Trước hết, người ta có thể nói được rằng, không một vấn đề tôn giáo cụ thể nào lại khó khăn rắc rối và phiền toái, nhưng lại thường được đưa ra mổ xẻ và tranh luận nhiều như vấn đề hôn nhân Công Giáo.Vì thế, khi thảo luận và đưa ra ý kiến về vấn đề quá rộng lớn và gai góc này, nếu người ta chỉ dựa trên nền tảng nhân bản thuần túy và một chiều, chứ không hiểu rõ và có được một cái nhìn toàn diện trên các góc độ đầy phức tạp của nó, và nhất là nếu người ta không nắm vững được các giáo lý của Giáo Hội, người ta sẽ dễ rơi vào các phê phán và nhận định sai lầm và lệch lạc hơn là đúng đắn và nghiêm chỉnh. Do đó, ở đây chúng tôi chỉ muốn đưa ra những góp ý khiêm tốn của mình và ước mong được các độc giả bổ túc thêm bằng những ý kiến đúng đắn cần thiết.
Đức Giêsu và hôn nhân
Khi tìm hiểu vấn đề trong các mặc khải của Kinh Thánh Tân Ước, người ta sẽ tìm gặp được quan điểm rõ ràng của Đức Giêsu về vấn đề hôn nhân mà chúng ta nhất thiết phải coi như những hướng dẫn cần thiết cho những nhận định của chúng ta về hôn nhân. Các giáo huấn của Đức Giêsu soi sáng cho chúng ta nhận định được rằng:
Thứ nhất: Hôn nhân mang trên mình “copyright” – bản quyền, của Thiên Chúa Tạo Hóa. Nói đến hôn nhân là nói tới sự kết hợp bất khả tháo gỡ giữa một người nam và một người nữ, là nói đến sự kết hợp chặt chẽ giữa hai người với nhau đã được chính Tạo Hóa xe kết. “Ngay từ khởi đầu công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt.” (Mc 10,6-8)
Thứ hai: Một khi thực tại “trở thành một xương một thịt” thành hiện thực, thì không có bất cứ quyền lực nhân loại nào có thể xóa bỏ được sự kết hợp ấy. Bởi vì “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,9)
Ở điểm này, sự phản ứng bộc phát tự nhiên của các Môn Đệ xưa kia đã biểu lộ rõ ràng sự đồng cảm giàu tính cách nhân loại đối với những người Kitô hữu chúng ta ngày nay. Thật vậy, khi Đức Giêsu nói cho các ông quan điểm dứt khoát của Người về vấn đề hôn nhân, trước tiên các Môn Đệ âm thầm lắng nghe và nín nhịn, mặc dù đối với các ông những lời phát biểu của Chúa về hôn nhân xem ra quá khe khắt. Nhưng khi Thầy trò đã về tới nhà, các ông bèn đưa vấn đề ra tranh luận và xin Đức Giêsu giải thích một cách cụ thể và rõ ràng hơn. Và khi các ông nghe Đức Giêsu vẫn giữ vững quan điểm của Người về vấn đề hôn nhân, các ông đã bắt đầu xôn xao nhỏ to với nhau, đã phản ứng đầy cảm xúc và rất nam tính: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.”(Mt 19,10)
Nhưng Đức Giêsu đã nói những gì về hôn nhân mà tâm trạng các Môn Đệ đã trở nên rộn ràng và xúc động như thế? Đức Giêsu đã chẳng những khẳng định rằng sự phối hợp hôn nhân là một điều bất khả tháo gỡ, nhưng Người còn quả quyết thêm: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10,11-12 Và trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu còn thêm: “…ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mt 5,32b; Lc 16,18)
Thật ra, khi đọc các Phúc Âm Nhất Lãm – Phúc Âm theo thánh Mát-thêu, thánh Luca và thánh Mác-cô – người ta thấy rằng trên nguyên tắc cả ba thánh sử đều tường thuật lại cùng những lời phát biểu của Đức Giêsu về vấn đề hôn nhân, theo đó Đức Giêsu có một quan điểm rõ ràng và dứt khoát: Người không chấp nhận vấn đề ly hôn hay ly dị. Lý do chính là một khi hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã thành sự thì hôn nhân ấy đã được chính Thiên Chúa chúc phúc và phê chuẩn. Vì thế, hôn ước ấy mang tính chất bền vững và bất khả tháo gỡ cho đến chết, tức chỉ sự chết mới chấm dứt được một hôn nhân Công Giáo đã thành sự.
Trong các Phúc Âm Nhất Lãm, chỉ có Phúc Âm theo thánh Mát-thêu ghi lại một câu phát biểu của Đức Giêsu khiến người ta nghĩ rằng có lẽ Chúa muốn đề cập tới một hình thức đặc biệt cho phép ly thân hay ly hôn, tức trường hợp thất trung của một trong hai người, vợ hay chồng: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”(Mt 19,9) Nhưng một điều người ta không tìm thấy trong câu nói ấy của Đức Giêsu là sau khi chia tay giữa hai vợ chồng, họ lại được phép tái lập gia đình với người khác. Dựa vào giáo huấn của Chúa về tính chất bất khả tháo gỡ của hôn nhân, Thánh Phaolô đã khẳng định một cách mạnh mẽ trong Thư Thứ Nhất gửi Cô-rin-thô: “Còn đối với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này: Vợ không được bỏ chồng, nhưng nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng; và chồng cũng vậy, không được rẫy vợ.” (1Cr 7,10-11)
Dựa trên những giáo huấn minh bạch và dứt khoát của Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta có thể xác định được rằng: Một đàng, đối với Thiên Chúa, sự chia tay giữa hai vợ chồng đồng nghĩa với sự ly hôn hay ly dị là hoàn toàn đi ngược lại với thánh ý và kế hoạch toàn mỹ của Người. Còn Giáo Hội không có quyền thêm bớt hay sửa đổi luật do chính Thiên Chúa đã thiết lập. Đàng khác, theo lời Thư Thứ Nhất của thánh Phaolô gửi Cô-rin-thô vừa trích, chúng ta thấy rằng ngay trong Giáo Hội thời tiên khởi vấn đề ly thân và ly hôn giữa các đôi vợ chồng đã từng xảy ra. Nhưng chính trong những trường hợp ấy, tức sau khi hai vợ chồng đã ly thân hay đã ly hôn, thì họ không được phép tái kết hôn bình thường như những người chưa hề lập gia đình.
