Qua cuộc phỏng vấn của Giuditta Bonsangue với sơ Brigitte Flourez, bề trên tổng quyền dòng các Nữ tu Chúa Giêsu Hài đồng, chúng ta được biết dòng đã hình thành như thế nào: từ một hiệp hội giáo dân trở thành một hội dòng với ơn gọi giáo dục, đặc biệt dành cho các nữ sinh.
Chúng tôi đã gặp nhau vào ngày đầu tiên của Hội nghị toàn thể của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền năm 2022, vào cuối ngày. Nhưng trên khuôn mặt của sơ Brigitte không tỏ vẻ mệt mỏi, bởi vì ánh mắt sơ tràn đầy năng lượng và tiếng cười lan toả. Tuy nhiên, chúng tôi không thể nghĩ ra quá nhiều câu hỏi mà chỉ muốn lắng nghe sơ nói.
“Tên tôi là Brigitte; đó là tên thánh rửa tội của tôi và tôi là một nữ tu. Ở một số nước, họ gọi tôi là Mẹ Brigitte.” Cuộc phỏng vấn với sơ Brigitte Flourez, Bề trên Tổng quyền dòng các Nữ tu Chúa Giêsu Hài Đồng được bắt đầu như thế.
“Tôi đã thánh hiến bản thân cho Chúa Kitô vì ước muốn hiến dâng cuộc đời mình cho Người và cho tha nhân. Tôi lớn lên trong một gia đình có đức tin và gia đình dạy tôi cầu nguyện và truyền lại cho tôi các giá trị xã hội sâu sắc. Người thân của tôi đã tham gia vào cuộc sống nông thôn và bắt đầu các tiến trình biến đổi trong giới nông dân, điều vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Do đó, tôi đã rất may mắn.”
Khi nào thì sơ hiểu rằng cuộc đời mình đã được dành cho đời sống thánh hiến?
“Trong một buổi tĩnh tâm, tôi đã được tình yêu của Chúa Giêsu đánh động. Tôi tự nhủ: Mình phải làm gì đó, nhưng mà điều gì? Tôi đã tìm kiếmThiên Chúa trong những việc tôi đang làm, để hiểu tôi có thể thay đổi mình bằng cách nào. Nó không rõ ràng ngay lập tức, nhưng tôi đã quyết định sống trong một cộng đoàn, trong một khu phố rất nghèo, rất bình dân. Sau đó tôi mới phát hiện ra người sáng lập của cộng đoàn của tôi (Nicolas Barré).”
Tại sao mà sau đó sơ mới biết người sáng lập dòng của sơ?
Thực tế là ban đầu chúng tôi không phải là những nữ tu, nhưng chỉ là một nhóm nữ giáo dân tham gia vào việc giáo dục thiếu nữ. Vào thời điểm đó, năm 1662, chúng tôi là điều mà ngày nay được coi là một hiệp hội giáo dân. Rất lâu sau đó chúng tôi mới trở thành các nữ tu; Cha Barré rất xa với đời sống tu trì truyền thống. Khi đó chúng tôi không phải là các nữ tu. Hiện tại, điều quan trọng đối với chúng tôi là sẵn sàng cho những gì chúng tôi được kêu gọi để sống, trong giáo phận, dưới sự hướng dẫn của giám mục, nhưng với sự tự do tuyệt vời
Khi nào thì các chị từ những nữ giáo dân trở thành nữ tu?
“Sau cuộc Cách mạng Pháp, Nhà Nước cổ võ việc giáo dục các thiếu nữ, và thành lập các cơ sở trường học và trường nội trú. Nhiều hội dòng đã được thành lập để thực hiện chương trình này, và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã đổi mới trong lĩnh vực giáo dục; các trường của chúng tôi được cho là một trong những trường tốt nhất. Vào năm 1850, một số người nhập cư Tây Ban Nha nhìn thấy những gì chúng tôi đang làm trong các trường học của chúng tôi đã mời chúng tôi thực hiện điều tương tự như thế ở Tây Ban Nha. Ở đó không có các trường học cho thiếu nữ, nơi có thể giáo dục theo cách cá nhân như vậy; họ đến với chúng tôi để tìm hiểu phương pháp giáo dục rất đơn giản nhưng đồng thời rất quan tâm chú ý đến nhu cầu của học sinh. Ở Tây Ban Nha, các thiếu nữ được đào tạo trong các đan viện. Vì chúng tôi chỉ là một hiệp hội giáo dân, để giao phó các trường học cho chúng tôi, các giám mục Tây Ban Nha đã yêu cầu chúng tôi được Toà Thánh phê chuẩn. Vì vậy, để có được sự công nhận chính thức, chúng tôi buộc phải trở thành một dòng tu theo giáo luật.”
