CẦN NHẸ NHÀNG VÀ HỮU LÝ TRONG LỜI MÌNH NÓI
Chúng ta thường hay phàn nàn: “Con trẻ bây giờ cứng đầu khó dạy hơn chúng ta ngày xưa.” Nhưng, chúng ta hãy thử phân tích một vài mẫu chuyện để xem: đâu là nguyên nhân của những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải trong vấn đề giáo dục của chúng ta hôm nay.
Quốc Trung và bố mẹ đang đi thăm các bạn bè. Trong lúc những người lớn ngồi nói chuyện ở cửa trước, cậu bé Quốc Trung chạy rông. “Quốc Trung! Con lại đây”, mẹ nó ra lệnh. Đoạn bà quay lại với bạn bè và tiếp tục nói chuyện. Cậu bé không nói gì, lẩn sang phía góc nhà và từ từ đi tới cái xích đu ở vườn sau. Bà mẹ xuất hiện ở lối đi sau vườn. “Quốc Trung! Đến đây!” bà ra lệnh với sự cử động của ngón tay để chỉ điểm nó phải đến. Cậu bé quay lưng lại, nhấc cằm, nhắm mắt, và nhuếch miệng nhe răng cười rồi ngồi xuống trên chiếc xích đu, le lưỡi liếm môi. “Quốc Trung! Mẹ bảo con đến đây bây giờ”, bà mẹ giận dữ quát tháo. Cậu bé phớt lờ, tiếp tục đu đưa chiếc xích đu. “Mẹ đi mách ba con”, bà mẹ nói to trong lúc bước ra khỏi đó. Không có gì xảy ra. Nó tiếp tục đu đưa. Cuối cùng, chán quá rồi, nó đi bộ trở lại cổng trước.
Cậu bé tỏ ra thiếu kính trọng đối với những mệnh lệnh của mẹ nó. Trong trường hợp nầy, bà mẹ đón nhận cái bà đáng nhận. Bà đã làm một yêu sách vô lý. Cậu bé đáp trả với sự kháng cự táo bạo đối với mệnh lệnh của bà. Trong giây phút đặc biệt nầy, có sự tranh chấp quyền hành giữa mẹ và con. Và cậu bé đã thắng. Không có lý do tại sao nó không được chơi trên chiếc xích đu. Bà mẹ đã cố gắng tỏ uy quyền, còn cậu bé thì vẫn ngồi yên, tỏ vẻ kháng cự. Bấy giờ, bà mẹ đành phải đầu hàng, nhưng tiếp tục dùng lời nói hăm đe như một khí cụ. Cuối cùng, bà đe dọa mách với ông bố. Nhưng, cậu bé biết rằng ông bố sẽ không làm gì như kết quả đã cho thấy. Đe dọa nói với ông bố luôn là một lời nhắn gởi không mấy kết quả. Ông bố không bao giờ bị đặt trong vai trò phải thực hiện một quyền bính, điều mà đối với ông không còn hiệu quả nữa cho công việc giáo dục con cái.
Những yêu sách hợp lý thường được xác định bỡi sự trọng kính của con trẻ và sự tuân phục của chúng đối với mệnh lệnh. Có nhiều bố mẹ trở nên giận dữ vì đứa trẻ không làm như họ bảo, lý do có thể là vì những yêu sách của họ không hợp lý mà chỉ cố gắng để điều khiển đứa trẻ mà thôi. Điều đó thường tạo nên một cuộc chiến về quyền hành để xem ai là ”Ông Chủ”. Những bố mẹ nầy đã không nhận ra điều quan trọng trong những cố gắng của họ là thiết lập một quan hệ tốt đẹp giữa kẻ trên và người dưới. Họ quên rằng đối với con trẻ ngày hôm nay, sự trên quyền của người lớn thì không còn được chấp nhận nữa. Vì thế, con trẻ nhất quyết không chịu vâng lời như một nguyên tắc sống để thoát khỏi sự thống trị. Một đứa trẻ cảm thấy mình bị xếp đặt hoặc bị làm chủ, sẽ có phản ứng phục thù với sự bất phục tùng. Chúng ta có thể tránh những xung khắc ấy nếu chúng ta chỉ làm những mệnh lệnh cần thiết và hợp lý trong một cách thế không tỏ ra quyền uy.
Cô bé Thanh Lan, 10 tuổi, đang chơi cách nhà một khoảng cách không xa. Bà mẹ muốn sai nó đến quày hàng mua một vài món hàng lặt vặt, vì thế bà ra gọi nó từ cổng trước. Cô bé cứ tiếp tục chơi, làm như cô bé không nghe tiếng mẹ gọi. Cô bé không trả lời, bà mẹ đành chịu thua. Vài phút sau đó, bà gọi nữa. Nhưng cô bé vẫn ra vẻ không nghe thấy gì. Sau cùng, một trong những bạn bè của cô nói: “Thanh Lan, mẹ mầy đang gọi mầy đó!” “Ô, tao biết, nhưng bà ta chưa la”. Thay vì la lối, bà mẹ đi ra, mang theo chiếc giây roi nho nhỏ. Bà đi đến chỗ cô bé. Cô bé nhìn ngạc nhiên. “Con không nghe mẹ gọi sao? Đi về nhà, bà nhấn mạnh từng từ ngữ với tiếng kêu của sợi giây đập vào chân cô bé. Cô bé nhảy lên và vội chạy về nhà. Vài phút sau, cô bé bắt đầu đi đến gian hàng.
Cô bé đã trở thành “Mẹ Điếc”( nghĩa là mẹ nói thì không nghe), một vấn đề đã xảy ra cho rất nhiều gia đình. Dĩ nhiên, con cái phải làm một số những bổn phận giúp đỡ cha mẹ để đóng góp vào những lợi ích gia đình. Tuy nhiên, những công việc nầy phải là một cái gì được giáo dục, được ý thức bỡi đứa trẻ và nên được hoàn thành một cách bảo đảm.
Ở đây, bà mẹ nên cùng cô bé thảo luận trước một chương trình nho nhỏ có thể thỏa đáp được những nhu cầu của gia đình và cũng để phản ảnh được nhận thức về quyền lợi chơi với bạn bè của cô bé. Chẳng hạn: vào lúc ăn trưa, bà mẹ có thể nói: mẹ cần mua một ít đồ từ tiệm tạp hóa trước 5 giờ chiều hôm nay. Mấy giờ con có thể giúp mẹ đi mua được? Khi cô bé làm sự chọn lựa, bà mẹ có thể hỏi: mẹ sẽ gọi con vào lúc đó được không? Bấy giờ cô bé biết cái gì được mong đợi nơi cô và cô có cơ hội để chọn thời gian thích hợp cho cô. Lúc đó, yêu sách xem ra là có lý và cô bé sẽ đáp lại với một cảm giác tự hào về bổn phận nó cần phải làm.
Một câu chuyện khác: Bà mẹ đang ngồi trong phòng coi Tivi, sửa chữa mấy cái quần áo lặt vặt trong lúc cô bé Mỹ Huyền, 8 tuổi, đang coi Tivi. “Mỹ Huyền, con lấy cho mẹ bao thuốc lá đi”. Cô bé nhảy xuống và đi lấy thuốc lá cho mẹ. Vài phút sau, bà lại gọi: “Cưng ơi, con lấy cuộn chỉ trắng cho mẹ”. Cô bé đi lấy cuộn chỉ. Sau đó không lâu, bà mẹ lại gọi: “Con ơi, con đi tắt bếp cho mẹ”. Cô bé lại phải chạy đi tắt bếp cho bà mẹ.
Bà mẹ đã đối xử với cô bé như một đứa đầy tớ. Cô bé cố gắng thỏa đáp những yêu sách không hợp lý chút nào chỉ vì nó muốn làm vui lòng mẹ nó. Và chúng ta cho nó là cô bé ngoan, nhưng thật ra nó không học xử sự như một cá nhân tự quyết.
Một câu chuyện nữa: Bà mẹ và ông bố đang ngồi ở sân sau nói chuyện với những người bạn chợt đến bất thình lình. Thuý Hằng, 9 tuổi, đang chơi với hai đứa bạn gái ở gần đó. Minh Quang, 1 tuổi rưỡi, đang loay hoay vì đã đến giờ đi ngủ. Bà mẹ ôm nó một lúc, nhưng sự khuấy động của nó làm mọi người chia trí. “Thuý Hằng, con đến bế em bỏ vào trong chiếc giường của nó giúp mẹ đi”. “Ô, mẹ!” Cô bé thở dài. Nhưng rồi, cũng rời các bạn và làm như mẹ nó bảo.
Bà mẹ đã làm một sai bảo không hợp lý. Chúng ta không nên bảo một đứa trẻ làm một điều mà chúng ta không thích bị yêu cầu làm. Bà mẹ muốn ở với các bạn bà nên đã bảo đứa trẻ rời các bạn nó để chăm sóc cho cậu bé con. Điều nầy cho thấy sự thiếu kính trọng đối với quyền lợi của cô bé. Tốt nhất, bà mẹ nên cáo lỗi và tự mình đem cậu bé vào trong giường vì còn có ông bố tiếp chuyện với khách.
Khi chúng ta muốn làm một yêu sách hay ra một mệnh lệnh cho một đứa trẻ, chúng ta phải nhạy cảm đối với tình thế cũng như đối với khả năng của đứa trẻ nữa. Có những đứa trẻ thích nhiệm vụ chăm sóc trẻ nhỏ, nhưng cũng có những đứa không thích mấy. Vì thế, giao trách nhiệm phải tùy từng đứa, và tốt hơn nên có sự đồng ý trước, như khi nào trách nhiệm đó được thực hiện. Dĩ nhiên, nếu bà mẹ cần thêm sự giúp đỡ, bà có thể gọi đứa trẻ lớn hơn giúp bà.
Chúng ta có thể ngẫm nghĩ về những trường hợp, trong đó chúng ta đòi hỏi hay ra lệnh cho một đứa trẻ phải làm một cái gì ngay tức khắc. Đây là một cách thế tỏ ra uy quyền và thường là một đòi hỏi không hợp lý. Sự đáp trả của đứa trẻ: “oh, bà luôn luôn la hét và bắt tôi phải làm một cái gì”, điều đó cho thấy một tương quan nghèo nàn, thiếu sự hòa hợp, thiếu sự cộng tác giữa hai bên. Muốn được sự cộng tác của đứa trẻ, chúng ta nên dùng những phương cách tế nhị, kính trọng, và khéo léo hơn là những mệnh lệnh, vì không một ai, ngay cả con trẻ, thích nhìn thấy quyền hành được lạm dụng trong xã hội hôm nay.
Và bây giờ chúng ta hãy nghe tiến sĩ Gary Chapman trình bày:
“Tình yêu đưa ra lời yêu cầu, không phải mệnh lệnh. Khi tôi ra lệnh, tôi bỗng nhiên trở thành cha mẹ, còn vợ tôi trở thành con cái. Chỉ có cha mẹ mới bảo đứa con mới lên ba nên làm điều gì, thực ra, nó phải làm điều gì. Điều này cần thiết vì đứa bé ba tuổi chưa biết lèo lái trên dòng nước lừa dối của cuộc đời. Tuy nhiên, trong hôn nhân, chúng ta là những người cộng tác trưởng thành và bình đẳng. Chắc chắn chúng ta không toàn vẹn, nhưng chúng ta đã trưởng thành và chúng ta là những cộng tác viên. Nếu muốn triển khai mối liên hệ thân thiết, chúng ta cần phải biết ước muốn của nhau. Nếu muốn yêu nhau, chúng ta cần biết người kia muốn gì.
Tuy nhiên, cách chúng ta biểu lộ ước muốn là điều tối quan trọng. Nếu chúng ta đến với những mệnh lệnh, chúng ta đánh mất cơ hội tạo nên sự thân mật và đẩy người phối ngẫu ra xa. Tuy vậy, nếu chúng ta bày tỏ những nhu cầu và ước muốn của mình như một lời yêu cầu, thì chúng ta đang hướng dẫn, chứ không phải gởi tối hậu thư. Nếu người chồng nói “Em còn nhớ mấy cái bánh chuối em làm chứ? Tuần này em làm vài cái được không? Anh khoái mấy cái bánh đó lắm”. Nếu người chồng nói như vậy là đang hướng dẫn vợ cách yêu chồng và qua đó, tạo tình thân mật. Ngược lại, nếu người chồng nói “Từ hồi có con đến giờ chẳng biết cái bánh chuối là gì. Không biết có ăn được cái bánh chuối nào trong vòng 20 năm tới nữa đây” thì người chồng không còn đối xử như người lớn nữa nhưng lại hành động như một đứa bé chưa trưởng thành. Những lối đối xử như vậy không tạo tình thân mật. Nếu người vợ nói “Anh xem cuối tuần này có thể giúp em dọn máng xối được không?” thì người vợ đang biểu lộ tình yêu bằng cách đưa ra lời yêu cầu. Nhưng nếu người vợ nói “Nếu anh không sớm dọn mấy cái máng xối đó, chúng sẽ rớt khỏi mái nhà đó. Cây cối mọc đầy trên đó rồi”, thì người vợ chẳng còn bày tỏ tình yêu thương, nhưng đã trở thành bà mẹ độc đoán.
Khi yêu cầu người phối ngẫu với lời yêu thương, tức là bạn đang khẳng định giá trị cùng khả năng của người đó. Thực chất là bạn chứng tỏ rằng nàng có giá trị hoặc có thể làm một việc có ý nghĩa và đáng giá với bạn. Tuy nhiên, khi ra mệnh lệnh, bạn không còn là người yêu, nhưng đã trở nên bạo chúa. Người phối ngẫu của bạn sẽ không cảm thấy được khẳng định mà là bị xem thường. Lời yêu cầu chứa đựng yếu tố lựa chọn. Người bạn đời của bạn có thể chọn đáp ứng lời yêu cầu của bạn hay khước từ, vì tình yêu luôn luôn là sự lựa chọn. Chính điều đó làm cho tình yêu có ý nghĩa. Biết được rằng người phối ngẫu yêu tôi đủ để đáp ứng một trong những yêu cầu của tôi, giúp tôi cảm nhận được nàng quan tâm đến tôi, tôn trọng tôi, ngưỡng mộ tôi, và muốn làm điều vui lòng tôi. Chúng ta không thể có được tình cảm yêu thương bằng cách ra lệnh. Thật ra khi ra lệnh, người phối ngẫu có thể tuân theo sự đòi hỏi của tôi, nhưng đó không phải là biểu lộ của tình yêu. Đó là hành động sợ hãi hoặc lỗi lầm hoặc một tình cảm nào khác, chứ không phải tình yêu. Như vậy, lời yêu cầu tạo khả năng biểu lộ tình yêu, trong khi ra mệnh lệnh bóp nghẹt khả năng đó.”
Một ông bạn tôi chia sẻ:
Một lần kia tôi rất thích thú có bữa ăn tối với cô Ida Tarbell, cô là chủ tịch của nhóm viết về những danh nhân Mỹ. Khi tôi nói cho cô: tôi đang viết một cuốn sách như thế, chúng tôi bắt đầu thảo luận chủ đề quan trọng là làm sao sống hòa hợp với mọi người, và cô bảo cho tôi rằng trong thời gian cô viết nhật ký về cuộc đời của Owen D. Young, cô phỏng vấn một người ngồi cùng văn phòng với D. Young trong suốt 3 năm. Người nầy nói rằng trong suốt thời gian đó ông không bao giờ nghe ông Young ra chỉ thị trực tiếp cho một ai. Ông chỉ luôn đề nghị chứ không chỉ thị. Chẳng hạn, ông ấy không bao giờ nói: Làm cái nầy hay làm cái kia hoặc đừng làm cái nầy hay đừng làm cái kia. Ông luôn nói: Bạn có thể xem xét cái nầy hoặc bạn hãy nghĩ xem cái nầy sẽ làm việc tốt phải không? Ông thường nói sau khi ông đã nói ý để thảo một lá thư: bạn nghĩ thế nào về điều đó? Khi nhìn qua lá thư của một trợ tá, ông nói: Nếu chúng ta đặt câu văn đó như thế nầy có lẽ thì tốt hơn. Ông luôn cho người ta cơ hội để tự họ làm những điều đó. Ông không bao giờ bảo những trợ tá của ông làm những điều như thế nầy, thế nầy. Ông để họ làm, để họ học từ chính những lỗi lầm của họ.
Một kỷ thuật như thế sẽ khiến người khác dễ dàng sửa sai. Một phương cách như thế sẽ không bao giờ làm mất mặt người ta và cho họ một cảm giác họ là quan trọng. Nó khích lệ sự cộng tác thay vì nổi loạn.
Sự giận dữ được gây ra bỡi một lệnh thiếu kính trọng có thể kéo dài một thời gian lâu ngay cả khi lệnh được đưa ra để chỉnh đốn một tình trạng tồi tệ. Dan Santarelli một thầy giáo ở trường dạy nghề ở Wyoming đã nói cho một trong những lớp của chúng tôi cách một học sinh trong lớp của ông đã đậu xe chắn lối vào một trong những tiệm bán hàng của nhà trường. Một trong những thầy giáo đi vội vào lớp và đã nói bằng giọng kênh kiệu rằng: Xe của ai đang chắn lối đi? Khi người học sinh chủ chiếc xe đó đáp lời, vị giáo sư đó hét: Hãy dời chiếc xe đi và dời ngay bây giờ, nếu không tôi sẽ cho kéo đi.
Thật ra người học sinh đó có lỗi. Chiếc xe không nên đậu ở đó. Nhưng từ ngày hôm đó trở đi, không chỉ người học sinh đó giận mà tất cả những học sinh trong lớp đã làm mọi sự có thể để gây sự khó khăn cho ông ta và làm cho ông ta không mấy hài lòng.
Ông có thể giải quyết cách khác. Nếu ông ta nói trong cách thân thiện: Xe của ai đang đậu chắn lối đi. Và rồi đề nghị: Nếu nó được dời đi thì những chiếc xe khác có thể ra hoặc vào. Người học sinh đó có thể vui vẻ dời đi và như vậy không ai khó chịu và hận thù.
Khi yêu cầu, chúng ta nên có giọng điệu dễ chấp nhận hơn vì nó thường gây xúc phạm đến những người chúng ta yêu sách. Người ta thích chấp nhận một lệnh nếu nó có góp phần trong việc tạo ra cái lệnh được truyền đi.
Jaw Mac Donald, giám đốc một công ty nhỏ ở Nam Phi có cơ hội để có được một đơn đặt hàng rất lớn. Ông được nói rằng ông không thể đáp ứng đúng ngày giao hẹn. Công việc được lên chương trình trong hãng và thời gian ngắn để giao hàng xem ra không thể để chấp nhận.
Thay vì thúc đẩy công nhân làm việc gia tăng để hoàn thành công việc, ông gọi mọi người lại, cắt nghĩa tình cảnh cho họ và nói cho họ điều đó có lợi cho hãng và cho họ thế nào nếu họ có thể sản xuất hàng đúng hẹn. Bấy giờ ông mới bắt đầu hỏi họ:
– Chúng ta có thể giải quyết đơn đặt hàng nầy không? Có ai nghĩ ra những cách nào khác để tiến hành công việc nhận đơn đặt hàng nầy không? Có cách nào để thích nghi thời giờ và công việc cá nhân của chúng ta cho công việc nầy không?
Công nhân nghĩ ra nhiều ý tưởng và nhấn mạnh họ sẵn sàng nhận đơn đặt hàng. Họ cùng đến với thái độ sẵn sàng: “Chúng ta có thể làm” và đơn đặt hàng đã được chấp nhận, đã được sản xuất và đã được giao đúng hẹn.
Người lãnh đạo hiệu quả sẽ dùng phương cách hỏi ý kiến thay vì ra lệnh.
Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.