Bài 6. Giáo Dục con, hay Huấn Luyện con?

Bài viết này là những góp ý của tôi về việc dạy kèm thêm cho con những môn Toán và Anh Văn.

Thú thực là tôi chỉ theo dõi việc học của con chứ không dậy kèm cho con thêm môn nào hết, và không đòi hỏi chúng phải học thật giỏi. Tôi cũng không hiểu tại sao trong 4 đứa con thì 2 đứa tự mình học rất giỏi, đứa lớn thì chỉ học lè phè nhưng cũng xong Ðại Học dù chỉ trên 3.0 GPA, còn đứa đang học Trung Học thì cố gắng nhiều mà không giỏi bằng 2 đứa kia. Ðiều tôi tiếc là mình không đủ sức hướng dẫn để con đạt được tới mức xa nhất mà khả năng của chúng có thể đạt được cho sự nghiệp của chúng sau này. Thôi thì mình có sức tới đâu thì hướng dẫn con tới đó vậy.

Tuy tôi không dạy kèm thêm môn Toán cho con như nhiều cha mẹ VN hay Á Ðông thường làm, nhưng tôi cũng thấy được rằng học toán không phải để giỏi toán, mà là luyện về khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn. Thành ra tôi hay trao đổi với chúng về những khó khăn, trở ngại trong đời sống của từng đứa, hướng dẫn chúng tìm ra giải pháp và chúng chứng mình rằng mình sẽ giải quyết được. Thí dụ như cái tật lười dọn phòng, làm sao vượt qua được? Cái khó khăn trở ngại là làm sao đổi từ trạng thái lười lĩnh sang trạng thái năng động, và cách giải quyết là phải có một sức đẩy, hay đúng ra là sức hút do sự “muốn”. Nhưng ta đâu có muốn dọn phòng? Vậy ta muốn cái gì? Chắc chắn ta muốn sự sung sướng khi hoàn tất công việc, ta muốn sự thoải mái khi bước vào căn phòng gọn gàng sạch sẽ, ta muốn cái việc phải làm này nó ra khỏi đầu ta, v.v… Vậy ta hãy tưởng tượng ra cái cảm giác tuyệt vời khi nhìn căn phòng được dọn xong, và điều này sẽ làm ta hăng hái bắt tay vào việc. Nhờ cách nhận ra những trở ngại và tìm cách giải quyết để vượt qua những trở ngại đó, nên mẹ con tôi thắng được sự lười biếng hay ngại ngùng của mình trước nhiều việc.

Chuyện đọc sách cũng vậy, tuy tôi không ép chúng đọc nhiều, nhưng tôi cũng nhận ra đọc không phải để chứa hết nhừng điều mình đọc ở trong đầu, nhưng đọc để hiểu biết, để giải trí, để làm tăng tốc độ đọc và hiểu để chuẩn bị khi lên trung và đại học sẽ phải đọc rất nhiều, đọc để làm tăng khả năng thu thập dữ kiện, khả năng nhận xét và phân tích, khả năng lý luận,v.v… Cho nên tôi để chúng chọn loại sách mà chúng thích, hoặc về khoa học, hoặc về máy móc nghe nhạc, về xe cộ, v.v… chứ không buộc chúng đọc loại nào theo mình là cần thiết hoặc có ích.

Tôi cũng quan niệm chuyện chơi của con quan trọng ngang hàng với chuyện học, và phải hướng dẫn việc chơi sao cho đứa nhỏ có đời sống quân bình về mọi mặt. Khi con tôi còn nhỏ, rất dễ cho gia đình tôi tham dự vào việc giải trí chung, nhưng khi chúng lớn rồi thì thiệt là khó. Những năm sau này tôi phải “mời” chúng đi những chỗ chúng muốn đi cho biết, và để chúng tham dự việc hoạch định chương trình đi chơi, chúng coi bản đồ tìm đường, lái xe… Còn mình được con cho đi tháp tùng và “được” chi tiền cho cả nhà là may lắm rồi!!!!

Cũng ở diễn đàn nói trên, một người mẹ có 2 con nhỏ và đã có dịp gặp gia đình tôi viết như sau: “Mấy lần nghe chị kể về 4 đứa con trai của chị, mặc dù mình có thấy hình rồi nhưng vẫn chưa thể hình dung rõ nét cho đến lúc thực sự diện kiến. Hôm đến nhà chị, từng chàng một trình diện. Mỗi đứa một vẻ, đều tạo khách một cảm giác thật là thoải mái. Ấn tượng đầu tiên để lại với mình là các con của chị thật là lễ phép và lịch sự. Nếu con mình sau này được như vậy thì cũng mãn nguyện lắm rồi.”

Tôi viết lại để cám ơn chị đã khen mấy đứa con mình, và nói rằng sự thoải mái mà chị nói tới là một trong những điều mình muốn đạt được trong liên hệ gia đình. Và dưới đây là phần tôi viết tiếp cho chị.

Khi nuôi dạy con cái, mình luôn muốn con mình đạt được mọi điều tốt đẹp. Nhưng trên thực tế, theo sau những cố gắng của mình là những gì con mình có thể trở nên được do nhiều yếu tố khác nhau mà sự nuôi dạy của mình chỉ là một trong những yếu tố đó mà thôi. Thành ra sẽ có đứa được như mình mong muốn hoặc hơn thế nữa, và cũng có đứa chỉ được đến mức có thể được nhưng thua xa điều mình mong muốn. Như vậy làm sao để mình chấp nhận và yêu thương từng đứa con, dù đứa đó có được như mình mong muốn hay không? Có lẽ hay nhất là…quên đi điều mình từng mong muốn! Bằng không, mình sẽ rất khó đạt được sự thoải mái trong liên hệ giữa mình với chúng.

Cũng như tôi từng muốn có một đứa con gái, nên dù thất vọng khi khám ultra sound và được biết là con trai nhưng tôi vẫn hy vọng đó là một điều lầm lẫn và thực tế sẽ chứng mình ngược lại! Ấy thế mà khi đứa nhỏ vừa lọt lòng và thực tế buộc tôi phải chấp nhận đó là con trai, thì tự nhiên tôi quên và vĩnh viễn quên rằng mình từng muốn nó là con gái! Có thế tôi mới yêu thương được cả 4 đứa con trai của tôi chứ!

Một bạn khác góp ý như sau: “Không biết các chị có xem phim documentary trên PBS vài tháng trước, nói về sự ép con học của cha mẹ người Trung Hoa ở Hoa Kỳ không. Nhiều đứa con đó học quá giỏi, và thành công về sau. Nhưng không thấy nói về tâm lý của những đứa bị ép mà học không thành công.”

Tôi viết lại rằng mình đang dọc cuốn Tình Yêu và Trách Nhiệm của Pope John Paul II, tuy mới đọc có mấy chục trang đầu, nhưng đã vỡ ra một vài điều thú vị cho riêng mình.

Thứ nhất, có những trường hợp “tôi muốn người khác muốn điều tôi muốn.”

Thứ hai, tôi cần phân biệt “giáo dục con” khác với “huấn luyện con”.

Tôi nghĩ nhiều khi cha mẹ đã làm điều thứ nhất đối với con cái, và đã huấn luyện con hơn là giáo dục con. Thậm chí có nhiều cha mẹ mà tôi biết đã “đúc khuôn” con theo ý mình, chứ không để cho con phát triển tự nhiên và đầy đủ để trở thành một con người có có giá trị cá biệt. Khi đứa nhỏ được đúc khuôn, thì nó chỉ vừa khít cái khuôn đó và trở thành hoàn hảo trong mắt cha me, hoặc nó không khít thì coi như là…hỏng toi, không có giá trị gì !!! Y như người ta dùng một cục đất sét để nặn tượng vậy! Thiệt là tội nghiệp cho đứa nhỏ, hay đúng hơn là bất công cho một con người được sinh ra trong sự sáng tạo và chăm sóc của Thượng Đế gián tiếp qua liên hệ của cha mẹ.

Nói chung, cây tốt thì sanh trái tốt, nếu tôi cố gắng sống tốt lành thì chắc không đến độ nào phải lo lắng nhiều về những hoa trái của mình được thấy qua những đứa con. Tuy nhiên, vẫn có những điều hiển nhiên không nằm trong khả năng dự liệu và thực hiện của con người, cũng như không mấy lệ thuộc vào việc dạy dỗ con cái của cha mẹ. Đó là cuộc sống có những chu kỳ tự nhiên, có thời thành công thì cũng có lúc thất bại, có hạnh phúc thì cũng có đau khổ, và cuối cùng là mạng sống của mỗi người sẽ chấm dứt khi nào và chấm dứt ra sao thì không ai biết được. Và trong nỗ lực giáo dục con cái, tôi cũng đã cố gắng chuẩn bị cho chúng ý thức được những lẽ tự nhiên này của đời sống con người.

Nguyễn Thị Kim Loan

Nguồn: VietCatholic News

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment