Hiến chế Mục Vụ “Gaudium et Spes” (số 47) đã lý giải: “Sự lành mạnh của con người cũng như xã hội nhân loại và Ki-tô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình. Do đó, cùng với tất cả những ai tán dương các cộng đoàn hôn nhân và gia đình, người Ki-tô hữu thành thực vui mừng trước những trợ lực khác nhau giúp con người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đoàn yêu thương ấy cũng như trong sự tôn trọng đời sống; những trợ lực ấy còn giúp đỡ các đôi vợ chồng và các bậc làm cha mẹ trong sứ mệnh cao cả của họ. Người Ki-tô hữu còn mong đợi và nỗ lực thực hiện những thành quả tốt đẹp hơn.”
Hội đồng Giám mục Việt Nam ấn định chủ đề mục vụ tháng 3/2018 là “KHI HÔN NHÂN THẤT BẠI” nhằm mục đích hướng dẫn những đôi tân hôn – trước khi tiến hành lễ Kết Hôn – biết được những trở ngại có thể đưa đến thất bại, ngõ hầu tránh được vết xe đổ vỡ; đồng thời đón nhận “những trợ lực khác nhau” từ Giáo hội và cộng đồng dân Chúa. Từ đó, rút kinh nghiệm cho bản thân tiến tới xây dựng cho mình MỘT HÔN NHÂN HẠNH PHÚC (chủ đề mục vụ tháng 4/2018). Xin cùng tìm hiểu:
I. Hạnh phúc là gì? Một “Hôn nhân hạnh phúc” có ý nghĩa thế nào?
Thật khó có thể định nghĩa chính xác về hạnh phúc, vì hạnh phúc có nhiều cung bậc khác nhau và mỗi người cũng có thể tự định nghĩa về hạnh phúc cho riêng mình. Có người thì quan niệm hạnh phúc là có nhiều tiền của, người thì cho rằng có vợ đẹp con ngoan là có hạnh phúc; cũng có người thì định nghĩa rất đơn giản: “Hạnh phúc là tất cả những gì tôi đang có”. Mới nghe thì có vẻ không hợp lý, tuy nhiên nếu người ta biết dừng lại và thử cảm nhận về chính mình, về những gì mình đang có, đang được hưởng, mà có thể rất nhiều người khác không có, thì sẽ bằng lòng với suy nghĩ có vẻ không hợp lý như vừa nêu. Nói chung lại, “hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.” (wikipedia)
Đó là chỉ nhìn trên bình diện thế tục. Với Ki-tô giáo, thì nói “hôn nhân hạnh phúc” là có chủ ý hướng về khía cạnh tâm linh: Hôn nhân là một ơn gọi cao trọng, một dấu chỉ quý giá. Nhờ đức tin soi sáng, người ta sẽ biết được ý nghĩa sâu xa nhất về điều thiện hảo cao quý của hôn nhân và gia đình. Hôn nhân là cấu trúc phản ánh tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa là mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi Vị: Chúa Cha + Chúa Con + Chúa Thánh Thần và đây cũng chính là mầu nhiệm Hôn nhân: Gia đình cũng là tình yêu hiệp nhất 3 ngôi vị: Cha + Mẹ + Con cái. Ngoài ra, “Hội Thánh còn thấy được tính cách khẩn thiết phải rao giảng Phúc Âm, tức là Tin Mừng, cho tất cả mọi người, nhưng cách riêng là cho những ai được mời gọi sống đời hôn nhân và đang chuẩn bị bước vào đời sống đó, cho mọi đôi vợ chồng và cho tất cả những bậc cha mẹ trên thế giới. Hội Thánh xác tín sâu xa rằng, chỉ khi nào biết tiếp nhận Tin Mừng, người ta mới có thể chắc chắn thực hiện được trọn vẹn tất cả những gì mà con người đang hy vọng cách chính đáng nơi hôn nhân và gia đình.” (Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 3).
Chính Bộ Giáo luật “Codex Iuris Canonici” (Điều 1055) cũng đã chỉ rõ: “Do giao ước hôn nhân, môt người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Ki-tô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích.” Theo đó, lời thề hứa giữa 2 người yêu nhau không chỉ mang ý nghĩa của một khế ước, một giao kèo giữa một người nam và một người nữ trước pháp luật; nhưng mang ý nghĩa của một ơn gọi, một bậc sống mà sự gắn bó bền chặt của nó vượt qua mọi giới hạn của khế ước và giao kèo do con người có thể đặt ra. Đó chính là một giao ước tình yêu, thánh thiện, vĩnh viễn mà hai người trao nhau trước mặt Thiên Chúa, đại diện Giáo hội và cộng đồng dân Chúa. Và trên tất cả, đó là giao ước giữa Thiên Chúa với con người.
II. Quan điểm xã hội về một Hôn nhân hạnh phúc:
Trong một xã hội đúng với tính chất một cộng đồng chung sống trong tình thương và đoàn kết (không nói đến những cộng đồng xã hội bị phân hóa vì chiến tranh, vì ý thức hệ, vì giai cấp, vì nền kinh tế lạc hậu…), thì hạnh phúc gia đình là nền tảng. Nói cách khác, hạnh phúc trong hôn nhân không bao giờ tồn tại biệt lập với ý thức gắn kết và tinh thần chung lo cho hạnh phúc, cho sự bình an của cộng đồng. Đỉnh điểm của hạnh phúc hôn nhân là tình yêu, mà nói đến tinh yêu là nói đến sự giao thoa giữa “cho” và “nhận”. Rõ ràng “Hạnh phúc là một điều rất kỳ diệu, ta chỉ ‘nhận’ được nó khi đem nó trao ‘cho’ người khác”. Để giữ được hạnh phúc gia đình, các phối ngẫu (người nam, người nữ) cần phải:
1. Trung thực: Khi mới quen nhau, còn trong giai đoạn tìm hiểu, ai cũng muốn làm đẹp lòng người yêu, nên bằng mọi cách thể hiện những đức tính tốt đẹp. Đến khi lấy nhau thì thói quen xấu bắt đầu lộ ra, nếu không biết cảm thông và tha thứ cho nhau thì dễ dàng dẫn đến mâu thuẫn, gây gổ, cãi vã, trách móc lẫn nhau. Nhẹ thì gia đình xào xáo, nặng thì dẫn đến ly dị, ly hôn.
Đức tính quý nhất trong đời sống hôn nhân là “trung thực” (thực lòng yêu thương nhau, thực lòng tôn trọng nhau). Chung thủy và biết nhường nhịn, cảm thông và biết tha thứ cho nhau là bí quyết dẫn đến hạnh phúc gia đình dài lâu. Thành thật là một đức tính tốt đẹp luôn giúp vợ chồng biết thương yêu, tin tưởng lẫn nhau. Chồng không gian dối vợ, vợ luôn trung thực, thật thà với chồng, nên không có sự nghi ngờ. Chỉ có như vậy mới thực sự có được một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
2. Tin tưởng: Tin tưởng có hai chiều kích: Tin tưởng vào chính mình và tin tưởng vào một người ngoài bản thân (ở đây là tin tưởng vào người bạn đời). Tạo dựng được niềm tin với bạn đời cần phải có thời gian và sự nỗ lực không ngừng, nhưng chỉ một phút bất cẩn, buông thả, đã khiến nó sụp đổ và kéo theo là những đổ vỡ tình cảm mà khó khăn lắm người trong cuộc mới xây dựng nên.
Đừng bao giờ để cho niềm tin bị huỷ hoại, bởi vì niềm tin luôn là bạn đồng hành của con người trong quá trình chinh phục đỉnh cao hạnh phúc. Con người trong cuộc sống nếu mất niềm tin và nghị lực thì sẽ sống một cách thụ động, bi quan, không đủ sức vượt qua những trở lực, khó khăn, không đủ sức vượt lên chính mình. Nói cách khác là tự đánh mất chính cuộc đời mình. Quả thật “mất niềm tin và nghị lực là mất cả cuộc đời” (Napoléon). Nếu có được một người bạn đời biết yêu thương và quan tâm, hãy dẹp sang một bên mọi hoài nghi và ngờ vực; thay vào đó là sự tin tưởng chân thành.
3. Đồng hướng: Có câu nói “Hai người nhìn vào mắt nhau không quan trọng bằng cùng nhìn về một hướng”. Nhìn vào mắt nhau là điều thường xảy ra ở giai đoạn đầu của bất kỳ mối quan hệ nào, nhưng nếu muốn điều này kéo dài, hai người cần có một số điểm chung như triển vọng chung về cuộc sống và những giá trị thiết yếu. Nói cách cụ thể cuộc hôn nhân chỉ có hạnh phúc thực sự khi đôi bạn phối ngẫu có chung một quan điểm (đồng hướng) đối nhân xử thế. Ngoài ra, không nên can thiệp vào cách suy nghĩ của nhau vì điều này ngụ ý muốn chỉ dạy, giáo huấn bạn đời thay vì để bạn đời phát triển cá tính riêng. Tốt nhất, hãy nhìn nhận sự việc từ quan điểm của bạn đời để lấy lại sự cân bằng.
4. Thỏa hiệp: Tục ngữ có câu: “Bát đũa cũng có lúc xô, huống hồ là vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau” ý muốn nói vật vô tri vô giác như bát đũa khi để trong chạn (kệ) cũng có lúc bị xô lệch, huống hồ là con người sống chung một nhà. Bất kỳ mối quan hệ nào liên quan đến hai cá thể, tính cách riêng đều có những lúc thay đổi khác nhau dẫn đến xung khắc, va chạm. Điều này cũng bình thường, mỗi bên tự thân tiến đến hòa giải, thay vì tranh cãi, xô xát (“chồng tiến thì vợ phải lùi, Chồng tiến vợ tiến cái dùi nó quăng.” – ca dao VN). Vợ chồng cần phải “Lời nói không mất tiền mua, Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau” (tục ngữ).
Sự thỏa hiệp là một yếu tố rất quan trọng. Hôn nhân không bao giờ là quan hệ đơn phương, phải cả hai cùng gắn bó, san sẻ những trách nhiệm trong cuộc sống. Và khi hai người không thể đồng ý với nhau về một vấn đề nào đó, hãy tìm ra điểm ở giữa mà cả hai cùng có thể chấp nhận (“điểm ở giữa” chính là sự “đồng hướng”, cụ thể là tìm cho ra “quan điểm chung” để giải quyết vấn đề).
III. Hôn nhân hạnh phúc theo quan điểm Ki-tô giáo:
Những ý niệm cơ bản về tôn giáo chia thế giới thành hai phần: trần tục và siêu nhiên. Trần tục là những gì bình thường trong cuộc sống con người, còn siêu nhiên là lãnh vực thiêng liêng, thần thánh. Đứng trước sự thiêng liêng, con người sử dụng lễ nghi để bày tỏ sự tôn kính, sùng bái và đó chính là cơ sở của tôn giáo. Tuy chia làm hai phần cho dễ tìm hiểu, phân tích; chớ thực tế 2 lãnh vực siêu nhiên và trần tục luôn gắn kết vói nhau. Cũng bởi vì “Sự lành mạnh của con người cũng như xã hội nhân loại và Ki-tô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình” (Hiến chế “Gaudium et Spes”, số 47).
Tôn giáo được xây dựng trên nền tảng xã hội, vì thế nên khi tìm hiểu về hôn nhân hạnh phúc bao giờ cũng phải đi từ nền tảng xã hội trần tục, từ đó quy về đích điểm thần linh. Nói cách khác, quan điểm xã hội về hôn nhân hạnh phúc cũng là cơ sở để từ đó con người quy hướng về linh thiêng thông qua “bổn phận, sự gắn kết giữa con người với thần linh”. Giáo luật (điều 1059) đã lý giải: “Hôn nhân của người Công giáo, cho dù chỉ có một bên là Công giáo, bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa mà còn bởi luật Giáo hội nữa, miễn là vẫn tôn trọng thẩm quyền của quyền bính dân sự đối với những hiệu quả thuần túy dân sự của chính hôn nhân này.”
Trên cơ sở những điểm đã trình bày ở trên về “Quan điểm xã hội về hạnh phúc hôn nhân”, xin được nâng lên tầm siêu nhiên: “Quan điểm Ki-tô giáo về hạnh phúc hôn nhân”:
1- Niềm tin: Niềm tin là điều thiết yếu trong tất cả các mối quan hệ. Làm sao sống được bên nhau nếu không tin nhau? Khổng Tử nói: “Nhân vô tín bất lập” (người không có niềm tin – lòng tin – thì không đứng được ở đời). Còn Tấn Văn Công thì nói: “Tín vì quốc chi bảo” (trung tín là báu vật của quốc gia). Với Ki-tô giáo thì niềm tin chính là đức tin. Đức tin có 2 chiều kích đan quyện vào nhau trở nên một cứu cánh giữa con người với Thiên Chúa. Hai chiều kích đó là:
a- Tính đơn nhất của Đức tin: Cũng vì “Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất” (chỉ có một Thiên Chúa) mà Đức tin “là con đường con người đến với Thiên Chúa” (Thánh Au-gus-ti-nô) nên cũng chỉ có một Đức tin. Nói cụ thể là: Vì “tính đơn nhất của Thiên Chúa, Đấng được ta biết và tuyên xưng”, nên đức tin cũng mang tính đơn nhất.
Thông điệp Ánh sáng Đức tin “Lumen Fidei” (số 47-49) đã lý giải rõ ràng: “Đức tin là một bởi vì nó được chia sẻ bởi toàn thể Hội Thánh, là một thân thể duy nhất, một Thánh Thần duy nhất. Trong sự hiệp thông của một chủ thể duy nhất là Hội Thánh, chúng ta nhận được một cái nhìn chung. Nhờ tuyên xưng cùng một đức tin, chúng ta đứng vững trên cùng một đá tảng, chúng ta được biến đổi bởi cùng một Thánh Thần của tình yêu, chúng ta tỏa ra một ánh sáng duy nhất và chúng ta có cùng một cái nhìn duy nhất vào thực tại… Tính đơn nhất của đức tin là tính đơn nhất của Giáo hội.”
b- Tính Hội Thánh của đức tin: Đức tin không chỉ đơn thuần là một chọn lựa cá nhân mà người tín hữu làm trong thâm tâm của mình, nó cũng không phải một mối liên hệ hoàn toàn riêng tư giữa cái “tôi” của người tín hữu và Thiên Chúa là “Ngài”, giữa một chủ đề tự trị và Thiên Chúa. Tự bản chất, đức tin được mở ra cho cái “chúng ta” của Hội Thánh, nó luôn luôn xảy ra trong sự hiệp thông của Hội Thánh (Thông điệp “Lumen Fidei”, số 39). Chính là nhờ tính Hội Thánh của Đức tin, mà cộng đoàn hôn nhân gắn kết với nhau, 2 người phối ngẫu trở nên một xương một thịt.
