Tôi nghĩ đề tài này có thể đã được sách vở nói đến nhiều, nhưng tôi đặt dấu hỏi để rồi sẽ …xác nhận bằng kinh nghiệm thực tế và xương máu của mình rằng …đúng là như thế. Hơn nữa, tôi muốn chứng mình rằng, trong nhiều trường hợp, tuy hôn nhân đổ vỡ là một điều ê chề cho người trong cuộc và bị người chung quanh coi như một sự chẳng lành, nhưng Ðức Tin Kitô Giáo có thể giúp ta vượt qua rất nhiều khó khăn và đón nhận được rất nhiều Hồng Ân của Thiên Chúa. Quả thật Thiên Chúa thương xót và ban ơn cho hết thảy những ai tìm đến Ngài.
Ngoài ra, tôi cũng muốn chia sẻ với nhiều anh chị em cùng cảnh ngộ. Khi lập gia đình ai cũng muốn được hạnh phúc cả một đời bên nhau, muốn có một mái ấm gia đình để nuôi dưỡng con cái nên người và để tuổi già được an vui mãn nguyện. Thế nhưng càng ngày càng có thêm nhiều người lớn lẫn trẻ con đã mang những vết thương dổ vỡ của gia đình. Có những gia đình chưa đổ vỡ nhưng bầu khí luôn nặng nề, ngột ngạt và sẵn sang nổ tung. Có những gia đình nổ tung rồi chỉ còn một mảng đem chấp nối lại với nhau, trường hợp này chắc chắn là rất khó cho con cái, vì tự dưng có người lạ và con họ xáp vào ở chung với mình. Tôi hay nói đùa với bạn bè rằng: “Ngày xưa người ta thích đông con nhiều cháu, bây giờ cha mẹ ít con và trẻ con có nhiều cha mẹ.!”. Có những cặp vợ chồng luôn miệng doạ nhau sẽ ly dị nhưng vẫn sống bên nhau hết ngày này qua tháng khác, và cũng có những gia đình có vẻ rất hạnh phúc thì không ngờ lại đổ vỡ trước sự ngạc nhiên của nhiều người.
Nói chung, sau khi đổ vỡ người ta thường trải qua nhiều khó khăn về tài chánh và nhất là về tâm lý. Những điều này cũng được nhiều sách vở nói đến, nhưng đa số vần là những sách viết cho xã hội Mỹ bằng tiếng Anh. Người Việt mình có lẽ vẫn còn yếu kém về mặt này, vì chưa có nhiều người nghiên cứu và viết riêng cho hoàn cảnh xã hội và văn hoá Việt Nam, cũng chưa có nhiều tài liệu được dịch từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ. Các bác sĩ hoặc cố vấn về tâm lý trong lãnh vực này vần còn rất hiếm hoi. Trong khi đó tỉ lệ gia đình VN đổ vỡ vẫn tăng nhanh.
Vì những lý do trên, tôi muốn chia sẻ những gì mình trải qua và cảm thấy tuy rất nhiều khó khăn nan giải, nhưng hoàn cảnh nào cũng có những khía cạnh tích cực của nó, và với niềm tin vào Chúa Kitô ta có thể tìm được một cửa ngõ đưa đến chỗ tốt đẹp hơn cho cuộc đời mình. Như thế nếu chính bạn đọc đang gặp những khó khăn đau khổ vì gia đình đổ vỡ, thì hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ mang lại chút phấn khởi nào chăng? Hơn nữa, những người thân của gia đình đã nâng đỡ tôi rất nhiều, nên nếu độc giả có người trong gia đình ở trong cảnh ngộ này thì hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp quí vị hiểu được và nâng đỡ tinh thần cho người thân yêu của mình được nhiều hơn.
Xin nói ngay là vì lý do tế nhị đối với đời sống riêng tư của những người liên đới, tôi cố gắng không vẽ một bức tranh không đẹp về người khác trong bài này. Phần lớn tôi chỉ ghi lại những biến chuyển nội tâm đã giúp tôi trưởng thành hơn về tâm lý và tâm linh.
Dù sao thì khởi đầu tôi cũng phải nói sơ về đời sống hôn nhân của mình trước khi đổ vỡ cái đã. Hôn nhân của chúng tôi là những năm tháng hạnh phúc. Vâng, bạn không đọc nhầm và tôi không viết lộn đâu. Chúng tôi rất hạnh phúc, có lẽ nhờ có được một tình bạn trong hôn nhân. Trải qua nhiều năm thăng trầm trong cuộc sống, chúng tôi là những người bạn rất quí của nhau. Tôi nhỏ hơn anh 7 tuổi, và nhận ra bao nhiêu cái hay của anh là tôi học gần hết, và coi như bắt kip anh trong mọi suy nghĩ, nên chúng tôi trao đổi được rất nhiều. Trong thời gian còn hạnh phúc, gần như chúng tôi không cãi cọ, nhưng thích tranh luận và thách đố hoặc trêu chọc nhau khi không nhất trí. Những chuyến lái xe đi chơi xa của chúng tôi thoát được những cơn buồn ngủ ghê gớm nhờ những đề tài tranh luận đầy hứng thú về triết lý cuộc đời. Anh luôn khuyến khích cho tôi phát triển khả năng suy tư, và thường tỏ ra hãnh diện khi thấy khả năng suy tư và tranh luận của tôi ngày càng theo kịp anh, và đôi khi anh còn phải thua nữa.
