Hôn nhân thực sự là gì?

Hội Đồng Giám Mục VN đã ấn định chương trình Mục vụ Gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm như sau:

* Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;

* Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;

* Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Ngay từ tháng 12/2016, vấn đề hôn nhân đã được đặt ra với chủ đề “Ý nghĩa và giá trị của tình yêu và tính dục”. Tiếp theo là “Tình yêu phu thê là đặc thù của hôn nhân”; “Hôn nhân Ki-tô giáo là một bí tích”… Mục vụ được chú trọng cả về 2 mặt, từ “Hôn nhân từ góc nhìn luân lý” đến “Hôn nhân từ góc nhìn tâm linh”. Sang đến năm 2018 vấn đề hôn nhân càng được đào sâu hơn, từ “hôn nhân hạnh phúc” đến “hôn nhân thất bại”. Tới chủ đề tháng 6/2018, thấy ghi là “Hôn nhân thực sự là gì?”, vấn đề gần như lại trở lại từ đầu. Như vậy thì cũng khó cho người trình bày vấn đề. Tuy nhiên vì đây là chủ đề mục vụ đã được ấn định để học tập, nên cũng xin chia sẻ:

Muốn hiểu “Hôn nhân thực sự là gì?” thì phải tìm đến điểm xuất phát của nó. Tình yêu với các hình thức khác nhau đóng vai trò chủ yếu trong các mối quan hệ giữa các cá nhân. Do bản chất đặc biệt quan trọng trong tâm lý, tình yêu đã và luôn là một trong những chủ đề phổ biến nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Tình yêu được hiểu như là một chức năng để giữ cho con người cùng nhau chống lại khó khăn và tạo điều kiện cho sự duy trì nòi giống của con người. Tất cả mọi cuộc hôn nhân đúng nghĩa đều xuất phát từ tình yêu. Tình yêu là thứ tình không nẩy sinh từ lý trí mà là từ bản năng, nhưng có sức khống chế con người. Riêng về tôn giáo thi tình yêu xuất phát từ thần linh, từ Thượng đế, và vì thế thường hay có những tranh cãi không đáng có. Ki-tô giáo cũng không ngoại lệ.

I. Quan điểm xã hội về Tình yêu:

Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) đã giải thích về Tình yêu: “Tình yêu” là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân (“Tôi yêu mẹ tôi”) đến niềm vui sướng (“Tôi thích món ăn”). Tình yêu thường là một cảm xúc thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc gắn bó. Nó cũng có thể là một đức tính đại diện cho lòng tốt của con người, sự nhân từ, và sự thông cảm – “mối quan tâm trung thành và vị tha hướng tới người khác”. Nó cũng có thể mô tả các hành động nhân văn và thông cảm đối với người khác, chính bản thân mình hoặc các con vật. Người Hy Lạp cổ đại xác định bốn hình thức của tình yêu:

* Eros ham muốn tình dục, cảm xúc lãng mạn;

* Storgequan hệ gần gũi của họ hàng hay người thân;

* Philia: tình bạn;  

* Agape: xúc cảm dành cho các giá trị tôn giáo.

Các tác giả hiện đại đã phân biệt những biến thể chi tiết hơn nữa của tình yêu lãng mạn (eros). Các nền văn hóa không phải của phương Tây cũng có các biến thể khác nhau cho các trạng thái cảm xúc này. Sự đa dạng của việc sử dụng và ý nghĩa kết hợp với sự phức tạp của những cảm giác của tình yêu làm cho việc thống nhất xác định thế nào là tình yêu trở nên cực kỳ khó khăn khi so với các trạng thái cảm xúc khác.

II. Quan điểm Ki-tô giáo về Tinh yêu:

Quan điểm Ki-tô giáo về hôn nhân nhìn nhận Tình Yêu là xuất phát điểm của hôn nhân. Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu “Deus Caritas Est” (số 2) đã lý giải: “Trước hết, chúng ta hãy bàn về phạm vi ngữ học rộng lớn của từ “tình yêu”: chúng ta nói về lòng yêu nước, yêu nghề, tình yêu bè bạn, sự yêu thích công việc, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu người và lòng mến Chúa. Tuy nhiên, giữa cơ man những ngữ nghĩa này, có một điều nổi bật lên: đó là tình yêu giữa một người nam và một người nữ, trong đó xác hồn được kết hiệp bất phân ly và mở ra cho nhân loại thấy thấp thoáng lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được. Tình yêu này có lẽ là kiểu mẫu của tình yêu; tất cả các dạng thức yêu thương khác tức khắc tỏ ra mờ nhạt khi so sánh với thứ tình yêu này. Vì thế, một vấn đề được nêu lên: có phải tất cả những dạng thức của tình yêu về cơ bản chỉ là một, cho nên tình yêu, trong những biểu thị đa dạng của nó, tối hậu chỉ là một thực tại duy nhất; hay đơn giản là chúng ta dùng một từ để chỉ định nhiều thực tại hoàn toàn khác biệt?”

Từ nền tảng 4 hình thức cùa tình yêu trong Hy Lạp cổ đại như nêu trên (Eros, Storge, Philia, Agape), Ki-tô giáo quy kết vào 2 hình thức chính:

* Tình yêu “vị kỷ” (vì mình) là “Tình ái” (“Eros”) – còn gọi là tinh yêu chiếm hữu, tình yêu “nhận về” (“amor concupiscentiæ”).

* Tình yêu “vị tha” (vì người) là “Tình bác ái” (“agape”) – còn gọi là tinh yêu “cho đi” (amor benevolentiæ). 

            1- Phản biện quan điểm của Giáo hội: Tuy nhiên, nếu tìm trong Thánh Kinh thì chỉ thấy Cựu Ước có 2 lần dùng từ Eros. Còn Tân Ước thì hoàn toàn dùng từ Agape. Có lẽ cũng vì thế nên “Các nhà phê bình chống Ki-tô giáo kể từ thời Ánh sáng trở đi, mà giọng điệu ngày càng tỏ ra gay gắt hơn, đánh giá cái mới này hoàn toàn tiêu cực. Nhà triết học Đức Friedrich Nietzsche cho rằng Ki-tô giáo đã đánh thuốc độc Eros; Eros đã không chết vì thuốc đó, nhưng đã biến thành một cái gì xấu xa. Phát biểu đó đã nói lên cái cảm nhận khá phổ biến: Phải chăng Giáo hội Công Giáo đã dùng giới răn và cấm đoán để phá hư đi cái đẹp nhất của cuộc sống? Phải chăng Giáo hội đã dựng bảng cấm trước thú vui mà Tạo hoá đã ban cho con người để họ đạt hạnh phúc và qua đó họ nếm được phần nào cái hạnh phúc của Thiên Chúa?” (Thông điệp “Deus Caritas Est”, số 3).

Có thật là Giáo hội “đã dùng giới-răn và cấm đoán để phá hư đi cái đẹp nhất của cuộc sống, đã dựng bảng cấm trước thú vui mà Tạo hoá đã ban cho con người để họ đạt hạnh phúc và qua đó họ nếm được phần nào cái hạnh phúc của Thiên Chúa?” Thử tìm hiểu xem Friedrich Nietzsche (kể cả phái Khắc Kỷ) đã dựa vào đâu mà phản biện như vậy? Trong Giáo hội nhiều người cho rằng họ đã đúng, đồng thời cũng có nhiều người cho rằng họ đã hoàn toàn sai. Cả 2 quan điểm này đều cực đoan. Bình tĩnh tìm hiểu vấn đề sẽ rõ:

Trước hết, họ đã nhìn vào công trình sáng tạo là nguồn gốc của tình yêu theo nhãn giới nhân sinh. Hai con người đầu tiên trên trái đất rất yêu nhau, gắn bó với nhau chính là vì 2 thể xác cống hiến cho nhau một thứ khoái lạc tuyệt đỉnh khi họ ân ái. Vì thế cho nên khi E-và nghe lời quỷ dữ xúi giục phạm tội (ăn trái cấm), bà chỉ đưa cho A-đam thì ngay lập tức A-đam ăn liền. Lập luận này nếu nhìn trên bình diện nhân sinh thì thấy rất đúng. Kẻ viết bài này hồi nhỏ ở một làng quê thấy các cụ bà than vãn mỗi lần sinh nở là một lần “vượt cạn” (vượt qua những khó khăn một cách vô cùng cực khổ), chẳng muốn sinh đẻ chút nào. Các cụ ông cũng vậy, mỗi lần giao cấu tuy có khoái lạc cực điểm nhưng sau đó người mệt nhoài và nhất là khi sinh con thì cuộc sống cực nhọc thêm nhiều.

Không muốn sinh con, nhưng vì sao mà gia đình nào cũng đông con (thậm chi có những gia đinh có tới 15, 20 đứa con)? Đó phải chăng là hấp lực mãnh liệt của giao cấu đã khiến đôi phối ngẫu quên đi tất cả và chỉ còn biết có khoái lạc sinh lý? Quả thực vấn đề khoái lạc sinh lý không thể phủ nhận, và cũng chính nó đã làm cho con người sa đọa, trở thành một thứ “đĩ điếm thần linh”, tạo ra những cơn “điên-loạn thần-linh”. Ngày nay, phe phái “ca ngợi thể xác” đã lan tràn khắp nơi, “Eros bị hạ xuống chỉ còn là ‘hành-vi tính-dục’, trở thành hàng-hoá, thành thuần tuý ‘đồ vật’ có thể mua bán, và hơn nữa, chính con người như thế cũng trở thành hàng hoá.” (Thông điệp “Deus Caritas Est”, số 3-4). Và vì thế vấn đề mãi dâm phát triển rất mạnh. Ngày xưa chỉ có đàn bà con gái đi bán dâm (mãi dâm nữ), nhưng ngày nay có cả mãi dâm nam, thậm chí còn có mãi dâm đồng giới nữa.

2- Quy chiếu vào chân lý tình yêu: Giáo hội Công giáo hoàn toàn không phủ nhận Eros, đừng nói là “phá hư Eros” như lập luận của phe chống đối. Chỉ có điều Giáo hội thấy rõ ràng Eros đã biến chất từ một tình yêu thuần khiết đã biến thành một thứ hàng hóa có thể mua bán, khiến con người không còn giá trị nhân linh mà cũng chỉ là một thứ hàng hóa không hơn không kém. Trong khi đó, Đức tin Ki-tô giáo, luôn coi con người là hữu thể thống nhất gồm tinh thần và vật chất (linh hồn và thể xác) tác động lên nhau và nhờ đó mà con người thăng tiến. Rõ ràng Eros không chỉ dừng lại ở lãnh vực nhân sinh, mà nó còn kéo con người tới lãnh vực thần linh, đưa con người vượt lên trên chính bản thân. Vì thế nó rất cần một con đường thăng tiến, con đường hãm mình, thanh lọc và chữa trị.

           “Sở dĩ như vậy trước hết là vì bản chất con người bao gồm thể xác lẫn tinh thần. Con người trở thành chính mình thật sự khi đạt được sự thống nhất nội tại giữa tinh thần và thể xác; có được sự hợp nhất đó thì mới vượt thắng được thách đố của Eros. Khi con người muốn mình chỉ là tinh thần không thôi và coi thường thể xác như chỉ là một thứ di sản thú vật, lúc đó phẩm giá của tinh thần lẫn thể xác sẽ mất. Và khi họ chối từ tinh thần, chỉ còn coi thể xác là thực tại duy nhất, lúc đó họ cũng đánh mất chiều kích cao cả của mình.” (Thông điệp Deus Carotas Est”, số 5). Những suy tư đó hơi nặng tính triết lý về bản chất tình yêu, đương nhiên dẫn người tín hữu về với đức tin trong Kinh Thánh. Đó là câu chuyện cái thang của Tổ phụ Gia-cóp:

Đoạn Thánh Kinh này (St 28, 10-19) trình thuật câu chuyện Tổ phụ Gia-cóp thấy trong một giấc mơ: trên tảng đá dùng làm chỗ gối đầu của ngài, có một cái thang bắc lên trời, trên đó các thiên thần đang lên xuống (St 28, 12). Đó là Cựu Ước, sang đến Tân Ước, chính Đức Giê-su cũng tự nhận mình là cái thang (như cái thang trong giấc mơ của Tổ phụ Gia-cóp): “Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1, 51). Như vậy, nhờ cái thang, con người có thể “đi lên” gặp gỡ Thiên Chúa để “nhận về” Tình Yêu Người ban tặng cách nhưng không (Eros). Cũng từ cái thang cầu nối ấy, sau khi đã “nhận về” Tình Yêu, con người có bổn phận phải “đi xuống” gặp gỡ mọi người mà “cho đi” Tình Yêu đã “nhận về” từ Đấng Tạo Hóa (Agape).

Vâng, “Luận lý nội tại đưa chúng ta đến sự xem xét hai từ nền tảng: eros, như là thuật ngữ để chỉ tình yêu “trần thế” và agape, chỉ tình yêu được đặt cơ sở và hình thành bởi đức tin. Hai ý niệm này thường được tương phản như tình yêu “nhận về” và tình yêu “cho đi”. Có những cách phân loại khác tương tự như vậy, chẳng hạn như sự phân biệt giữa tình yêu chiếm hữu (amor concupiscentiæ) và tình yêu vị tha (amor benevolentiæ), đôi khi người ta cũng thêm vào trong cách phân loại này thứ tình yêu lợi dụng.” (Thông điệp “Deus Caritas Est”, số 7).

Đức Giáo hoàng Phan-xi- cô đã phát biểu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 29-4-2015 về vấn đề hôn nhân: “Tuyệt tác công trình sáng tạo của Thiên Chúa là con người. Sự kiện người nam và người nữ yêu thương nhau trong hôn nhân khiến cho gia đình là tuyệt tác của xã hội. Ki-tô hữu không lập gia đình cho chính mình, nhưng khi lấy nhau trong Chúa, họ được biến đổi thành dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa và sinh lợi cho toàn cộng đoàn, cho toàn xã hội.” (nguồn: Đài Vatican).

Kết luận:

Tóm lại, ba loại tình yêu Eros, Philia, Agape nói lên ba cấp độ hoàn thiện của tình yêu. Cả ba đều tồn tại, chứ không loại trừ nhau, nhưng lý tưởng là đạt đến cấp agape, là kiểu mẫu tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Như thế, kiểu mẫu cho tình yêu hôn nhân, là chính Thiên Chúa Tình Yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn tự trao hiến cho nhau cách trọn vẹn. Chính Ngôi Hai – Đức Giê-su Ki-tô – đã cho thấy điều đó nơi cuộc hiến tế trên Đồi Golgotha năm xưa. Cái chết của Đức Giê-su tiên vàn xuất phát từ Tình Yêu Hiệp Thông Ba Ngôi, đi tới Tình Yêu Vâng Phục làm của hiến tế trở thành Tình Yêu Trao Hiến dâng lên Chúa Cha để cứu độ nhân trần, nghĩa là nhờ cái chết đó mà muôn loài thụ tạo được cứu thoát khỏi sự chết đời đời.

Chính Đức Giê-su cũng đã tự nhận Người là vị Hôn phu của Giáo hội, điều đó chứng tỏ không những xuất phát điểm của hôn nhân là Tinh Yêu mà phải công nhận rằng “Hôn nhân thực sự là Tình Yêu”. Vâng, “Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng, chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân.” (x. Gaudium et Spes 48, 1). Vì Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, nên ơn gọi hôn nhân được ghi khắc ngay trong bản tính của họ.

Hôn nhân không phải là một định chế thuần túy nhân loại, mặc dầu qua bao nhiêu biến đổi trải dài qua các thời đại, trong các nền văn hoá, cơ cấu xã hội và thái độ tâm linh khác nhau. Những sự khác biệt này không được làm chúng ta quên đi những nét chung và thường tồn. Mặc dù phẩm giá của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau (x. GS 47, 2), trong tất cả các nền văn hoá, có một ý nghĩa chắc chắn về sự cao quý của hôn nhân. “Vì sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Ki-tô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình.” (x. GS 47).” (Giáo lý HTCG, số 1603).

Ôi! “Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu, là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất. Tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại, mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất. Xin Cha ban ơn Phúc-Âm-hóa mọi gia đình, giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Cứu độ, là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an, vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con. Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất, ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích, thành trì che chở phẩm giá của mọi người. Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng, mang lại an hòa hạnh phúc cho gia đình. Cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ, nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người.

Xin Thánh Gia Thất phù hộ gia đình chúng con, vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách, và loan báo Chúa Giê-su Ki-tô là nguồn sống mới, bây giờ và mãi mãi. Amen.” (Trích “Lời cầu nguyện – phần kết thúc” trong Tâm Thư gửi các gia đình Công giáo của HĐGM Việt Nam này 20/11/2016).

 

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts