Trước mặt Chúa

Sẽ đến một lúc mà tình yêu vợ chồng đạt tới đỉnh cao hạnh phúc và trở thành một không gian độc lập lành mạnh: khi đó người này khám phá ra người kia không thuộc về riêng mình, mà có một chủ nhân quan trọng hơn rất nhiều, đó là Thiên Chúa duy nhất của người ấy. Không ai có thể tham vọng chiếm được nơi thầm kín riêng tư và bí mật nhất của người mình yêu, chỉ có Thiên Chúa mới là trung tâm điểm của cuộc sống người ấy. Đó là lý do giải thích Thiên Chúa luôn hiện diện trong gia đình và tất cả hành động của mọi phần tử trong gia đình đều diễn ra trước mặt Chúa. Chủ đề mục vụ gia đình tháng 9/2018 là: TRƯỚC MẶT CHÚA. Xin cùng tìm hiểu:

I. Tình yêu vợ chồng là tình yêu giao ước:

Sự hiệp thông trong hôn nhân nối kết hai người nam và nữ lại với nhau, vừa khác nhau, vừa bình đẳng với nhau. Sự nối kết này không tạo thành một hợp chất làm biến mất những cá tính riêng của mỗi người; nhưng là một giao ước, mà vì tình yêu, vợ và chồng, mỗi người vẫn phát triển và xác định nhân cách của mình. Là một giao ước, tình yêu hôn nhân bao hàm những chọn lựa và từ bỏ, hầu cùng thực hiện tốt hơn những điều “sống vì” và “sống cho” bạn của mình, để cùng xây dựng một mái ấm gia đình. Giao ước hôn nhân, theo mạc khải của Kinh Thánh, không phải là một giao ước suông mà người ta có thể hủy bỏ khi không được thỏa mãn. Giao ước hôn nhân lấy nguồn và lấy mẫu từ sự nối kết giữa Đức hôn phu Ki-tô và hiền thê Giáo hội, là một giao ước mới, trong đó, cả hai vợ chồng vừa là những người ký kết đồng thời là chứng tá cho cuộc hôn nhân.

Qua Chúa Ki-tô, tính chất của tình yêu mà hai vợ chồng Công giáo gánh vác trên vai được tỏ hiện. Cuộc sống hằng ngày trong xã hội luôn diễn ra những cạm bẫy của tình yêu, ích kỷ, vụ lợi, cãi cọ, tranh chấp, bất đồng, ly thân, ly dị. Trước những cảnh huống này, mới thấy giáo huấn của Giáo hội là một Tin Mừng, khi đòi hỏi nơi tình yêu hôn nhân phải một vợ một chồng và bất khả phân ly. Giáo hội chỉ ra cho thấy tình yêu hôn phối là một tình yêu chung thủy suốt đời, một giao ước làm đôi bên thỏa lòng, vì mỗi bên đều trước nhất tìm cách làm vừa lòng bạn đời của mình hơn là cho bản thân mình.

Giáo hội yêu cầu các đôi hôn phối khi muốn trao đổi lời hôn ước, trước tiên phải ý thức về lời giao ước ấy và sau là diễn tả lòng ưng thuận qua việc trả lời công khai các câu hỏi có ý nghĩa như sau:

1- Sự tự do: Vợ chồng hiến thân cho nhau một cách hoàn toàn tự do. Tự do không chỉ là lựa chọn người phối ngẫu, mà còn là chọn lựa dấn thân trong hôn nhân, là giữ lấy một quyết định trọng đại, đó là kết hôn.

2- Sự trung tín: Đơn hôn (một vợ một chồng). Vợ chồng Công giáo cần phải sống thế nào để minh chứng rằng: sống tín trung bằng chính tình yêu của họ và họ đã mang lại hạnh phúc cho nhau.

3- Tính bất khả phân ly: Vĩnh viễn (sống trọn đời với nhau, không chia ly vì bất cứ lý do gì, ngoại trừ sự chết). Có một sự tương hợp giữa giao ước của Chúa và dân Người với lời giao ước của vợ chồng dấn thân cho nhau. Và khi qui hướng về chương trình của Chúa, Đức Ki-tô đã đặt nền tảng vững bền của vợ chồng: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19, 6). Chính Người mang ánh sáng kế hoạch tình thương của Chúa đến cho hôn nhân.

4- Sinh sản: Vợ chồng chấp nhận trách nhiệm làm cha mẹ và sinh đẻ con cái. Tình yêu vợ chồng dự phần vào tình thương sáng tạo của Thiên Chúa thông ban và giải truyền sự sống. Vì vậy, nếu vợ chồng tự ý từ chối con cái, là chưa thật sự kết hôn: vì lời hứa hôn nhân chưa có giá trị bí tích.

II. Thiên Chúa luôn hiện diện trong gia đình:

Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn những ai sống trong ân sủng của Người. Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ của mối hiệp thông hôn nhân. Như Thiên Chúa ở trong những lời tán tụng của dân Người (Tv 22, 4) thế nào, thì Người cũng sống thâm sâu trong tình yêu vợ chồng đang tôn vinh Người thế ấy. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình là sự hiện diện thực tế và cụ thể, cùng với mọi khổ đau, chiến đấu, niềm vui và những cố gắng hằng ngày của gia đình.

Sống tốt đẹp tình hiệp thông gia đình là một hành trình đích thực để nên thánh trong đời sống hằng ngày và để được lớn lên trong kinh nghiệm thần linh, một phương thế để kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa. Quả thật, những đòi hỏi của đời sống huynh đệ và cộng đoàn trong gia đình là một cơ hội để người ta không ngừng mở lòng ra hơn nữa, và nhờ đó có thể liên kết với Thiên Chúa ngày càng trọn vẹn hơn. Vì thế, những ai có niềm khao khát tâm linh sâu xa không nên nghĩ rằng gia đình tách biệt sự khát khao tâm linh khỏi đời sống trưởng thành trong Thánh Thần; nhưng hãy xem đó như một đường lối mà Thiên Chúa đang dùng để dẫn mình tới những tầm cao của sự hiệp thông.

Nếu gia đình luôn qui hướng về Đức Ki-tô, Người sẽ hiệp nhất và soi sáng toàn thể đời sống của gia đình. Những khổ đau và những vấn đề của gia đình trải nghiệm trong sự thông hiệp với Thập Giá Chúa Ki-tô, sẽ giúp gia đình vượt qua được những khó khăn, ngõ hầu tránh được sự đổ vỡ. Các gia đình dần dần đạt được sự thánh thiện qua đời sống hôn nhân, bằng ân sủng của Thánh Thần, nhờ đó những khó khăn và đau khổ chuyển hóa thành một hiến lễ tình yêu. Mặt khác, những khoảnh khắc của niềm vui, thư giãn hay những dịp lễ mừng, và ngay cả hành vi tính dục cũng được xem như một sự tham dự vào sự viên mãn của Đấng Phục Sinh. Cũng bởi vì chính Đấng Cứu Độ đã dạy: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3, 20)

Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Lætitia” (số 315) khẳng định: “Sự hiện diện của Chúa trong gia đình là sự hiện diện thực tế và cụ thể, cùng với mọi khổ đau, chiến đấu, niềm vui và những cố gắng hằng ngày của nó. Khi sống trong gia đình, chúng ta không thể mang một bộ mặt nạ vì khó mà giả vờ hay nói dối. Nếu như tình yêu linh hoạt sự chân thực ấy, thì đúng là Chúa đang ngự trị ở đó, bằng niềm vui và sự bình an của Người. Linh đạo tình yêu gia đình được cấu thành từ hàng ngàn cử chỉ thực tế và cụ thể. Trong tình hiệp thông được xây dựng từ bao nhiêu là dâng hiến và gặp gỡ, Thiên Chúa có chỗ ngự trị của Ngài. Sự dâng hiến cho nhau đó kết hợp “những giá trị nhân văn và thần linh”, vì nó là sự tròn đầy của tình yêu Thiên Chúa. Cuối cùng, linh đạo hôn nhân là một linh đạo của mối dây ràng buộc, trong đó tình yêu Thiên Chúa cư ngụ.”

III. Trước mặt Chúa:

Một khi Thiên Chúa đã cư ngụ trong tâm hồn mỗi phần tử trong gia đình, thì tất nhiên bất cứ một ý nghĩ, một tư tưởng hay một hành động nào của từng cá nhân Thiên Chúa đều thấy rõ. Sống tốt đẹp tình hiệp thông gia đình là một hành trình đích thực để nên thánh trong đời sống hằng ngày và để được lớn lên trong kinh nghiệm thần bí, một phương thế để kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa. Những đòi hỏi của đời sống huynh đệ và cộng đoàn trong gia đình là một cơ hội để không ngừng mở lòng ra hơn nữa, và nhờ đó có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngày càng trọn vẹn hơn.

Lời Chúa đã dạy “ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối, và kẻ ấy bước đi trong bóng tối” (1Ga 2, 11) và như thế là người ấy “ở lại trong sự chết” (1Ga 3, 14). Chỉ cần con người “yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong họ và tình yêu của Ngài sẽ nên hoàn hảo nơi họ” (1 Ga 4, 12).  Điều đó cho thấy tình yêu vợ chồng đi theo một linh đạo “Hiệp thông siêu nhiên” như Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Lætitia” (số 314) chỉ rõ: “Chúng ta vẫn thường nói Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn những ai sống trong ơn sủng của Ngài. Ngày nay chúng ta cũng có thể nói Chúa Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ của mối hiệp thông hôn nhân. Như Thiên Chúa ở trong những lời tán tụng của dân Ngài (cf. Tv 22,4) thế nào, thì Ngài cũng sống thâm sâu trong tình yêu vợ chồng đang tôn vinh Ngài thế ấy.”

Nói cách  khác, tất cả mọi sự kiện trong gia đình đều diễn ra trước mặt Chúa. Vì thế, những lời thề hứa trong lễ cưới cần phải được hành xử và duy trì trong suốt cuộc sống hôn nhân. Muốn được như vậy, hãy cầu nguyện. Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để qui tụ nhau trước Thiên Chúa hằng sống, nói với Người về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Người cho những nhu cầu của gia đình, cho một ai đó đang gặp khó khăn, xin Người trợ giúp gia đình biết sống yêu thương, tạ ơn Người về cuộc sống và về bao ơn lành khác; cầu xin Đức Mẹ Maria – Mẹ cỉa các gia đình – che chở dưới tà áo của Mẹ.

Với những lời đơn sơ như thế, giờ cầu nguyện này có thể đem lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình. Những diễn tả khác nhau của lòng đạo đức bình dân là một kho tàng linh đạo cho nhiều gia đình. Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm trong việc tham dự Thánh lễ, nhất là trong khung cảnh ngày nghỉ lễ Chúa Nhật. Đức Giê-su gõ cửa các gia đình chia sẻ với họ bữa tiệc Thánh Thể (Kh 3, 20). Ở đó, vợ chồng luôn luôn có thể ký kết lại giao ước Vượt Qua vốn là giao ước đã kết hợp họ và phản ảnh Giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại trên thập giá. Thánh Thể là bí tích của Giao Ước Mới, trong đó công trình cứu chuộc của Đức Ki-tô được thực hiện (Lc 22, 20). Như thế, mối liên kết sâu xa giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể càng trở nên rõ nét hơn. Lương thực Thánh Thể là sức mạnh và động lực cần thiết cho đôi vợ chồng để sống hôn ước mỗi ngày như một “Hội Thánh tại gia” trước mặt Chúa.

Kết luận:

Tóm lại, lời hứa yêu thương của đôi phối ngẫu không phải chỉ là một sự chứng thực trước mặt mọi người về cuộc sống hôn nhân được bắt đầu; mà hơn thế nữa, nó phải là một giao ước tình yêu, một lòng chung thủy sắt son và bền đỗ trong ơn gọi của cả hai vợ chồng trước mặt Chúa. Giao ước tình yêu mạnh hơn cả mọi sự cam kết trên môi miệng, nó chẳng hề bị ràng buộc bởi hệ thống luật lệ hay luật pháp của một quốc gia nào, cũng chẳng bị phá vỡ bởi những thủ tục nơi trần gian; nhưng trên hết đó là một giao ước mà cả hai cùng trao cho nhau tình yêu trên nền tảng vững bền của tình yêu Thiên Chúa. 

Vì thế, mỗi sáng khi thức dậy, vợ chồng hãy lặp lại trước mặt Chúa quyết định trung tín này của mình, cho dù có điều gì sẽ xảy ra trong ngày. Và mỗi người, khi đi ngủ, lại mong đợi đến lúc thức dậy để tiếp tục cuộc phiêu lưu kỳ thú này, nhờ tín thác vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Như thế, giữa vợ chồng – người này đối với người kia – sẽ là một dấu chỉ sự gần gũi của Chúa, Đấng không bao giờ để chúng ta đơn độc: “Này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Qủa thật, trước mặt Chúa không còn gì đáng làm hơn là hãy “Dâng cho Chúa sự yếu hèn và tội lỗi, dâng cho Chúa tất cả cuộc đời dù xấu xa nhơ nhuốc tới đâu chăng nữa”. Có như thế mới hy vọng “Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” và Người sẵn sàng dang tay đón vào “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3, 13). Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts