Tôi gặp Chen Loong (Trần Long) khi anh 43 tuổI và kết hôn đã 17 năm. Tôi nhớ đến anh vì những lời đầu tiên của anh thật gây ấn tượng. Sau khi tự giới thiệu ngắn gọn, anh nghiên mình tới trước, nói một cách vô cùng xúc động:
– Thưa cha, con là một thằng ngu, thật là ngu.
– Điều gì khiến anh kết luận như vậy.
– Con kết hôn 17 năm rồi. Bây giờ vợ bỏ con. Con thấy mình thật là ngu.
– Mà anh ngu như thế nào chứ?
– Vợ con đi làm về và kể cho con nghe chuyện ở sở. Con lắng nghe và bảo vợ nên làm gì: Em phải nói chuyện với những người có liên hệ, với xếp của em. Em phải giải quyết vấn đề. Hôm sau nàng đi làm về cũng kể những chuyện đó. Con hỏi nàng có làm theo đề nghị con không? Nàng lắc đầu bảo: không. Rồi ngày kế tiếp, nàng cũng kể như vậy. Con hỏi nàng có làm theo đề nghị con không? Nàng lắc đầu bảo không. Sau mấy đêm như thế, con nổi giận. Con bảo nàng có thể giải quyết được vấn đề nếu làm theo con chỉ dẫn. Tại sao lại không làm nên đừng có mong con thông cảm.
Lần kế tiếp, nàng nhắc lại vấn đề. Con bảo: anh không muốn nghe chuyện đó nữa. Nếu em không muốn nghe lời anh khuyên thì anh cũng không muốn nghe chuyện đó nữa. Và con đã rút lui.
Con thật là một thằng ngu. Bây giờ con mớI nhận ra rằng: khi kể lại những khó khăn trong công việc làm, nàng không cần lời khuyên. Nàng cần sự cảm thông. Nàng muốn con lắng nghe, chú ý đến nàng, tỏ cho nàng biết là con có thể hiểu nỗi đau, sự căng thẳng, áp lực. Nàng không cần lời khuyên mà chỉ muốn biết rằng con đã hiểu nàng. Nhưng con chưa bao giờ cố gắng hiểu nàng. Con quá bận đưa ra lời khuyên. Thật là dại dột. Bây giờ thì nàng đã ra đi rồi.
Sau đó, anh kết luận: Tại sao lúc đang ở trong cuộc thì mình lại không thấy những điều nầy chứ. Con thật đui mù. Bây giờ con mới hiểu ra là mình đã làm cho nàng thất vọng như thế nào!
Các bạn thân mến,
Vợ của anh Trần Long mong muốn gì? Chị khao khát anh tập trung chú ý lắng nghe nỗi đau cùng niềm thất vọng của chị. Anh ta không tập trung lắng nghe mà lại tập trung nói. Anh chỉ lắng nghe vừa đủ để tiếp thu vấn đề rồi suy nghĩ cách giải quyết. Anh không biết lắng nghe đủ để biết nỗi khốn khổ của chị đang cần sự nâng đỡ và cảm thông của anh.
Nhiều người trong chúng ta giống như người chồng nầy. Chúng ta được đào tạo để phân tích vấn đề và nghĩ ra giải quyết. Chúng ta quên rằng cuộc sống bên nhau là mối liên hệ chứ không phải là một dự án cần được hoàn tất hoặc một vấn đề để giải quyết. MốI liên hệ đòi hỏi sự lắng nghe với mục đích thấu hiểu ý nghĩ, tình cảm, cùng ước muốn của bạn mình. Chúng ta ít được huấn luyện để lắng nghe. Chúng ta phải học cách để chuyển đạt tình yêu, dẫu học lắng nghe là khó.
Nhiều người chỉ muốn nói vì họ nghĩ rằng mình nói nhiều người ta sẽ cho rằng mình thông minh và hiểu biết nhiều, nhưng thật ra những người học nhiều, hiểu biết nhiều người ta nói rất ít vì người ta sợ nói sai và sợ nói những điều xúc phạm đến người khác. Chính vì thế những người nầy chỉ muốn nghe nhiều hơn là nói vì khi nghe mình mới có thể cảm thông được với người khác, mới có thể hiểu được những khó khăn của người khác, mới có thể hiểu được những nỗi khổ của những người khác, mới có thể hiểu được những nỗi oan khiên của người khác, mới có thể hiểu được những điều còn ẩn khuất bên trong của họ để rồi từ đó mình mới có thể giúp họ. Hãy xem trường hợp của Giakêu , một quan viên thu thuế. Những người Do Thái và nhất là bọn Kinh Sư đều phê bình lên án chỉ trích ông ta rất nặng nề vì quả thật tội ông ta rất nặng, tội phản quốc nhưng Chúa đã có lối hành xử khác, hoàn toàn khác với những người Do Thái và bọn Kinh Sĩ khiến họ giận dữ và lên án Chúa. Nhưng hãy nhìn kết quả thế nào? Giakêu đã hoán cải và đã cải thiện cuộc đời.
Hãy nhớ rằng chúng ta đang ở trong thời Tân Ước chứ không còn phải thời Cưu ước nữa. Và Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của Tình Yêu. Vì tình yêu đối với những người tội lỗi mà Thiên Chúa đã đến để đưa chúng ta, những người tội lỗi về với Thiên Chúa chứ không phải đẩy họ ra xa khỏi Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu mới đưa con người về với Thiên Chúa chứ không phải hình phạt. Hình phạt chỉ đẩy con người càng xa dần với Thiên Chúa mà thôi. Nhưng con người thì lại thích phê bình và lên án hơn là cảm thông và tha thứ.
Và sau đây là những câu chuyện thật trong cuộc sống mà chúng ta cần phải nghiên cứu và suy nhĩ để học hỏi:
Liên quan giữa Barbara Wilson với con gái bà Laurie đang trở nên xấu đi rất nhanh. Laurie một đứa trẻ im lặng tính tìnhh bất thường đã trở thành một đứa trẻ vị thành niên không cộng tác và đôi khi nổi loạn. Bà mẹ thuyết phục, doạ nạt và phạt cô bé nhưng tất cả đều vô ích.
Một ngày kia, bà chia sẻ trong lớp chúng tôi: Tôi chỉ có đầu hàng. Laurie không nghe lời tôi và đã rời nhà đi thăm bạn bè của nó trước khi hoàn tất những công việc căn bản của nó. Khi nó về nhà, tôi sắp la mắng nó như hàng ngàn lần khác, nhưng tôi không có sức để làm điều đó. Tôi chỉ nhìn nó và nói cách buồn bã: Tại sao, Laurie, tại sao?
Laurie nhận ra sức khỏe tôi và trong một giọng nhẹ nhàng hỏi: Má thật sự muốn biết phải không? Tôi gật đầu và Laurie đã nói cho tôi. Lúc đầu cách do dự và rồi tất cả đều tuôn ra. Tôi đã không bao giờ lắng nghe nó. Tôi luôn luôn bảo nó làm cái nầy cái kia. Khi nó muốn nói cho tôi tư tưởng của nó, cảm giác suy nghĩ của nó, tôi cắt đứt với nhiều lệnh truyền hơn. Tôi bắt đầu nhận thấy rằng nó cần tôi, không như là một bà chủ nhưng như là một người bạn tâm tình, một lối thoát cho những lẫn lộn của nó khi nó lớn lên. Và tất cả điều mà tôi đã làm là nói trong khi tôi nên lắng nghe. Tôi chưa bao giờ nghe nó.
Từ ngày đó trở đi, tôi để nó nói điều nó muốn. Nó nói cho tôi những điều trong đầu nó và tương quan giữa chúng tôi thăng tiến đáng kể. Và nó trở thành một con người cộng tác.
Sĩ Hùng 6 tuổi giúp bố xếp những chiếc va li vào trong xe, chuẩn bị cho những ngày đi nghỉ của gia đình. Còn một cái va li nhỏ không xếp được nữa. “Bố ơi, lấy cái gối ngồi của mẹ ra và để nó ở phía sau”. Ông bố phớt lờ lời đề nghị của nó, xếp lại những chiếc va li nhưng vô ích. Ông bố mệt phờ, đi vào nhà uống ly nước. Cậu bé lấy chiếc gối ra. Khi ông bố trở lại, ông ngạc nhiên thấy chiếc va li nhỏ được xếp gọn gàng trong xe.
Ông bố không chịu lắng nghe trong lúc lời đề nghị của đứa trẻ rõ ràng là có lý. Con trẻ chúng ta rất nhạy bén với việc thu xếp tình hình. Chúng có những lối giải quyết thông minh để đề nghị. Chúng có một cái nhìn khác mà chúng ta có thể dùng cho lợi ích chúng ta.
Một ông bố dẫn 5 đứa con đến để tìm sự giúp đỡ chuyên môn về vấn đề hướng dẫn gia đình. Sau khi ông trình bày vấn đề, một sự phân tích rõ ràng về tình trạng của gia đình ông, đưa đến một lời đề nghị cụ thể để giải quyết vấn đề. Bấy giờ, người bố được yêu cầu đi ra ngoài, và 5 đứa con được mời vào. Vị bác sĩ tâm lý hỏi chúng: đâu là lý do có sự xung đột, và chúng cắt nghĩa rất là rõ ràng. Chúng được hỏi cái gì nên được làm để giải quyết vấn đề xung khắc đó. Chúng đã làm một đề nghị giống như vị bác sĩ tâm lý đã đề nghị.
Ông bố có thể tiết kiệm được số tiền và thời giờ đi đến tham khảo với vị bác sĩ tâm lý nếu ông đã nghĩ đến việc lắng nghe những đứa con ông. Rất nhiều lần, con cái chúng ta biết điều chúng ta làm là sai. Nhưng chúng ta vẫn có cảm tưởng rằng chỉ chúng ta mới có quyền nói cho chúng biết điều chúng đang làm là sai. Sự tự cao tự đại của chúng ta ngăn cản chúng ta lắng nghe chúng. Thật ích lợi cho chúng ta biết bao nếu chúng ta biết lợi dụng sự nhạy cảm của chúng và biết đối xử với chúng một cách kính trọng trong việc lắng nghe tiếng nói của con cái chúng ta.
Cậu Minh Chính 9 tuổi, đang chơi với con chó của nó trong phòng xem tivi dẫu điều đó bị cấm ngặt. Cậu bé và con chó lăn đụng chiếc bàn, làm ngã cái đèn, và bóng đèn bị vỡ. Bà mẹ giận dữ từ ngoài chạy vào, mắng cho một trận, và kết luận với câu: “Chiều nay, con không được đi bơi”. Cậu bé đáp lại ngay: “Chẳng sao cả.”
Cậu bé lo lắm chứ. Nhưng cái tự ái của nó không để nó chấp nhận điều đó. Câu trả lời của nó là một nối dài của sự bất tuân phục đã được tỏ lộ và đã đánh bại bà mẹ.
Nhiều lần chúng ta cần phải lắng nghe ý tưởng đàng sau những lời nói đứa trẻ dùng. “Chẳng sao cả” thật sự muốn nói rằng: “ngay cả hình phạt cũng không thể khuất phục được tôi”. Khi một đứa trẻ hét, có nghĩa là: “con ghét mẹ. Con không thích như thế một khi con không có đường lối riêng của con”. Khi nó hỏi một loạt tại sao, nó muốn nói: “hãy chú ý tôi”.
Mỗi bà mẹ nên học phân biệt ý nghĩa của âm thanh trong tiếng than khóc của con trẻ. Nếu không có gì hơn là những âm thanh được tiếp tục, bà phải biết khi nào nó chán và khi nào nó giận. Mỗi người chúng ta đều có khả năng nầy, nhưng dường như chúng ta bỏ nó qua một bên khi con cái đã lớn. Chúng ta nghe tiếng thét từ một đứa trẻ, chúng ta vội lao mình cách nhanh chóng để xem cái gì xảy ra. Rất nhiều lần chúng ta đã làm thế vì có tiếng thét. Nhưng nếu chúng ta biết dừng lại và lắng nghe một chút, chúng ta có thể tránh được một sự đáp trả phục vụ cho mục đích sai lầm của đứa trẻ.
Nếu chúng ta biết lắng nghe, chúng ta đã gặt hái được biết bao nhiêu điều tốt đẹp trong cuộc sống của chúng ta cũng như trong tương quan giữa chúng ta với nhau. Nếu đã biết lắng nghe, hôn nhân đã không đổ vỡ. Nếu đã biết lằng nghe, tuơng quan gia đình giữa con cái và bố mẹ đã đầm ấm biết bao. Nếu đã biết lắng nghe, tương quan giữa mọi phần tử trong cộng đoàn đã tốt đẹp biết bao. Nếu đã biết lắng nghe thì giáo hội đã trở thành một cộng đoàn lý tưởng mà trong đó mọi người chỉ biết yêu thương và mang lại hạnh phúc cho nhau, mà không cần phải dùng những định chế đưa đẩy người ta ngày càng đi xa khỏi tình yêu Thiên Chúa mà sứ mệnh của chúng ta là bằng mọi cách phải đi tìm và mang họ trở về với Ngài.
Xin hãy lắng nghe tiếng nói của nhau để người người không còn hiểu lầm nhau và không còn đối xử với nhau như những người xa lạ hay như những kẻ thù của nhau.
- Lê văn Quảng Psy.D.