Trải qua những tâm trạng phức tạp của giai đoạn đổ vỡ và ly dị như tôi vừa trình bày thực không dễ tí nào, như thế làm sao tha thứ được? Thêm vào đó, con cái ngày một lớn, trách nhiệm ngày càng nặng nề. Khi con ngoan, không có ai để chia sẻ niềm vui làm cha mẹ với mình. Khi con hư, mình càng oán hận sự thiếu sót của người vắng mặt. Nỗi đau khổ của riêng mình còn đó, nay thêm nỗi khổ về con cái. Nói với con thì chúng chẳng hiểu, trong nhà chỉ có mình là người lớn duy nhất, tâm sự với ai khác thì người ta cũng cho là tại gia đình đổ vỡ mà ra, và chẳng ai có thể chia sẻ trách nhiệm với mình.
Trong khi đắm chìm trong đau khổ của mình như thế, thì dễ lơ là trách nhiệm với con khiến chúng được thả lỏng, và vì cũng đau khổ nên chúng có thể tìm quên trong những đam mê do bạn bè quyến rũ. Tôi nhớ hồi đó hễ mỗi lần bực bội với con cái thì tôi lại than trách về hoàn cảnh của mình và trút mọi đau khổ lên chúng, tới độ đứa con lớn của tôi không chịu đựng nổi nữa và đã lớn tiếng với tôi: “Thôi đi, mẹ tội nghiệp cho mẹ nhiều quá rồi!” Câu nói của con như gáo nước lạnh tạt vào mặt làm tôi tỉnh người ra. Thì ra tôi đã nghĩ tới đau khổ của mình nhiều hơn là chú ý và chăm sóc con cái.
May thay, trong tận cùng của đau khổ như thế, tôi nhận ra một người đã trải qua những đau khổ của tôi. Người ấy cũng đã từng bị phản bội, từng bị chối bỏ, khước từ, và nhất là đã cô đơn tột cùng trước cái chết đớn đau. Tôi đến khóc với người ấy về sự bất lực của mình trước những đau khổ, và thấy được cảm thông tất cả. Trong một khoảnh khắc bất ngờ, tôi thấy tất cả mọi đau khổ nặng nề trong tôi biến đâu mất, nhường chỗ cho một khoảng trống thật thoáng mát! Dần dần tôi thấy như mình có thể đứng ngắm nhìn cái đống đau khổ to tổ bố kia đã ra khỏi con người của mình! Nó còn nguyên đó, nhưng nó không ở trong tôi nữa. Trước đây mỗi khi tôi nhớ lại những gì đã xảy ra, thì tất cả những cảm xúc lại ập về, y như mọi chuyện vẫn còn đang tiếp diễn. Ấy thế mà bây giờ tôi vẫn nhớ mọi chi tiết, nhưng cảm xúc không hề trở lại nừa. Tôi vẫn có thể kể lại rành rọt mọi chi tiết những gì đã xảy ra làm cho tôi đau khổ trước đây, nhưng tôi kể như một chuyện cổ tích không ăn nhập gì tớì đời sống hiện tại của mình. Và tôi biết mình đã được ban ơn để có thể tha thứ một cách thật bất ngờ.
Còn người đã ban phát và giúp tôi đón nhận ơn tha thứ cho chính mình và cho người phối ngẫu xưa, chính là Ðức Giêsu! Không những hiện tượng tha thứ xảy ra cách bất ngờ và dễ dàng, mà tôi còn được soi sáng để phân biệt lỗi lầm và người phạm lỗi là hai, chứ không phải là một như tôi thấy trước đó. Lỗi lầm như bệnh hoạn hoặc vi trùng mà người ta mắc phải vì không cẩn thận, còn người phạm lỗi giống như bệnh nhân, tuy đáng trách vì đã không cẩn thận, nhưng chắc chắn chẳng ai muốn mắc bệnh tật làm chi. Vậy người có lỗi cũng đáng thương lắm chứ, nhất là khi họ biết ân hận. Sự phân biệt này đã giúp tôi dễ dàng tha thứ cho con cái và yêu thương chúng nhiều hơn, vì chúng thường phạm lỗi chỉ vì không biết chứ không cố ý phạm.
Cũng nhờ Chúa ban ơn tôi tha thứ được như thế, mà tôi đã có thể dẫn hai đứa con nhỏ về Việt Nam thăm bố chúng vào cuối năm 2002, vì anh đã sống luôn bên VN nhiều năm nay không về lại Mỹ nữa. Ðây cũng là dịp để tôi được gặp ông bà nội của các cháu lần đầu tiên, vì chúng tôi làm đám cưới ở Mỹ vào năm 1978 và không có mặt của gia đình đàng trai. Hiện nay gia đình tôi không còn ai ở VN, nên trước khi về tôi đã chuẩn bị một “mạng lưới” gồm những người có thể giúp mình khi gặp trường hợp “bất khả kháng”. Tôi cũng đề nghị với anh là cả hai bên phải tuyệt đối tôn trọng đời sống riêng tư của nhau, và chỉ coi nhau như bạn bè và người thân trong gia đình. Tạ ơn Chúa, chúng tôi đã giữ đúng lời giao ước, và đi chơi chung rất vui. Mẹ con tôi được gặp ông bà nội, các cô chú, và ăn với cả gia đình một bừa cơm rất thân mật và đầm ấm.
Khả năng chọn lựa và quyết định
Sống độc thân sau khi ly dị giống như cảnh sống goá bụa, phải tự lo cho mình mọi chuyện. Một mình lo việc chi tiêu cho gia đình, dành dụm đầu tư để về già có tiền sống, mua bảo hiểm đầy đủ, làm di chúc, v.v… Tự mình xem xét và quyết định sửa chữa hoặc mua bán nhà cửa, xe cộ, đồ dạc trong nhà… Nghĩa là không thể dựa vào người khác trong bất cứ chuyện gì. Vì vậy tôi hay hỏi ý kiến con cái khiến con tôi có vẻ trưởng thành hơn so với tuổi của chúng. Tôi cũng làm gương cho chúng biết tự cân nhắc và quyết định nhiều việc cho chính mình, và phải tự trách nhiệm về hệ quả chứ không đổ lỗi cho người khác (Tôi biết có nhiều cặp vợ chồng luôn đổ lỗi cho nhau.)
Tự do, cô đơn và an bình nội tâm
Phải công nhận rằng cuộc sống độc thân sau khi ly dị có rất nhiều tự do. Mọi quyết định cho chính mình hoặc cho gia đình đều do tôi tự định đoạt, chứ không như khi gia đình còn nguyên vẹn phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Nhất là tự do với thời giờ rảnh rỗi của mình; muốn đi đâu với ai hay muốn làm gì đều thoải mái, khiến nhiều cặp vợ chồng tôi quen biết phải ganh tị vì họ đâu có được tự do như thế. Gần đây có nhiều ngưởi hỏi tôi có tính “bước thêm bước nữa” không. Tôi thật tình trả lời rằng khi mới ly dị xong, đang có tâm trạng hụt hẫng mà gặp người nào cảm thông được với mình thì chắc tôi đã vướng ngay. Nhưng may mắn thời gian đó tôi chẳng gặp ai, còn bây giờ thì đâu dễ gì tôi chịu đánh đổi những tự do của mình.
Nhưng bạn bè và người thân của tôi không biết rằng cái giá của tự do là sự cô đơn. Cha mẹ độc thân rất bận khi con còn nhỏ, nhưng lại rất trống vắng khi con đã lớn và có chương trình riêng của chúng. Có những buổi chiều cuối tuần, tôi bắt gặp mình đang cố gắng vùng thoát để chạy trốn nỗi cô đơn đang vây bủa, nghĩa là tôi rất muốn gặp người này người nọ; những người thân ở gần đều bận bịu với gia đình của họ, bạn bè cùng hoàn cảnh thì ở xa. Nhưng cùng lúc tôi nhận ra sự hèn kém của mình. Cô đơn là lúc chỉ có một mình mình hiện diện với chính mình, và cũng là lúc mình và Chúa dễ nhận ra nhau nhất, vậy tại sao tôi lại muốn bỏ chạy? Tôi nhủ mình: Ở lại! Can đảm! Mình gặp gỡ chính mình và gặp gỡ Chúa thì có gì mà phải sợ kia chứ? Và tôi đã đạt được sự bình an trong những lúc cô đơn nhất. Thật ra, nhờ tôi cảm nhận được cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá đã xoá bỏ mọi tội lỗi của mình, nên mới dám gặp gỡ Chúa. Bằng không tôi đã quá sợ hãi đâu dám đến gần Ngài.
Nguyễn Thị Kim Loan