Trong đời của mỗi người chúng ta điều gì là đáng quí nhất? Sắc đẹp? Tiền tài? Danh vọng? Quyền lực? Dục vọng? Bỗng nhiên trong đầu tôi xuất hiện một câu nói mà tôi đã đọc được ở đâu đó: “Trên đời có ba thứ mà bạn phải trân quí. Thứ nhất là Đức Tin (Faith), thứ hai là gia đình (Family), và thứ ba là bạn hữu (Friends). Rất tiếc, con người ngày nay không đếm xỉa đến những điều này, căn cứ trên lối sống và suy nghĩ rất tự nhiên, đặt nặng những giá trị vật chất. Như vậy, đức tin, gia đình và tình bạn giữ vai trò gì trong đời sống của mỗi chúng ta?…
Đức tin (Faith): Chúng ta chả ai thấy Đức Tin của mình hay của người khác. Nhưng chắc chắn một điều là phải có “đức tin”. Gần đây mọi người đều có dịp đọc và phê phán về câu nói bất hủ, ngạo mạn nhưng cũng rất ấu trĩ của tổng thống Phi Luật Tân, ông Rodrigo Duterte. Đại khái ông thách thức rằng nếu ai chứng minh cho ông biết có Chúa thì ông sẽ tin. Thách thức này làm tôi cũng nhớ lại một câu chuyện giữa một ông nhà giầu và một cậu bé nghèo.
Ông nhà giầu đi nghỉ mát tại một bờ biển đẹp. Trên balcon, cứ mỗi sáng nhìn xuống ông lại thấy một cậu bé vội vàng đi qua trên con đường trước ngôi biệt thự giầu có, đầy tiện nghi của ông. Tò mò, một sáng nọ, ông đã đứng trước cửa đợi sẵn chờ cậu bé đi qua. Gặp cậu bé, ông liền hỏi:
-Này em bé. Sao sáng nào em cũng vội vã đi trên con đường này vậy?
-Thưa ông, cháu đi đến nhà thờ dự lễ.
Nhìn cậu bé bằng một cái nhìn có vẻ thương hại, người nhà giầu nói:
-Làm gì mà có Chúa.
-Có chứ. Cậu bé đáp lại.
-Thế em chỉ cho ta Chúa ở đâu, ta sẽ thưởng.
Bằng một xác tín mãnh liệt của một đức tin chân thành, trong sáng. Em liền nói với người đang thách thức mình:
-Dễ thôi. Ông cứ nói với người phi công chở ông lên thật cao, thật cao trên bầu trời kia rồi ông mở cửa nhảy ra khỏi máy bay thì ông sẽ gặp Chúa liền!!!
Không biết ông nhà giầu kia có hiểu được điều em bé nói hay không. Nhưng trong thực tế tôi cho rằng rất nhiều người không nhận ra chân lý này, tổng thống Phi Luật Tân là một thí dụ. Chính Chúa cũng đã nói về những người này: “Chúng có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe”.
Đức tin không chỉ đem lại sự sống đời đời cho những kẻ tin nhận. Nó còn là một bảo đảm cho cuộc sống và những việc làm lương thiện của con người. Chúng ta vẫn thường nghe: “Trời xanh có mắt”.
Gia Đình (Family):
Nhạc sỹ Phanxicô đã lột tả tâm tình của một người con khi hướng về gia đình trong đó có cha mẹ, anh chị em với lời cầu xin cho đấng sinh thành như sau:
- Con ra đời có mẹ cha là trời cao biển lớn bao la, từng ngày qua giữa tuổi ngọc ngà, con là nụ hoa bé nhỏ trong nhả, nhờ công cha nhờ nghĩa mẹ con khôn lớn trong muôn lời ca.
ĐK. Xin ơn trên gội xuống muôn nhà giúp mẹ cha ngày tháng an hòa, bao nhọc nhằn sinh trái đơm hoa. Xin cho con ở giữa gia đình, sống làm sao đền đáp ân tình ơn biển trời ghi khắc trong tim.
- Nuôi con bằng sữa tình yêu và dạy con bằng tiếng thương yêu. Là nụ hoa bé nhỏ dại khờ con nhờ mẹ cha mới trở nên người, bàn tay cha giòng sữa mẹ xin ghi nhớ không bao giờ quên.
(Cầu cho cha mẹ – Phanxicô)
Còn qua bài Lòng Mẹ, nhạc sỹ Y Vân đã diễn tả về tình người mẹ đối với con mình bằng những tâm tư sâu lắng và những hình ảnh phong phú. Và cho dù là thế, nó vẫn chưa đủ để nói lên tình thương bao la của người mẹ (người cha) đối với con cái mình, cũng như tấm lòng người con mỗi khi nghĩ về mái ấm gia đình:
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
………..
Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.
Không ai lại không nhận ra tình yêu của mẹ cha đối với con cái. Còn nữa, tình anh chị em, tình ông bà, cô chú, bác… Một bầu trời hạnh phúc mà tuổi thơ không thể thiếu để có thể lớn lên, phát triển, và hạnh phúc giữa cuộc đời.
Trong thực tế, những đứa con mất cha, mất mẹ, mồ côi cha mẹ, hoặc bị cha mẹ bỏ rơi là những đứa trẻ bất hạnh nhất. Muốn cảm được điều này, chúng ta chỉ cần nghe tâm sự của những đứa trẻ bụi đời, hoặc những dòng ký ức của những em vị thành niên trong trại tù, những em đang bị giam trong các trại hay nhà thương tâm thần. Người ta sẽ đi từ ngõ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, và sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những nụ cười rạng rỡ hạnh phúc khi nghe các em nói về cha mẹ, về gia đình, đặc biệt là khi các em biết rằng mình sắp sửa được về với gia đình.
Với kinh nghiệm nghề nghiệp tôi không tin rằng những hình ảnh, những ký ức đẹp đẽ về gia đình lại có thể bị chết trong lòng ngay cả đối với những bệnh nhân tâm lý hoặc tâm thần. Vì tôi vẫn thấy những hình ảnh ấy, những kỷ niệm ấy nơi mỗi bệnh nhân mà tôi vẫn có dịp gặp gỡ, giao tiếp.
Và khi nói về gia đình, chúng ta cũng không thể nào quên được người bạn đường của mình, người mà chúng ta đã “bỏ cha mẹ và luyến ái” để rồi cả hai trở nên một xương, một thịt. Để rồi từ sự kết hợp ấy, tình yêu làm nẩy sinh những hoa trái là những đứa con đến trong đời mang lại rộn rã những tiếng cười của trẻ thơ.
Bạn hữu (Friend): “Không ai là một hòn đảo!” Thomas Merton, nhà chiêm niệm, tư tưởng gia đã viết một câu rất ý nghĩa kể cả về tâm lý, tâm linh, và xã hội.
Về mặt tâm lý, có ai đó đã bao giờ trải qua những thời khắc cô đơn và buồn nản? Trong những giây phút ấy nếu là bạn, bạn cảm thấy thế nào? Thời gian như ngừng đọng, bầu trời tâm hồn trở nên tăm tối, sức sống và nghị lực như tiêu tan, và bạn không muốn sống nữa. Thực tế đã có nhiều người kết liễu cuộc đời mình vì sự cô liêu, đơn độc, không tìm được người bạn đường, bạn tình cùng chia sẻ cuộc sống. Những lúc như vậy, cuộc sống thật là vô nghĩa.
Còn về mặt tâm linh thì sao? Dĩ nhiên là sự trống rỗng tâm linh còn nguy hiểm, còn khủng khiếp hơn sự trống vắng tâm lý. “Buồn rầu làm héo hắt con tim”, và “Sự buồn nản là con đẻ của ma quỉ”. Những người không có niềm tin không những không tìm được ý nghĩa cuối cùng cho cuộc đời. Họ không biết mình từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Lang thang giữa chốn lệ sầu, thất vọng và tuyệt vọng.
Niềm tin đưa con người tìm về uyên nguyên, về Thượng Đế, và dĩ nhiên trên hành trình đức tin, họ cùng đồng hành với các bạn đường.
Về mặt xã hội. Con người không thể sống được một mình. Bạn hữu là người gần gũi và chia sẻ với ta lúc vui cũng như khi buồn. Là người khuyến khích ta khi ta thấy mình nản chí, hoặc đang cần một nghị lực vươn lên cho những hoài bão. Là người sửa sai ta khi ta lầm lỗi. “Friend in need, friend indeed”. Câu truyện tình bạn Lưu Bình-Dương Lễ chỉ là một thí dụ trong nhiều mối tình bạn bất hủ nói lên rằng, thực sự ta không phải là một hòn đảo. Ca dao Việt Nam có câu: “Giầu vì bạn, sang vì vợ.”
Tóm lại, có ba thứ trên đời mà ta không bao giờ được coi thường, lơ là và khinh xuất. Ngược lại, phải yêu mến, trân quí, và duy trì phát triển, đó là niềm tin, gia đình, và tình bạn.
Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt