… Cha Achille Loro Piana dòng Don Bosco người Ý. Hiện tại là Cha Sở giáo xứ Tokyo Meguro, nổi tiếng thế giới vì có các tòa đại sứ và lãnh sự quán. 65 tuổi thọ nhưng Cha là Linh Mục thừa sai tại Nhật Bản đến hơn nửa đời người tức là từ hơn 40 năm qua. Vì thế, nhiều người hóm hỉnh nói: ”Cha là người Nhật hơn cả người Nhật!” Xin nhường lời cho Cha kể lại con đường ơn gọi và cuộc sống tại Nhật Bản.
Tôi đặt chân đến Hồng Kông vào năm 19 tuổi và học môn triết tại đây. Ba năm sau – 1969 – tôi đến Nhật Bản. Vì tương đối còn trẻ nên tôi học tiếng Nhật rất nhanh và hội nhập vào nền văn hóa Nhật cũng thật dễ dàng. Sau đó tôi chuyển đến Đại Học Giáo Hoàng Salesiana. Nơi đây tôi hấp thụ một nền giáo dục cống hiến cho tôi một não trạng quân bình khiến tôi có thể nhận ra thực tại Nhật dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Ngược dòng thời gian, chính Cha Sở Primo Zanotti đã nói với tôi về cuộc đời Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Với trí nhớ thật tốt, cứ vào mỗi ngày thứ năm, Cha cho chúng tôi xem các hình ảnh diễn tả các câu chuyện trong Tân Ước và Cựu Ước. Tôi không nhớ bao nhiêu về môn thần học kinh thánh học trước khi chịu chức linh mục, nhưng những gì Cha Sở Primo dạy, tôi vẫn còn giữ nguyên trong biển cả của vùng trí nhớ! Rồi một hình ảnh của vị thánh trẻ Domenico Savio (1842-1857) đã lôi kéo tôi chú ý đến các tu sĩ salesiani.
Khi đang học nơi trường chuyên nghiệp tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện bước theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong cuộc sống linh mục. Chính bào tỷ tôi là Chị Daria đã giúp tôi phân định ơn gọi và hướng tôi đến với các tu sĩ salesiani. Về phần Chị Daria, Chị muốn trở thành nữ tu trong dòng Cottolengo nhưng không thực hiện được ước nguyện vì Chị lâm bệnh trong thời gian dài. Chỉ sau này tôi mới biết là Chị đã dâng hiến đau khổ trong nhiều năm trời để cầu nguyện cho ơn gọi của tôi. Thật thế, khi tôi gia nhập thỉnh viện dòng Don Bosco ở Chieti thì Chị Daria chịu một cuộc giải phẫu và được hoàn toàn khỏi bệnh. Nhờ đó Chị cũng có thể theo đuổi ơn gọi tu dòng của Chị.
Các tu sĩ salesiani đến Nhật Bản vào năm 1926 khi 9 anh em Ý cập bến Moji trên Kyushu với Linh Mục đầu đàn là Cha Vincenzo Cimatti. Đó là thời khởi đầu cũng là thời kỳ tràn đầy khó khăn. Nhưng từ từ vượt qua muôn ngàn nguy khó, cộng đoàn các tu sĩ salesiani được vững mạnh và trở thành điểm tham chiếu rất được quý trọng trong Giáo Hội cũng như trong xã hội Nhật Bản, đặc biệt với các sinh hoạt cạnh giới trẻ Nhật Bản.
Sau đệ nhị thế chiến 1939-1945, trong vòng nửa thế kỷ, Nhật Bản đã tiến thật xa trên đường kinh tế và trở thành một cường quốc đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ. Sở dĩ được như vậy là nhờ người Nhật rất chu đáo, kỷ luật và cần mẫn. Nhưng vào cuối thập niên 1990 thì kinh tế bắt đầu có dấu hiệu đi xuống và gần đây nhất, sau thiên tai sóng thần ngày 11-3-2011, Nhật Bản đã thay đổi bộ mặt. Nhật Bản lâm vào vòng khủng hoảng. Nhưng khủng hoảng trầm trọng nhất là số sinh giảm sút và số người trẻ bị thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó thì con số công nhân ngoại quốc cũng xuất hiện đông hơn. Tuy nhiên việc hội nhập của người ngoại quốc vào nền văn hóa và xã hội Nhật gặp rất nhiều nhiêu-khê!
Giới trẻ Nhật đang chịu thử thách. Mọi người trẻ đều muốn vào các đại học nổi tiếng. Do đó gia tăng tinh thần cạnh tranh. Vì thế, các nhà giáo dục chân chính, đặc biệt là các tu sĩ salesiani, cố gắng chu toàn nhiệm vụ giáo dục giới trẻ Nhật, không phải chỉ nguyên trên bình diện trí thức mà cả về phương diện nhân bản và thiêng liêng nữa. Chúng tôi cố gắng đi vào con tim của người Nhật để giúp họ mở rộng cho chiều kích siêu việt. Nhưng điều này thật khó, ngay cả khi người Nhật đó còn trẻ! Giới trẻ Nhật – giống như bao giới trẻ khác trên thế giới – thường bị cuốn hút vào những lý tưởng tức-khắc và thời-đại! Tại Nhật Bản, số Kitô-hữu rất ít, chưa đến khoảng 1% dân số, nên việc rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ gặp muôn vàn khó khăn! Chính vì sự thiếu vắng lý tưởng và niềm hy vọng mà hàng năm có đến 30 ngàn vụ tự tử. Chi tiết này làm xấu đi bộ mặt Nhật Bản rất nhiều.
Tuy nhiên cá nhân tôi vẫn lạc quan. Chỉ cần hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Nhật Bản gia tăng lòng nhiệt thành và dấn thân hơn một chút thì Đức Chúa Thánh Thần sẽ làm phép lạ!
Một nhân vật gây ấn tượng mạnh nhất nơi tôi là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, cựu Giám Mục Hồng Kông. Tôi luôn luôn ngưỡng mộ nhân cách ngài khi ngài còn là giáo sư dạy môn triết trong thập niên 1970. Ngài là người có khả năng tuyệt vời kết hợp hài hòa giữa tâm trí và con tim để có được một cái nhìn bao quát và khách quan về hiện trạng của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc.
… ”Giờ đây hãy chúc tụng THIÊN CHÚA muôn loài, Đấng đã làm những điều vĩ đại ở khắp nơi. Đấng đã làm cho đời sống chúng ta nên cao quý ngay từ thưở ta còn trong lòng mẹ và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Người. Xin THIÊN CHÚA ban cho chúng ta niềm hoan hỷ, và cho đời sống chúng ta được hưởng phúc bình an” (Sách Huấn Ca 50,22-23).
(”Il Bollettino Salesiano”, Rivista fondata da San Giovanni Bosco nel 1877, Maggio 2012, Anno CXXXVI, Numero 5, trang 14-16)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt