Ở Mỹ này cha mẹ nào cũng sợ phải đương đầu với con cái khi chúng bước vào tuổi vị thành niên vào khoảng 12, 13 tuổi. Khi ở bên California, các cháu còn nhỏ. Cứ mỗi thứ năm là tôi đọc báo để biết chỗ nào có thể dẫn con đến chơi vào cuối tuần mà không tốn tiền, hoặc có phim nào hay để coi. Tới sáng thứ bảy, nếu không phải đưa các cháu đi đá banh hay chạy đua, thì mấy mẹ con lo lau dọn nhà cửa cho sạch sẽ, sau đó ăn trưa, rồi chuẩn bị đi chơi cả buổi chiều. Lúc đó tôi gặp lại một ít bạn thời trung học, họ cũng có con nhỏ như tôi nên chúng tôi hay rủ nhau đi chung cả đám. Những hội chợ, những buổi triển lãm hội hoạ, trình diễn ca vũ nhạc, đi dạo chơi hoặc picnic ngoài bờ biển… rồi tối kéo về nhà nhau nấu ăn chung. Nếu cứ được như vậy mãi thì cuộc sống của các con tôi đã thần tiên biết bao nhiêu!
Ðầu thập niên 90, kinh tế bên California khủng hoảng vì các việc làm có liên quan đến quốc phòng đã giảm sút rất nhiều, số người thất nghiệp gia tăng, nhà cửa xuống giá, các hãng chuyên chở cho biết người ta chỉ thuê xe một chiều để dọn đi tiểu bang khác. Lúc đó cháu lớn nhất khoảng 14 tuổi, mẹ con tôi dọn về bên Ohio gần bên ngoại, còn nhà tôi ở lại Calif. và sau đó quyết định về VN ở luôn tới giờ. Ðể vượt qua được những khó khăn trong lúc tìm việc mới và có thể lo mua nhà cửa, tôi đã cầu nguyện nhiều đêm bằng nước mắt với Chúa và Mẹ Maria. Rồi ơn trên đã thương lo liệu cho tất cả, và mẹ con tôi thích ứng với đời sống mới khá dễ dàng. Nhưng liền sau đó tôi phải đương đầu với những thay đổi của đứa con lớn.
Cháu bắt đầu thích đi chơi với bạn bè vào cuối tuần, dặn về sớm thì vâng da, nhưng vẫn để mẹ chờ cho tới khuya. Tôi chờ không nổi nữa thì lên giường nằm mà nơm nớp sợ chuông điện thoại reo và cảnh sát báo chuyện chẳng lành xảy ra cho con. Trí tưởng tượng của tôi làm việc không ngưng nghỉ. Rồi thì cháu cũng về, và luôn đi thật nhẹ bước lên cầu thang. Nhưng lần nào cũng vậy, lên tới bậc tang cuối là cháu đã giật mình thấy mẹ đứng sẵn ở đó và sắp sửa buông lời tránh mắng. Mẹ trách mắng, con dạ dạ cho xong, rồi chui vào phòng tắm rửa mặt đánh răng đi ngủ cho lẹ, rồi lần sau lại chứng nào tật nấy. Không cho đi chơi thì con không có bạn bè, mà cho đi thì phải chờ bạn lái xe cho về mới về được.
Sau bao nhiêu lần như vậy tôi cảm thấy sức khoẻ của mình bị đe doạ nếu cứ tiếp tục để cho sự hồi hộp lo sợ lớn thêm mãi theo trí tưởng tượng của mình. Tôi tỉnh người nhận ra mình phải bớt kiểm soát theo dõi quá chặt chẽ thì con mới lớn lên được. Tôi nhận ra nỗi hoảng sợ của người mẹ khi đương đầu với những thay đổi nhanh chóng nơi đứa con đầu lòng mà mình chưa có kinh nghiệm. Có lẽ nhiều cha mẹ đã từng hành xử như tôi lúc này khi đứng trước những đổi thay của con, thay vì nới rộng vòng kềm toả cho con có chỗ lớn lên và tập tành những trách nhiệm cá nhân, thì cha mẹ lại hoảng sợ và càng thắt chặt vòng vây thêm, thế là sẽ có ngày vòng kềm toả gẫy bung, con lao ra ngoài và không kéo lại được. Nhờ ý thức được điều này, nên tôi đã bớt lo lắng khi đã khuya mà chưa thấy con về, và chỉ biết cầu nguyện phó thác xin Chúa gìn giữ cho con mình được bằng yên.
