1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô khuyên đồ đệ Ti-mô-thê như sau: “Hãy thận trọng trong mọi sự (2 Tm 4,5).
2.. CÂU CHUYỆN: GƯƠNG ỨNG XỬ TẾ NHỊ ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI HÀNH KHẤT
“Một hôm trên đường đi tập thể dục buổi sáng, tôi đã gặp một ngừới hành khất cao niên. Với cặp mắt đỏ hoe, nước mắt giàn giụa, đôi môi tái nhợt và áo quần tả tơi, ông lão chìa đôi bàn tay run run ra xin tôi giúp đỡ. Tôi lục hết túi quần đến túi áo mà không tìm ra được một đồng nào để giúp cho ông. Dù vậy ông lão ăn xin vẫn kiên nhẫn đứng đợi. Bấy giờ tôi không biết làm gì hơn là nắm lấy hai bàn tay run rẩy vì lạnh của ông và nói: “Xin ông thứ lỗi. Hôm nay cháu đi mà không mang tiền theo”.
Tôi thấy đôi môi của ông lão chợt nở ra một nụ cười tươi và ông nói với tôi rằng: “Cảm ơn cháu nhé! Hôm nay cháu đã cho ông một món quà quý giá nhất đó là thái độ lịch sự tế nhị của cháu mà từ trước đến nay ông chưa bao giờ gặp thấy”. Bấy giờ tôi chợt nhận ra: Chính tôi cũng vừa nhận được một món quà quý giá của ông lão cho tôi là lòng biết ơn.” (Viết theo TUỐC-GHÊ-NHÉP).
3. THẢO LUẬN:
1) Thế nào là thái độ ứng xử lịch sự tế nhị?
2) Qua Tin Mừng Mát-thêu về việc sửa lỗi cho anh em (x Mt 18,15-17) và một số đọan khác, bạn học được gì về cách ứng xử lịch sự tế nhị của Đức Giê-su?
3) Bạn cần làm gì để trở thành một con người lịch sự tế nhị trong lời nói, cử chỉ và hành động?
4. SUY NIỆM:
1) THẾ NÀO LÀ LỊCH SỰ TẾ NHỊ? :
– Lịch sự là những cử chỉ, hành vi giao tiếp ứng xử phù hợp với quy định của xã hội, truyền thống đạo đức dân tộc
– Tế nhị là sự khéo léo sử dụng những cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp ứng xử, biểu lộ là một con người có hiểu biết và có văn hóa
– Lịch sự tế nhị biểu lộ qua lời nói và hành vi ứng xử khi giao tiếp, biểu lộ sự hiểu biết các qui định phép tắc xã hội trong quan hệ giữa người với người, nói lên sự tôn trọng tha nhân
– Lịch sự tế nhị cho thấy cách rõ nét về trình độ văn hóa, đạo đức của mỗi người.
2) ĐỨC GIÊ-SU : MẪU GƯƠNG CON NGƯỜI LỊCH SỰ TẾ NHỊ: Tin mừng Mát-thêu đã thuật lại lời dạy của Đức Giê-su về việc sửa lỗi cho anh em cách lịch sự tế nhị (x Mt 18,15-17), chúng ta hiều được một người lịch sự tế nhị phải hành xử thế nào trong giao tiếp?
– Người lịch sự tế nhị là người biết cảm thông với kẻ khác: Đức Giê-su luôn cảm thông khi tỏ ra từ bi nhân hậu với kẻ tội lỗi khi dạy các môn đệ phải biết tế nhị sửa lỗi cho anh em cách kín đáo thay vì kết án họ. Vì ai cũng có lòng tự trọng, nên cần cảm thông và tránh xúc phạm đến danh dự của kẻ có lỗi.
– Người lịch sự tế nhị có lối hành xử lễ độ văn hóa: Người biết đối xử nhã nhặn lịch sự chắc chắn sẽ gây được thiện cảm và sự nể phục của mọi người chung quanh.
– Người tế nhị sẽ hành xử khiêm tốn khi giúp đỡ tha nhân: Những kẻ tự cao tự đại thường đổ lỗi cho người khác. Còn người tê nhị sẽ khiêm tốn nhận lỗi, như người xưa dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” : Khi giúp đỡ cho ai điều gì, người kiêu ngạo thường hay kể công và khinh thường người khác, đang khi người tế nhị sẽ âm thầm kín đáo và không muốn cho người thứ ba biết.
3) Cần làm gì để thành một người lịch sự tế nhị cả về lời nói, cử chỉ lẫn hành động?
+ LỜI NÓI LỊCH SỰ TẾ NHỊ:
Ngừơi lịch sự sẽ không nói tục tĩu, không nói quá to giữa chỗ đông người, biết chào hỏi, nói lời cám ơn hay xin lỗi, biết thành thật khen ngợi người khác, biết tự nhận lỗi về phía mình. Suy nghĩ kỹ trước khi nói, nhưng không nói ra tất cả những gì mình nghĩ. Nếu nói sự thật mà thiếu tế nhị thì cũng dễ bị phủ nhận. Dĩ nhiên đôi khi cũng phải nói thẳng nói thật như Chúa Giê-su đã từng làm đối với bọn biệt phái lòng chai dạ đá (Mc 15, 7; 23, 13-29).
+ CỬ CHỈ LỊCH SỰ TẾ NHỊ:
Thái độ của mỗi người cũng là một cách nói, có khi còn mạnh mẽ và giá trị hơn cả lời nói nữa. Qua thái độ tế nhị, người đối diện sẽ hiểu vấn đề sâu sắc hơn, sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, được yêu thương hơn. Chúng ta hãy học nơi Đức Giê-su về thái độ khôn ngoan tế nhị khi tiếp xúc với người phụ nữ ngoại tình (x Ga 8,2-11), Người tránh nhìn trực diện vào người có tội, và đã làm cho những kẻ đòi kết án tự nhận ra tội của mình và âm thầm rút lui.
+ HÀNH ĐỘNG LỊCH SỰ TẾ NHỊ:
Ngừơi lịch sự tế nhị sẽ không tò mò tọc mạch vào đời tư của người khác, không chế nhạo về một thói tật nào đó của tha nhân, không tự tiện lục túi xách, đọc trộm nhật ký và lưu bút hay thư riêng, tin nhắn điện thọai, không nghe lén khi người khác đang nói chuyện riêng v.v…
5. TỰ KIỂM:
HỎI: Tình huống: Trưởng Nhóm sẽ ứng xử thế nào khi có nhóm viên thường xuyên đi họp trễ và cho biết tại sao chọn hay không chọn cách ứng xử ấy?
+ Phê bình kẻ đi trễ với thái độ và lời lẽ gay gắt
+ Lờ đi và coi như không có chuyện gì xảy ra.
+ Không góp ý với người có lỗi mà đưa ra trước tập thể đòi xử lý ngay.
+ Không nói ngay lúc ấy, tan họp sẽ nhắc phân tích nhẹ nhàng..
ĐÁP ÁN:
+ Phê bình kẻ đi họp trễ với thái độ gay gắt sẽ làm cho ngừơi đến trễ cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương, làm bầu khí buổi họp nặng nề và có thể nhóm viên sẽ bỏ không đi sinh họat nhóm..
+ Lờ đi và coi như không có chuyện gì sẽ làm cho ngừơi sai lỗi và mọi người không ý thức đi trễ là sai và từ đó nhiều người sẽ bắt chước đi họp trễ khiến Nhóm khó lòng thăng tiến..
+ Tố cáo trước tập thể để yêu cầu xử lý sẽ làm cho sự việc nên nghiêm trọng không cần thiết.
+ Nhắc nhở và phân tích nhẹ nhàng lợi hại của việc đi họp trễ: sẽ giúp người có lỗi nhận ra lỗi của mình và tự sửa.
6. LỜI NGUYỆN:
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp con biết ứng xử lịch sự tế nhị với tha nhân. Xin cho con biết nói năng tế nhị, ứng xử nhã nhặn với mọi người. Xin cho con biết khôn ngoan tế nhị và bao dung khi phải xây dựng góp ý với anh em sai lỗi. Xin cho con biết tránh đề cập đến những đỉều thuộc về đời tư của anh chị em… Nhờ đó con sẽ gây được thiện cảm với mọi người, xứng đáng làm môn đệ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com