Chúa Giêsu phán: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” Mátthêu 19:14
Là Kitô hữu trong bậc làm cha mẹ, làm thế nào chúng ta phát triển đức tin của con cái mình? Chúng ta có trách nhiệm huấn luyện con cái mình theo đường lối của Thiên Chúa và một trong những bước đầu tiên là vun trồng đức tin của chúng.
Đức tin là một phần quan trọng trong cuộc hành trình tâm linh của chúng ta trên trần thế này, vậy làm thế nào để chúng ta chia sẻ đức tin này với thế hệ trẻ?
1. Đức tin là gì?
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo định nghĩa:
- “Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Ngài nói và mặc khải cho chúng ta cũng như những gì Hội Thánh dạy phải tin, vì Thiên Chúa là chân lý. “Trong đức tin, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do” (DV 5 ). “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm1,17). “Chỉ đức tin hành động nhờ đức mến, mới có hiệu lực” (GLGHCG, số 1814 -1816 )
Như thế, đức tin là sự đáp trả của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra và hiến mình cho chúng ta, đồng thời mang lại cho chúng ta ánh sáng dồi dào khi chúng ta tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình.
Đức tin không chỉ đơn giản là tin rằng Thiên Chúa là đấng sáng tạo, chủ nhân và vua của chúng ta, mà còn thể hiện niềm tin đó trong những lựa chọn hàng ngày của chúng ta và lấy Cha trên trời làm ánh sáng để hướng dẫn cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Do đó, đức tin của chúng ta là một phần quan trọng của con người chúng ta với tư cách là Kitô hữu.
2. Làm thế nào để nuôi dưỡng đức tin của con bạn?
“Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ” Châm Ngôn 22:6
Là Kitô hữu người lớn, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ đức tin của mình cho con cái. Chúng ta sẽ làm như thế nào?
a. Đọc những câu chuyện trong Kinh thánh
Lời Chúa là nguồn khôn ngoan tốt lành để đào sâu sự hiểu biết đức tin của con cái bạn. Biến việc đọc Kinh thánh thành một phần trong các hoạt động của bạn với con cái của bạn. Có vô số câu chuyện trong Kinh Thánh về những người nam và nữ có đức tin đã bị thử thách và được củng cố. Ngoài Kinh thánh, còn có những cuốn sách và bài tĩnh nguyện với hình minh họa đầy màu sắc thu hút độc giả nhỏ tuổi.
Sau đây là một số câu chuyện về dân của Thiên Chúa vượt qua những thử thách lớn lao bằng đức tin:
- Câu chuyện về Đavít và Gôliát trong 1 Samuel 17 cho thấy Đavít, nhà vô địch của Thiên Chúa, đã đánh bại Gôliát, người khổng lồ vô địch của dân Philitin. Cậu bé Đavít đã chiến thắng Gôlíat bằng một chiếc ná, đá và quan trọng hơn là niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa.
- Mátthêu 8:23-27 cho thấy Chúa Giêsu đã làm yên cơn bão dữ dội như thế nào khi đang ở trên thuyền với các môn đệ. Câu chuyện này là một lời nhắc nhở tuyệt vời về việc không có gì là không thể đối với Thiên Chúa và rằng Ngài là chúa tể của mọi thứ, ngay cả của các sức mạnh tự nhiên.
- Mátthêu 9:20-22 kể câu chuyện về một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm và được phép lạ chữa lành. Bà đã được chữa khỏi bệnh chỉ bằng cách chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu nhờ đức tin mạnh mẽ của bà vào Chúa.
b. Chia Sẻ Chứng Từ Của Riêng Mình
Cha mẹ có thể dạy con tốt nhất bằng gương sáng. Đừng chỉ dừng lại ở việc đọc những câu chuyện về đức tin, hãy chia sẻ những kinh nghiệm đức tin cá nhân của bạn bị thử thách và được củng cố. Chúng ta cần phải là những tấm gương sống động về đức tin của mình cho thế hệ trẻ và một cách để làm điều này là sống trung thành với các mệnh lệnh của Chúa.
c. Cầu nguyện mỗi ngày
Cầu nguyện là một phần quan trọng trong hành trình đức tin của chúng ta. Trong 1 Thessalônica 5:17, chúng ta được khuyên bảo phải “cầu nguyện không ngừng.” Chúng ta cần dạy con cái mình rằng cầu nguyện không chỉ là cầu xin Chúa ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn. Nhưng là mở rộng tấm lòng của chúng ta với Ngài, có lòng biết ơn đối với tất cả các phúc lành mà chúng ta đã nhận được và bày tỏ những mối quan tâm sâu sắc nhất của mình lên Cha trên trời.
Hãy dạy con cái của bạn rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống. Ngài quan tâm đến chúng ta và muốn chúng ta đến gần Ngài hơn. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu chúng ta dành đủ thời gian để cầu nguyện. Giống như chúng ta cần thường xuyên giữ liên lạc với những người thân yêu của mình, chúng ta cũng cần thường xuyên liên lạc với Thiên Chúa.
d. Hỗ trợ ước mơ của con bạn
Mỗi đứa con đều có một ước mơ và với tư cách là cha mẹ và người giám hộ, chúng ta có trách nhiệm hỗ trợ ước mơ đó. Khi chúng ta khuyến khích ước mơ của con mình, chúng ta đang cho chúng thấy một minh chứng đơn giản về ý nghĩa của niềm tin. Nhưng chúng ta không được quên nhắc nhở chúng rằng các phúc lành và cơ hội đều đến từ Thiên Chúa. Chúng ta cần giúp con cái mình trở nên tự tin nhưng vẫn khiêm tốn và biết ơn.
e. Suy gẫm những câu Kinh Thánh
Bạn có thể nuôi dưỡng đức tin của con mình bằng cách khuyến khích chúng suy ngẫm những câu Kinh Thánh. Kinh Thánh chứa đầy những câu chuyện đầy cảm hứng và những lời khôn ngoan có thể dùng để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn. Nếu con cái của bạn đang trải qua thời kỳ khó khăn, hãy đưa cho chúng một đoạn Kinh thánh để có thể cùng bạn suy ngẫm.
Ngay cả khi con bạn không gặp phải hoàn cảnh khó khăn nào, bạn vẫn có thể khuyến khích chúng suy ngẫm về Kinh Thánh. Khuyến khích con bạn tập thói quen đọc và suy ngẫm các câu Kinh Thánh ít nhất 10 phút mỗi ngày trước khi ra khỏi giường hoặc trước khi đi ngủ.
Dưới đây là một số câu Kinh thánh về đức tin để giúp bạn bắt đầu:
- “Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” Máccô 11:24
- “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” – Rôma 15:13
- “Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” – Giacôbê 1:6
Đâu là kinh nghiệm đức tin bị thử thách sớm nhất của bạn? Bạn trau dồi đức tin cá nhân của mình như thế nào?
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
từ catholicfaithstore.com
https://www.catholicfaithstore.com/daily-bread/5-ways-to-nurture-your-child/