Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy thất vọng và có những cảm giác bị hắt hủi, bị loại trừ, và điều đó càng thể hiện rõ sau sự đổ vỡ trong một mối quan hệ nào đó. Tuy nhiên, là những tín hữu đã được tái sinh, chúng ta có được một nguồn trợ lực từ Lời Chúa – có thể mang đến sự ủi an và suy nghĩ thông suốt về mọi hoàn cảnh.
Bị một người nào đó hắt hủi không đồng nghĩa với việc chúng ta không tốt hay không đáng yêu. Nhưng chúng ta có thể để cho sự hắt hủi ấy quyết định cách chúng ta cảm nhận và để cho cảm nhận ấy bóp méo suy nghĩ của mình về bản thân; hoặc chúng ta có thể chọn cách để nó lại đằng sau và tiến lên phía trước, dựa trên cơ sở của điều gì đó bền vững hơn rất nhiều.
Cơ sở ấy là gì? Đối với những tín hữu, cơ sở ấy chính là vị trí của chúng ta trong Đức Kitô. Khi chúng ta được tái sinh, chúng ta được thừa nhận là con Thiên Chúa. “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền, thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,3-6).
Cho dù chúng ta không xứng đáng – “quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9) – Đức Giêsu Kitô vẫn ban cho chúng ta mọi ân sủng và làm cho chúng ta được thừa nhận trong Ngài. Sự thừa nhận này chính là món quà ân sủng của Ngài, và sự thừa nhận này vượt trội hơn bất cứ và tất cả “những cảm xúc” chúng ta trải qua, bởi vì sự thừa nhận ấy không dựa trên việc “hy vọng như thế”, nhưng chính là “biết như thế”. Đây chính là sự thật bởi vì Lời Chúa nói với chúng ta như thế, và khi chúng ta chấp nhận sự thật ấy bằng lòng tin, nó trở thành một điều thực tế trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta rất dễ bị tổn thương và thất vọng. Những gì chúng ta chọn lựa sau khi bị tổn thương và thất vọng hoặc sẽ làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trong chuyến hành trình cùng đi với Chúa của chúng ta hoặc sẽ khiến chúng ta bước đi với sự đau đớn. Cả hai kết quả đều tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta. Thiên Chúa có thể để chúng ta trải qua những thất vọng trong đời; nhưng đồng thời, Ngài ban ơn cho chúng ta vượt qua. Lúc này, ơn ban và sự ủi an của Ngài dành cho chúng ta là để chúng ta được thanh thản và nghỉ ngơi trong Ngài. Mọi người con được tái sinh đều nhận được ơn của Chúa, và chúng ta phải biết tận dụng chúng. Nó tương tự như việc chúng ta có 1 triệu đôla trong ngân hàng, trong khi lại chịu chết đói bởi vì chúng ta không sử dụng tiền ấy để mua thức ăn. Tuy nhiên, chúng ta không thể sử dụng những gì chúng ta không biết. Vì thế, mọi tín hữu phải “biết” rằng Chúa là Đấng biết rõ chúng ta và yêu thương chúng ta, và điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ đọc Lời Chúa mà còn phải học hỏi Lời Ngài, để Lời Ngài thay đổi cách nhìn của chúng ta (“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.” – 2 Tm 3,16-17) và giúp chúng ta đối mặt với cuộc sống với sự hiểu biết rõ ràng và bước đi bằng lòng tin.
Là những tín hữu, chúng ta không được để những thất bại trong quá khứ hay sự thất vọng hoặc nhận định của người khác chi phối. Chúng ta được đặt định là con cái Thiên Chúa, được tái sinh trong sự sống mới, được tuôn đổ mọi ân sủng và được thừa nhận trong Đức Giêsu Kitô. Đó chính là yếu tố xác định để chúng ta có được một cuộc sống toàn thắng. Thiên Chúa chuẩn bị cho mỗi người chúng ta những cơ hội riêng biệt để bước qua tất cả mọi biến cố nơi cuộc sống này. Chúng ta có thể bước đi bằng chính sức mạnh của bản thân – Thánh Phaolô gọi đó là “con người xác thịt” của chúng ta – hoặc có thể bước đi trong sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta thông qua Thần Khí. Điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta binh giáp, nhưng tuỳ thuộc chúng ta có mặc chúng bằng lòng tin hay không. (“Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị chốn thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó, anh em sẽ có thể giập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” – Ep 6,11-18).
Vì thế, nếu là một người con của Chúa, bạn có thể chịu đựng được những thất vọng nơi cuộc sống đời này, nhưng bạn cần nhớ rằng vì là một người con của Đức Vua, nên sự hắt hủi bạn đang phải chịu chỉ là một cú va đập thoáng qua trên đường. Bạn có thể lựa chọn: hoặc để cho cú va đập ấy ngăn bước chân bạn và bước đi với thương tích; hoặc có thể chọn lựa dùng những ơn bạn có được với tư cách là con Thiên Chúa và tiến lên phía trước trong ân sủng.
Tha thứ cho người khác và cho bản thân chính là một món quà bạn có thể trao tặng bởi vì đây là món quà bạn được Thiên Chúa tặng ban trong Đức Kitô. (“Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.” – Ep 4,32).
An Nhiên