Tuy có được một tình bạn trong hôn nhân, nhưng tánh tình và cách sống của mỗi người rất khác nhau, và chúng tôi bù trừ cho nhau vừa khít khao. Ðúng y như các cụ thường nói: Nồi méo vung méo xoay quanh cũng vừa! Tôi sống khép kín, anh nhiều bè bạn và đa số họ là những người tôi rất quý mến, nên tôi có lời vì bạn của anh trở thành bạn của tôi. Tôi thích nếp sống nội trợ, anh thích đám đông, nên anh mời bạn đến nhà thì tôi vui vẻ trổ tài nấu nướng. Từ nhỏ tới lớn tôi sống trong gia đình khó khăn ít được đi đâu, anh là người thích lang thang khắp chốn và tôi tung tăng theo chân anh đi rất nhiều nơi. Tôi gọn gàng, anh bừa bãi nhưng lại vui vẻ “vâng lời” mỗi khi tôi cằn nhằn. Nói hay làm điều gì tôi đều cẩn thận suy trước tính sau, anh ăn nói và làm lụng không cần suy nghĩ nhưng vẫn thu hút được rất nhiều người bằng lời nói lẫn việc làm. Tôi sống có kỷ luật, lo quán xuyến mọi việc trong nhà, và tương đối thành công trong xã hội Mỹ; anh sống bất chấp và khi cần hoặc nếu muốn anh sẽ dễ dàng nổi bật trong những cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nơi. Ðại khái là như thế, và cả hai chúng tôi cảm thấy hôn nhân của mình là tốt đẹp. Cho đến lúc có đứa con thứ ba thì chúng tôi thấy mình có một gia đình thật hạnh phúc.
Một hôn nhân tốt đẹp sao đổ vỡ?
Hà! Ðây là điều rất khó giải thích. Sau nhiều năm trải qua những biến chuyển nội tâm, tôi mới có thế nhìn lại và cho là mình đã thấy được phần nào những nguyên nhân. Nói tóm gọn, cả hai chúng tôi đều là nạn nhân của sự thiếu trưởng thành của chính mình ở một khía cạnh nào đó trong đời sống.
Sự đổ vỡ của một hôn nhân đang hạnh phúc không phải là một điều hiếm xảy ra, và hiển nhiên phải có những biến chuyển nào đó. Trong trường hợp của mình, tôi đã hết sức bàng hoàng trước những biến chuyển này, và phải mất một thời gian rất lâu mới chấp nhận rằng sự đổ vỡ không thể tránh được nữa.
Người ta thường nói là những người yêu nhau thường trở nên mù quáng, chỉ thấy cái hay cái đẹp của nhau mà không thấy được những khuyết điểm của nhau, hoặc những khuyết điểm này còn được dấu và chưa có cơ hội để phơi bày. Và họ chỉ sáng mắt ra sau khi thành hôn, sống chung và càng ngày càng thấy nhiều thêm những khuyết điểm của nhau. Chúng tôi chắc không thóat khỏi định luật này, nhưng phải tới hơn 10 năm sau, khi đã có đứa con thứ ba, mới sáng mắt ra.. Trước khi chúng tôi lấy nhau, người này thấy ở người kia rất nhiều điều mình mơ ao ước nhưng không hoặc chưa có được, và mong rằng hôn nhân sẽ làm cho chúng tôi nên “hoàn hảo”. Những điều tốt đẹp ấy cũng làm cho chúng tôi rất “hãnh diện” về nhau nữa. Rồi sau khi lấy nhau, chúng tôi vẫn muốn rằng mình sẽ tiếp tục làm cho nhau nên hoàn hảo, và càng ngày chúng tôi càng “cố gắng làm người hoàn hảo trong mắt nhau” và “muốn thấy ở nhau một con người hoàn hảo”!
Tới đây chắc bạn thấy cái nguy hiểm nó ở chỗ nào rồi. Tất cả những câu tôi vừa bỏ trong ngoặc kép chính là nguyên nhân của đổ vỡ! Nhưng lúc đó tôi đâu có thấy, mà mãi tới bây giờ mới thấy, nên tôi bỏ trong ngoặc kép như vậy để làm sáng tỏ cái điều tôi vừa mới thấy đó thôi! Nếu đọc lại đọan trên tôi nói về tính tình khác nhau và bù trừ cho nhau, bạn sẽ thấy những gì tôi bỏ trong ngoặc kép rất là chính xác, phải không? Tôi thấy có nhiều bà vợ luôn doạ chồng là sẽ ly dị, nhiều cặp vợ chồng khắc khẩu, ấy thế mà họ lại ăn đời ở kiếp với nhau. Trong khi những cặp có vẻ hạnh phúc, và chính họ cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện ly dị, thì đùng một cái lại phải trực diện với hôn nhân đổ vỡ của mình, như trường hợp của gia đình tôi và của nhiều bạn bè tôi quen biết. Còn những trường hợp khác thì tôi không biết.
Nguyễn Kim Loan
VietCatholic News