Việc trở thành một hội dòng có thay đổi nhiều với các chị không?
“Có theo một số khía cạnh nào đó, nhưng thật may mắn là chúng tôi vẫn giữ được lòng nhiệt thành truyền giáo của mình! Thật vậy, chúng tôi đã trở thành hội dòng đầu tiên gửi một phụ nữ đến Nhật Bản! vào hậu bán thế kỷ 19; đó là sơ Mathilde Raclot. Sơ là một phụ nữ phi thường, gan dạ và đồng thời gắn bó với hội dòng của mình. Sơ đã có thể hoàn thành sứ vụ của mình ở châu Á, vào thời điểm Hiến pháp của dòng chúng tôi được thay đổi, khi mọi việc đều cần sự cho phép của các bề trên; việc này là điều không thể thực hiện ở một nơi xa xôi như vậy!
Chúng tôi đã sống qua những năm tháng mà chúng tôi xuất sắc trong giáo dục, xuất sắc cho xã hội thời đó, cho các phụ nữ Pháp, Nhật Bản, Malaysia. Tại Singapore, chúng tôi vẫn có 15.000 học sinh và chúng tôi là một trong những trường học tốt nhất của quốc gia.”
Sau đó điều gì đã xảy ra?
“Tôi có thể nói rằng chúng tôi đã làm được nhiều điều tốt, bởi vì muốn đáp lại các nhu cầu của thời đại. Nhưng có phải người sáng lập của dòng chúng tôi chỉ muốn điều này? Hôm nay trong Hội nghị toàn thể, chúng ta đã nghe nói về tính dễ bị tổn thương và tôi nghĩ về ngài. Thiên Chúa là Đấng vĩ đại, nhưng đã trở nên nhỏ bé để được gần gũi với những người nhỏ bé, khi sinh ra như một em bé. Vì lý do này, mục đích đầu tiên và hình thức đầu tiên của dòng này là để trở thành người nghèo, giống như Chúa Kitô. Đón nhận một trẻ em nghèo là tiếp nhận Chúa Kitô, bởi vì Người đã nói “Mọi điều anh chị em làm cho những người bé nhỏ là làm cho chính Ta.” Trọng tâm của đoàn sủng của chúng tôi là đón tiếp em trẻ nghèo khổ và bị bỏ rơi, để mang lại cho các em phẩm giá qua giáo dục và được hạnh phúc nhờ đức tin. Điều này thật tốt đẹp phải không? Đôi khi để làm điều thiện và đáp ứng nhu cầu của thời đại, chúng ta có nguy cơ quên đi người nghèo; vì lý do này, điều rất quan trọng là phải được nuôi dưỡng bởi nhựa sống của nguồn gốc. Điều này rất khó tìm. Và chúng tôi vẫn gặp khó khăn này cho đến ngày hôm nay.”
Làm thế nào chúng ta có thể quay trở lại nguồn mạch để hiểu con đường cần thực hiện?
“Hôm nay chúng ta đã nói về một sự biến đổi cần được thực hiện. Đây chắc chắn là nguồn mạch. Khi tôi vào dòng, tôi đã đọc một số bản văn của đấng sáng lập của chúng tôi, những bản văn thật đánh động! Chúng không tương thích với các quy tắc giáo luật đã được áp dụng cho chúng tôi. Vào thời điểm đó, phụ nữ không được cho là một phần của cuộc sống cộng đồng, bởi vì họ được quy định làm việc cho lĩnh vực riêng tư. Trong quá trình đào tạo của tôi, mục đích đầu tiên của dòng là làm việc cho sự thánh thiện thông qua việc thực hành các lời khấn, theo khuôn khổ giáo luật thời bấy giờ. Đối với Đấng Sáng Lập của chúng tôi, Thiên Chúa thánh hoá chúng ta trong việc yêu thương phục vụ trẻ em nghèo và bị bỏ rơi để chúng được nên thánh. Đó là một cách để chúng ta hoán cải và biến đổi chính mình. Nhưng điều đó thật khó khăn. Tôi xin lỗi nếu tôi nói như thế, nhưng tôi rất đam mê nó. Đó là con đường mà chúng tôi tiếp tục đi, tìm lại tinh thần của cội nguồn, để tiếp tục biến đổi chính mình.”
Giuditta Bonsangue
Vatican News