Tối hôm qua tôi được người con gái và anh bạn trai của nó mời “bố đi ăn mừng sinh nhật muộn”, vì ngày sinh nhật của tôi, cả hai đứa cùng bận nên không đến dự bữa ăn chung với gia đình.
Ngồi trong bàn ăn, tôi để ý quan sát thấy anh chàng tỏ ra rất gallant, rất lịch lãm. Thỉnh thoảng đút thức ăn cho con gái tôi ngay trước mắt chúng tôi. Tôi cười và nói với anh ta: “Với kinh nghiệm sống, khi nhìn hình ảnh một chàng trai đút cho một cô gái ăn nơi công cộng, thì người ta sẽ nói rằng: họ là đôi tình nhân. Còn nếu một người đàn ông và một người đàn bà ngồi ăn dù lịch sự và tế nhị trên cùng bàn ăn thì người ta sẽ gọi họ là hai vợ chồng.”
Trong bữa ăn chúng tôi trao đổi với nhau nhiều về tâm lý hôn nhân, tâm lý gia đình, và tâm lý phụ nữ. Anh chàng đang thời gian yêu, nên coi bộ rành về tâm lý. Đề tài được thảo luận chính là “Tại sao vợ chồng lại hay cãi vã?”
Để chứng tỏ mình là người hiểu biết, kinh nghiệm và ham học hỏi, anh chàng đã thích thú nói về cách đối xử với nhau của bố mẹ mình. Anh ta nói, bố anh năm nay đã 71 tuổi, nhưng ông không hề to tiếng gì với mẹ của anh. Hai người luôn tỏ ra hạnh phúc. Họ luôn có thời gian và không gian riêng dành cho nhau. Bố anh luôn là người nhường nhịn mẹ anh mỗi khi hai người có chuyện đưa đến cãi vã. Và anh kết luận: “Để đời sống hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng phải biết nhường nhịn nhau, nhưng nhất là người chồng phải hiểu và quan tâm làm đẹp những ước muốn của vợ mình”.
Nhưng cũng theo kinh nghiệm vừa nghề nghiệp vừa cá nhân, tôi nghĩ nếu đúng như vậy thì đời sống của đôi vợ chồng kia coi như êm ả nhưng hơi buồn tẻ, và đơn điệu. Nó mang nét đẹp của một mặt nước hồ thu, thiếu sôi nổi. Đời sống hôn nhân là một chuỗi ngày dài có hạnh phúc, có sóng gió, có tiếng cười và cũng có tiếng khóc, có hòa thuận và cũng có những lúc bất đồng. Từ những thăng trầm, những biến động ấy mà những giây phút vợ chồng hòa thuận, đầm ấm bên nhau mới thấy giá trị. Một nhận xét có lẽ hơi xưa nhưng phần nào cũng diễn tả sự thật về đời sống hôn nhân. Đó là nhận xét cho rằng, sau mỗi lần vợ chồng cãi nhau là một đứa trẻ ra đời!
Vậy tại sao vợ chồng trong cuộc sống lại thường hay xảy ra cãi vã, đôi khi chửi bới xúc phạm nhau, đánh nhau, và có những trường hợp dẫn đến ly dị?…
VÌ HỌ LÀ ĐÀN ÔNG VÀ ĐÀN BÀ
Suy nghĩ bằng 2 khối óc
Không ai trong chúng ta biết được người khác đang nghĩ gì. Không ai có thể đi vào trong óc của người khác để biết được người đó đang nghĩ gì. Ngay cả tâm lý học, đặc biệt là khoa phân tâm học cũng không làm được việc này. Các nhà phân tâm học cũng chỉ căn cứ vào những giấc mơ, những câu nói lỡ lời, những biểu hiện bên ngoài để nhận xét và đưa ra một kết luận nào đó mà thôi. Riêng khoa tâm lý nam nữ càng làm cho những khác biệt giữa vợ chồng thêm những khó khăn hơn khi phải đưa đến một kết luận về sự suy nghĩ của người phối ngẫu. Sigmund Freud cha đẻ ngành phân tâm học đã phải tự thú, ông “không biết được đàn bà muốn gì”.
Kết luận, vợ chồng nếu không hiểu nhau hoặc hiểu sai ý của nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những cái bình thường đó có làm cho vợ chồng trở nên khó chịu, cãi vã nhau hay không lại là chuyện khác. Thông thường, người ta rất dễ khó chịu khi một ý nghĩ của mình bị người khác hiểu nhầm hoặc giải thích sai lạc.
Yêu thương bằng 2 con tim
Hai vợ chồng có yêu nhau không? Dĩ nhiên là yêu mới lấy nhau. Yêu mới chấp nhận một người khác đi vào đời mình. Nhưng tình yêu của người vợ dành cho người chồng, hoặc ngược lại, là thứ tình yêu không phải lúc nào cũng đem lại cho nhau hạnh phúc và sung sướng. Cũng như hiểu nhau qua khối óc, yêu nhau bằng trái tim, bằng nhịp đập con tim là hành động tuy rất đáng qúy nhưng không phải lúc nào cũng được đón nhận.
Trong đời sống hôn nhân, không phải là ghét nhau mới làm cho nhau buồn, mà yêu nhau cũng là lý do khiến cho nhau cảm thấy khó chịu, ngột ngạt, và đôi khi muốn trốn chạy nếu người này dùng trái tim mình để cảm nhận thay cho trái tim người kia. Nơi phụ nữ nổi bật nhất là thiên chức làm mẹ. Chính vì thế, đôi lúc trong khi thể hiện tình cảm đối với chồng, người phụ nữ bỗng quên mình là vợ, mà nghĩ mình là mẹ qua hành động căn dặn, càm ràm, lo lắng, chăm chút nhiều việc rất tỷ mỷ, và đấy là những cái mà người chồng cho là không cần thiết có thể dẫn đến tranh cãi.
VÌ HỌ TỨC GIẬN NHAU
Ego (Cái tôi)
Tôi phải là nhất, là đúng, là đáng yêu, và đáng tôn trọng. Tâm lý học gọi người luôn luôn coi trọng mình, luôn luôn coi mình là đúng, là đẹp, là nhất bằng hội chứng Narcissism. Đây là tâm trạng được xếp hạng thứ nhất trong những lý do đưa đến việc cãi vã và tranh luận. Những lúc như vậy cái tôi thường bị lợi dụng, hoặc dùng làm lý do bào chữa cho những suy nghĩ áp đặt cũng như hành động chủ quan của mình. Tất cả mọi ý kiến, mọi đóng góp hoặc chia sẻ của người chồng hay vợ lúc đó sẽ trở nên vô giá trị, không đáng quan tâm, vì tôi luôn luôn đúng.
Đời sống hôn nhân là một cuộc sống chung, trong đó vợ chồng chia sẻ rất nhiều chuyện buồn vui và hạnh phúc. Quan điểm của nhau không nhất thiết phải đồng nhất trong mọi vấn đề và trong mọi hoàn cảnh. Chỉ khi nào cái tôi của anh và cái tôi của em được nhìn nhận, đặt đúng vị trí, lúc đó vợ chồng mới có sự hòa hợp, yêu thương và hạnh phúc. Do đó, luật sống áp dụng cho vợ chồng trong những lúc tranh cãi là “bất đồng nhưng không bất hòa”.
Quá sở hữu nhau (Over Possessiveness)
Không ai thích bị coi là trẻ con, hoặc bị kiểm soát. Vợ chồng thường tỏ ra phàn nàn, khó chịu, bẳn gắt nhau vì người này quá kiểm soát người kia, coi nhau như vật sở hữu. Khi quá quan tâm, quá săn sóc, quá chiều chuộng nhau theo một góc cạnh sở hữu thường làm cho người chồng hoặc người vợ mất tự do, mất cá tính và bản lãnh. Chúng ta thường nghe những câu phàn nàn tương tự:
-Bà để tôi tự do một chút được không. Tôi đâu phải con nít hay con của bà mà lúc nào bà cũng dặn dò, nhắc nhở, cũng càm ràm, la lối.
-Ông nói yêu tôi nhưng lại coi tôi như con chó con lúc nào cũng phải quấn quit bên ông. Ông nên nhớ tôi là con người, tôi có tự do, có cá tính, và sở thích riêng tư.
VÌ HỌ YÊU NHAU
Ngôn ngữ của vợ chồng
Ngôn ngữ là cách thức biểu lộ suy nghĩ, tình cảm. Ca dao Việt Nam viết: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng nếu tôi không hiểu người phối ngẫu nghĩ gì, và nếu con tim tôi không đồng nhịp đập thì ngôn ngữ nào có thể dùng để diễn tả cảm tình, diễn tả tình yêu mà mình muốn dành cho vợ hoặc chồng?
Tâm lý “gần chùa gọi bụt bằng anh” cũng là tâm lý gây nhàm chán, vô tâm, hoặc vô tình làm cho nhau đau khổ, nghĩ ngợi. Quá yêu hoặc nghĩ và cho phép mình được yêu và yêu nên ngôn ngữ dùng nhiều khi không suy nghĩ, cân nhắc, thay vì làm đẹp lại làm mất lòng người phối ngẫu. Chúng ta vẫn thường nghe người này người khác than thở: “Không biết anh nghĩ sao mà có thể nói với em những lời như vậy!” Hoặc: “Em không còn lời nào đẹp hơn để nói với anh sao?” .
Ngôn ngữ của tình yêu trái chiều
Cãi vã, to tiếng với nhau trong sinh hoạt vợ chồng ngoài những kết quả thông thường là dành chiến thắng cho cái tôi của mình, là đè bẹp cái tôi của đối phương, là để cho đối phương biết là tôi đúng, tôi giỏi, tôi đáng được kính trọng.
Nhưng ở một góc cạnh khác, cãi vã có thể coi như một hình thức trút bỏ những giận hờn, bực tức, nói lên được điều mình muốn nói mà bình thường người phối ngẫu không muốn nghe, hoặc coi thường. Cãi nhau trong trường hợp này là một tín hiệu gửi cho người phối ngẫu rằng mình thật sự không vui, không hài lòng, và cần có một sự hiểu biết công bằng.
LÀM SAO HÓA GIẢI
Cãi vã, to tiếng hoặc tranh luận giữa vợ chồng là chuyện không thể tránh, và một cách nào đó, là chuyện tự nhiên. Mấu chốt của hành động này nằm ở ngay trong ý nghĩa của tạo dựng. Thánh Kinh ghi khi Adam đón nhận Evà từ tay Thiên Chúa, ông đã nói: “Giờ thì đây là xương của xương tôi, và thịt của thịt tôi; nàng sẽ được gọi là ‘đàn bà’, vì đã được rút ra tự đàn ông” (Sáng Thế 2:23).
Như vậy, vợ chồng to tiếng, cãi vã là một hình thức nói với mình. Nói cho mình nghe về những ưu tư, thao thức, buồn vui của mình. Mà nói với mình thì dù nói to, nói nhỏ, nói nhẹ nhàng, nói bẳn gắt cũng chỉ là nói cho mình nghe. Nhưng trong hôn nhân, do tình yêu kết nối vợ chồng mới có được cái quyền nói về nhau, nói với nhau như nói với chính mình: “Hai ta tuy hai mà một”, dù thực tế vẫn là “tuy một mà hai”.
Tóm lại, như Giáo Hoàng Phanxicô đã diễn tả về mối tương quan vợ chồng bằng một nhận xét rất đời thường, và cũng rất thực tế. Theo ngài: “Vợ chồng đôi khi cần to tiếng hãy cứ to tiếng. Nếu bát đĩa bay hãy để nó bay. Nhưng sau cùng là sự nhận thức để cùng nhau xây dựng”.
Theo tôi, để hạnh phúc được viên mãn, để tình yêu vợ chồng được bền chặt, đôi khi chúng ta phải biết nói tiếng “không” dù người phối ngẫu có buồn lòng hay không buồn lòng. Chúng ta phải sống, phải đối xử với nhau bằng tình yêu, nhưng là một thứ tình yêu chân thật, tình yêu của một người dành cho một người qua việc trân qúy, đón nhận những khác biệt.
Riêng đối với các bạn trẻ, lời khuyên tốt nhất dành cho các bạn là các bạn không nên dùng hình thức cãi vã, trả treo, hoặc tranh luận để mong thắng thua, hơn thiệt. Nhưng các bạn hãy tập ngồi lại và chia sẻ, lắng nghe những gì mình đang muốn nói, những gì người kia đang chịu đựng, và những gì mà cả hai nghĩ là giải pháp tốt cho hạnh phúc lứa đôi. Đây là lối giải quyết văn minh, nhân bản, và chứng tỏ các bạn là những người trưởng thành.
Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt