1. LỜI CHÚA: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
2. CÂU CHUYỆN: Thiên đàng địa ngục khác nhau thế nào?
Một ký giả nọ nằm mơ thấy mình được Chúa cho đi thăm địa ngục và thiên đàng để viết phóng sự. Sau khi đi con đường hầm rộng thênh thang xuống dốc, anh ta đã vào được bên trong địa ngục đúng lúc mọi người đang dùng bữa trưa. Anh phóng viên rất ngạc nhiên khi thấy trên bàn ăn được bày la liệt các món sơn hào hải vị rất mắc tiền. Món ăn nào cũng nóng sốt và tỏa hương thơm phức khiến bụng anh bị cồn cào. Anh cũng thấy cư dân hỏa ngục ngừơi nào cũng gầy còm ốm yếu đang ngồi thành từng bàn tròn. Do muỗm nĩa đều được cột chặt vào hai bàn tay dài quá khổ nên họ không thể lấy đồ ăn đưa vào miệng mình nên bị rơi vão tung tóe trên mặt bàn hoặc bị rớt xuống nền nhà rất mất vệ sinh. Tệ hại hơn, những người này do không muốn kẻ khác lấy được đồ ăn, nên họ tranh cãi nhau ỏm tỏi và nhiều người còn dùng muỗm dĩa đánh lộn nhau. Khi chuông báo hết giờ, họ buộc phải rời phòng ăn trong tình trạng bụng đói và ai nấy đều mang tâm trạng buồn bực “khóc lóc” và “nghiến răng” giận hờn.
Quá sợ hãi, anh chàng ký giả vội vàng rời bỏ địa ngục và leo dốc đi con đường hẹp gồ ghề để lên thiên đàng. Anh lại đến nơi đúng vào giờ mọi người đang ngồi ăn trưa với nhau. Trên bàn ăn cũng xếp đầy những món ăn ngon lành. Anh thấy ngừơi nào cũng khỏe mạnh béo tốt Trên bàn tay mỗi người cũng đều có cột chặt muỗm nĩa dài quá khổ. Nhưng thay vì tìm cách đưa thức ăn vào miệng mình thì ai nấy đều dùng muỗm nĩa lấy đồ ăn đưa vào miệng người bên cạnh, khiến mọi người đều được ăn uống no nê. Phòng ăn luôn vang lên bài hát ca tụng tình thương của Thiên Chúa và những tiếng cười trong bầu khí ấm áp vui tươi mãn nguyện.
Qua câu chuyện trên: chúng ta thấy tính ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình chính là nguyên nhân dẫn đến nỗi bất hạnh và ngược lại: nguyên nhân gây hạnh phúc lại do lòng vị tha, thể hiện qua thái độ luôn biết nghĩ đến người khác. Nơi nào có tranh chấp, bất hòa, đau khổ thì nơi đó chính là địa ngục và ngược lại nơi nào có tình yêu thương, có sự hy sinh quên mình và quảng đại tha thứ thì nơi đó chính là thiên đàng.
3. SUY NIỆM:
1) Thói ích kỷ là nguyên nhân gây bất hạnh trong gia đình: Nhìn vào bất cứ gia đình bất hạnh nào, chúng ta luôn thấy có bóng dáng của thói xấu ích kỷ của ai đó trong gia đình này. Nếu ngừơi ích kỷ lại là cha hay mẹ, thì nỗi đau khổ lại càng lớn lao hơn. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, thì gia đình đó càng có nhiều nỗi bất hạnh và ngược lại, gia đình nào càng có nhiều người vị tha, biết hy sinh cho người khác, thì gia đình đó càng có điều kiện sống trong bầu khí yêu thương bình an và hạnh phúc.
2) Thực tập sống yêu thương để xây dựng hạnh phúc gia đình: Thiên Chúa đã tạo dựng nên gia đình để làm nơi huấn luyện tình yêu thương cho con người.
– Thực vậy, khi vừa sinh ra, đứa con đã nhận được tình thương vô điều kiện của cha mẹ và em phải học để đáp lại bằng tình hiếu thảo, thể hiện qua thái độ ngoan ngõan vâng lời hầu làm cho cha mẹ hài lòng. Đây là thứ tình yêu “nhận nhiều hơn cho”.
– Lớn lên một chút, các em dần dần khám phá ra: ngoài cha mẹ, các em còn có các anh chị em khác trong gia đình cũng đang yêu thương em bằng tình huynh đệ. Với tình yêu này, các em phải tập sống “cho đi nhiều hơn nhận lãnh”.
– Ngoài gia đình, mỗi em lại có bạn bè để chọn lựa và yêu thương gọi là tình bạn hữu. Các em phải tập “cho và nhận ngang nhau: “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”. Vì “Có đi có lại mới tọai lòng nhau”.
– Đến khi trưởng thành, người thanh niên sẽ tự chọn một người khác phái đồng trang lứa để yêu và được yêu. Tình yêu đó gọi là tình yêu nam nữ, và dẫn đến tình phu thê. Trong đó mỗi bên sẽ thực hành “cho nhiều nhận ít”. Hai người có bổn phận hiến thân cho nhau và hy sinh vì nhau để được hạnh phúc.
– Đến khi có con cái, cha mẹ lại yêu thương con bằng một tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện và không lựa chọn gọi là tình phụ tử hay tình mẫu tử, trong đó cha mẹ thể hiện tình yêu bằng việc“cho đi không cần nhận lại”, hy sinh tất cả mà không mong báo đền. Đây là tình yêu cao cả phản ảnh tình yêu bao la của Thiên Chúa là Tình Yêu.
Như vậy trong môi trường gia đình, con người sẽ có điều kiện để thực tập sống tình yêu thương từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó.
– Cuối cùng riêng các tín hữu Kitô còn được mời gọi thực tập sống yêu thương noi gương Chúa Giêsu. Đó là sống “mến Chúa yêu người”, Ngừơi tín hữu cần học noi gương Chúa Giêsu “yêu thương đến cùng”; “cho phúc hơn nhận”; “Tha thứ vô điều kiện”... Đây là tình yêu cao quý nhất: Yêu đến nỗi sẵn sàng tha thứ những đối xử tệ bạc của tha nhân.. Đây cùng là tình yêu tột cùng của Chúa Giêsu, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Người đã khiêm nhường rửa chân cho môn đệ và muốn ở lại với con cái lòai người mọi ngày trong bí tích Thánh Thể, trở nên của ăn giúp lòai người được hạnh phúc đời đời, luộn bao dung tha thứ vô điều kiện trước những tội lỗi và những đối xử tệ bạc của lòai người, đã tình nguyện chết đền tội thay để cứu lòai người khỏi chết và sau này còn được hưởng hạnh phúc đời đời.
– Người tín hữu Ki-tô được mời gọi để sống yêu thương noi gương Chúa Giêsu. Chúng ta phải yêu mọi người, nhất là những người bất hạnh bệnh tật đau khổ và bị bỏ rơi, phải cầu nguyện điều tốt cho những kẻ đang thù ghét làm hại mình. Tình yêu này đòi người tín hữu phải năng xét mình để quyết tâm từ bỏ cái tôi ích kỷ và tính tự mãn của mình, phải năng học sống Lời Chúa và cầu xin ơn Thánh Thần giúp chúng ta sống nhân bản công chính để nên con thảo đẹp lòng Chúa Cha như Chúa Giêsu, giúp chúng ta sống tình yêu thương phục vụ để nên môn đệ thực sự của Người và giúp chúng ta chu tòan sứ vụ loan báo Tin mừng để làm chứng cho Chúa, chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho mọi người. Tất cả những điều này tóm lại trong kinh Thương Người có Mười Bốn Mối và Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô mà các tín hữu cần đọc và quyết tâm thực tập mỗi ngày.
TÓM LẠI: Vai trò của gia đình trong việc đào luyện con người sống tình yêu thương cụ thể thật quan trọng và không thể thay thế được. Nếu cha mẹ anh chị em là những ngừơi yêu thương chúng ta nhất và dễ thương nhất đối với chúng ta, mà chúng ta không yêu được, thì làm sao chúng ta có thể yêu những người xa lạ, những người mình không mấy thiện cảm, nhất là những người luôn thù ghét và chống lại chúng ta? Những ai đối xử không tốt với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt của mình… thì cũng khó lòng có thể đối xử tốt được với tha nhân bên cạnh theo đòi hỏi của Tin mừng.
4. THẢO LUẬN:
1) Bạn sẽ làm gì để thực tập tình yêu thương bắt đầu từ những người thân trong gia đình mình?
2) Để sống tình yêu thương bao dung quảng đại và cao cả theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giêsu, bạn cần làm gì cụ thể để thực tập yêu thương từng bước trong gia đình?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con mỗi ngày biết từ bỏ tính ích kỷ và tự ái cao để thực tập sống yêu thương bằng việc năng nghĩ đến ngừơi khác và khiêm nhường phục vụ người thân trong gia đình mình nhiều hơn, biết quảng đại tha thứ và làm tốt cho các bạn bè và những người đau khổ bất hạnh nhiều hơn…, để nhờ ơn Chúa giúp và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúng con sẽ mở rộng vòng tay yêu thương đến hết mọi người, hầu chu tòan sứ vụ giới thiệu Chúa là Tình Yêu cho họ. – AMEN.
LM. ĐAN VINH