. Đi với ngài là một nhóm trẻ em mà ngài dậy bảo. Tai của các em cũng bị chọc thủng để chúng không thể nghe được. Còn nữa, một linh mục khác bị đóng sáu cái đinh vào đầu.
Sau này Bs Tom đặt câu hỏi, “Tại sao những trường hợp hung ác luôn xảy ra với các linh mục? Tại sao chúng lại ghét các linh mục đến thế? Có phải vì các ngài quá gần với Đấng mà chúng thực sự ghét bỏ?”
Một trong những hành động sau cùng của Bs Tom trước khi rời ViệtNamlà đã cứu thoát một bức tượng Đức MẹFatimacao gần ba thước được dựng trong một nhà thờ ở Hải Phòng. Nhiều năm trước đó, bức tượng này là món quà của đức giáo hoàng tặng cho nhóm hành hương ViệtNamđến Rôma. Bs Tom nhất định không để tượng này lọt vào tay bọn Cộng Sản. Vị giáo sĩ nghèo nàn, đi chân đất buồn bã đồng ý để ông đem bức tượng đi.
Vì sự phục vụ người di cư, Bs Tom đã được đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm tưởng thưởng huy chương. Chính quốc gia Hoa Kỳ đã tưởng thưởng ông với Công Lao Bội Tinh. Tuy nhiên bất cứ gì ông làm cho người di cư, ông cảm thấy rằng họ đã làm cho ông nhiều hơn. Họ đã cho ông thấy rằng công việc đời ông thực sự nằm ở đâu.
Có lần ông mơ ước trở nên một bác sĩ sản khoa sang trọng. Sau này ông lại mơ làm giám đốc quân y của Hải Quân. Những người khác, kể cả vị giám đốc quân y hiện thời, cũng thấy ông Tom sẽ là người nắm giữ chức vụ đó trong tương lai. Giờ đây tất cả những tham vọng đó đều bị hủy bỏ khi ông bắt đầu mơ ước một tương lai tận tụy phục vụ người đau khổ ở Đông Nam Á.
Với sự cho phép của Hoa Thịnh Đốn, ông đến tham dự buổi liên hoan tại Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa. Ở đây ông nói chuyện với các quan khách về hoạch định y tế của ông, độc lập với các chính phủ và chế độ chính trị, để hoạt động trong các vùng không có y sĩ. Các nhà ngoại giao từ Cam Bốt và Lào cũng có mặt, và khi ông Tom nói chuyện, ông nhận thấy vị đại sứ Lào chăm chú lắng nghe.
“Thưa Bác sĩ Dooley,” vị đại sứ hỏi, “tại sao một người trẻ tuổi như ông với sự nghiệp trước mặt lại hy sinh lớn lao như vậy?”
Trong đầu của Bs Tom chỉ có những lời của một y tá Hải Quân khi ở Hải Phòng. Được hỏi về các động lực của người Hoa Kỳ, ông trả lời: “Chúng tôi chỉ muốn thi hành những gì có thể cho những người xấu số.”
Những lời lẽ đơn sơ này đã đánh động viên đại sứ. Một vài ngày sau, ông viết thư cho mẹ: “Con nghỉ việc làm ở Hải Quân và con sẽ sang Lào.”
Một số bạn hữu của ông, là những người nghĩ rằng họ biết rõ về ông, đã ngạc nhiên trước quyết định này. Ngay cả mẹ ông cũng thú nhận là bà bị xúc động. Tuy nhiên, hơn những người khác, bà biết tinh thần trách nhiệm của ông Tom luôn luôn hướng về người khác. Cả gia đình đã xúc động sâu xa trước cái chết của Earle, là anh ruột ông Tom, trong Thế Chiến II. Trước khi bị chết vì đạn súng cối, ông Earle đã viết thư về nhà thúc giục họ hãy bằng mọi cách chống đối chiến tranh và những gì dẫn đến cuộc chiến. Ông Tom luôn mang theo bức thư này.
