Trong bài số 3 trước đây của loạt bài này, tôi có nói đến việc cho phép con tôi để những kiểu tóc dị hợm theo ý chúng muốn, và sau đó chúng đã trở lại với những kiểu tóc bình thường. Một người mẹ trẻ đã viết lại cho tôi như sau:
“Hôm nay đọc bài này của chị, em thấy hay lắm, và cùng lúc em thấy trong lòng làm sao đó, chẳng lẽ mình phải chiều theo ý con mình dù là đầu xanh đầu đỏ, dù đi khuya về trễ….gặp đứa con cứng rắn không dễ bị lôi cuốn hoặc biết suy nghĩ lại thì không sao, còn đứa yếu quá, thiếu suy nghĩ, cứng đầu thì những cái “được chân lấn đầu ” này sẽ đưa đứa trẻ đến mức không thể cứu vãn được thì sao ? Biết là không thể đánh giá nguoi nào với diện mạo bên ngoài, nhưng hình như diện mạo bên ngoài cũng nói lên con người đó phần nào. Thí dụ như em có nguoi bạn, cô ta vì thấy cha mẹ dễ dãi, nên đi sâm mình, sâm chân, sâm tay…bây giờ ra trường đại học đi xin việc professional thì không ai nhận vì trông diện mạo cô ta không professional tí nào cả. .. Em thật confused, khi nào thì mình nên khắt khe, khi nào thì nên thương cho roi cho vọt, khi nào thì mình đang đi quá đà và lấy đi quyền tự do của con mình, và không cho con mình cái cơ hội để lớn lên theo kiểu con muốn ?. Có lẽ đối với em thì khi thấy cho mình lớn khôn đủ, có đủ “uy tín” đối với mình, có chiều sâu trong đức tin… là lúc mình let go cho con sống và lớn theo kiểu con muốn chăng ?. …
Tôi cũng có những nỗi lo sợ như người mẹ trẻ này, nên phải trông vào sự hướng dẫn của Thánh Thần để được ơn hiểu biết và khôn ngoan trong việc dạy con, cho tôi gặp các bậc thày qua sác vở hoặc qua những bài học của người khác. Nhưng quan trọng vẫn là sự cảm thông gần gũi với con cái để chúng tin tưởng hỏi ý kiến của mình. Ðể tạo được niềm tìn này, con cái phải thấy được sự hợp lý trong lời nói lẫn việc làm của cha mẹ, và nhiều khi chúng thấy mình rõ hơn là mình thấy chính mình. Có những bằng chứng cho thấy con tôi thường “rập khuôn” cách sống của tôi, nên tôi dạy chúng điều gì thì điều đó hoặc phải ăn khớp với cách tôi sống trước mắt chúng, hoặc tôi phải chứng mình được hệ quả tốt do tôi từng sống như thế khi ở vào tuổi chúng, hoặc thậm chí vạch ra cho chúng thấy những hệ quả tai hại do tôi đã từng sống ngược lại, v.v…
Chúa Giê su nói: “Cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7,16), nhưng thiết nghĩ nếu phát hiện ra hoa có vẻ xấu hoặc quả còn non mà đã có vẻ không khá, thì vẫn còn kịp để bón thêm phân, tưới thêm nước, và xịt thuốc giệt sâu cho cây có sức mà dưỡng cho quả lớn và trở nên ngon ngọt hơn chăng? Hoặc nếu cha mẹ sớm nhận ra mình là “cây chưa tốt” thì vẫn có thể cố gắng sửa đổi chính mình để trở thành cây tốt, hầu trông mong từ từ hoa trái của mình cũng nhờ đó mà tốt theo chăng? Trong bài này tôi muốn trình bày một vài quan sát về cách sống của tôi đã ảnh hưởng con tôi ra sao.
Cách đây gần 10 năm, khi biết nhà tôi nhất định một mình về Việt Nam sống và có lẽ sẽ chẳng trở về sống ở Mỹ nữa, tinh thần của tôi chao đảo khủng khiếp. Tôi luôn lo lắng, rất dễ nóng giận với con cái, và thường gào khóc than thân trách phận. Cháu lớn nhất đã vững hơn nên có lần lớn tiếng lại với tôi: “Thôi đi, mẹ tội nghiệp cho mẹ nhiều quá rồi!” Ô hay, cầu nói của con tôi như một gáo nước lạnh tạt vào mặt làm tôi tỉnh cả người. Vâng, tôi đã sống trong một “mê hồn trận” chỉ thấy toàn khổ đau của mình chứ không thấy gì khác nữa. Tôi đã hết sức lơ là với con cái ngay trước mặt mình!
Từ đó tôi đã bước ra khỏi mê hồn trận đau khổ của mình và sống cho con cái nhiều hơn. Tôi nhận ra đứa út lúc đó mới 1,2 tuổi mà hơi tí là nổi giận, dậm chân dậm cẳng la hét y như mẹ vậy. Té ra tôi làm sao thì con tôi làm y như vậy. Thế là tôi phải sửa lại bằng cách ăn nói dịu ngọt với con, và mãi sau này mới giúp cháu sửa được cái tính nóng nảy giận dữ đó. Cháu kế út thì đã trở nên quá sợ mẹ, cho tới bây giờ vẫn còn hơi tí là xin lồi mẹ cả chục lần, nhưng tôi luôn nhắc cháu rằng điểu quan trọng không phải là làm vừa lòng mẹ, mà phải tự tin vào chính mình cũng như tự trách nhiệm cho bản thân của mình nhiều hơn.
Khi có cả cha lẫn mẹ, tôi nghĩ rất khó để thấy mỗi người đã ảnh hưởng con mình ra sao, nhưng khi một mình tôi nuôi dạy con cái, tôi thấy rất rõ việc con tôi rập theo khuôn của tôi một cách rất tự nhiên. Một buổi sáng tôi mở máy rửa chén ra và không tin nổi mắt mình. Rõ ràng tối qua đứa con lớn của tôi xếp chén bát vô máy để rửa, mà sao sáng nay thấy bát đĩa sắp xếp theo thứ tự y hệt như chính tay tôi xếp vậy? Không lẽ tôi nằm mơ? Chờ cho con thức dậy, tôi hỏi” “Tối qua ai xếp chén bát vô máy vậy?” Cháu trả lời: “Con xếp, tại sao vậy?” “Ai chỉ con xếp như thế?” “Không ai chỉ hết, nhưng con thích xếp như vậy!”. Tôi hơi ngờ ngợ nhưng không có kết luận gì ngay lúc đó. Một lần khác tôi để ý cháu nhỏ hơn vắt chiếc khăn cho ráo nước để lau bàn. Tôi muốn biết con sẽ vắt theo kiểu của mình là xếp khặn hơi dài và xoắn lại thật chặt cho ráo nước, hay là chỉ bóp lại cho nước ra bớt mà khăn còn ướt nguyên chư bố chúng vần làm trước đây. Tôi giật mình khi thấy con vắt y hệt kiểu của mình, vì bao lâu nay chúng đã không còn sống cạnh bố nữa. Tôi cũng hỏi ai chỉ vắt khăn như vậy, con tôi cũng trả lời: “Không ai chỉ hết, tự nhiên con muốn làm như vậy!”
Chưa hết, tôi hay có dịp làm thêm một hai nghề tay trái để kiếm thêm tiền và nhất là để luyện cho giỏi, phòng hờ lỡ khi việc chính không có thì làm đỡ việc phụ mà sống qua ngày. Những dịp như vậy làm tôi bận rộn suốt cả tuần lễ và tôi vắng nhà nhiều hơn. Thế là những đứa con lớn của tôi cũng kiếm cớ bận rộn và đi tối ngày như mẹ, còn hai đứa nhỏ hơn cũng tìm cớ để đi tới nhà bạn bè và tôi phải chở đi. Vậy mà khi tôi ngưng việc lại và ở nhà nhiều hơn, thì chúng cũng quanh quẩn ở nhà chứ không đi đâu hết! Tôi thu dọn nhà cửa, thì chúng phụ tôi và lo thu dọn phòng của mình! À, thế là tôi biết tẩy của các cậu rồi nhé. Từ đó hễ thấy chúng ngại ngùng việc gì, thì tôi bắt tay làm trước, thế là anh nào anh nấy cũng hăng hái thò tay vào làm tiếp! Tôi nhớ khi còn nhỏ, bà tôi càng dục giã tôi làm việc gì, tôi càng không làm được, vì bà không giúp tôi vượt qua được sự ngại ngùng làm biếng của mình.
Sau này nói chuyện với một người bạn, tôi hiểu ra sự việc ngay. Trạng thái ngại ngùng không bắt tay vào việc được, giống như trạng thái đứng yên của một trái banh, tức quán tính, hay inertia. Trái banh tự nó không lăn được, mà phải có một sức đẩy dù nhẹ nhưng rất cần thiết để cho trái banh bắt đầu chuyển động và sau đó sẽ lăn rất dề dàng tự nhiên, hoặc phải để trái banh vào chồ dốc sằn thì nó mới lăn được. Ðó cũng là lý do một khi đã làm việc gì thì rất khó ngưng cho tới khi xong, vì trái banh cũng cần phải có cái gì cản lại, hoặc lăn hết đà rồi mới ngừng lại được. Nhưng nếu ngưng lại trước khi xong, thì thường sẽ chẳng bao giờ hoàn tất được vì mất đà. Mẹ con tôi chia sẻ rất nhiều về điều này như một nguyên tắc làm việc cho hữu hiệu, và tôi hy vọng nó sẽ giúp con tôi rất nhiều trên đường đời sau này.
Trong một bài saụ, tôi sẽ nói thêm một chút nữa về sức đẩy do chính mình có thể tạo ra, hơn là do người khác đẩy dùm như trường hợp tôi giúp con ở trên.
Nguyễn Thị Kim Loan
VietCatholic News