Gia đình – Ngôi nhà dành cho trái tim bị tổn thương

(Bài thuyết trình của Hồng y Antonio Tagle trong Hội Nghị về Gia Đình Thế Giới được tổ chức tại Philadelphia vào năm 2015[1]

Xin chào buổi chiều tất cả mọi người.

Xin được gửi lời chào nồng nhiệt từ Philippines và Á Châu tới tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây.

Lời đầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn các nhà tổ chức Hội Nghị Gia Đình Thế Giới, Tổng Giáo Phận Philadelphia, Tổng Giám Mục Chaput, và Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Đức Tổng Giám Mục, tất cả quý vị từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, cùng về đây để tôn vinh tính thiêng liêng, sự sống và sứ mệnh của đời sống gia đình.

Công việc của tôi chiều nay là cùng với quý vị suy niệm về gia đình như là ngôi nhà dành cho trái tim bị tổn thương. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình.

Đầu tiên, tôi muốn mời quý vị cùng xem xét các loại vết thương khác nhau trong cuộc sống mà chúng ta phải trải nghiệm và đối diện. Sau đó, chúng ta sẽ hướng về Đức Giêsu, Đấng chịu đau thương, Đấng rao giảng về Nước Thiên Chúa, bao gồm sứ vụ chữa lành.  

Sau đó, chúng ta cùng hướng về Giáo Hội, là Thân Thể Đức Kitô, được hình thành từ những người nam và người nữ bị tổn thương; tuy nhiên họ được kêu gọi để chia sẻ cùng một sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đầu Giáo Hội.

Và cuối cùng, tôi sẽ đưa ra một vài lời khuyên về cách thức mà chúng ta, trong tư cách là những người bị tổn thương, có thể trở thành những tác nhân chữa lành ngay trong ngôi nhà của chúng ta, và trong ngôi nhà rộng lớn hơn là Giáo Hội.

Và vì đây là Hội Nghị Gia Đình Thế Giới, tôi đã đưa gia đình mình đến đây. Bố mẹ tôi, anh trai tôi và những anh em họ của tôi đang hiện diện nơi đây.

  1. Những trái tim bị tổn thương, những con người bị tổn thương

Vậy, chúng ta hãy bắt đầu với một số xem xét về những trái tim bị tổn thương. Tất nhiên, trái tim mà tôi muốn nói ở đây không chỉ là một bộ phận trong cơ thể. Khi chúng ta nói về những trái tim bị thương là chúng ta đang nói về những con người bị tổn thương. Tất cả mọi người đều bị tổn thương. Tôi đoán không có ai trong hội trường này lại có thể tuyên bố rằng: “Tôi chưa từng bị tổn thương”. Tất cả chúng ta đều bị tổn thương; chúng ta còn tiếp tục trải nghiệm những vết thương lòng của chúng ta.

Có nhiều sự tổn thương khác nhau: về thể lý, về tâm linh, về tình cảm, về tương quan, về tài chính. Có nhiều nguyên nhân và nhiều hậu quả khác nhau. Nhưng bất luận bản chất của vết thương thế nào đi nữa, nó luôn luôn ảnh hưởng đến gia đình, và hậu quả là, nó ảnh hưởng đến mối tương quan xã hội của mỗi một con người. Mọi vết thương đều gây đau đớn. Nhưng vết thương càng đau đớn hơn khi chúng ta thấy những người trong gia đình chúng ta phải hứng chịu. Khi ai đó gây nên những thương tích cho các thành viên trong gia đình chúng ta, chúng ta cũng bị tổn thương. Chúng trở nên chính những vết thương của chúng ta. Nhưng đau đớn nhất là những vết thương do chính những người thân trong gia đình gây ra cho nhau. Sự thiêng thánh của gia đình bị tổn thương bởi điều đó. Khi anh chị em đánh nhau vì đồng tiền. Khi những người thân thuộc lại ganh đua nhau vì một phần tài sản nào đó và họ nói: “Chúng tôi đang chiến đấu cho một nguyên tắc sống!” Nguyên tắc kiểu gì mà một mảnh đất nhỏ lại quan trọng hơn chính anh chị em của mình? Nhưng thế giới gọi đó là “nguyên tắc”.