Tuy nhiên, động lực sâu xa nhất của ông xuất phát từ đức tin. Ông là một người Hoa Kỳ yêu nước, và ông muốn những ai được ông giúp đỡ đều nghĩ tốt về quê hương ông. Tuy nhiên sự giúp đỡ đó, ông thường nhắc đi nhắc lại rằng phải không có điều kiện ràng buộc, dù chính trị hay tôn giáo. Ông không tìm cách biến bệnh nhân của ông thành người của đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, và ông cũng không bắt họ phải theo đạo Công Giáo. Ông đem Đức Kitô đến với họ, không bởi sự rao giảng nhưng bởi tận hiến cuộc đời phục vụ họ.
Chiến dịch ở Lào, mà ông Tom coi là sứ mệnh, bắt đầu vào tháng Bẩy 1956 tại một ngôi làng gọi là Van Vieng, là nơi ông và ba cộng sự viên lội bùn và đất đỏ mà đến, trông họ như những người cần sự giúp đỡ hơn là đến để giúp đỡ. Sau này ông Tom kể lại, “Với những ai chưa bao giờ trông thấy người Hoa Kỳ thì chúng tôi đã làm họ tỉnh mộng.”
Tuy nhiên dân làng đã nồng nhiệt đón tiếp ông, và ngay cả các trẻ em cũng giúp đỡ họ dựng một nhà sàn cao gần ba thước để làm nơi trú ngụ. Trong khi lau chùi và sơn phết, gia súc trong làng–gà vịt, heo bò–sục sạo bên dưới.
Bệnh xá, nơi hai mươi lăm bệnh nhân nằm trên chiếu, được dựng trong một trạm phát thuốc của chính phủ Lào. Nhiều bệnh nhân khác được chữa trị ngay tại nhà của họ với các chứng sốt rét, viêm phổi, suy dinh dưỡng và bệnh tê phù.
Ngay từ lúc đầu Ủy Ban Cứu Giúp Quốc Tế bảo trợ Chiến Dịch Lào, và sự hăng hái xin xỏ của Bs Tom đã đem về nhiều tiếp tế của các công ty dược phẩm lớn ở Hoa Kỳ. Hãng Walt Disney đã tặng một máy chiếu phim và các bộ phim hoạt họa, là vật quý báu để chiếm được sự tin tưởng của các em nhỏ.
Trong số hàng trăm bệnh nhân của Bs Tom, có những người phải đi bộ từ thật xa để được chữa trị không những bởi chính Bs Tom mà còn những người Lào được ông huấn luyện làm phụ tá. Vì Bs Tom không chỉ là một bác sĩ, ông còn là một nhà giáo dục, và các y sĩ Hoa Kỳ muốn cộng tác với ông cũng bị đòi hỏi như vậy. “Một người Á Châu giúp đỡ một người Á Châu thì tốt hơn một người Hoa Kỳ giúp đỡ người Á Châu,” ông quả quyết như vậy khi huấn luyện người bản xứ. Nhiều người đã mau chóng thông thạo dù sự huấn luyện thật đơn sơ. Các bà đỡ được coi là tốt nghiệp khi phụ đỡ đẻ hai mươi lăm lần và hoàn tất khóa học hai tháng.
Đối với lời kết án là ông áp dụng y học của thế kỷ mười chín, ông được coi là có tội. Một khi ông ra đi, ông hân hoan nói với những người chỉ trích ông, có thể là các môn sinh của ông trở lại y học của thế kỷ mười tám, nhưng dù vậy đó cũng là một mối lợi cho người dân đang sống trong thế kỷ thứ mười lăm. Trong khi đó, ông vừa thích thú và vừa hãnh diện lắng nghe một thanh niên, là người trước đây vài tháng không biết cầm kim chích thế nào, đang thảo luận với bệnh nhân về các triệu chứng căn bệnh với sự tự tin của các y sĩ thuộc Bệnh Xá Mayo.
Một số các triệu chứng này thật ghê sợ, tuy thật quen thuộc với các trợ y người Lào, họ đã từng lớn lên với những hậu quả của sự đói ăn và đủ loại bệnh tật.
Tỉ như, một ngày kia một nhóm người đến bệnh xá sau khi đi bộ hằng trăm dặm, đem theo với họ một người mẹ trẻ tuổi mà chăn quấn kín cả người. Khi Bs Tom và các phụ tá giở các lớp chăn ra họ thấy một đứa trẻ mà bụng nó căng phình lên như muốn nổ tung bất cứ lúc nào. Chung quanh rốn của nó là hàng chục vết phỏng mà các thầy pháp đã lấy củ gừng nướng đỏ ấn vào da để chữa bệnh. Chính người mẹ cũng đau nên không thể cho con bú, và cho con ăn bằng gạo và nước. Không bao lâu, bệnh tê phù phát triển.
Ngay cả sau khi Bs Tom đến hoạt động, quyền năng của các thầy pháp vẫn còn to lớn, vì sự tin tưởng bao thế kỷ không thể nào mất được trong một vài ngày. Sau đó không lâu, Bs Tom tìm cách đối xử với họ như những đồng nghiệp. Khi họ được mời đến, điều đầu tiên là họ nghiêm trọng nấu một nồi thuốc với đủ loại lá rừng, cộng thêm các câu thần chú khi nước sôi sùng sục. Sau đó là phần quan hệ với bệnh nhân, họ sẽ ngồi xuống thảo luận về tình trạng của bệnh nhân. Có sự thoả thuận ngầm là bất cứ công trạng nào khi chữa trị sẽ được chia sẻ đồng đều giữa thuốc Tây và thuốc Ta. Bất cứ số trứng nào hay sản phẩm nào nhận được như lệ phí chữa trị thì cũng được chia đều.
Kiểu cách cộng tác này đã đem lại biết bao lợi ích. Thường thì Bs Tom được mời đến sau khi các thầy pháp thất bại, đôi khi thật cấp bách. Có lần ông bị đánh thức vào lúc 3 giờ sáng, khi đến nơi ông thấy một người khoảng bốn mươi tuổi đang hấp hối vì viêm phổi. Bs Tom đặt ông trên một cái cáng ứng biến, hạ thấp phần dưới thân thể của ông ta, và chế ra một hệ thống bốc hơi thô sơ từ cái bếp lò, một cái chăn cũ, và một ống tre dài nối với ấm nước. Một trong những phụ tá lên tiếng, “Đồng ý đây là kiểu chữa trị thế kỷ mười chín, nhưng nó đã cứu mạng sống ông ta.”
Dù phải làm việc trong các điều kiện thô sơ, Bs Tom vẫn không quên các tiêu chuẩn căn bản trong bệnh viện. Bất kể tình trạng như thế nào, phải tuyệt đối sạch sẽ. Một người phụ tá Hoa Kỳ đến phòng mổ mà không đội nón và mặc áo choàng đã bị la rầy gay gắt, tuy người này cảm thấy có lý do chính đáng. Sau đó không lâu, Bs Tom đưa cho ông ta các vật dụng và bảo ông phải mang áo và nón ngay lập tức.
Với những câu chuyện như thế này đương nhiên Bs Tom bị mang tiếng là ngạo mạn. Sự thật thì ông không kiên nhẫn với sự lè phè, hay bất cứ gì giống như vậy. Kiểu cách độc đoán của ông thì không thể chối cãi được; không ai hồ nghi gì về kiểu cách phục vụ của ông. “Anh phải ra lệnh cho họ, và họ phải tuân theo,” ông nói với một đồng nghiệp Hoa Kỳ như thế vì ông này thường hỏi ý kiến của các phụ tá.
Chính ông tự đòi hỏi tuyệt đối hy sinh nên ông cũng đòi hỏi người khác như vậy. Ông dặn dò một phụ tá, “Nếu có bất cứ trường hợp khẩn cấp nào vào ban đêm, tôi sẽ đánh thức bạn dậy và bạn có thể chở tôi đến đó”. Sau này người ấy nhăn nhó nhận xét: “Chẳng bao giờ ông ấy phải hỏi tôi cả.”
