Thưa bác,
Con có một chuyện muốn bác cho lời khuyên. Đó là anh chồng của con thật sự túng từ để diễn tả về anh. Một người thô lỗ, cộc cằn, ngang ngược, ù lì không thích cầu tiến hay nói đúng hơn là sống trong tiêu cực. Thật sự con rất rất mệt mỏi và không muốn nói gì với anh nữa vì có nói thì chỉ nói được câu một câu hai là anh nói tục chửi thề rồi. Đi lễ thì đứng đàng gốc cây tám rồi hút thuốc. Con phải làm gì bây giờ khi có một người chồng như thế ạ? Hồi đó Bố chồng con còn sống Ông hay nói mày ôm con về ngoài đi cái thằng này hết thuốc chữa rồi. Thưa bác! Chẳng lẽ con phải làm như thế thật sao?
Người vợ thiếu may mắn.
Mẫu Đơn
Đọc tên cháu khiến bác nhớ lại câu ca dao:
“Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.”
Nhưng căn cứ vào những gì cháu viết thì đường tình của cháu thật là bi đát, và cháu là một phụ nữ đáng thương vì lấy phải một người chồng “xấu xí” và “hết thuốc chữa”. Bác có ý nói xấu đây là xấu về mặt tâm lý và tính cách theo cháu diễn tả.
Trở lại người chồng của cháu, một người đàn ông mà theo cháu, thì đúng là “cạn lời” thật. Người gì đâu mà “thô lỗ, cộc cằn, ngang ngược, ù lì không thích cầu tiến hay nói đúng hơn là sống trong tiêu cực, ” lại còn thiếu tế nhị, thiếu thông cảm với vợ, và khô khan nguội lạnh nữa. Nhưng trong khi thương hại cho cháu, bác cũng thấy thương hại cho chồng cháu nữa. Chẳng lẽ trên đời này lại có một người xấu đến thế sao? Baden Powell, ông tổ của Hướng Đạo thế giới và cũng là một nhà giáo dục có nói một câu rất hay về con người như thế này: “Không ai tốt 100%, mà cũng không ai xấu 100%”. Bác muốn cháu suy nghĩ về vế thứ hai của câu nói này.
Và câu hỏi của bác muốn hỏi cháu là “một người con trai như vậy thì ai bảo cháu lấy nó làm gì”. Biết đâu chẳng là tại cháu đã mê nó trước. Cháu có nghĩ đến chuyện này bao giờ chưa. Theo kinh nghiệm, bác đã từng nghe rất nhiều những lời nhận xét hết sức tiêu cực mà bác cho là bất công của người chồng nói về người vợ, và ngược lại, người vợ nói về chồng mình. Những điều này chỉ xảy ra khi “cơm không lành, canh không ngọt”, còn những lúc khác thì làm sao? Chỉ biết là họ có với nhau 3, 4, 5, hoặc 6 đứa con. Làm sao nói là họ không yêu nhau? Cái này thì phải hỏi trời mới biết. Bác cũng muốn kể cho cháu một câu chuyện, và từ đó, bác hy vọng cháu rút ra được những áp dụng tốt cho trường hợp của cháu:
Bác biết không phải một mà là ba, bốn người bạn, trước khi lập gia đình họ rất hoạt bát, nói năng giỏi, trí thức và dĩ nhiên là đẹp trai. Có những người là giáo sư, kỹ sư, phi công…Vậy mà không biết sao những báu vật như vậy chỉ sau 10, 15, 20 năm trong tay người vợ đã trở thành y như mẫu người cháu diễn tả về chồng của cháu: “cộc cằn, ngang ngược, ù lì không thích cầu tiến hay nói đúng hơn là sống trong tiêu cực, ” chỉ còn một thứ không giống chồng của cháu là họ vẫn còn chút đạo đức, vẫn còn giữ được tư cách. Nhìn họ, bác lại nghĩ đến câu nói bất hủ của Socrates khi diễn tả về hôn nhân của ông: “Bạn cứ lấy vợ đi, nếu may mắn bạn sẽ được hạnh phúc. Nếu không, ít ra cũng trở thành một triết gia”. Hy vọng là cháu đừng biến chồng cháu thành “triết gia”, vì những dấu chỉ mà cháu diễn tả thì chồng cháu cũng đang gần giống một triết gia rồi đó.
Nhưng tình trạng hôn nhân của cháu vẫn không phải là “hết thuốc chữa”. Và sau đây là toa thuốc mà bác muốn cháu uống mỗi ngày. Nhớ là phải uống trung thành cho đến khi cả hai vợ chồng “hết bệnh”:
-Cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Cầu cho chồng ơn ăn năn trở lại một, nhưng cầu cho mình được ơn biết mình, biết cách ăn nói ngọt ngào và tử tế với chồng con mười. Còn việc khác cứ để Chúa lo.
-Dùng một cuốn sổ, mỗi ngày trước khi đi ngủ ghi lại 3 điều tốt mà chồng mình đã làm cho mình trong ngày. Thí dụ, hôm nay ông xã đã quét cho cái nhà, đưa con đi học, nấu sẵn bữa cơm. Hoặc hôm nay ông xã ít chửi thề, bớt nóng giận, có cái nhìn dịu dàng với vợ, dành giờ nói chuyện với con… và hãy cám ơn chồng về những lời nói hay hành động tốt đó.
Chúc cháu chăm chỉ uống thuốc và mau lành bệnh.
Trần Mỹ Duyệt