Nhưng đây là sự nhiệm mầu của tất cả. Ngay cả khi ngôi nhà bị tổn thương bởi những vết thương, nó vẫn là ngôi nhà, là nơi đặc biệt để an ủi và chữa lành những trái tim bị tổn thương. Những vết thương có thể đến từ gia đình, nhưng cũng chính từ gia đình trở thành nguồn an ủi và chữa lành những vết thương.

Những vết thương ảnh hưởng đến gia đình chúng ta ngày nay thì rất nhiều, bao la và khôn lường. Tôi không có thời gian để phân tích từng cái một nhưng chỉ đưa ra cho các bạn một số ví dụ:

– những hạn chế về tài chính, thất nghiệp, nghèo đói

– thiếu khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản của con người

– thiếu thốn về giáo dục

– các chính sách kinh tế và chính trị không hỗ trợ cho các gia đình

– các mối quan hệ thất bại, ngoại tình, bệnh tật, khuyết tật

–  sự loại trừ trong xã hội, văn hóa, tôn giáo hay sự phân biệt đối xử

– nạn buôn người, lạm dụng trẻ em, bạo lực gia đình, lạm dụng phụ nữ, mại dâm, và các hình thức nô lệ mới của con người

– chiến tranh, xung đột sắc tộc

– thiên tai, khí hậu khắc nghiệt

– nạn di cư và di dời theo lối cưỡng bách nơi các dân tộc

Tất cả những điều này mang lại những tổn thương cho con người và cho các gia đình. Và từ những bối cảnh cụ thể, từ các quốc gia và khu vực của mình, bạn cũng có thể thêm vào danh sách mà tôi vừa trình bày. Hãy mở đôi mắt của bạn. Hãy lắng nghe tiếng khóc than từ những người bị thương. Hãy xem các vết thương, và hãy xem những nguyên nhân dẫn đến các vết thương đó.

  1. Những vết thương ‘dẫn tới sự tha hóa’

Những vết thương làm cho cá nhân, gia đình, và cộng đồng dễ bị tổn thương dẫn tới sự thao túng, cay đắng, tuyệt vọng, bóc lột và thậm chí dễ bị vướng vào các tội ác và tội phạm. Họ bắt đầu nghĩ đến những hành động xấu xa vì những vết thương quá sâu. Sự chia rẽ nội bộ, sự mâu thuẫn trong chính con người của tôi; và những sự chia cắt bên ngoài, những xung đột khác – tất cả đều dẫn đến sự tha hóa. “Tôi không còn biết tôi là ai nữa. Tôi không biết tôi còn được gia đình tôi đón nhận hay không. Tôi không biết liệu tôi còn thuộc về xã hội này nữa không. Tôi là một người ngoài cuộc. Tôi không thuộc về. Tôi không có một mái nhà”.

Đây thường là kinh nghiệm của những người bị tổn thương – những người bị xa lánh, những người vô gia cư. Bạn có thể có một căn nhà đẹp và rộng lớn, nhưng bạn vẫn là một người vô gia cư. Vậy, căn nhà là gì? Căn nhà không phải đơn thuần được đo bằng bao nhiêu mẫu đất mà bạn có, trên đó một công trình xây dựng được gọi là ngôi nhà tọa lạc. Không. Một ngôi nhà là món quà của sự hiện diện của tình yêu.

Tôi còn nhớ một bài hát rất hay tôi nghe từ thời còn trẻ. Bài hát đó thế này: “Một cái ghế vẫn là một cái ghế, khi không có ai ngồi trên đó. Nhưng một cái ghế không thể là một ngôi nhà, và ngôi nhà không phải là tổ ấm khi không có ai ở đó để ôm lấy bạn thật chặt, và không có ai ở đó để bạn có thể nói lời chúc buổi tối an lành bằng một nụ hôn”. Đó chưa phải là kết thúc bài hát. Nó vẫn còn nữa: “Một căn phòng chỉ là một căn phòng khi không có gì ngoài sự u ám. Nhưng một căn phòng không phải là một ngôi nhà, và một ngôi nhà không phải là một tổ ấm, khi hai đứa chúng mình mỗi đứa một nơi, và vì một đứa trong hai chúng ta đang ôm một trái tim tan vỡ.

Hãy để tôi kết thúc ở đây. Và tôi cũng bị tổn thương nữa. “Bây giờ và về sau, anh gọi tên em và đột nhiên khuôn mặt của em xuất hiện, đó chỉ là một trò chơi điên rồ khi tiếng gọi kết thúc. Và nó kết thúc trong nước mắt. Rồi lời cầu xin: này người yêu, em có trái tim. Đừng để một sai lầm nào khiến chúng ta phải cách xa. Anh không có ý định sống một mình. Hãy biến ngôi nhà này thành một tổ ấm. Khi anh đi lên cầu thang và bật chìa khóa, ôi xin vui lòng, hãy ở đó, tình yêu vẫn còn bên anh”. Đó là một tổ ấm. Không chỉ là căn nhà mà còn là tổ ấm. Một sự hiện diện sống động, là món quà của tình yêu. Điều đó dẫn chúng ta tới Đức Giêsu Kitô và sứ vụ của Người.

  1. ‘Sự khiêm nhường của người chữa lành’

Một tác giả trứ danh, Luciano Sandrin, cho rằng, toàn bộ sứ mệnh của Đức Giêsu – sứ mệnh công bố triều đại của Thiên Chúa, Vương Quốc của Thiên Chúa, chính là sự chữa lành những người đau yếu, những người bị tổn thương. Lời công bố về Nước Thiên Chúa, sự khởi đầu của Nước Thiên Chúa đã luôn có sự xuất hiện của các dấu lạ và những điềm thiêng, đặc biệt là sự chữa lành bệnh tật.

Trong Tin Mừng theo Thánh Mathêu 9,45, Đức Giêsu đã tiếp tục hành trình về các làng mạc và thị trấn. Người đã loan báo Tin Mừng về triều đại của Thiên Chúa, đã chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, và dạy dỗ nhóm 12 tông đồ thực hiện sứ vụ này. Trong Mathêu 10,7-8, Đức Giêsu nói: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.”

Tin mừng về triều đại Nước Thiên Chúa được thể hiện bằng việc chữa lành như chăm sóc, giúp đỡ mọi người, đồng hành cùng họ, khôi phục các mối quan hệ, đưa một thiếu phụ trở lại cuộc sống, khôi phục danh dự cô ấy và trao lại cho gia đình. Khi Chúa cai trị, khi Chúa trị vì, con người được cứu độ, được tôn vinh và được phục vụ chu đáo. Ở đâu có Chúa ngự trị, ở đó những vết thương được thông dự vào.

Bạn thấy điều này trong trong cuốn Phúc âm, bạn thấy điều này trong Tin Mừng theo Thánh John. Dường như có một khuôn mẫu trong sứ mệnh công bố Nước Trời của Đức Giêsu, đó là luôn có sự chữa lành kèm theo. Luôn có lòng trắc ẩn. Đức Giêsu động lòng thương. Rồi Đức Giêsu quan tâm cụ thể bao gồm việc Người tức giận đối với ma quỷ đang làm khổ một người, và rồi Người bày tỏ sự quan tâm đến người đó. Rồi đến niềm tin. Thông thường người được chữa lành biểu lộ niềm tin vào Đức Giêsu. Nhưng cuối cùng, Đức Giêsu lại bảo họ giữ thinh lặng. Đó chính là sự khiêm nhường của Đức Giêsu. Sự khiêm nhường của Người chữa lành. Người chữa lành không đi vòng quanh và nói: “Này, này! Ha! Bạn thấy người đàn ông đó chứ? Anh ta đã từng bị khập khiễng! Giờ thì anh ta có thể đi bộ với tôi bởi vì nhờ tôi! Hãy ngợi khen tôi đi!”

Không! Người chữa lành đến để loan báo về Triều đại của Thiên Chúa, không phải rao báo về chính mình. Sự vênh vang khoe khoang về bản thân mình là cách của vương quốc thế gian này. Đó là lý do tại sao các vương quốc trên thế giới này, hoạt động dựa trên tham vọng, quyền lực, lòng tự mãn – chúng gây ra những vết thương. Nhưng Vương Quốc của Đức Giêsu luôn là một Vương Quốc của sự khiêm nhường và phục vụ. Đó là lý do tại sao Vương Quốc đó lại thể hiện bằng việc chữa lành, bằng việc chăm sóc, bằng lòng trắc ẩn và bằng tình yêu.

