Năm 1972, một người nông dân ở Kinh B, Cái Sắn, Lê Văn Khơi cũng như những người trai thời loạn khác, vừa đủ 18 tuổi, tình nguyện vào quân đội, chọn binh chủng Biệt Động Quân.
Gia đình ông quê quán ở Thái Bình, năm 1954 song thân của ông đem hai người con cùng xuống tàu di cư vào Nam, trong lúc mẹ ông đang mang thai gần đến ngày sinh. Trên con tàu trực chỉ đi về miền Nam rời bến chưa được bao lâu thì bà mẹ chuyển bụng sinh được một đứa con trai. Lúc bấy giờ con tàu đi tìm tự do đang ra khơi, cha mẹ đặt tên cho ông là Lê Văn Khơi, và năm ông sinh ra đời, người Việt chúng ta không thể không biết, đó là năm 1954, năm của Hiệp Định Geneve, chia cắt đất nước. Nếu là một cái tên định mệnh thì đáng lẽ ông Khơi đã vào binh chủng Hải Quân, nhưng ông đã chọn binh chủng Biệt Động Quân mà ông đã ưa thích và khâm phục.
Trong suốt thời gian ba năm trong quân ngũ, Binh II Lê Văn Khơi phục vụ tại Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 33 thuộc Liên Đoàn 5 BĐQ. Ông đã cùng đơn vị tử thủ, trấn đóng tại thị xã An Lộc, tham gia trận Phước Long.
Năm 1975, giã từ An Lộc, đơn vị về Nhị Bình, vào mật khu Hố Bò thì Lê Văn Khơi bị thương ở vai và tay, được trực thăng đưa về bệnh viện Củ Chi. Vào những ngày cuối cùng, đơn vị đang ở An Lộc, được di chuyển về Chơn Thành, rồi tan hàng ở Lai Khê, Bình Dương. Tuổi đời mới 21, cởi áo lính, Lê Văn Khơi trở về Bình Thuận với cha mẹ, rồi sau đó toàn gia đình về làm ruộng ở kinh Rivera, một khu dinh điền cũ ở Rạch Giá.
Sau ba ngày “học tập,” người lính BĐQ ngày trước từng có mặt trên những chiến trường sôi động nhất an phận làm một nông dân sống qua ngày. Năm 1977, Lê Văn Khơi bị sung vào đội “dân quân hỏa tuyến,” có nhiệm vụ mang vác chuyển đạn cho chiến trường trong thời gian quân Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh). Đã là một người lính cầm súng giữa trận địa trước năm 1975, đây là những giờ phút lo sợ, căng thẳng nhất của ông, khi cũng giữa một trận địa, đầy bom đạn, bất trắc, mà trong tay không có một thứ vũ khí nào.
Năm 1981, thân phụ của ông Lê Văn Khơi qua đời, vì vào lúc đó phương tiện di chuyển khó khăn, gia đình lo việc chôn cất mà không báo tin cho con cháu hay. Mãi đến mấy tháng sau Lê Văn Khơi mới đi Long Thành báo tin cha mất cho người chị cả. Nhà người chị ở gần Đan Viện Thiên Bình của dòng tu Biển Đức, nên mỗi lần đi lễ, Lê Văn Khơi đều có dịp gặp gỡ chuyện trò với các vị trong tu viện. Cũng như mỗi lần đi chợ, ông phải đi qua những khu ruộng, trông thấy những vị tu sĩ của dòng tu này, ngoài thời gian sinh hoạt tôn giáo, sau một hồi chuông sáng, đều ra đồng chăm chỉ cấy cày, làm ruộng, sống một đời sống đạm bạc như một nông dân, lòng ông rất xúc động.
Ông muốn dừng lại nơi này, nơi mà lòng ông cảm thấy bình an. Lúc đầu Lê Văn Khơi xin vào làm thuê cho các linh mục trong nhà thờ, sau đó dốc lòng khấn nguyện muốn đi tu, trở thành một linh mục. Bảy năm sau (2005), tại nhà thờ Chánh Tòa Long Khánh, người lính LĐ 5 BĐQ 36 năm về trước, được thụ phong linh mục, là LM. Micae Lê Văn Khơi, lúc bấy giờ đã 51 tuổi.
Ngồi trước chúng tôi, Linh Mục dòng Biển Đức Lê Văn Khơi, dáng người tầm thước, khuôn mặt khôi ngô, đôn hậu khiến người đối diện, trong những phút giây đầu tiên đã có cảm tình, khiến cho tôi có ý nghĩ Chúa đã chọn đúng người để làm “chủ chăn.”
Mặc dù đã là một Linh mục, ông Lê Văn Khơi và đồng đội vẫn giữ tình ‘huynh đệ chi binh’
(Hình: Huy Phương/Người Việt)
LM Khơi cho biết, từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành, ông chưa bao giờ có ý định đi tu, mặc dầu ông thuộc một gia đình “đạo dòng.” Vào thời điểm sau năm 1975, sau khi ông trở về đời sống dân giả, ông cũng có đem lòng yêu một đôi người, và cũng có người yêu ông, chỉ cần bước đến một bước nhỏ, ngày nay ông cũng như mọi người đã có một mái gia đình, có vợ con. Nhưng hoàn cảnh đã đưa đẩy ông về Long Thành, được gần gũi với dòng tu Biển Đức, và may mắn, ông đã trở thành một linh mục. Sau những năm cầm súng chiến đấu, qua một cuộc đổi đời quá đột ngột, đã làm cho lòng ông cảm thấy hụt hẫng. Ông thấy có được một cảm giác an bình khi đến với Đan Viện Thiên Bình, điều đó làm cho ông dốc lòng tu học để trở thành một
linh mục. Hiện nay LM Lê Văn Khơi là Phó Bề Trên Đan Viện Thiên Bình, cho biết ông xuất ngoại đến Mỹ trong một thời gian ngắn để gặp gỡ và cảm tạ đồng bào ân nhân ở hải ngoại lâu nay đã yểm trợ giúp đỡ cho Đan Viện Thiên Bình, Long Thành.
Nghe tin một chiến hữu BĐQ ngày trước, bây giờ đã trở thành một linh mục, đang viếng thăm Hoa Kỳ và trong thời gian lưu lại quận Cam, một số cựu quân nhân Biệt Động Quân đã tổ chức một cuộc gặp gỡ thân mật với LM Lê Văn Khơi tại nhà riêng của Cựu Thiếu Tá BĐQ Trần Tiễn San, nguyên tiểu đoàn trưởng TĐ 33 BĐQ ở thành phố Westminster. Mặc dầu LM Lê Văn Khơi và những người đón tiếp ông chưa hề gặp gỡ nhau lần nào, nhưng đã cùng chung một màu áo BĐQ, cuộc gặp gỡ diễn ra rất thân mật, nồng ấm, như theo phát biểu của người lính BĐQ năm xưa là: “Chan chứa tình huynh đệ chi binh.”
BĐQ Nguyễn Thế Đĩnh trong cuộc họp mặt này đã nói: “Giã từ cuộc chiến, sau năm 1975, nhiều cựu quân nhân trở thành tiến sĩ, bác sĩ, mục sư đã có nhiều… nhưng thành linh mục như ông Lê Văn Khơi quả là một điều hiếm có.”
Huy Phương/ Người Việt