Luật Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân
Dựa theo các giáo huấn của Kinh Thánh, Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra 110 lời hướng dẫn rõ ràng và minh bạch về Bí tích Hôn Nhân như những điều luật cụ thể và mang tính cách bó buộc nhất định, hầu giúp cho các tín hữu của mình hiểu rõ và sống đúng với ý nghĩa Bí tích ấy, để qua đó họ thực sự sống một cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc trong chân lý và trong tình yêu. Sau đây, để giúp quý độc giả hiểu được một cách tổng quát ý nghĩa của hôn nhân theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi xin trích ba điều luật đầu tiên trong 110 điều luật về hôn nhân ấy trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo, được ấn hành vào năm 1983:
Điều 1055, §1: Do giao ước hôn nhân, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn vẹn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn nhân hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa những người đã chịu phép Rửa Tội lên hàng Bí tích.
§2: Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép Rửa Tội, không thể có khế ước hôn nhân hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí tích.
Điều 1056: Những đặc tính căn bản của hôn nhân là sự duy nhất và bất khả phân ly. Nhờ tính cách Bí tích, những đặc tính ấy được kiện toàn đặc biệt trong hôn nhân Kitô giáo.
Điều 1057, §1: Hôn nhân thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào.
§2: Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí, do đó người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng một giao ước không thể thu hồi được.
Kết hôn trong Chúa
Ở đây chúng ta nhất thiết cần phải thêm rằng điều kiện của tính chất không thể thu hồi được hay bất khả tháo gỡ của hôn nhân Công Giáo là họ phải được kết hôn trong Chúa, tức hôn nhân phải hợp pháp, được cả hai người hoàn toàn tự do đồng thuận, thành sự, được Giáo Hội chứng giám và đại diện Chúa chúc phúc. Theo thánh Phaolô, tất cả mọi Kitô hữu muốn kết hôn hay tái kết hôn một cách hợp pháp và thành sự đều phải thực hiện hôn ước của mình “trong Chúa” (1Cr 7,39). Chỉ những hôn nhân được thực hiện như thế mới thực sự là “đã được Thiên Chúa phối hợp.” Vì thế, những hôn nhân ấy mới mang đầy đủ tính chất “bất khả tháo gỡ.”
Theo thánh Phaolô, chỉ một trường hợp duy nhất được phép ly hôn, đó là nếu một người trước khi được rửa tội mà đã kết hôn với một người ngoại đạo, nhưng khi đã theo đạo rồi mà người chồng hay người vợ ngoại đạo kia đòi ly hôn và không muốn sống đời vợ chồng với người chồng hay người vợ có đạo nữa, thì người vợ hay chồng có đạo này không còn bị ràng buộc bởi hôn ước nữa (x. 1Cr 7,12-16).
Dấu chỉ của một tình yêu vô biên
Một khi hai Kitô hữu nam-nữ đồng ý kết hôn “trong Chúa”, thì hiện thực nơi họ điều thánh Tông đồ Phaolô đã ghi trong Thư Ê-phê-sô: Nếu một người nam và một người nữ thành tâm yêu thương nhau trong Chúa, bấy giờ tình yêu của họ cũng tương tự như tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội, mà Kinh Thánh Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp gọi là “mysterion”, còn tiếng La-tinh gọi là “Sacramentum”, và tiếng Việt gọi là Bí tích thánh, tức “mầu nhiệm cao cả” (x. Ep 5,32). Sự hy sinh của hai vợ chồng Công Giáo cho nhau là một dấu chỉ rõ ràng tình yêu vô biên và sự trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa đối với nhân loại. Vâng, đó là dấu chỉ của một tình yêu vô biên!
Dấu chỉ bên ngoài của Bí tích Hôn Nhân hoàn toàn khác với dấu chỉ bên ngoài của các Bí tích khác. Thay vì sử dụng các chất thể như nước, nghi lễ đặt tay, dầu hay bánh, và do vị Linh Mục chủ sự thực hiện như khi cử hành các Bí tích khác, thì khi cử hành Bí tích Hôn Nhân chính hai người nam-nữ liên hệ, với sự trợ giúp của Chúa, là trọng tâm, là những nhân vật chính và đồng thời là những người chủ sự và cử hành. Trong khi đó, những người tham dự việc cử hành Bí tích Hôn Nhân của đôi Tân Hôn – Giáo Hội qua sự đại diện của cộng đoàn các tín hữu hiện diện, của cha mẹ, của bạn bè và của cả vị Linh Mục, v.v… – chỉ có tác dụng là các chứng nhân của việc cử hành ấy mà thôi.
Việc đôi Tân Hôn nam-nữ vừa là những người cử hành và vừa là những người lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân mang một ý nghĩa sâu xa và cao cả: Qua sự kiện ấy cả hai người muốn nói lên rằng tình yêu và sự chung thủy mà họ giành cho nhau là một sự nhắc nhở và là một biểu tượng sống động cho tình yêu vô biên của Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương nhân loại cho đến chết.
Để dễ hiểu được điều ấy, chúng ta có thể làm một sự so sánh: Nếu người nào đó nghe nói đến tên Romeo và Julia (1) chắc chắn người ấy sẽ nghĩ ngay đến câu truyện tình cảm thời danh trong văn chương nhân loại. Cũng vậy, nếu người nào đó nhìn thấy đôi vợ chồng Công Giáo đầy lòng thương yêu và chung thủy với nhau, người ấy sẽ nghĩ ngay tới tình yêu vô biên và lòng trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa. Lời thề hứa hôn nhân Công Giáo khi cử hành hôn lễ “thương yêu và tôn trọng nhau mọi ngày cho đến suốt đời” không chỉ muốn nói đến thời gian sống của đôi vợ chồng trong cuộc sống đời này, nghĩa là hôn ước của họ chỉ chấm dứt khi một trong hai người qua đời. Lời hứa hôn nhân Công Giáo ấy còn mang một chiều kích thâm sâu hơn: Hôn nhân Công Giáo được xây dựng trên nền móng chắc chắn là tình yêu Thiên Chúa, nên luôn bền vững, chứ không có bất cứ nguyên nhân ngoại tại nào có thể xóa bỏ hay làm lung lay được, ngoại trừ sự chết. Cũng như sự chết, tình yêu tự bản chất là một thực tại mang tính cách dứt khoát và thực tiễn.
Vì giao ước hôn nhân Công Giáo là một Bí tích thánh, tức một thực tại do chính Thiên Chúa thiết lập, nên mang tính chất bền vững và bất khả tháo gỡ. Giáo Hội trong thế kỷ XXI này vẫn không thể xóa bỏ hay sửa đổi được tính chất bất khả tháo gỡ ấy của hôn nhân. Do đó, khi người ta vì bất cứ lý do ngoại tại nào mà xóa bỏ một hôn ước hợp pháp và thành sự, tức Bí tích Hôn Nhân, thì người ta đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa và làm sai lạc bản chất của hôn nhân.
Ở điểm này chúng ta cần nhấn mạnh thêm rằng, sự chung thủy suốt đời không chỉ là một lý tưởng Kitô giáo, nhưng còn là một điều mơ ước và là mục đích thực sự của tất cả những đôi vợ chồng thương yêu nhau chân thành. Đây là điều mà các cuộc thăm dò dư luận nơi các tầng lớp trong đại chúng đã chứng minh một cách cụ thể.
Việc bàn hỏi tại văn phòng giáo xứ
Hôn nhân “trong Chúa” quả thực là mộ lý tưởng cao đẹp. Nhưng ở đây chúng ta quay trở lại với đời sống mục vụ thực tế trong giáo xứ.
Cách đây chưa lâu, tôi ngồi nói chuyện với một đôi vợ chồng còn trẻ, chưa tới ba mươi tuổi, và rất lịch sự tại văn phòng giáo xứ về việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho đứa con của họ vừa mới sinh. Họ là đôi vợ chồng không có giấy hôn thú, vì họ chưa công khai làm phép cưới. Phép cưới đời có lẽ không lâu nữa họ sẽ thực hiện. Còn phép cưới đạo họ không được phép làm nữa. Tại sao? Điều gì đã xảy ra cho họ? Lý do là vì người chồng đã một lần làm phép cưới đạo rồi. Chỉ mấy tháng sau khi anh làm phép cưới đạo với người vợ trước, thì người vợ này ngoại tình, và từ đó cô ta đã bỏ đi sống với một người đàn ông khác. Thế là họ ly hôn.
Trong khi nói chuyện với đôi vợ chồng trẻ này, tôi đã bày tỏ sự thông cảm với họ. Vâng, với tư cách là một con người bằng xương bằng thịt bình thường và là một Linh mục Quản xứ tôi cảm nhận được đầy đủ tâm lý đầy thất vọng và nỗi khó khăn cụ thể của người đàn ông trẻ bị vợ phản bội như thế: Làm thế nào một người thanh niên còn trẻ như anh ta có thể tiếp tục sống những năm tháng còn lại của đời anh hoàn toàn trong cô đơn một mình? Anh là một người bình thường và anh mong muốn có được hôn nhân hạnh phúc, nhưng đáng tiếc là hôn nhân của anh đã bị đổ vỡ. Sau đó anh đã từ từ ổn định lại được tâm lý và làm quen được với người vợ mới, và cuộc sống chung với người vợ mới này đã sinh hạ được đứa con đầu lòng rất kháu khỉnh. Trong khi nói chuyện với cả hai người, tôi có cảm tưởng là họ rất thương yêu nhau và họ có thể cùng nhau xây dựng được một tổ ấm gia đình lâu bền và hạnh phúc, và đối với họ đời sống đạo cũng như việc giáo dục con theo đức tin của Giáo Hội là một điều rất quan trọng.
Trong trường hợp này, là một Lm Quản xứ tôi có thể khuyên họ như thế nào đây? Tôi đã nói rõ ràng cho họ biết là trong một trường hợp cụ thể như thế tôi có thể giúp được gì cho họ. Trước hết, điều quan trọng đối với tôi là cho họ biết rõ ràng và đầy đủ về các giáo huấn của Kinh Thánh và của Giáo Hội về hôn nhân. Nếu một phép cưới đạo, tức khi cử hành Bí tích Hôn Nhân, thành sự thì hôn nhân giữa hai người nam-nữ mang tính chất bền vững bất khả tháo gỡ, vì “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.” Nhưng khi nghe thế, người chồng đầy suy nghĩ trả lời: “Cha nói đúng. Nhưng còn một điều quan trọng là liệu hôn nhân trước kia giữa con và người vợ cũ có thực sự là do Chúa kết hợp hay không?”
Trước câu hỏi đượm vẻ nghi ngờ về sự hiệu lực của hôn nhân trước kia của anh ta như thế, tôi chỉ có thể góp ý kiến: Nếu dựa theo giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân để suy tư và tìm hiểu liệu một hôn ước có hiệu lực hoặc có thành sự hay không, thì những câu hỏi cần thiết phải được đặt ra, là: Vào thời điểm làm phép cưới đạo liệu hai người có thực sự hoàn toàn tự do để đi tới hôn nhân không? Họ có thực sự muốn sự phối hợp hôn nhân giữa họ luôn bền vững, chung thủy và bất khả tháo gỡ không? Họ có muốn sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban cho họ không? Hai người có thực sự đủ khả năng để sống cuộc đời vợ chồng không?
Nếu đứng trước những câu hỏi này thực sự có sự nghi ngờ, không chắc chắn, khiến họ không thể trả lời “có” được, thì tôi khuyên họ cần phải kiểm xét lại các tình huống và hoàn cảnh khi họ kết hôn một cách cẩn thận, rõ ràng và cụ thể, để có thể nhận định và phán quyết được một cách chắc chắn về hôn nhân của họ, liệu nó có thực sự hiệu lực hay không!
Một điều quan trọng cần lưu ý ở đây! Vấn đề hôn nhân Công Giáo là một vấn đề thần học vừa tín lý vừa luân lý, vì được chính Thiên Chúa thiết lập và được Giáo Hội rao giảng và bảo tồn. Bởi vậy, trong vấn đề giải quyết những khó khăn và bế tắc của hôn nhân không hề có “cửa hậu” mà những tín hữu Công Giáo có địa vị trong xã hội và giàu có với ảnh hưởng và tiền bạc của mình có thể lọt qua được, nhưng mọi giải quyết phải đặt cơ sở trên Kinh Thánh và thần học.
Thật vậy, thủ tục việc hủy hôn hay vô hiệu hóa một hôn nhân Công Giáo là một việc kiểm tra đúng đắn và nghiêm ngặt liệu hôn nhân ấy có thực sự đã được diễn ra theo đúng với luật Giáo Hội hay không. Nếu vào thời điểm cử hành Bí tích Hôn Nhân mà nơi một trong hai người nam-nữ không hội đủ một hoặc nhiều yếu tố chính yếu để làm một hôn ước thành sự, thì việc cử hành Bí tích Hôn Nhân ấy vô hiệu lực, không thành sự.
Dĩ nhiên, diễn tiến làm thủ tục để có thể tuyên bố một hôn nhân Công Giáo vô hiệu lực như thế nhất thiết đòi hỏi phải có thời gian. Đàng khác, những vết thương lòng do sự ly hôn gây ra cho những người trong cuộc thường to lớn và dai dẳng, nên để có được một sự nhận định và một sự phê phán hoàn toàn khách quan, thì ngoài tâm tình nhân bản người ta còn cần phải kiên nhẫn tìm hiểu vấn đề tận gốc rễ một cách kỹ càng và tuyệt đối không thiên vị hay cả nể.
Trở lại câu chuyện của cặp vợ chồng đang xin rửa tội cho con, tôi nhận thấy việc làm thủ tục điều tra sự hủy hôn trước kia của người chồng có lẽ còn hơi sớm. Điều tôi có thể góp ý với họ là trước hết cần nhẫn nại và nhất là cần phải luôn sống đạo sốt sắng, chu toàn các bổn phận hằng ngày của mình một cách cẩn thận và nuôi dạy con cái đúng với các giáo huấn của Giáo Hội. Nếu cả hai vợ chồng luôn biết trung thành sống kết hiệp với Chúa qua kinh nguyện, thì những bước cần thiết tiếp theo chắc chắn sẽ được khai thông.
Trong hoàn cảnh cụ thể của hai vợ chồng không hôn thú này, người ta không thể nói tới một hình thức chúc lành riêng tư và kín đáo nào đó cho “hôn nhân không hôn ước” của họ(2) hay ban phép chuẩn riêng cho họ được rước lễ, những điều hoàn toàn nằm ngoài thẩm quyền của một vị Linh Mục. Bởi vì, Giáo Hội không hề ban phép cho một vị Linh Mục được toàn quyền trong mọi vấn đề đức tin, được toàn quyền làm “người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1). Trong lãnh vực tín ngưỡng, cách thức đối xử với một đôi nam-nữ sống đời vợ chồng không hợp pháp, tức ngoài hôn ước hay nói theo ngôn ngữ ngày nay: hôn nhân không giá thú, thì không chỉ cần đầy tình yêu thương và sự cảm thông, nhưng còn cần phải tôn trọng sự thật của các giới răn Thiên Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội nữa. Nếu không, sự nâng đỡ của chúng ta giành cho họ không những không mang lại lợi ích cho họ mà còn làm thiệt hại cho hạnh phúc chân thật của họ nữa.
Về hai vợ chồng được đề cập tới ở đây, tôi chỉ có thể quả quyết rằng, cuộc sống vợ chồng của họ là không phù hợp với luật luân lý Công Giáo, nên sớm hay muộn nhất thiết cần phải có một giải pháp hay một sự điều chỉnh khả dĩ, giúp cho họ sống cuộc sống hôn nhân gia đình và cuộc sống đức tin của mình trong an bình và hạnh phúc. Còn đứa con vừa mới sinh của họ hoàn toàn vô tội trong vấn đề “hôn nhân bất hợp lệ của họ.” Qua Bí tích Rửa Tội mà em sắp được lãnh nhận, em sẽ được nhập vào hàng ngũ con cái Thiên Chúa, phần thân thể của Đức Kitô, thành viên của Giáo Hội và được Thiên Chúa chúc phúc. Còn cha mẹ em cũng qua việc cử hành Bí tích Rửa Tội này sẽ cảm nhận được tình thương và sự bao dung quảng đại của Thiên Chúa: Việc cử hành Bí tích Rửa tội mang lại cho họ ơn lành để họ ý thức được trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ Công Giáo đối với con cái mình.
Trường hợp hôn nhân hoàn toàn hiệu lực
Khi bàn đến sự hiệu lực của hôn nhân Công Giáo bị đổ vỡ, người ta thường không có chung một cái nhìn. Những người trong cuộc thường trả lời: “Thật ra, trong lễ cưới của chúng tôi mọi sự diễn tiến bình thường, hoàn toàn tốt đẹp. Xưa kia cả hai chúng tôi đều hạnh phúc. Nhưng rồi thời gian đưa đẩy, khiến chúng tôi từ từ sống xa nhau…”, hay: “Chồng/vợ tôi đã từ từ thay đổi theo một chiều hướng khác, không còn như xưa nữa, khiến chúng tôi không thể tiếp tục đời sống vợ chồng với nhau được nữa.”
Trong những trường hợp tương tự như thế, người ta có thể khẳng định một cách khách quan rằng, đó là hôn ước Kitô giáo thành sự hay hoàn toàn hiệu lực; vì thế, mang tính chất “bất khả tháo gỡ”, và sự quan hệ kiểu vợ chồng với một người mới khác là ngoại tình.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều người Công Giáo sau khi ly hôn lại đã có sự quan hệ kiểu vợ chồng với một người khác. Sự thể thực tiễn này đòi hỏi phải có một cách giải quyết vấn đề hợp lý và đúng đắn.
Còn Giáo Hội cần phải xử sự như thế nào trong những trường hợp như thế? Đâu là những biện pháp hay đường hướng mà Giáo Hội có thể sử dụng để gặp gỡ và giúp đỡ những người liên hệ một cách hợp tình hợp lý?
Đứng về phương diện Bí tích, khi một hôn nhân Công Giáo đã thành sự mà bị đổ vỡ, thì Giáo Hội cũng không thể làm được gì khác ngoài việc phải xác tín rao giảng và tuân giữ các giáo huấn của Phúc Âm. Còn về phương diện nhân bản, thì chẳng những Giáo Hội xét theo toàn thể cộng đồng các tín hữu, mà từng tín hữu nữa, có rất nhiều điều kiện và phương thế để đỡ nâng và an ủi những người đang phải gánh chịu những tổn thương và những mất mát đầy đau đớn trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Thật vậy, những gì liên quan đến sự đổ vỡ của Bí tích Hôn Nhân, chúng ta với tư cách là Giáo Hội không được phép rút lại hay sửa đổi lời thề hứa hôn nhân mà hai người nam-nữ đã một lần long trọng thề hứa trước Bàn Thờ Thiên Chúa và trước sự chứng giám của Giáo Hội là trung thành với nhau trọn đời cho đến chết. Trong vấn đề hôn nhân Công Giáo, chúng ta tuyệt đối không được hành động tiền hậu bất nhất, tức khi cử hành hôn lễ thì tuyên nhận “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”, nhưng sau đó ít năm lại phân ly. Điều Thiên Chúa đã phối hợp, thì cả Giáo Hội cũng không được phép phân ly. Vì thế, giả thử Giáo Hội chúc lành cho hôn nhân của những người đã ly dị nay lại tái kết hôn, hoặc cho phép họ được tự do rước lễ bình thường như các tín hữu khác, thì hành động đó của Giáo Hội hoàn toàn nằm ngoài giáo huấn của Phúc Âm. Điều gì chính Đức Giêsu đã gọi là sự gian dâm hay ngoại tình, thì Giáo Hội không thể phê chuẩn và chúc lành, dù dưới một hình thức tư riêng kín đáo.
