Trong ngày cưới, người ta không tiếc đưa ra những lời chúc tụng cô dâu, chú rể được trăm năm hạnh phúc với ý nghĩa hai người sẽ sống hòa hợp bên nhau đến trọn đời cùng với lũ cháu, đàn con đông đảo.
Được sống hòa hợp bên nhau, đó chẳng phải là ước mơ hạnh phúc ngàn đời của con người đó sao? Thế nhưng ước mơ vẫn chỉ là…ước mơ và dường như nó không bao giờ hiện thực ngay cả trong phạm vi đời sống hôn nhân vợ chồng?
Tình trạng ly hôn trên thế giới và ngay tại Việt Nam là đáng báo động. Thống kê mới nhất cho biết bình quân cứ 2, 7 cặp kết hôn thì có một cặp ly dị tức 43, 4 % và đa số từ lứa tuổi 20 đến 30 và năm sau nhiều hơn năm trước.
Như vậy việc ly hôn diễn ra chỉ ngay sau những năm đầu kết hôn với nhiều lý do khác nhau chẳng hạn mâu thuẫn về tiền bạc, về lối cư xử, về sự không hòa hợp sinh lý v.v…
Dù với bất cứ nguyên nhân nào thì việc ly hôn cũng đem lại bất hạnh cho hai người, cho con cái và cho gia đình nội ngoại hai bên. Sự bất hạnh ấy diễn ra tức thời nhưng nó còn để lại dấu ấn không phai mờ về sự thất bại trong việc tìm kiếm cho mình cuộc sống hạnh phúc lứa đôi.
Ly dị là điều các cặp vợ chồng không bao giờ mong muốn. Thế nhưng tại sao nó lại cứ diễn ra ngày càng nhiều như thế ngay cả đối với người Công giáo vốn dĩ Luật Chúa không hề cho phép ? Có hai nguyên nhân quan trọng. Một là ảnh hưởng của thời Công Nghiệp Hóa. Hai là quan niệm sai lầm về hạnh phúc.
Khác với thời xã hội nông nghiệp trước đây, thời gọi là Công nghiệp hiện nay, vợ chồng rất dễ xảy ra ly dị mà một trong những lý do đó là người vợ không lệ thuộc về kinh tế vào người chồng cũng như gia đình nhà chồng. Có khi cả hai vợ chồng đều đi làm cả tháng không hề gặp mặt. Xa mặt cách lòng và từ đó nảy sinh những mối quan hệ ngoài luồng là điều khó tránh khỏi. Mặt khác do nơi các phương tiện, nghe, nhìn: Internet, điện thoại di động…thông minh rất dễ đưa đến những cuộc hẹn hò, chát chit, nhắn tin để rồi cuối cùng là …nhà trọ, khách sạn đâu đâu cũng có ???
Ảnh hưởng của thời công nghiệp dẫn đến các vụ ly dị là rất lớn và thật khó tránh khỏi. Tuy nhiên có một nguyên nhân sâu xa khác gây nên sự đổ vỡ đó là quan niệm sai lầm về hạnh phúc. Cũng chính do bởi quan niệm sai lầm ấy mà thay vì tìm được hạnh phúc thì lại là nỗi bất hạnh !
Con người sở dĩ tồn tại là do hai bản năng ăn uống và truyền sinh. Hôn nhân chẳng qua đó là tên khác của việc truyền sinh. Thế nhưng khác với loài vật, con người thực hiện hai nhu cầu đó không như một thứ bản năng đòi hỏi cho mục đích tồn tại nhưng là để tìm kiếm khoái lạc.
Ăn thì phải là sơn hào hải vị đến nỗi không ngần ngại giết hại muôn loài. Uống thì phải bia bọt, rượu nọ rượu kia…Còn trong hôn nhân thì vợ hay chồng chỉ coi nhau như một thứ phương tiện để thỏa mãn dục vọng. Khi không còn tìm thấy sự khoái lạc nơi vợ nơi chồng thì liền bỏ nhau để đi đến với người khác!
Ở đây người ta lẫn lộn giữa hạnh phúc và thỏa mãn giác quan. Hạnh phúc thật sự thì đem đến an lạc cho. Trái lại thỏa mãn giác quan chỉ đưa đến chán chường, mệt mỏi. Thỏa mãn giác quan chính là dục vọng mà dục vọng nào cũng đưa đến u mê trói buộc và vì thế cần phải bỏ đi. Càng bỏ đi được bao nhiêu thì càng có được hạnh phúc bấy nhiêu: “ Cứ phá bỏ được những dục vọng bên ngoài thì sẽ thấy cái thiện của lòng mình được no đầy” ( Dĩ khử phù ngoại dụ chi tư, nhi xung kỳ bản nhiên chi thiện – Sách Trung Dung, chương một ).
Cái thiện của lòng mình được no đầy đó chính là Tánh Thiện vốn sẵn đủ ở nơi mỗi người, chỉ cần nhận biết và sống với nó sẽ được hạnh phúc. Vì vậy mục đích của hôn nhân Công Giáo chính là để nhắm tới cái Tánh Thiện ấy đó thôi. Buổi tối hôm thành hôn, Tobia nói với vợ mình là nàng Sara: “ Chúng ta là con cháu các Thánh. Chúng ta không thể kết bạn như những chư dân, họ không nhận biết Thiên Chúa” ( Tb 8, 5 ).
Như thế mục đích của hôn nhân Công Giáo tuy cũng là để lưu truyền nòi giống. Nhưng khác người đời ở chỗ nòi giống ấy là nòi giống các Thánh. Chính bởi vì mục đích là để lưu truyền nòi giống các Thánh nên hôn nhân Công Giáo phải được coi như một thứ Giao Ước mà hai bên nam nữ hứa sẽ trung thành với nhau cho đến trọn đời khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau….
Lời hứa trung thành với nhau đến trọn đời là điều kiện tiên quyết của hôn nhân Công Giáo: “ Sự gì Thiên Chúa kết hợp thì loài người không thể phân ly” ( mt 19, 6 ). Sự kết hợp hôn nhân là do Thiên Chúa và sự kết hợp ấy đã diễn ra ngay từ ban đầu, thuở Sáng Thế: “ Vậy Đức Chúa là Thiên Chúa cho A Đam ngủ mê. Khi ông đang ngủ Đức Chúa lấy một xương sườn của ông rồi đắp thịt vào. Từ xương sườn mà Chúa đã lấy từ A Đam , Ngài làm ra người đàn bà. Đoạn dẫn nàng đến cùng A Đam. A Đam nói: Nàng là xương tôi và thịt lấy từ thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà vì được lấy ra từ đàn ông. Vì lẽ đó người nam lìa bỏ cha mẹ mình để gắn bó với vợ mình và hai người sẽ thành một thân xác” ( St 2, 21 -23 ).
Qua trình thuật Kinh Thánh cho thấy ngoài ý nghĩa sâu xa của hôn nhân Công Giáo nó còn mang một mục đích rõ ràng là để tái kết hợp giữa hai con người nam và nữ. Nam tượng trưng cho nguyên lý Dương ( Cương ). Nữ cho nguyên lý Âm ( Nhu ). Theo Dịch Học thì Âm Dương phải hòa hợp thì mới có sự biến hóa: “ Cương, Nhu tương thôi nhi sinh biến hóa” ( Dịch, Hệ Từ Thượng ).
Sự hòa hợp giữa hai vợ chồng sẽ đem lại hạnh phúc và thành công trong cuộc sống : “ Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn ). Tuy nhiên với hôn nhân Công Giáo, sự hòa hợp ấy còn mang một mục đích khác cao cả hơn nhiều đó là được cùng nhau Nên Thánh. Nên Thánh là lời kêu gọi của Đức Ki Tô không phải chỉ để dành riêng cho một hạng người nào nhưng là cho tất cả: “ Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng Trọn Lành” ( Mt 5, 18 ).
Nên Thánh trong bậc hôn nhân không phải là cái gì quá ư xa vời. Đã có không ít tấm gương để cho ta được noi theo như Thánh Nữ Monica, mẹ của Thánh Tiến Sĩ Augustino. Như cha mẹ của Thánh Teresa HĐ Giê Su v.v…
Ngay cả khi sống đời vợ chồng, chúng ta cũng có thể đặt ra cho mình câu hỏi: Người khác nên Thánh được, còn mình tại sao không ? Đặt ra câu hỏi ấy và quyết chí theo đuổi việc nên Thánh thì nhờ Ơn Chúa chắc chắn sẽ được. Tuy vậy, đây cũng là việc hết sức khó khăn vì lẽ phải…Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Sống đời vợ chồng tất nhiên không sao tránh khỏi va chạm. Người ta nói bát đĩa trong rổ còn va chạm, nói chi vợ chồng. Thế nhưng chính cái sự…va chạm ấy sẽ là dịp để cho ta …bỏ được mình. Người một mình tu trên núi trên rừng thì có ai để mà…va chạm. Người sống độc thân, không vợ, không chồng lấy ai để va chạm?
Thập giá sẽ trở thành Thánh Giá nếu chúng ta vui lòng…vác vì Chúa. Vợ chồng vác thập giá của nhau đó là thực hành đức nhẫn nhục, khiêm cung như lời khuyên chí tình của Thánh Phao Lô: “ Anh em thân mến, như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, những người Thánh và được yêu thương.Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, nếu người này có chuyện phải trách cứ người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau” ( Cl 3, 12 -13 ).
Thế gian được gọi là…kham nhẫn có nghĩa phải thường trực sống trong sự bất như ý. Chúa đòi ta…bỏ mình có nghĩa phải sống đức Nhẫn và chính cái đức Nhẫn ấy mới khiến cho ta được trở nên Con Chúa. Hơn ai hết, người sống bậc hôn nhân Công Giáo là người có rất nhiều dịp để thực thi đức nhẫn nhục và nhẫn nhục đó chính là TU là hoàn thiện bản thân. Có câu nói: Khó nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa….
Tu là khó, tu tại gia lại còn khó hơn. Tuy nhiên để có thể làm được cái việc khó khăn ấy thì nhất thiết cần sống đời cầu nguyện. Người Công giáo Việt Nam ngày nay vẫn siêng năng tham dự Thánh Lễ cũng như tham dự cầu nguyện chung với cộng đoàn. Nhưng rất ít người sống đời cầu nguyện riêng một mình hoặc trong gia đình.
`Đang khi đó những người trẻ đã lập gia đình lại còn cần có đời sống cầu nguyện hơn ai hết. Bởi vì chỉ có việc ấy mới có thể đem lại Ơn Chúa cho đời sống cần nhiều hy sinh, nhẫn nhịn với nhau. Chính vì thiếu cầu nguyện, thiếu Ơn Chúa mà người ta không thể sống hòa hợp với nhau ngay cả khi đã long trọng thề hứa trước Hội Thánh cũng như cộng đoàn.
Cầu nguyện trong gia đình mỗi khi màn đêm buông xuống đó là việc không có chi tốt lành cho bằng. Tôi còn nhớ trước năm bảy lăm, gia đình khi ấy chỉ có hai ông bà cụ và đứa cháu con bà chị gái nhưng đêm nào cũng lần chuỗi năm mươi và Kinh Tôn Nữ Vương Gia Đình. Có những lần từ xa về phép vài ngày được đọc kinh cùng với cả nhà đó là kỷ niệm đáng nhớ không bao giờ quên và nó còn theo tôi mãi sau này khi đã có gia đình riêng.
Hàng đêm chúng tôi vẫn cùng nhau cầu nguyện xin Đức Mẹ giữ gìn bảo bọc vợ chồng, con cái hầu có thể trải qua gian khổ, thiếu thốn và bệnh hoạn đeo đẳng. Lời kết của Kinh Tôn Vương thật cảm động, mỗi lần cùng nhau cất lên lời cảm tạ ấy, tôi như thấy được ủi an rất nhiều: “ Lạy Nữ Vương Gia Đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm. Gia đình chúng con long đong tối ngày nhưng có Mẹ ở đây với chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đầy. Mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên Thiên Đàng. Amen.
Phùng Văn Hóa