Tuy vậy với các bệnh nhân Bs Tom luôn luôn là một người lịch sự. Một ông lão bán rượu, là người Bs Tom chữa khỏi bệnh ho lao, nhận ra ông Tom và đồng nghiệp Hoa Kỳ khi đang đi dạo ở chợ. Bác sĩ Tom dừng chân trò chuyện và ông lão mời hai người một ly rượu đế từ một cái ly dơ bẩn đầy những vi trùng.
Bs Tom, tuy chỉ thích loại rượu “bourbon”, đã nốc cạn một hơi và lịch sự cám ơn ông lão. Khi người đồng nghiệp tìm cách từ chối khéo, Bs Tom đã hích nhẹ vào sườn ông và nói thầm.
“Uống đi, đồ khùng! Bạn không thể từ chối sự hiếu khách của họ.”
Khi thành lập tổ chức Medico vào năm 1956, Bs Tom đã nổi tiếng, nhờ ở chiến dịch di tản người ViệtNam, Deliver Us From Evil. Ông nhận được hàng ngàn lá thư từ những người mến mộ, nhất là sau khi nguyệt san Reader’s Digest đăng bài tóm lược. Sau khi nổi tiếng, những bàn tán về khuyết điểm của Bs Tom, thật hay giả, được phổ biến–đó là một phần của thập giá mà ông phải gánh chịu trong vài năm cuối đời.
Những người gọi ông là giả mạo tự tuyên dương điều đó đã làm ông đau khổ nhiều. Bởi vì quá thẳng thắn nên ít người biết rằng ông là một người nhậy cảm.
Một thông tín viên xấc xược hỏi ông, “Ông được những gì với tổ chức đó, hả Dooley?”
“Nhiều chứ,” Bs Tom trả lời cách bình thản. “Đời sống của tôi thì đáng giá hơn nhiều.”
Bs Tom là một người không lúng túng khi muốn thiên hạ biết đến, không phải vì ông muốn được người ta thán phục ông, nhưng vì ông biết rằng các cuốn sách, cuộc diễn thuyết, và tin tức sẽ đem đến cho ông tài chánh cũng như người tình nguyện mà chương trình Medico cần đến. Tuy nhiên ông thối lui trước bất cứ ý định nào sùng bái ông.
Có lần ông càu nhàu, “Người ta cứ muốn biến tôi thành Thánh Phanxicô. Như vậy thì làm sao tôi có thể vào quán nhậu được.”
Khi dân làng quỳ lậy ông trên con đường đến Lào, ngay lập tức ông nâng họ dậy.
“Đừng thờ tôi hay bất cứ ai–hãy thờ phượng Thiên Chúa,” ông nói với họ như thế. “Ông bà cũng tốt lành như tôi, hoặc như bất cứ ai trên thế giới này.”
Ông thực sự bực mình khi trụ sở trung ương của Medico ở Nữu Ước đề nghị rằng ông phải có các giấy tờ riêng mang tên ông. “Ai nghĩ như vậy sẽ phải đứng ở xó nhà,” ông cười hô hố. “Tôi không lưu tâm các bạn dùng tên tôi như thế nào ở Nữu Ước, một khi các bạn biết chắc là điều đó sẽ giúp cho tổ chức Medico. Nhưng đừng có điên như thế.”
Một cách tự nhiên tổ chức Medico lớn mạnh từ công việc của Bs Tom ở Van Vieng. Khi sự hỗ trợ gia tăng đáng kể, giấc mơ của ông thành sự thật để có thể gửi các toán y tế như nhóm của ông đến các vùng hẻo lánh trên thế giới.
Biết rõ sở đoản của mình, Bs Tom không tự ý đưa mình lên làm giám đốc hành chánh. Dù sao, ông muốn ở lại Lào. Bs Peter Comanduras, một y sĩ với nhiều kinh nghiệm, được bổ nhiệm để điều hành Medico ở Nữu Ước, và một ban cố vấn với các bác sĩ chuyên khoa được thiết lập.
Trong những người gửi lời chúc mừng là Bs Albert Schweitzer, là người lúc đầu đã khích lệ Bs Tom. Một thời gian ngắn trước đó, ông đến thăm Bs Schweitzer tại bệnh viện ở Lamberené.
Khi Medico được khởi sự một cách an toàn, Bs Tom trở về Lào với tâm hồn vui sướng. Giờ đây ông trú đóng tại Muong Sing, miền cực bắc là nơi tiếp giáp các nước Lào, Trung Cộng và Miến Điện. Tuy Medico mở các bệnh viện khác ở Lào, nhưng Muong Sing do chính Bs Tom thiết lập. Các đài phát thanh Trung Cộng đã tuyên truyền tố cáo ông là một tay sai của tư bản, nhưng Bs Tom không màng. Thay vào đó, ông hân hoan với cái tên mà các bệnh nhân đặt cho ông–Than Mo America. Theo nghĩa đen, câu này có nghĩa “Người Giỏi về Thuốc từ nước Mỹ.”
Một trong những người Hoa Kỳ tiếp tay với ông là Earl Rhine, rất giỏi về nha khoa. Ông này được dân làng đặt cho cái tên hoa hòe hơn nữa: Than Mo Chep Keo–“Người Giỏi về Thuốc Trị Đau Răng.”
Ông Earl và bạn ông là Dwight Davies từ giã các bà vợ trẻ và công việc học ở Đại HọcTexasđể hy sinh một chút cho Medico. Dù chính ông tự nhận có những khuyết điểm, Bs Tom đã lôi cuốn được nhiều người trẻ lý tưởng đến cộng tác. Hầu hết đã trở nên tận tụy với ông cũng như với công việc.
Nhiều người tình nguyện là các bác sĩ hay chuyên gia y tế. Một số người, như ông Earl và Dwight, sẽ tiếp tục việc học sau khi thôi việc ở Medico. Với những người này, công việc làm ở đây đã đem đến cho họ đủ loại kinh nghiệm nhiều hơn là ở quê nhà. Bệnh cùi và đậu mùa, là các bệnh đã biến dạng từ lâu ở Tây Phương, ở đây xảy ra hàng ngày. Bệnh bạch hầu, ho gà, và thương hàn là các bệnh thật quen thuộc với các bác sĩ lớn tuổi ở Hoa Kỳ, nhưng ở đây vẫn còn lan tràn trong các làng xã ở Lào.
Công việc giải phẫu phức tạp trong các phòng giải phẫu thật khiêm tốn. Nhiều lần Bs Tom phải giải phẫu thẩm mỹ cho các trẻ em bị gấu rừng tấn công. Một em bị mất mắt trái và sống mũi bị xé rách. Bs Tom phải cố gắng hết sức để dùng các sớ thịt còn sót lại.
Một bệnh nhân trẻ tuổi khác, cũng bị băng bó tương tự, đã biếu Bs Tom một con chó nhỏ như để tạ ơn. Sau khi cám ơn, Bs Tom hỏo: “Tôi có thể làm gì với con chó này?”
Bây giờ thì đến phiên cậu bé ngạc nhiên. Cậu trả lời, “Ăn thịt nó!”
Tuy Bs Tom vui thích gặp lại gia đình ở Hoa Kỳ, ông luôn háo hức trở về với các bệnh nhân một khi cuộc diễn thuyết đã xong và hội họp với các đồng nghiệp đã chấm dứt. Chỉ ở Lào ông mới cảm thấy hạnh phúc.
Trong cuốn The Night They Burned the Mountain, Bs Tom kể lại lần đầu tiên khi ông biết là bị bệnh ung thư. Một người lính bước vào bệnh viện ở Muong Sing và cho biết ông có bức điện tín ở đồn lính. Vì được truyền qua hệ thống truyền tin quân đội, đầu tiên Bs Tom nghĩ nó có liên hệ đến chiến tranh. Các đạo quân cộng sản đang tập trung ở biên giới, và một số cho biết họ đã có mặt tại Lào.