Khi Giáo Hội không chấp thuận cho những người Công Giáo đã ly hôn lại tái kết hôn và những người vợ/chồng của họ được lãnh nhận các Bí tích hoàn toàn không phải là một sự trừng phạt hay một sự kết án của Giáo Hội như người ta thường hiểu lầm và phiền trách, nhưng là Giáo Hội phải trung thành với các giáo huấn của Chúa trong Phúc Âm. Sự ngăn cản các đôi vợ chồng hôn nhân không hợp lệ như thế, mà người Việt thường gọi là gia đình rối, lên rước Mình Thánh Chúa không do Giáo Hội đặt ra, nhưng nguyên nhân hoàn toàn hệ tại chính những người trong cuộc. Những quan hệ vợ chồng bất hợp pháp của họ đi ngược lại với giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội, một giao ước được cụ thể hóa một cách rõ ràng qua Bí tích Hôn Nhân cũng như qua Bí tích Thánh Thể. Giáo Hội luôn trung thành rao giảng và xác quyết điều đó, vì Giáo Hội đã xác tín đầy đủ giáo huấn Phúc Âm rằng con người được kêu mời sống một cuộc sống trong chân lý, một cuộc sống mang lại cho họ sự hạnh phúc chân thật. Dĩ nhiên, một điều chắc chắn không ai chối cãi được, đó là một cuộc sống trong chân lý, trong công bình chính trực trước hết sẽ đòi hỏi con người phải hy sinh, phải từ bỏ những đòi hỏi tự nhiên không hợp lý của mình. Nhưng một khi chân lý ấy được loan báo và được đón nhận trong tình yêu chân thành và trung tín, thì chân lý ấy sẽ đem lại sự cứu rỗi, sự bình an và sự tự do chân chính.
Phải chăng họ sẽ mãi mãi không được lãnh nhận các Bí tích?
Một điều làm cho cả những người thành tâm luôn sống gắn bó với Giáo Hội cũng phải “sốc” là khi nghĩ tới việc cấm cản những người sống đời sống hôn nhân không phù hợp với giáo luật, tức những hôn nhân rối, không có giới hạn, nghĩa là người ta không biết sự cấm cản ấy sẽ kéo dài đến bao lâu, khi nào thì chấm dứt! Người ta thường nghe đi nghe lại câu phàn nàn: “Mỗi người Công giáo sau khi xưng tội đều được phép rước lễ, chỉ trừ những người ly hôn và lại đã tái kết hôn!” Đây là một lý luận thực tiễn khiến chúng ta cần phải suy tư. Quả thật, nếu đứng từ ngoài nhìn vào, người ta sẽ thấy rằng trong Giáo Hội tất cả mọi kẻ có tội đều tìm gặp được sự tha thứ. Trong khi đó, những người có lẽ hoàn toàn vô tội khi bị vợ hay chồng mình bỏ rơi, và rồi vì hoàn cảnh sống quá cô độc hay vì lý do con cái đành phải tái kết hôn, lại không được hưởng sự tha thứ ấy! Đây là một vấn đề mục vụ hết sức nan giải, không dễ dàng giải thích một cách hoàn toàn thỏa đáng được.
Nhưng một điều chắc chắn là không phải tất cả mọi tội lỗi người ta phạm đều tự động tìm gặp được sự tha thứ một cách dễ dàng. Tiếp đến, một điều khác cũng chắc chắn là mỗi người đều đòi buộc phải nỗ lực hoàn thiện cuộc sống mình mỗi ngày. Chúng ta có thể đưa ra một ví dụ: Nếu một người nào đó do ươn lười bỏ không tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật, nhưng vào dịp rước lễ lần đầu, lễ cưới hay lễ an táng của một người bà con, lại muốn rước lễ. Câu hỏi được đặt ra là: Người ấy có được phép rước lễ không? Câu trả lời: Trước hết là không, vì người ấy đã không chu toàn điều răn thứ ba của Chúa “Ngươi hãy thánh hóa Ngày Chúa Nhật.” Chỉ sau khi người ấy đã xưng tội nên ,tức đã lãnh nhận Bí tích Hòa Giải thành sự, thì cánh cửa dẫn tới Bàn tiệc Thánh Thể mới được mở ra cho người ấy. Dĩ nhiên điều đó đòi hỏi một sự đền tội và dốc lòng chừa thành tâm của hối nhân là sẽ nỗ lực hết sức để không bao giờ tái phạm tội đã xưng. Nói cách khác, hối nhân thành tâm hứa sẽ thay đổi cuộc sống mình.
Trong khi đó, tình trạng khách quan của những người ly hôn và lại đã tái kết hôn, tức những người theo giáo huấn Phúc Âm và theo luật lệ Giáo Hội thuộc diện những người “ngoại tình”, lại hoàn toàn khác, vì giả thử họ có đi xưng tội thì tình trạng “ngoại tình” của họ vẫn tồn tại, vẫn không thay đổi, bao lâu họ còn tiếp tục sống trong hôn nhân bất hợp lệ. Rất có thể có người nào đó can đảm dám nhìn nhận rằng, theo giáo huấn Phúc Âm tôi đang sống trong một hôn nhân bất hợp lệ và tôi không thể thay đổi được, vì tôi còn có trách nhiệm đối với người vợ/chồng mới và các con cái của tôi. Liệu trong trường hợp này họ có được một lối thoát khả dĩ?
Vẫn còn những cánh cửa mở rộng
Ngoài phạm vi thuộc về Bí tích, Giáo Hội luôn dành mọi ưu ái và yêu thương cho những người ly hôn lại tái kết hôn và các người vợ/chồng của họ, bằng cách tận tình an ủi, săn sóc và giúp đỡ họ trong tất cả mọi lãnh vực không có liên quan tới các Bí tích. Để hiểu rõ được điều ấy, cần phải phân biệt rõ ràng: Sự phân biệt khách quan và sự phân biệt chủ quan. Trong giáo huấn về luân lý của Giáo Hội Công Giáo, một điều quan trọng mà người ta cần phải làm sáng tỏ, đó là: Liệu người nào đó đã bị người vợ hay chồng bỏ rơi một cách vô tội và bất công, hay chính người đó tự xóa bỏ hôn nhân hoặc kết hôn với một hậu ý xấu. Điều đó muốn nói rằng xét về phương diện chủ quan các tình huống của vấn đề rất phức tạp và khác biệt. Nhưng xét về phương diện khách quan thì luôn luôn chỉ có một thực tại duy nhất, đó là sự đổ vỡ của hôn nhân.
Còn về phần Giáo Hội, ngoài những yếu tố và sự kiện khách quan rõ ràng, Giáo Hội không thể dựa theo những tình huống chi tiết chủ quan của vấn đề để có thể đưa ra một phê phán hoàn toàn đúng sự thật được, nhưng điều đó thuộc về một mình Thiên Chúa, bởi vì. “Con người chỉ nhìn thấy được điều trước mắt, còn Thiên Chúa nhìn thấy tận đáy lòng con người.” (1Sm 16,7b). Hơn nữa, trên thực tế Giáo Hội là một cộng đồng rộng lớn, nên trong các việc giải quyết cá nhân riêng rẽ, Giáo Hội không thể đưa ra được những biện pháp nào khác ngoài việc dựa theo những dẫn chứng khách quan và cụ thể cần thiết. Ở đây chúng ta có thể tạm lấy trường hợp xảy ra trong một giáo xứ tương đối nhỏ làm ví dụ, một nơi mà mọi người đều quen biết nhau. Đồng thời cũng tạm cho rằng vị Linh mục Quản Xứ hoàn toàn hiểu biết và thông cảm cho hoàn cảnh của một người đàn ông hay một người phụ nữ bị vợ hay chồng mình bỏ rơi và đi theo một người khác. Sau nhiều năm sống cô đơn lẻ loi, người bị vợ hay chồng bỏ rơi đó lại quen biết và lập gia đình với một người khác. Trong trường hợp này, nếu vị Linh mục chúc lành cho sự quan hệ này hay vì hoàn cảnh đặc biệt của người ấy mà cho phép rước lễ, thì xét về phương diện Bí tích sự ngoại lệ này sẽ rất khó lòng tìm ra được câu giải thích thỏa đáng. Vả lại, nhiều người khác trong những trường hợp tương tự cũng đòi hỏi được hưởng sự ngoại lệ như thế. Từ đó phát xuất những hậu quả tiêu cực khó lường, đó là: Nếu từ chối không cho phép những người này trong các trường hợp tương tự được hưởng sự miễn chuẩn ngoại lệ, thì chắc chắn sẽ gây nên sự bất mãn, sự chống đối và sự bất ổn trong cộng đồng Giáo xứ; nhưng nếu chấp nhận cho tất cả những người ấy được hưởng sự miễn chuẩn ngoại lệ nói trên, thì vị Linh mục đã tự tiện tương đối hóa hay bình thường hóa “tội ngoại tình!” Vì thiếu những tiêu chuẩn chắc chắn, nên Giáo Hội chỉ có thể tận tình giúp đỡ được những người thực sự đang phải sống trong hoàn cảnh đáng thương ấy bằng mọi cách thế không nằm trong lãnh vực Bí tích.
Giáo Hội càng bức xúc lo lắng đặc biệt trong trường hợp, nếu một người dù sống trong quan hệ mới, nhưng không chỉ luôn sống gắn bó với đức tin mà còn đưa dẫn người bạn đời mới của mình sống đạo sâu sắc, dấn thân trong các sinh hoạt tông đồ của Giáo xứ, nhất là luôn nỗ lực giáo dục con cái theo đúng đức tin của Giáo Hội. Trong trường hợp này, sự động viên và sự nâng đỡ của cộng đồng Giáo xứ và cụ thể là qua vị Linh mục Quản Xứ và Ban Hành Giáo Xứ hay các người có trách nhiệm trong Giáo xứ là một điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong trường hợp hoàn toàn đặc biệt này, một câu hỏi thuộc lãnh vực mục vụ được đặt ra là: Liệu người ta có thể tìm gặp riêng những người trong cuộc và chân thành cho họ biết rằng, đối với luật Chúa và luật Giáo Hội, hoàn cảnh “hôn nhân rối” của họ vẫn không thay đổi, bao lâu họ còn tiếp tục sống kiểu vợ chồng với nhau, nhưng vì các nỗ lực đầy xác tín và nên gương của họ trong cuộc sống đức tín hằng ngày, nhất là trong việc giáo dục con cái sống theo đúng các giáo lý của Giáo Hội, nên họ được phép lãnh nhận các Bí tích của Giáo Hội? Dĩ nhiên trước một quyết định quan trọng có tác động đến đời sống tâm linh của những người trong cuộc, vị Linh mục Quản Xứ cần bàn hỏi và thỉnh ý các Linh mục khác trong Giáo Hạt hay trong Giáo Phận, và nếu cần, phải trình cho Đức Giám Mục Giáo Phận biết và thỉnh ý ngài. Ở Âu Mỹ, những “phép chuẩn” cho những trường hợp này đã được áp dụng trong nhiều Giáo xứ, vì “ Luật ngày Sa-bát là vì con người, chứ không phải con người vì luật ngày Sa-bát”, vâng, mọi luật lệ là để giúp con người được hạnh phúc, chứ không phải để đày đọa con người trong đau khổ!