  1. Chữa lành kẻ thù của bạn khi người ấy bị thương

Một số Giáo Phụ của Giáo Hội cho rằng trong Dụ Ngôn Người Samari Nhân Hậu, Đức Giêsu đã thực sự nói về chính mình. Một số lại chú ý đến người bị bỏ mặc cho ‘thừa sống thiếu chết’ trên đường – đó là Đức Giêsu. Người đang thực sự nói về mình. Và chúng ta có thể đồng ý – vâng, chính Đức Giêsu là Người Samari Nhân Hậu. Mỗi người bị thương, ngay cả khi đó là người lạ, là kẻ thù, tôi vẫn sẽ yêu thương và chăm sóc. Hãy nhớ rằng, Người Samari được đề cập đến trong dụ ngôn, lúc đó được coi là kẻ thù của người Do Thái. Nhưng nếu bạn muốn chữa lành, ha! Điều cật vấn chính bạn là, bạn có sẵn sàng chữa lành ngay cả kẻ thù của mình đang bị thương không? Sao không ai vỗ tay (tiếng cười, rồi vỗ tay). Tôi đã bắt được thóp các bạn rồi!

Nhưng Đức Giêsu dừng lại và chữa lành ngay cả những người dự định bắt bớ Người. Hãy nhớ lại trong Tin mừng Gioan 13, Người đã rửa chân cho các môn đệ của mình, kể cả những người đã lên kế hoạch phản bội Người. Bạn cũng chữa lành ngay cả kẻ thù của bạn. Tại sao? Tại sao? Vì đó là cung cách hành động của Vương Quốc Thiên Chúa – rất khác với cung cách hành động của các vương quốc trên thế giới này.

Chúng ta đều biết các dụ ngôn về lòng thương xót. Trong các dụ ngôn theo Tin mừng Luca 15, 3, tất cả đều đề cập đến những đồ vật hay những con người bị lạc mất. Tất cả trong số đó đều bị lạc mất. Nhưng cả ba dụ ngôn đều đã kết thúc trong sự vui mừng hoan hỷ. Tại sao vậy? Bởi vì dù những vật đã mất nhưng bây giờ lại được tìm thấy; dù người lạc mất nhưng đã quay về.

Khi bạn nhìn vào dụ ngôn đầu tiên, dụ ngôn con chiên lạc. Con chiên bị lạc có lẽ bị ốm hoặc bị thương. Và từ một lý do mang tính kinh tế và thực dụng, lẽ ra, người chăn chiên không nên bỏ mặc 99 con chiên khỏe mạnh để tìm kiếm con chiên bị thương, bị bệnh và bị mất. Con chiên bị thương đó thực sự là một trở ngại. Nhưng tại sao? Tại sao người chăn chiên vẫn tìm cho kỳ được con chiên đó? Tại sao người phụ nữ lại đi tìm kiếm một đồng tiền bị đánh mất? Và tại sao người cha lại chào đón đứa con hoang đàng một cách thái quá như vậy? Thưa, chỉ vì một lý do – con chiên, người bị thương và đứa hoang đàng đó là của riêng tôi. Nó là của tôi. Và nếu nó không thể về nhà, tôi sẽ mang nó về nhà.

Người anh cả đã khiển trách người cha: “Thằng con của cha đó, con trai của cha đó! Cha và nó thuộc về nhau!” Nhưng người cha nói, “Em trai của con”. Người cha muốn mái ấm gia đình được trọn vẹn. Và sẽ không có sự trọn vẹn nếu đứa con bị thương lại không được chấp nhận. Không có lý do nào khác – con là con của cha, và mái ấm gia đình sẽ không trọn vẹn nếu không có con. Nếu con không thể về nhà, Cha sẽ đưa con về nhà.

  1. Chữa lành nhờ việc bị tổn thương

Đây chính là cách mà Đức Giêsu trình bày về vương quốc tình yêu và lòng thương xót của Người. Nhưng Đức Giêsu không chỉ chữa lành các triệu chứng nơi các vết thương của chúng ta. Người không chỉ cứu chúng ta khỏi sự tổn thương và các vết thương bên ngoài. Người chữa lành chúng ta chính nơi các vết thương và những tổn thương của chính chúng ta. Người đã bước vào các vết thương của chúng ta. Người đã trở nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi.

Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Người đã ôm lấy thế giới bị tổn thương. Người đã trải nghiệm việc bị truy đuổi bởi một chính trị gia đầy tham vọng. Người đã trải nghiệm cảnh tị nạn ở Ai Cập. Người đã trải nghiệm cảnh bị lạc mất khi còn ở tuổi vị thành niên. Người đã trải nghiệm cảnh bị người ta ‘dán nhãn’ cho là đồ khùng đồ điên. Người đã trải nghiệm cảnh vô gia cư. Người đã trải nghiệm những lời chỉ trích, nhạo báng, thậm chí của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Người đã trải nghiệm cảnh bị phản bội của một người bạn. Người đã trải nghiệm một cái chết nhục nhã trên cây thập tự giá, cái chết chỉ dành cho một tên tội phạm. Và Người đã được chôn cất trong mộ huyệt của người khác.

  1. Đức Giêsu chữa lành nhờ bị tổn thương

Theo thư gửi tín hữu Hipri, Người đã được làm cho nên hoàn hảo, đã được nên hoàn thiện, như một thượng tế đầy lòng trắc ẩn, như một người anh đầy lòng xót thương, bởi vì Người đã hứng chịu cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta hứng chịu, ngoại trừ tội lỗi. Người biết các vết thương của chúng ta. Và Người đã biến các vết thương của chúng ta thành sự chiến thắng của tình yêu. Đó là lý do tại sao mà Đức Kitô Phục Sinh vẫn còn nguyên những vết thương. Những vết thương sẽ không biến mất. Trong thực tế, chính nhờ vết thương mà một người được chữa lành. Vì vậy, thưa anh chị em, tất cả chúng ta đều bị tổn thương, không ai có thể nói: “Tôi không nhận được món quà chữa lành”. Không. Nếu chúng ta muốn, các vết thương sẽ làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của sự hiểu biết, của lòng trắc ẩn, của sự đoàn kết và tình yêu.

Chúng ta vẫn còn ở bên nhau chứ? (đám đông: Vâng!) Bây giờ tôi xin đi sang điểm thứ ba. Tôi mới đi được nửa quãng đường. Vậy từ các vết thương và từ những mái ấm gia đình, giờ đây chúng ta đi tới Đức Giêsu, là đấng bị tổn thương, Người hằng cầu xin cùng Đức Chúa Cha, như là thượng tế của chúng ta, Người ngự bên hữu ngai Chúa Cha, Người mang các thương tích của Người và của chúng ta, trong cuộc phục sinh của Người. Thật là tuyệt vời. Đừng nghĩ rằng, trong sự phục sinh, vết thương của chúng ta, những vết sẹo của chúng ta sẽ biến mất. Không. Ngay cả khi chúng là những vết sẹo, nếu chúng là những vết sẹo của cuộc sống, của lòng trắc ẩn, sự đoàn kết, ồ!, chúng là những vết sẹo đẹp, vì Đấng phục sinh vẫn còn mang lấy những dấu ấn yêu thương của mình đối với tất cả chúng ta.

  1. Giáo Hội: Ngôi nhà cho những trái tim bị tổn thương

Bây giờ chúng ta đề cập đến Giáo Hội, là ngôi nhà cho những trái tim bị tổn thương. Bởi chính Giáo Hội, chúng tôi muốn nói đến Thân Mình Đức Kitô, luôn hiện diện trong mọi cộng đoàn địa phương, như giáo xứ, giáo phận, các cộng đoàn dòng tu hoặc cộng đoàn đời sống tông đồ, và đặc biệt nhất là gia đình, được gọi là Giáo Hội tại gia.

Là Nhiệm Thể Đức Kitô, Giáo Hội chia sẻ sứ mệnh của Đức Giêsu là công bố triều đại của Thiên Chúa qua sự chữa lành, tình liên đới, và lòng trắc ẩn. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 12 viết rằng: “Nếu một bộ phận trong thân thể bị đau, tất cả các thành viên cũng đau. Nếu một thành viên được vinh quang, tất cả các thành viên khác cũng được chia sẻ niềm vui”. Giáo Hội của những thành viên bị tổn thương trở thành Giáo Hội của sự đoàn kết, từ bi, và hiệp nhất với nhau. Không phải trong vinh quang mà còn trong những vết thương.

Thưa các bậc phụ huynh, khi con trai hay con gái của quý vị tốt nghiệp với danh dự, tôi thường nghe thấy những lời nhận xét của cha mẹ, khi người cha hay người mẹ chứng kiến sự kiện này, đôi mắt của họ thường ngấn lệ, đồng thời họ nói: “Ôi con trai! Ôi con gái của tôi!” Nhưng khi đứa con không vượt qua khóa học, và bị lưu ban, một người chồng đã nói với vợ rằng: “Này, con trai của chị phải ở lại khóa học đó!” Tại sao khi có danh dự thì nói đó là “đứa con” của tôi còn khi nó là một thảm họa, thì gọi nó là “đứa con” của ai khác (của chồng chứ không phải của tôi và ngược lại).   

Chúng ta là một Giáo Hội, một ngôi nhà, một gia đình. Giáo Hội phải là hiện thân cho sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa. Joseph Hartzler khi sử dụng những hiểu biết của nhà thần học người Canada vĩ đại Bernard Lonergan đã nói: “Ngày nay, sứ mệnh cứu chuộc của Giáo Hội phải được thể hiện ngay trong Giáo Hội, ngang qua những môn đệ đích thực, có khả năng tự hiến cho tình yêu”. Vì đây là hình thức cộng đoàn có thể ngăn chặn sự xa lánh, cô đơn và những sự tổn thương khác. Tình yêu là tự hiến. Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II cho rằng, Giáo Hội là Bí Tích, là dấu chỉ và khí cụ cho sự kết hợp mật thiết giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau. Đó là cốt lõi của Giáo Hội – là sự kết hiệp mật thiết, hiệp thông, tình yêu và không xa lìa. Vì thế, sứ vụ loan báo Tin Mừng nằm ngay ở căn tính của Giáo Hội – bạn không ở trong Giáo Hội để bị xa lánh. Bạn ở đó để chữa lành, để nối kết và hòa giải.

Một hình ảnh đẹp trong Kinh thánh về một Giáo Hội chữa lành, ngay cả khi Giáo Hội cũng bị tổn thương đó là nhóm người bị bệnh bại liệt ở Maccô chương 2. Bạn có biết bốn người này đã làm tất cả mọi thứ mà họ có thể làm được không? Nhưng khi không thể làm gì để đưa bạn của họ đến gần Đức Giêsu vì đám đông, thì họ đã làm gì? Họ đã leo lên mái nhà. Họ đã dở mái nhà để hạ bạn mình xuống với Đức Giêsu. Đó là một gia đình. Đó là một giáo xứ. Đó là một giáo phận. Đó là Giáo Hội. Không ai bỏ cuộc! Tôi sẽ không bỏ cuộc! (vỗ tay) Chúng ta sẽ không từ bỏ việc dẫn đưa người khác đến để được Đức Giêsu đụng chạm và chữa lành. Theo lời của nữ tu Maria Cataldo, Giáo Hội mở rộng cánh cửa cho Đức Giêsu, và đôi khi Giáo Hội cũng là mái nhà để đưa mọi người đến với Đức Giêsu.

  1. ‘Tất cả sự chữa lành đều đến từ Thiên Chúa’

Hãy để tôi trình bày phần cuối cùng. Một số con đường mà chúng ta có thể đi để thúc đẩy sứ mệnh cứu chuộc của Đức Giêsu, hoàn tất triều đại của Thiên Chúa, trong Giáo Hội như là một ngôi nhà cho những người bị tổn thương. Trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng, tất cả những sự chữa lành đều đến từ Thiên Chúa. Đó là sáng kiến của Thiên Chúa. Thứ hai, sự chữa lành nằm ở vị trí tốt nhất trong một cộng đồng, gia đình, giáo xứ, trường học, nhóm bạn bè – mà không quên sự đóng góp của người bị thương. Người đó cũng phải can đảm đi theo con đường hướng tới sự chữa lành và hoán cải. Chúng ta đừng quên các khía cạnh của phụng vụ và bí tích – Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Hòa Giải, Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, và cả chiều kích đạo đức.

Joseph Kelly đề xuất một số thực hành dựa trên hình ảnh của Giáo Hội như là một bệnh viện dã chiến – một hình ảnh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô ưa thích. Tôi thấy một số người đang ghi chép lại. Xin vui lòng làm điều đó. Có một bài kiểm tra sau cuộc nói chuyện này (tiếng cười!).