Điện tín từ ông Peter Comanduras, giám đốc Medico, gọi Bs Tom trở lại Nữu Ước ngay lập tức. Ngay cả lúc ấy Bs Tom cũng không biết rõ về sức khỏe của ông. Không biết có điều gì xảy ra cho mẹ mình, ông tự hỏi? Hay có khủng hoảng ngay trong tổ chức Medico?
Ở Vạn Tượng, trên đường về nhà, một vài người nghĩ rằng ông được yêu cầu xuất hiện trong một chương trình ở TV. Bs Tom trả lời, nếu điều đó đúng, ông sẽ dùng loại ngôn ngữ để đài truyền hình đó sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Những thương binh có thể đến Muong Sing bất cứ lúc nào. Chẳng lẽ Peter Comanduras lại không biết rằng chỗ của ông là ở trong bệnh viện hay sao?
Sự thật, các phụ tá thân cận của Bs Tom đều biết sự thật. Một trong những người này đã tiết lộ cho Bs Tom khi ông đi quaBangkok. Ông trả lời, các lời đó không ảnh hưởng gì đến ông cả.
Khi đáp xuống phi trường ở Nữu Ước và điện thoại cho bà mẹ về tin tức ấy, chính bà cũng không thể chịu nổi. Bà nghĩ rằng với sự tĩnh dưỡng và chăm sóc, con bà sẽ lành mạnh.
Ở trên cổ, từ nhiều năm Bs Tom đeo một tượng Thánh Christopher trên đó có khắc các hàng chữ trích từ bài thơ Stopping by Woods on a Snowy Evening, của Robert Frost:
Những khu rừng thật quyến rũ, âm u và sâu thẳm
Nhưng tôi phải giữ những lời hứa
Và chặng đường dài phải đi qua trước khi tôi yên nghỉ.
Dựa trên những lời này, ông đã xây dựng cuộc đời ông. Giờ đây chúng có vẻ khẩn trương khôn tả. Ông nhất định sống những lời ấy hơn bao giờ hết.
Không những chịu thua tình thế hiện thời, ông hoạt động gấp đôi, bay quanh thế giới để nới rộng công việc của Medico đến càng nhiều nơi càng tốt cũng như chăm sóc các bệnh nhân ở Lào.
Tuy nhiên, đầu tiên Bs Tom có việc phải thi hành ở Nữu Ước. Ông đã từng phản ứng cách cay đắng khi có người bạn ở Vạn Tượng đề nghị ông xuất hiện trên truyền hình. Nhưng bây giờ ông đã xuất hiện trên truyền hình, trong một chương trình tạo thành lịch sử. Vì lần đầu tiên, hàng triệu khán thính giả được nghe một bệnh nhân ung thư nói về việc giải phẫu của mình–và sau đó thấy ông trải qua cuộc giải phẫu đó.
Lúc chương trình này được duyệt lại, vào ngày 21 tháng Tư 1960, Bs Tom đang ở Đông Nam Á. Trong một căn phòng ở bệnh viện Memorial, ông thú nhận với đặc phái viên của CBS, Howard K. Smith, là tình trạng của ông khiến ông cảm thấy khó chịu–ông không muốn dùng chữ “đau đớn” vì quá mạnh bạo. Khi ông Smith giả sử rằng ông đang đối phó với hoàn cảnh của ông hầu như rất thanh thản, Bs Tom trả lời: “Tôi không muốn bất cứ gì liên hệ đến ‘sự thống khổ của một bác sĩ sắp chết’. Điều đó thật ngu xuẩn.”
Ông ngỏ lời chào trước dàn máy quay phim, ông giải thích, vì ở Hoa Kỳ có nhiều người không biết gì về bệnh ung thư: cũng giống như ở các làng tại Lào. Các bệnh nhân tê liệt vì sợ hãi trước khi đến bệnh viện, và sự sợ hãi đó đã làm què quặt sự chữa trị ngay tự lúc đầu. Ông muốn người ta nghĩ rằng họ không phải sợ bệnh ung thư như hồi xưa.
Bs Tom nói trước ống kính thật lưu loát và can đảm như thể máy quay đó là một bệnh nhân ở Muong Sing, cho những người có thể đang chịu đau khổ như chính ông. Như một chuyên viên truyền hình nhận xét, “ông ta thật tự nhiên.”
Khán thính giả sẽ được thấy hai cuộc giải phẫu. Trước hết, là sự thăm dò, cho thấy rằng bệnh ung thư chưa lan rộng như người ta lo ngại. Trong phần thứ hai, các bác sĩ giải phẫu cắt bỏ các tế bào bị ung thư. Cuộc giải phẫu thật tốt đẹp, và Bs Tom rời bệnh viện sau mười ngày. Nhưng ông biết, cũng như những người khác, là bệnh ung thư có thể đã lan ra khắp các mạch máu và phát triển thành những đốm nhỏ ở phổi và gan, hoặc các cơ quan sinh tử khác. Thật vậy, đó là điều đã xảy ra.
Trong khi đó, ông Tom vẫn phải giữ lời hứa. Sớm hay muộn ông cũng phải du hành khắp nước Hoa Kỳ để gây quỹ. Khán thính giả lắng nghe ông đã thấy rằng bệnh tình của ông không ảnh hưởng chút gì đến tính khôi hài của ông. ỞSaint Louis, quê quán của ông, các bác sĩ đã cười rộ khi ông tinh nghịch so sánh các lời thần chú của các thầy pháp ở Lào với lời khuyên của bác sĩ Hoa Kỳ khi phải đối diện với một bệnh tình mà họ không chẩn đoán được.
Mùa Giáng Sinh ông mang thật nhiều quà về Muong Sing. Mỗi một đứa trẻ trong làng đều được quà của ông. Bs Tom thật vui khi thấy mọi người đều mạnh khỏe. Trong thời gian ông vắng mặt khi về Hoa Kỳ, ông sợ rằng Cộng Sản sẽ giày xéo bệnh viện, vì ông biết số phận của những đồng nghiệp khi bị chúng bắt. Người Hoa Kỳ sẽ bị chặt đầu công khai; người cộng sự Lào sẽ bị bằm dập cho đến chết.
Vào ngày Tết Dương Lịch, ông viết cho ông Peter Comanduras ở Nữu Ước: “Tôi thấy bình thường, nhưng tôi biết rằng tôi không còn là Bs Tom Dooley như trước ” Ông nói, một bác sĩ trẻ khác sẽ phải thay thế ông ở Muong Sing trong trường hợp ông không thể trở lại sau khi về Hoa Kỳ tái khám vào tháng Năm.
Việc tái khám, như dự định, không có dấu hiệu gì cho thấy là các vết nám có hiện diện và điều này, cộng với sức lực phi thường của ông Tom, đã đem cho nhiều người hy vọng hão. Ngay cả một số bác sĩ thân quen của ông chính họ cũng tin rằng bệnh ung thư của ông đã bị quật ngã. Chính ông Tom thì không theo đuổi sự mơ tưởng đó. Ông biết rất rõ là một bản báo cáo tốt đẹp, sau cuộc giải phẫu, chẳng có nghĩa gì.
Trong năm 1960, ông đi thăm Miến Điện, Việt Nam, Afghanistan, Mã Lai, Hồng Kông và Cam Bốt. Trong mỗi nước ông đặt nền móng cho chương trình Medico. Ông lưu hành đến Teheran cũng như một vài thủ đô Âu Châu—Luân Đôn, Ba Lê và Rôma. Trong một cuộc tiếp kiến riêng, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã lấy tất cả các huy chương và chuỗi tràng hạt để tặng cho một người trẻ Hoa Kỳ mà ngài đã từng nghe tiếng. Cũng ở Rôma, ông được trở nên một thành viên của tổ chức các Hiến Sĩ của Đức Maria Vô Nhiễm–một vinh dự hiếm có cho một giáo dân.
Trở về Hoa Kỳ, ông được lãnh nhận bằng danh dự của chính đại học của ông, Notre Dame. Trong những người được vinh danh hôm đó có cả Tổng Thống Dwight D. Eisenhower.
Khi trong phòng thay quần áo, ông Tom đã xin tổng thống cho em ông là Malcolm quá giang về Nữu Ước trên chuyến bay của tổng thống. Ông giải thích, Malcolm là một giám đốc của trung tâm Medico ở Nữu Ước, một người bận rộn với công việc. Sự thật đây là một điều táo bạo của Bs Tom–ông rất muốn Malcolm có thể kể cho con cháu nghe về cái ngày ông ta được cùng đi với tổng thống. Tổng Thống Eisenhower sẵn sàng, và Malcolm Dooley ngạc nhiên khi thấy nhân viên an ninh chìm vội vã đẩy ông ta lên đoàn xe hộ tống.
Tuy nhiên, đã đến lúc ông Tom không còn giữ được nhiệt huyết như trước. Bị buộc phải nghỉ ngơi ở một bệnh viện ở Hồng Kông, ông nhìn các tấm phim quang tuyến và thấy bệnh ung thư đã lan đến tủy sống. “Và tôi vẫn còn nhiều việc phải làm?” ông than thở.
Ông trở lại Muong Sing một lần nữa, nhưng ông không được mừng Giáng Sinh ở đây. Ngày Giáng Sinh 1960 ông ởBangkok, đau đớn nằm trên tấm nệm trên sàn khách sạn. Ông rất muốn tham dự Thánh Lễ Nửa Đêm tại nhà thờ Holy Redeemer, nhưng bệnh tình không cho phép. Bởi thế Cha John Boucher, dòng Chúa Cứu Thế, đã đem Mình Thánh cho ông.
Khi tin tức về bệnh tình của Bs Tom lan tràn, một trong những người bạn của ông đã cay đắng nhận xét: “Có hàng ngàn tên cà chớn sống nhởn nhơ trên thế giới. Tại sao một người như Tom Dooley lại bị ung thư?”
Nhưng đó không phải là thái độ của ông Tom. Ông không than phiền, hay tự hỏi: “Sao lại là tôi? Khi nằm trên giường bệnh vào ngày Giáng Sinh đó, ông nói với Cha Boucher: “Nếu đây là phương cách mà Thiên Chúa muốn xẩy ra, thì đó cũng là điều con muốn.” Ông tin rằng sự đau đớn của ông có một mục đích.
Trên đường từ phi trường đến bệnh viện Memorial ở Nữu Ước, ông xin người hầu cận tận tụy là Teresa Gallagher hãy nhắc ông nhớ viết thư cám ơn người tiếp viên hàng không là người đã rất tử tế với ông trong chuyến bay vừa qua, khi ông không thể đứng hoặc ngồi hoặc nằm mà không đau đớn.
Vào thứ Ba, 17 tháng Giêng, ngày sinh nhật của ông, Đức Hồng Y Spellman đã đến thăm ông tại phòng 910–căn phòng mà ông đã xuất hiện trên truyền hình. Tuy kiệt quệ, ông Tom vẫn nhận ra đức hồng y và cố ngồi dậy chào theo kiểu người Lào, đầu cúi xuống và hai tay chắp trước mặt.
Đức hồng y rời căn phòng với nước mắt dàn dụa. Ngài nói, “Tôi cố trấn an ông ấy rằng, trong ba mươi bốn năm, ông ấy đã hoàn tất điều mà rất ít người đã làm được trong thời gian nhất định.”
Vào lúc 9:45 chiều hôm sau, Bs Tom Dooley đã chết một cách bình an, luôn giữ lời hứa.
Đức Minh chuyển ngữ
Nguồn: Người Tín Hữu