Phần cá nhân tôi, nếu dựa theo nguyên tắc, tức dựa theo phương diện thần học về Bí tích Hôn Nhân, tôi sẽ thành tâm góp ý với đôi vợ chồng liên hệ: “Dựa theo ý nghĩa của điều răn Thứ Sáu, thì cuộc sống vợ chồng của anh chị là không đúng. Đây là một điều mà anh chị hiện chưa thể hay chưa muốn thay đổi. Vì thế, anh chị cần cố gắng trung thành chu toàn các Điều Răn khác của Chúa một cách cẩn thận. Chắc chắn Chúa sẽ hài lòng và chúc lành cho sự cố gắng của anh chị. Người biết rõ hơn ai hết hoàn cảnh sống của anh chị và chắc chắn Người sẽ không do dự trong việc ban các ơn cần thiết cho cuộc sống ấy!”
Một tư tưởng khác tôi xin được phép trình bày tiếp sau đây. Tất cả chúng ta với tư cách là Giáo Hội, nhiều khi phải hoàn toàn chịu bó tay trước các quyết định thuộc các Bí tích thánh, chẳng hạn việc tháo gỡ một hôn nhân Công Giáo đã thành sự. Chúng ta chỉ được giao quyền quản lý các Bí tích và quyền làm trung gian chuyển các ơn lành của Chúa đến cho các tâm hồn theo đúng ý muốn và các quy định của Người, chứ chúng ta không phải là chủ nhân của các Bí tích và cũng không có toàn quyền quyết định trên các Bí tích và các ơn lành siêu nhiên. Điều gì Đức Giêsu không đặt vào tay chúng ta, chúng ta không có quyền phân phát cho người khác.
Nhưng Thiên Chúa toàn năng và thượng trí hơn đôi tay bị bó chặt của chúng ta bội phần. Vì thế, người ta hoàn toàn hợp lý khi hy vọng và xác tín rằng, một người nào đó mặc dù “bị bó tay”, nhưng sẽ nhận được một cách dồi dào các ân sủng của Thiên Chúa hơn là một kẻ khác hoàn toàn được tự do, chứ không bị cản trở trong việc lãnh nhận các Bí tích thánh, nhưng lại lãnh nhận các Bí tích ấy một cách hời hợt và bất xứng. Theo thiển ý, tôi cho rằng tư tưởng này rất quan trọng, và trên thực tế nó đã chi phối các hoạt động mục vụ của tôi; bởi vì, một điều đáng tiếc là những người ly hôn và lại đã tái kết hôn thường bị mặc cảm là chỉ “tội” hôn nhân rối của họ mới là thứ tội nặng nề, đến nỗi không thể tìm được sự tha thứ. Trong khi đó, trên thực tế, chắc hẳn các tội chống lại tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân còn nặng nề hơn nhiều.
Ở đây, cũng cần nhắc lại rằng, việc tham dự các Thánh Lễ, đặc biệt các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, là một điều vô cùng quan trọng và hữu ích cho cuộc sống tâm linh của chúng ta, cả những khi chúng ta không hội đủ điều kiện cần thiết để rước lễ. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ chúng ta sẽ cùng được tham phần vào sự biến đổi từ bánh và rượu thành Mình vào Máu Thánh Chúa, và qua đó, chúng ta sẽ được thánh hóa. Cả “Bàn Tiệc Lời Chúa” qua các bài đọc được trích ra từ Kinh Thánh cũng sẽ mang đến cho chúng ta thức ăn bổ dưỡng cần thiết cho cuộc sống đức tin.
Còn các tín hữu bình thường, tức những người không sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp lệ, cũng cần phải tái xác tín rằng việc rước lễ không chỉ là một bữa ăn Agapê, bữa ăn huynh đệ giữa các tín hữu trong cộng đoàn Giáo xứ, nhưng trước hết là một sự kết hiệp mật thiết và sâu xa nhất với Đức Giêsu Kitô và với Giáo Hội. Việc rước lễ hay rước Mình Thánh Chúa đòi hỏi phải có một sự sửa soạn cần thiết và được gắn liền với những điều kiện tương xứng nhất định, mà người ta không được phép bỏ qua. Về điều này, mỗi người chúng ta cần phải tự vấn lương tâm mình một cách thành thực trước mặt Chúa. Việc rước Mình Thánh Chúa một cách vô ý vô tứ và bất xứng là một việc xúc phạm đến Phép Thánh Thể và chắc chắn không mang lại ích lợi thiêng liêng nào cho linh hồn.
_________________________
1. Romeo und Julia (tựa đề bằng tiếng Anh là Romeo and Juliet) là một vở Bi Kịch của William Shakespeare, xuất bản năm 1597. Vở Bi Kịch Romeo và Julia trình bày câu truyện hai tình nhân còn trẻ thương yêu nhau tha thiết. Nhưng đáng tiếc là họ thuộc hai gia đình thù địch nhau, nên họ không thể kết hôn với nhau được. Do đó, Romeo và Julia đã tự tử, và với cái chết của họ đã kết thúc vở thảm kịch. Vở Bi Kịch Romeo và Julia là một trong những tác phẩm nổi danh nhất của Shakespeare và là một trong những câu truyện tiểu thuyết tình cảm danh tiếng nhất trong lịch sử văn chương thế giới. (xem www.absoluteshakespeare.com/plays/romeo_and_juliet.htm.
2. Có lẽ đây là một điều mà người Việt Nam hay gọi là “làm phép giao” chăng?
Lm JB. Nguyễn Hữu Thy