Có người cho rằng tình yêu vốn mù quáng; nhưng thực ra, chỉ có những người yêu nhau mù quáng, chứ tình yêu từ nó vốn tốt đẹp và đáng trân trọng. Có một giai thoại kể rằng một chàng thanh niên sắp lấy vợ hỏi ông bố: “Bố ơi, người ta bảo rằng khi yêu người ta bị mù quáng, phải không ? Ngẫm nghĩ hồi lâu, ông bố cũng trả lời: “Khi xưa, lúc bố yêu mẹ bay, không thấy ông nội bảo chi, khi lấy nhau rồi, ông lại bảo: Mày sáng mắt chưa ?”. Hóa ra, có một sự mù quáng trong tình yêu.
Nếu người mù không thể nhìn vạn vật bằng con mắt thể lý thì cũng có những người mù quáng trong tình yêu, họ không thể nhìn thực tại bằng con mắt của lý trí. Đúng hơn, họ nhìn thấy nhưng không đủ sáng suốt để đánh giá vấn đề. Họ mù mờ về thực trạng của chính mình và mù quáng trong hiện trạng tình yêu mình đang sống.
Mù mờ về chính mình
Khi đến tuổi biết yêu, theo tâm lý chung, ai cũng thích tìm cho mình một mảnh tình nào đó để như cách thể hiện chính mình là người có khả năng chinh phục tình yêu và tìm trải nghiệm trong một thế giới mới của sắc màu tình yêu. Thế nên, họ vội vã yêu đương và vội vàng chia tay.
Có những người thiếu thốn tình cảm do mồ côi cha hoặc mẹ hay cả hai, cũng có thể do gia đình lục đục thiếu thuận hòa và vì thế, bản thân không được đáp ứng thỏa đáng nhu cầu yêu thương. Từ đó, họ thiếu sáng suốt cân nhắc để chọn cho mình một người yêu thích hợp; trái lại, họ buông mình theo những đòi hỏi bản năng, chấp nhận và tình nguyện làm nô lệ cho tình yêu. Một khi tình yêu ấy không được bồi đắp cách cân xứng, họ lại cảm thấy thất vọng, và đâm ra nghi ngờ tình yêu. Từ việc đánh mất niềm tin vào một người đến việc phủ nhận những thiện chí của mọi người là một bước trượt dài của những ai thiếu thốn tình thương.
Hoặc có những tay thanh niên chỉ biết ăn chơi, quậy phá, mọi người cũng khuyên chàng sớm lập gia đình để bố mẹ đỡ lo vì họ nghĩ rằng may ra khi lấy vợ hắn sẽ tập chú làm ăn và trách nhiệm với gia đình. Thật ra, cú huýt tâm lý ấy xảy đến rất họa hiếm; cũng có những người vì hoàn cảnh đôi bên mà suy nghĩ lại, rồi quyết chí đổi đời. Nhưng phần lớn đều dẫn đến sự đổ vỡ do thiếu sự chuẩn bị và hiểu biết về những nhu cầu bản thân.
Hay khi thấy chúng bạn đã yên bề gia thất, họ cũng xốn xang cố tìm một cuộc tình nào đó cho “bằng chị bằng em”. Thế là họ vồ vập vào nhau mà không biết điểm dừng. Một tình yêu không dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, chúng ta đã biết kết cục thế nào. Có những người liều tiến xa hơn trên việc cam kết hôn nhân nhưng vì xây nhà đổ nền không chắc, một cơn bão đã cuốn trôi tất tần tật. Còn lại sự tổn thương của hai người và đồng thời di chứng cho mối tình sau, nghĩa là họ mất đi sự tin tưởng cần thiết vì những kinh nghiệm quá khứ chưa được chữa lành. Thế mới rõ, có trường hợp đồng sàng mà dị mộng: ăn ở với chồng mà lòng cứ ám ảnh người yêu thưở nào.
