Từ đổ vỡ tới ly dị là chặng đường thương khó của hôn nhân và lâu mau tuỳ trường hợp. Trong trường hợp đổ vỡ vì một người không giữ thuỷ chung, tôi nghĩ người bị “mọc sừng” thường mang một tâm trạng rất phức tạp.
Tâm trạng thứ nhất, là tâm trạng ê chề của kẻ bị loại trừ.
Người đó sẽ cố tìm xem tại sao. Nếu “tình địch” trẻ đẹp hơn, thì lý do mình bị loại trừ khá rõ ràng. Nhưng nếu tình địch chẳng có gì hơn mình về thể chất hay tình thần, thì chắc chắn mình đã bị loại trừ vì một lý do nào đó. Dù sao thì cũng là tâm trạng ê chề của kẻ bị loại trừ. Ai cũng từng trải qua tâm trạng bị loại trừ. Ði thi bị rớt. Xin việc bị loại. Yêu một chiều và không được đáp trả. Tâm trạng bị loại trừ khiến người ta đau khổ và cô đơn, nhưng có lẽ đau khổ và cô đơn nhất là khi bị loại trừ bởi người thân của mình, như con bị cha mẹ bỏ rơi, hoặc người chồng hay người vợ bị “cắm sừng” hay phản bội. Trường hợp bị phản bội tức là có nhân vật thứ ba xen vào trong liên hệ lứa đôi khiến mình bị loại trừ. Khi gặp bạn bè có gia đình mà hai người khắc khẩu, luôn cãi vã, tôi thường nhắc tới một cuốn phim cao bồi do Clint Eastwood đóng với tựa đề “The Good, The Bad, and The Ugly” (Kẻ Tốt, Người Xấu, và Tên Gớm Ghiếc). Tuy không nhớ rõ chuyện phim, nhưng tôi hay đùa với họ: “Này, khi chỉ có hai người thì ai cũng đòi làm The Good và cho người kia là The Bad, nhưng làm sao đừng để có người thứ ba xen vào là có The Ugly đấy!” Khi hai vợ chồng xung khắc thì mới chỉ tranh nhau làm người tốt và lên án nhau là kẻ xấu, nhưng khi có nhân vật thứ ba xen vào thì tất cả chỉ còn là một bức tranh lem luốc, nhơ bẩn! Người bị phản bội có cảm tưởng hết mọi người đều nhìn thấy bức tranh lem luốc, nhơ bẩn ấy, và tệ hơn nữa là trên trán mình đã bị dán cái nhãn hiệu “kẻ bị loại trừ”, không làm sao gỡ ra được nữa! Người ấy sẽ phản ứng dữ dội lắm vì dưng không bị người ta “bôi tro trát trấu” lên mặt. Người ấy nhất định phủ nhận cái nhãn hiệu “kẻ bị loại trừ”. Những phản ứng này có tên là “ghen”!
Ai cũng tưởng ghen là phản ứng muốn giật lại tình nhân hay người phối ngẫu, và điều này đúng trong những thế hệ trước khi người vợ còn lệ thuộc vào người chồng về tài chánh. Người vợ ngày xưa đánh ghen để dành giật lại nồi cơm cho mẹ con bà. Ngày nay khi người vợ có nghề nghiệp và có thể sống tự lập, thì ghen là phản ứng tự vệ cho giá trị của mình. Tôi nghĩ người chồng ghen cũng vì lý do này. Ai cũng tưởng ghen là giận kẻ phản bội, nhưng thật ra ghen là giận chính mình sao để ra nông nỗi này, giận mình đã vô ý để trở thành kẻ bị loại trừ. Và người ta đã trải qua những tâm trạng kế tiếp ra sao?
Tâm trạng thứ hai, là muốn chứng mình giá trị của mình.
Có những người vợ bị loại trừ khi chồng có tình nhân trể đẹp hơn, đã phải tốn nhiều tiền và can đảm chịu đau đớn để đi sửa cả mắt lẫn mũi một loạt, và thay đổi kiểu tóc cũng như cách ăn mặc để đổi thành một người mới hoàn toàn về thể xác. Nếu không thì cũng chăm sóc con người của mình hơn lúc trước. Ít ra mình không bị loại trừ vì quá xấu xí!
Trong khi trải qua những tâm trạng này thì có thể người ta cũng cố gắng để hàn gắn lại, và nếu hàn gắn lại được thì coi như xoá được những mặc cảm nói trên. Và nếu được như vậy thì chuyện tha thứ đã dễ như ăn cháo! Nhưng trên thực tế, tha thứ là một điều rất khó thực hiện được, và nếu có thì thường chỉ là một sự dằn lòng mà thôi, và người ta sẽ còn tiếp tục đay nghiến, dày vò nhau. Nhiều người than với tôi về vợ họ, và cho rằng đàn bà hay ghen và nhớ dai, để bụng, khó tha thứ. Vì có kinh nghiệm cá nhân nên tôi góp ý rằng: “Nếu chỉ có hai vợ chồng với nhau thì tôi nghĩ tha thứ cũng dễ thôi, vì có lẽ người ta cũng vẫn còn yêu nhau. Nhưng điều làm cho người ta khó tha thứ là yếu tố ngoại nhân. Ngày nào mọi người còn nhìn mình dưới nhãn hiệu “kẻ bị loại trừ” ngày đó chưa tha thứ được. Chừng nào vượt qua được yếu tố ngoại nhân thì chắc là tha thứ sẽ dễ dàng!” Và theo tôi, cần phải trưởng thành hơn mới vượt qua được yếu tố ngoại nhân này.
Cũng theo kinh nghiệm của bản thân và của những người bạn cùng hoàn cảnh, sau khi đi tới cuối chặng đường thương khó của đổ vỡ, thì người ta đành “táng xác” hôn nhân của mình và khai tử nó bằng tờ giấy ly dị. Thực ra tôi bị giằng co về quyết định ly dị, vì đôí với tôi ly dị là nhìn nhận mình hoàn toàn thất bại trong đời sống hôn nhân. Tôi may mắn có người em trai kế cũng là bạn người bạn thân nhất của tôi đã hết sức nâng đỡ tinh thần của tôi. Thấy tôi như bị xoáy vào những đau khổ của chính mình mà không tìm được lối ra, em tôi mua cho tôi cuốn “Forgiving and Moving on” của Tian Dayton, một loại sách suy niệm hằng ngày không dựa theo tôn giáo nào, nhưng hướng dẫn người đọc dựa vào uy quyền của Ðấng Tối Cao và tìm cách thông giao với nguồn lực mạnh mẽ bất tận để vượt qua những trở ngại vô cùng lớn lao, để rồi thấy như tìm được tự do cho cuộc đời của mình. Theo tôi hiểu thì sách này dưạ theo 12 bước của phương pháp giúp cai rượu, giúp người nghiện nhìn nhận sự bất lực của mình để cậy trông Ðấng Tối Cao cứu thoát mình ra khỏi sự kềm kẹp của ma men và tìm lại được tự do. Sách này giúp tôi nhìn nhận rằng mình hòan toàn thất bại, và biết cậy trông ơn Chúa giúp mình thoát khỏi sự giằng co để can đảm đóng lại một chương sách dài của đời mình.
Nguyễn Thị Kim Loan