Joseph Kelly đã nói, nếu chúng ta có thái độ nghiêm túc về việc chữa lành trong môi trường bệnh viện dã chiến, trước tiên, chúng ta phải giữ liên lạc với Đức Giêsu, là lương y dẫn đầu. Chúng ta cần phải khiêm tốn. Chúng ta không thể chữa lành bệnh tật chỉ đơn thuần bằng nỗ lực của con người, ngay cả các kỹ năng tư vấn tâm lý cũng vậy. Tất cả chúng ta đều hướng về Đức Giêsu. Thứ hai, chúng ta hãy nhận ra các vết thương của chính mình. Khi đối diện với vết thương của mình, chúng ta sẽ giúp chính chúng ta trở thành những người có lòng từ bi và thấu hiểu những người bị tổn thương. Thứ ba, chúng ta không nên sợ hãi bóng tối. Khi bạn đối diện với những vết thương, ôi! Những vết thương không bao giờ sạch. Chúng có thể rướm máu và thô ráp. Chúng ta luôn sẵn sàng bước vào thế giới đen tối đó. Thứ tư, chúng ta phải chấp nhận rằng Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến. Chúng ta nên sẵn sàng hưởng ứng trong trường hợp khẩn cấp. Chúng ta nên sẵn sàng đưa ra các giải pháp sáng tạo. Chúng ta nên nhanh nhẹn và linh hoạt. Thứ năm, chúng ta cần mang vào bệnh viện dã chiến niềm hy vọng. Chúng ta không thể là người chữa lành nếu chúng ta sống trong tuyệt vọng. Tôi không biết làm thế nào mà những người có vẻ ngoài ủ rũ lại có thể tạo ra niềm tin và sự chữa lành nơi người khác. Xin vui lòng nở nụ cười (Tiếng cười!). Thứ sáu, thông thường, khi chúng ta cố gắng chữa lành hoặc giúp Đức Giêsu chữa lành, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ thinh lặng, thinh lặng. Không lời nói, không giải pháp. Chúng ta chỉ cho đi một sự hiện diện đầy yêu thương. Việc biện phân là điều cần thiết.

Hai câu chuyện: Anh chị em thân mến, đồng hồ tôi đã điểm rồi, tôi chỉ còn 7 phút nữa để trình bày. Tôi sẽ dành 7 phút cuối để kể cho quý vị nghe những câu chuyện, vì đó là nét đặc trưng của người Châu Á. Chúng tôi sống bằng những câu chuyện.

Tôi đã kể câu chuyện này vài ngày trước tại Đại Học La Salle. Tôi thường tham dự trại hè với những người trẻ tuổi trong giáo phận. Và một trại hè được tổ chức để dành cho việc tìm kiếm mục đích của mỗi người trong cuộc sống – “ơn gọi” thực sự là mục đích của mỗi người trong cuộc sống – Tôi đã đưa ra một địa chỉ theo cách thức này, nhưng rất ngắn. Sau đó, tôi mở diễn đàn dành cho các câu hỏi, và câu hỏi đầu tiên tôi nhận được từ một người trẻ là “thưa Đức Cha, Đức Cha sẽ hát cho chúng con nghe chứ?” Câu hỏi này chẳng mấy liên quan đến chủ đề, vì vậy tôi nói: “Chúng ta hãy quay lại chủ đề. Đặt câu hỏi về chủ đề này.” Và họ đặt câu hỏi, rồi sau đó đến lượt một cậu bé khác. Cậu hỏi: “bây giờ, giám mục, ngài sẽ hát cho chúng tôi chứ?” Vì vậy, tôi nói: “Bạn đã không nói với tôi rằng tôi phải hát! Thế nên, hãy để tôi cất lên một bài mà tất cả chúng ta sẽ hát.” Và tôi đã làm điều đó. Sau đó, những người trẻ tuổi đến với tôi, họ mặc những bộ thời trang thật đẹp của người Philippines và xin được ban phép lành. Một số thì tự chụp hình “selfies”. Một số khác thì xin chữ ký. Một số xin tôi ký lên áo sơ mi của họ. “Đây, thưa Đức Cha, xin vui lòng ký vào đây! Xin vui lòng ký vào đây!” Một cô gái trẻ nói: “Đây, đây! Ký vào đây!” [Đức Cha chỉ vào ngực của mình]. Tôi nói: “Không! Không! Không! Hãy xích ra! Hãy xích ra!” (tiếng cười). Nhưng tôi tự hỏi, họ đang nghĩ gì về tôi vậy? Tôi là ca sĩ ư? Tôi là người nổi tiếng ư? Tôi là ai? Tôi có thực sự phản ảnh chân dung của một vị Giám mục hay không?

Câu trả lời đã đến với tôi sau đó một năm. Trong một trại hè tương tự. Một cậu bé đến gần tôi và nói: “Thưa Đức Cha, năm ngoái, con đã có chiếc áo được mang chữ ký của Đức Cha”. Tôi nói: “Ồ vâng, Cha còn nhớ”. Cậu bé nói: “Con chưa giặt áo”. Nhưng “mỗi đêm đến, con gấp nó lại, đặt nó dưới gối”, cậu bé nói. Con đã không gặp cha của con trong nhiều năm. Cha của con đang làm việc ở nước ngoài. Cha của con không ở nhà. Nhưng với chiếc áo đó, và với chữ ký của Cha. Con biết rằng con có một mái nhà. Con biết rằng con có một người cha” (vỗ tay).

Xin cảm ơn rất nhiều

Tôi xin kết thúc bằng một câu chuyện cảm động mà tôi nhận được từ tài khoản của một cô gái tị nạn: “Tôi sinh ra trong rừng. Tôi thật may mắn, mẹ tôi nói với tôi, thật may mắn khi tôi được sinh ra trong khi rất nhiều người xung quanh tôi đã chết. Tôi đến từ Miến Điện, nơi hàng ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến giữa quân đội Miến Điện và các phe đối lập. Tôi sinh ra trong rừng vì cha mẹ tôi trốn khỏi nhà để tránh giao tranh.

 “Khi tôi còn học tiểu học, tôi phải rời khỏi quê nhà, và từ đó, tôi phải chuyển từ làng này sang làng khác để theo học. Cho đến năm 1992, tôi đến thăm cha mẹ và anh chị em tôi khoảng một năm, và rồi sau đó tôi không còn được nhìn thấy họ nữa, tôi không thể quay về nhà từ khi quân đội Miến Điện đóng cửa tất cả các con đường dọc biên giới Thái-Miến Điện”. “Vì vậy, tôi phải sống một mình, tự đứng vững một mình mà không có bố mẹ. Cũng có những người thân cận sống quanh tôi, nhưng tôi biết tôi không thể có được tình yêu và sự quan tâm của bố mẹ bất cứ khi nào tôi muốn. Tôi không thể nói chuyện với bố mẹ bất cứ khi nào tôi muốn. Khi bố mẹ bị ốm, tôi không thể đến thăm và chăm sóc họ. Tôi nhận thấy mình nhớ bố mẹ biết dường nào khi tôi bị bệnh. Cuộc sống của một người tị nạn thật là khó khăn. Tôi rất cần bố mẹ ở bên cạnh tôi ngay trên giường. Nhưng tôi không thể có được điều đó”. “Tôi đã bật khóc. Thật khó khăn cho tôi. Tôi không thể gặp bố mẹ vì chiến tranh. Rồi tôi chợt nhận ra, tôi không phải là người khóc một mình. Và tôi cảm thấy mình được an ủi. Tôi biết có hàng ngàn người đang phải đau khổ như tôi. Khi nào mới có hòa bình ở Miến Điện? Khi nào chiến tranh mới kết thúc? Khi nào các vấn đề dân tộc mới được giải quyết?

“Sau nhiều năm phiêu bạt từ nơi này sang nơi khác, cuối cùng tôi đã định cư ở các trại tị nạn Karenni. Tôi đã được yêu cầu giảng dạy tại các trường của trại tập trung. Tuy nhiên, sau đó, tôi đã được chọn đi thực tập ở Philippines. Trong suốt thời gian đó, tôi đã học được nhiều hơn về quyền con người và hiện tôi đang phục vụ tại Mái Ấm Tị Nạn của Dòng Tên trong lĩnh vực giáo dục. “Chúng tôi đang bận rộn trong việc hỗ trợ các trường Karenni theo nhiều cách. Tôi rất vui vì có thể sử dụng nền giáo dục của mình để hỗ trợ những người dân của mình trong những thời điểm khó khăn này. Tôi không phải là người duy nhất phải cất tiếng khóc”.

Đó là ngôi nhà cho trái tim bị tổn thương. Xin cảm ơn rất nhiều.

Lm. Jos. Đồng Đăng chuyển ngữ

[1] Nghe bài phát biểu tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=3GH8bdpGZnQ

Chia sẻ Bài này:

Related posts