2. Tình yêu: Ngay từ nguyên thuỷ, con người đầu tiên được dựng nên vì Tình Yêu. Nếu chỉ có một con người duy nhất thì Tình yêu đó không trọn vẹn, cũng không nảy nở và phát triển được. Vì thế Thiên Chúa đã dựng nên thêm một người nữ từ xương và thịt của người nam. Khởi nguyên của gia đình xuất phát từ tình yêu, phát triển vì tinh yêu, nên có thể khẳng định một cách chắc chắn: Gia đình là tổ ấm tình yêu, không có tình yêu thì gia đình không thể tồn tại. Thật vậy, “Không có tình yêu, gia đình không phải là một cộng đồng các ngôi vị, thì cũng thế, không tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị.” (Tông huấn “Familiaris Consortio”, số 18).
Hôn ước mà nhờ đó người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sự sống và tình yêu, đã được Thiên Chúa thiết lập và phú cho những định luật riêng. Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Ki-tô nâng lên hàng bí tích. “Bí tích Hôn Phối biểu thị tình yêu hợp nhất giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh. Bí tích này ban ơn giúp các đôi vợ chồng yêu thương nhau như Đức Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh. Ân sủng bí tích kiện toàn tình yêu tự nhiên của các đôi vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly và thánh hóa họ trong đời sống siêu nhiên.” (Bộ Giáo luật “CIC”, điều 1055).
3- Tôn trọng lẫn nhau: Khi hai người mới yêu nhau thì vấn đề tôn trọng lẫn nhau là chuyện bình thường, nhưng khi đã chung sống thì vấn đề đó sẽ dần phai lạt vì thời gian, không còn được như “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy” (“Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” – Kh 2, 4). Vì thế, cổ nhân đã dạy vợ chồng muốn sống hạnh phúc với nhau lâu dài, cần phải biết “Tương kính như tân” (lúc nào cũng kính trọng nhau như lúc mới yêu nhau, mới cưới nhau). Hai người phối ngẫu phải biết tôn trọng lẫn nhau, “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là Đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.” (Ep 5, 22-25).
Kết luận:
Tóm lại, “không gia đình nào từ trời rơi xuống đã thành hình hoàn toàn; các gia đình cần phải không ngừng lớn lên và trưởng thành trong khả năng yêu thương. Đây là ơn gọi khôn nguôi phát sinh từ hiệp thông trọn vẹn của Chúa Ba Ngôi, từ sự hợp nhất sâu xa giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội của Người, từ cộng đồng yêu thương là Thánh Gia Na-da-rét, và từ tình huynh đệ tinh ròng giữa các thánh ở trên thiên đàng. Việc chúng ta chiêm niệm sự nên trọn mà chúng ta chưa đạt được cũng giúp ta, trong một viễn ảnh thích đáng, nhìn thấy cuộc hành trình có tính lịch sử được chúng ta thực hiện trong tư cách gia đình.” (Tông huấn Niềm vui Yêu thương “Amoris Lætitia”, số 325)
Rõ ràng “cuộc hành trình có tính lịch sử được chúng ta thực hiện trong tư cách gia đình” chính là “Hạnh phúc hôn nhân” mà trong đó, đức tin là nền tảng vững chắc để đôi vợ chồng xây dựng hạnh phúc của họ. Và đức tin cũng chính là sức mạnh giúp họ vượt thắng những yếu đuối cá nhân để cùng nhau cộng tác với ơn Chúa và với nhau cùng xây dựng hạnh phúc hôn nhân. Thánh Gia-cô-bê đã nói: “Ðức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Và một trong những việc làm cần thiết ấy, đối với những ai sống trong đời sống hôn nhân, là sự học hỏi, tìm kiếm hiểu biết để sống ơn gọi của mình; đặc biệt, học hỏi về bổn phận, trách nhiệm người chồng, người vợ, người cha, người mẹ.
Trên tất cả, hãy đồng tâm nhất trí hướng lòng về Thánh gia Na-da-ret, lắng nghe lời Mẹ dạy: “Người bảo gì, các con cứ việc làm theo” (Ga 2, 5), cầu xin vị Hôn phu là Đầu của Giáo hội ban Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn cách ăn nết ở trong gia đình cho xứng với ngôi vị “Hội Thánh tại gia”. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.