Sau khi tôi viết bài “Nuôi Dưỡng Những Liên Hệ” thì một bạn đọc quen đã viết cho tôi qua điện thư: “Chị Kim Loan ơi, chị có khoẻ không? Em thích những bài chị viết lắm. Chị vừa tâm sự vừa dạy dỗ, ý em muốn nói chị nhắc nhở cho những ai sống đời sống gia đình nhưng không biết nuôi dưỡng những liên hệ. Nhận xét của chị thật chính xác, em may mắn có liên hệ tốt với chồng em, nhưng với các con thì em đã quên mất không để ý đến khi các cháu còn nhỏ. Bây giờ các cháu đã lớn rồi, mỗi đứa một việc, em tiếc ghê chị Loan ạ vì đã không còn dịp để gần gũi các con nữa.”
Tôi trả lời cô bạn nhỏ của mình: ”Về con cái chị đâu có hơn gì em, hai đứa nhỏ thì còn kịp, chứ hai đứa lớn thì chỉ gỡ gạc được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi. Nhưng khi con đã lớn thì mình vẫn có thể hỏi han về những gì chúng đang trải qua, nghe chúng nhận xét và toan tính, rồi mình góp ý… Mình cũng tâm sự với chúng những vui buồn, khó khăn lo lắng của mình, và chúng cũng tỏ ra quan tâm để góp ý với mình nữa.”
Nhân tiện đây tôi xin chia sẻ thêm những gì tôi đã ghi nhận trong liên hệ của mình với con cái và đã rút ra được những bài học gì. Những bạn đọc nào đã từng là cha mẹ chắc cũng có những ghi nhận tương tự, và chắc có những người đã từng lầm lỡ như tôi, và chúng ta có thể chia sẻ những lầm lỡ này với con cái để chúng cảm thông, và cũng là trao cho chúng những bài học mà chính mình và chúng đã trả giá.
Chiều con khác với chú ý đến con
Tôi không phải là người hay chiều con, nhưng thỉnh thoảng tôi có chiều chúng mà không biết rằng mình chiều. Ðó là khi tôi đang bận bịu hoặc say sưa viêc gì, như nói chuyện với ai trên điện thoại chẳng hạn, thì con tôi hỏi gì tôi cũng “ừ” đại và mong chúng để tôi yên, có khi cũng chẳng biết là mình “ừ” cái gì nữa. Chắc không ít người đã từng làm điều này với con. Một chị bạn của tôi khi biết thằng con giả mạo chữ ký của chị để ký vào giấy của nhà trường gởi về, chị lôi thằng nhỏ ra hỏi tội, nó nói: “Con hỏi má cho con ký dùm má, má nói “Ờ” mà!” “Hồi nào?”, chị điên tiết hỏi. “Hồi hổm lúc má nói chuyện trên phone, con hỏi má ký mà má cứ làm lơ, nên con hỏi má con ký được không, má nói “Ờ, được” nên con mới ký”. Té ra chị “ờ” với con mà có biết mình ”ờ” cái gì đâu! Còn con tôi lớn lên chọc tôi: “Hồi nhỏ muốn cái gì mà mẹ không cho, tụi con cứ chờ lúc mẹ nói chuyện trên phone mà hỏi là mẹ cho liền!”. Vì lúc đó tôi chú ý đến câu chuyện của mình, nên chiều con mà không hề mảy may chú ý tới chúng, ngược lại còn muốn chúng được toại nguyện mà để mình yên thân.
Khi ông bà ta nói “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là có ý trách người mẹ hay bà quá chiều con chiều cháu khiến chúng đâm hư. Con nít muốn được chú ý là một điều rất tự nhiên, vì cứ sểnh ra, hễ không ai chú ý tới chúng là y như có chuyện chẳng lành xảy ra. Không tai nạn này thì cũng rủi ro kia, thậm chí nhiều trẻ em bị bắt cóc chỉ trong khoảnh khắc mà người lớn vừa lơ là. Thiên Chúa ban cho trẻ em biết đòi hỏi sự chú ý của người lớn khi các em chưa thể tự bảo vệ được mình, nên nhiều em đòi gì được nấy thì càng đòi thêm, vì những điều chúng đòi hỏi chỉ là một cái cớ để được chú ý, cho nên càng chiều càng hư là thế. Vậy nếu thay vì chiều con, cha mẹ biết chú ý đến con thì có thể các em sẽ ngưng đòi hỏi.
Chú ý đến con trong đời sống hằng ngày
Tôi nhớ đứa lớn nhất khi còn nhỏ tương đối được tôi chú ý nhiều hơn. Lúc đó tôi chưa bận rộn nhiều nên thường trông chừng con ở trong phòng, nhưng tôi để cháu chơi với đồ chơi, còn tôi nằm trên sofa và mở báo ra đọc. Cứ đang đọc thì thằng nhỏ lẫm chẫm chạy lại, giựt tờ báo ra và vứt xuống đất. Tôi tưởng cháu muốn mẹ ẵm bồng nên ôm cháu vào lòng, nhưng cháu lại đẩy mẹ ra và tiếp tục chơi với đồ chơi. Thế là tôi lại cầm báo lên đọc tiếp, và cháu lại giật báo của mẹ ra vứt xuống đất. Phải nhiều lần như thế tôi mới biết con mình cần sự chú ý của me, và tôi bắt đầu chú ý xem cháu chơi với đồ chơi ra sao. Tôi không nhớ rõ thêm, nhưng bài học mà tôi nhớ tới giờ, là mình nên cùng tham dự những trò chơi của con khi có thể được.
Nói chung thì những đứa con lớn của tôi đã “lãnh đủ” những vụng về của mẹ chúng khi tôi mới ngoài 20 đã bắt đầu làm mẹ, và nhất là khi cuộc sống của tôi trở nên quá bận rộn với việc làm và ba đứa con nhỏ. Ngày nào đi làm về tôi cũng vội vã thay quần áo rồi lao vào bếp lo bữa cơm tốị, đứa nhỏ nhất vừa đón ở nhà trẻ trên đường từ sở về nhà cứ ôm chân tôi khiến việc di chuyển trong nhà bếp thật khó khăn. Hai đứa lớn coi tivi ở gần đó và chỉ một chập sau chắc vì đói bụng nên có chuyện gây gỗ chạy vào bếp kiện cáo với mẹ. Tôi vừa giải quyết chuyện con cái, vừa lo cho xong bữa tối cho mình và các con. Nhà tôi mãi tới khuya mới về nên không giúp được gì cả. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình sao ngu quá, đáng lẽ về tới nhà hãy khoan lao vào bếp, mà chỉ cần dành dăm ba phút ôm từng đứa vào lòng để hỏi han trò chuyện cái đã.
Ðứa nhỏ nhất sau này thì đỡ hơn, và con nít hình như thích chuyện trò với người lớn, nhưng tôi thấy lắng nghe chúng không phải là chuyện dễ chút nào. Khả năng diễn đạt của một trẻ nhỏ thua xa người lớn, nên phải chú ý và kiên nhẫn theo dõi lắm mới hiểu hết điều chúng nói. Trong khi mình cố lắng nghe, thì nhiều chuyện quan trong hoặc hấp dẫn hơn thường lao tới chiếm chỗ trong đầu và làm cho mình thành “lãng tai” trước những lời chúng đang nói. Con nít tuy chưa biết nhiều nhưng Chúa cho chúng sự nhạy bén tự nhiên. Khi chúng ta lãng tai là chúng biết ngay nhờ quan sát nét mặt của người nghe, hoặc nghe cách trả lời cho có lệ của mình là chúng biết liền. Con tôi sẽ nói thẳng là “mẹ không muốn nghe nữa thì thôi” và tự động ngưng nói. Lúc đó tôi mới chợt tỉnh ra và ân hận đã không chú ý tới những điều con mình đang cố gắng diễn đạt.
Ngày xưa mẹ tôi cũng gần gũi với tôi là đứa lớn nhất, cho tới khi bà khi bà có thêm nhiều em của tôi. Mẹ tôi hay kể nhiều chuyện cổ tích rất hay cho tôi nghe, mà bây giờ có lẽ vì đời sống bận rộn và công việc làm ăn đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều nên tôi chẳng nhớ chuyện cổ tích nào. Thành ra tôi kể chuyện xảy ra hằng ngày vậy. Và con tôi cũng kể cho tôi nghe những chuyện hằng ngày của chúng.
Khi trò chuyện với những đứa con lớn, tôi rất ngạc nhiên thích thú khi thấy chúng suy nghĩ và quan niệm khá giống mình trong nhiều vấn đề. Nhưng tuy có cùng nhận xét với nhau, nhưng chúng không để cho những nhận xét đó trở thành những thành kiến như tôi. Thí dụ khi tôi có những kết luận “vơ đũa cả nắm” về người Mỹ hay người Việt Nam thì chúng sẽ chứng mình rằng có những người không như thế, hoặc chúng không đồng ý khi tôi nhận xét về hành động hay thái độ của ai dựa theo những gì tôi biết được trong quá khứ về người đó. Tôi cũng thấy “quê” lắm khi con cái “nói thẳng vào mặt mình” như vậy, nhưng cũng phải cười cười và gồng mình can đảm lãnh nhận những nhận xét này của con, và sẽ cố gắng sửa đổi những thói quen không tốt của mình.
(Còn tiếp)
Nguyễn Thị Kim Loan
VietCatholic News