Còn một loại tổn thương khác ăn sâu trong ký ức con người: tổn thương tuổi thơ. Quả thật, nhà tâm lý học John Bradshaw đã khẳng định: “Mỗi người chúng ta mang trong mình một đứa trẻ bị tổn thương”.[i] Nếu chúng ta không ý thức đủ ảnh hưởng của tổn thương này mà tìm cách chữa lành thì sẽ nguy hại cho người yêu hay người phối ngẫu. Thật vậy, trong những lúc vui tươi, xuôi chèo mát mái, mọi sự đều đơn giản; nhưng đến khi tình yêu gặp thử thách, mọi sự trong vô thức sẽ trồi lên nhằm chi phối và thao túng ý chí của chúng ta khiến ta đưa ra những quyết định vội vã làm băng hoại hạnh phúc gia đình. Khi ấy, chúng ta cần ghi nhận một khẳng định của tác giả trên: “Những vết thương mà người ta từ chối xem xét và đảm nhiệm sẽ quay lại làm tổn thương người khác hay chính mình”.[ii]
Có một gia đình nọ, người mẹ và đứa con gái bị ngược đãi tinh thần do người cha nghiện ngập. Đứa con gái lớn lên lại yêu và quyết định lấy cũng một người con trai với phiên bản lỗi của người cha nghiện ngập này. Chúng ta biết rằng người con gái đã bị tổn thương nặng nề ngay từ thời thơ ấu, do cô chưa dám đối diện với vấn đề và được chữa lành, nên cô lại tìm sự thỏa mãn cách nào đó và bị ru ngủ bởi người đàn ông nghiện ngập như người cha của mình. Đó là hình thức của mẫu người lệ thuộc, không thể thoát ra khỏi tình cảnh của mình. Hậu quả là gia đình luôn trong tình trạng căng thẳng vì cảnh tượng sáng say chiều xỉn, nhưng người vợ này lại lấy đó như là cách hy sinh để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Vô tình, nàng trở thành nạn nhân trong một cuộc tình vì thiếu hiểu biết bản thân.
Mù quáng trong tình yêu
Có một sai lầm đáng tiếc xảy ra khi đánh giá một người mù quáng trong tình yêu vì dành quá nhiều giờ nhớ về nửa kia của mình. Thật ra, nếu nhớ người yêu đến nỗi khiến bạn lơ là phút sống hiện tại và bê trễ bổn phận hằng ngày thì quả là mù quáng. Nhưng đây chỉ là nỗi nhớ nửa vời. Còn một khi nỗi nhớ biến thành động lực giúp bản thân sống tích cực dấn thân thì đây là một điều đáng trân trọng. Chẳng hạn, một người vợ đảm đang: sáng dậy, chuẩn bị nước nóng cho chồng con vệ sinh, rồi chuẩn bị bữa điểm tâm cho mọi người, khi đi chợ thì chọn thức nào chồng thích, thức nào con ưng…Tắt một lời, cả ngày sống của nàng đều dành cho gia đình, thì nỗi nhớ ấy đã là thành phần hiện hữu không thể thiếu của nàng.
Truyện kể rằng nàng vốn hiền từ và dịu dàng lại quen biết và quyết định kết hôn với một chàng thanh niên vốn mạnh mẽ và chủ động trong mọi việc: từ việc chăm sóc cho người yêu đến việc lo xa cho tổ ấm hạnh phúc gia đình. Nhưng khi đã sống chung một thời gian, nàng lại muốn ly dị vì không chịu nổi tính cách của chàng. Nếu trước kia khi quen nhau, nàng cảm thấy được an tâm dưới sự che chở của người yêu thì sau một thời gian chung sống, nàng lại cảm thấy người phối ngẫu đã thao túng mình và kiềm hãm bản thân trong một thứ ngục tù tình yêu. Dường như mọi sự đều không thay đổi xét về bản chất sự việc, chỉ có nhận thức và tâm thức của cô gái cần xét lại. Tất nhiên, cô ta đã hiểu rõ tính cách của người yêu và cô chấp nhận, thậm chí, hài lòng về mẫu người đàn ông đó, đây là điều nàng an tâm khi quyết định lấy chàng. Thế mà, cũng tính cách đó, sự quan tâm như thế lại làm cớ cho việc chia ly một cuộc tình. Sự mù quáng ở đây được hiểu là sự nhận thức sai lầm của người con gái.
Các nhà chuyên môn nhìn nhận rằng hiệu ứng của tiếng sét ái tình có thể còn kéo dài vài năm sau khi kết hôn. Điều này cho thấy những năm đầu lấy nhau, họ có thể sống thiên về mặt cảm tính và cảm giác. Tuy nhiên với thời gian, những khó khăn, thử thách trong đời sống vợ chồng khiến lộ diện những mặt hạn chế trong đời sống chung, họ nhận ra rằng tình yêu chỉ dừng lại ở mặt cảm xúc thì quá hời hợt mà cần chấp nhận nhau bằng một ý chí vượt qua. Thật vậy, có chấp nhận nhau thực sự, tình yêu mới chắp cánh bay cao.
Có trường hợp khác: nàng yêu chàng mặc dù, ban đầu không chấp nhận tính khí thất thường của người kia. Dần dà, nàng quen dần với cách sống của chàng, và tự nhủ rằng hy vọng thời gian sẽ biến đổi chàng nên tốt hơn. Đến lúc lấy nhau, chàng vẫn chứng nào tật ấy lại còn trở nên cố chấp hơn. Người vợ ấy sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì hạnh phúc gia đình. Với thời gian, sự chịu đựng ấy vượt mức thông thường; chúng trở thành một thứ vật nặng dồn nén và đè bẹp mọi ước vọng vươn lên nơi người vợ, và kết quả là họ quyết định chia tay. Đó là một hình thức mù quáng trong tình yêu, họ nghĩ rằng chính tình yêu sẽ giúp họ vượt qua tất cả. Song thực tế, tình yêu không thể bù đắp cho sự thiếu hiểu biết về nhau và về cuộc tình ấy.
Cũng có những cặp đôi mừng 25 năm hay 50 năm kỷ niệm ngày cưới, họ vẫn tranh luận, cãi vã to tiếng nhưng kết thúc bao giờ một trong hai người cũng sẽ nhường nhau, họ chấp nhận thua cuộc để tình yêu của họ chiến thắng. Thật vậy, trong tình yêu luôn có sự thiếu sót, sai lệch cách nào đó, nghĩa là luôn có mù quáng, nhưng không vì thế kết cục là họ sẽ chia tay; có thể họ cố chấp và bảo thủ lập trường nào đó của mình như một cách hãm phanh nhằm cứu vớt cuộc tình. Nói cách khác, đó là cách họ thể hiện thiện chí muốn xây dựng tình yêu đúng nghĩa. Như thế, những mâu thuẫn hay những lực lượng đối nghịch sẽ là cơ hội làm bật tung những tia sáng cần thiết hầu chiếu sáng và sưởi ấm tình yêu.
Như vậy, những gì được trình bày trên đây như một nỗ lực nhằm giảm trừ một ngộ nhận mà chúng ta đã đề ra trong bài viết khi có nhiều người cho rằng tình yêu mù quáng. Thật ra, tình yêu không hề mù quáng nhưng chỉ có những người yêu nhau mới thực sự mù quáng và sai lầm.
Chính sự bất toàn của con người là câu trả lời chung cuộc cho những mù quáng của bản thân trong các tương giao nói chung và trong tình yêu nói riêng. Một khi ý thức được phần nào sự mù quáng này mà đôi bên sẽ sống triệt để hơn tính bổ khuyết trong tình yêu. Chỉ khi âm dương nhìn nhận những giới hạn của mình mới chấp nhận sự hòa hợp đúng nghĩa; bằng không, sự mù quáng sẽ phát tán tình yêu. Chúng như một thứ vi rút độc hại không phá hủy tức thời, song sẽ ngấm dần vào thực tại và làm cho tình yêu trở nên bất lực đến mức vô hiệu hóa hai người yêu nhau. Như thế, để giảm trừ mức ảnh hưởng của sự mù quáng trong tình yêu, cả hai cần hợp tác đúng nghĩa nhằm hy sinh cái tôi để cái ta được lớn mãi, nghĩa là muốn cho tình yêu lớn lên thì tính ích kỷ phải nhỏ lại. Đó là qui tắc tối ưu cho những người muốn xây dựng tình yêu đích thực.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
[i] John Bradshaw, Tìm lại đứa trẻ nơi chính mình-Hãy ra đi khám phá đứa trẻ nội tâm của bạn, tr.376. Trích lại Anselm Grun, Cái gì làm cho loài người bệnh hoạn và điều gì chữa lành họ, Desclée de Brouwer, tr.87.
[ii] Anselm Grun, Sđd, tr.92.