Chẳng bao lâu cháu thứ hai lớn theo anh, và chúng bắt đầu đi chơi chung với nhau thì tôi cũng yên tâm, nhưng lại sợ lỡ gặp rắc rối thì tới những hai đứa con cùng bị chứ không phải một đứa nữa. Chúng có cả bạn trai bạn gái, thế là tôi lại có thêm một nỗi sợ lớn hơn. Người có con gái thì lo con dại dột sa ngã vào tình yêu quá sớm, hoặc bị bạn trai lợi dụng và lừa dối, nhưng tôi có con trai cũng sợ con làm chuyện dại dột, con rơi con rớt phải lao đầu đi làm quá sớm để cấp dưỡng, hoặc bị kiện cáo rồi phải ngồi tù,v.v… Tôi tập vui vẻ khi con đưa bạn về nhà, và làm quen với từng đứa bạn của con. Tôi khuyên con nên chơi cả đám vui hơn, nhất là các bạn VN khi tới nhà thường thoải mái như anh chị em, chứ nếu sớm vướng vào tình yêu trai gái chỉ có hai người thì lúc đầu có những cảm xúc hồi hộp hấp dẫn, nhưng sau đó sẽ hết và dễ mạo hiểm làm chuyện dại dột phải ân hận cả đời. Các cháu công nhận là chơi cả đám vui hơn; cháu lớn nhất có bạn gái một lần rồi thôi, sau đó trở lại chơi với cả đám cho tới giờ.
Trong lứa tuổi mới lớn, rõ rệt nhất là những thay đổi về thể xác và tánh tình của con tôi. Chúng muốn tự mua quần áo lấy theo ý mình, và thường chọn những kiểu mới lạ rất …chướng mắt đối với tôi. Không lẽ bắt con ăn mặc kiểu lỗi thời vừa mắt mình, nên tôi đành làm lơ, mặc dù biết có nhiều người thân quen VN của tôi sẽ đánh giá không tốt về các cháu và về cách giáo dục của tôi. Chưa hết, chúng còn xin tôi cho để tóc dài, nhuộm màu, bện lại thành từng lọn, hoặc …cạo trọc! Về điều này tôi phải cám ơn anh chị T và C mà tôi đã có dịp gặp ở một đại hội của phong trào nọ. Ðại hội dành cho gia đình nên các con của anh chị cũng có mặt. Tôi được biết anh chị T và C là những người lãnh đạo giới trẻ rất có uy tín, vậy mà họ lại có một cháu trai để tóc dài, bện lại một phía và cạo trọc một phía! Ấy thế mà khi quan sát đám trẻ sinh hoạt thì tôi phải phục lăn ra, vì nhận thấy con anh chị là những em lãnh đạo rất giỏi, và điều này đã đánh tan những thành kiến không tốt trong đầu tôi khi chỉ nhìn bề ngoài mà đã vội đánh giá con anh chị. Cho nên khi con tôi xin được để những kiểu tóc dị hợm thì tôi an tâm cho phép, nhưng chỉ trong hạn 1 hoặc 2 tháng mà thôi. Tôi đoán cả nhà thờ đã ngao ngán khi nhìn mấy mẹ con đi lễ bên nhau. Cha quản nhiệm hỏi con tôi: “Con để tóc như vậy có bị mẹ la không?” Cháu cười trả lời: “Dạ không ạ!” Sau một thời gian thì chúng cũng chán hết những gì đã thử, và tóc tai quần áo lại bình thường như mọi người.
(Còn tiếp)
Nguyễn Thị Kim Loan
VietCatholic News