Xây Dựng Một Gia Đình Hòa Hợp Hạnh Phúc

1. LỜI CHÚA: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

2. CÂU CHUYỆN:

Có hai vợ chồng nhà kia khi mới lấy nhau sống rất hòa thuận, luôn yêu thương và tôn trọng nhường nhịn nhau. Nhưng khi về già, hai người lại thường hay tranh cãi nhau : Ông nói một thì bà nói hai ba, chẳng ai chịu ai. Một hôm vào dịp giáo xứ mở tuần tĩnh tâm Mùa Chay để giúp các tín hữu dọn tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh. Cha giảng tĩnh tâm khai triển đề tài xây dựng gia đình hạnh phúc. Bà đã đến gặp riêng và thú nhận với cha về tình trạng xung khắc giữa hai vợ chồng để xin một lời khuyên. Nghe xong cha giảng phòng trao cho bà một chai nước phép và dạy bà mỗi lần bị chồng la rầy, thay vì nói đốp chát lại, bà hãy mở chai nước phép ra tợp một ngụm ngậm trong miệng không được nuốt và thầm thĩ đọc một chục kinh mân côi thì chắc chắn nhờ Mẹ chuyển cầu mà Chúa sẽ làm phép lạ cho chồng bà im lặng và gia đình sẽ êm ấm thuận hòa như hồi mới cưới.

Bà nghe lời cha mang chai nước phép về. Khi vừa tới đầu ngõ, ông chồng đã từ trong nhà chạy ra vẻ mặt giận dữ và quát mắng:

– Bà rúc ở cái xó xỉnh nào mà đến giờ này mới chịu vác mặt về nhà. Có mau vào bếp nấu cơm cho “ông” ăn hay không thì bảo.

Nghe vậy, bà liền mở chai nước phép ra tợp một ngụm ngậm trong miệng và âm thầm đọc một chục kinh mân côi như lời cha dạy. Thấy bà không nói đốp chát lại như mọi khi nên ông chồng cũng đành nín thinh.

Thấy hiệu quả rõ ràng, bà vui mừng tự nhủ : “Linh thật. Đúng là Chúa đã khóa miệng lão ta rồi !”.

Một lúc sau bà ra bờ giếng vo gạo thổi cơm, thì lại nghe ông chồng từ trong nhà nói vọng ra :

– Bà làm gì mà mãi tới giờ mới đi vo gạo thì biết đến bao giờ mới có cơm cho “ông” ăn đây hả ?

Bà toan mở miệng cự lại như mọi lần, nhưng nhớ lời cha dặn, bà lại tợp một ngụm nước phép trong miệng và lẩm bẩm đọc kinh. Thấy bà không cãi, ông cũng nín thinh… Từ ngày đó trở đi, hai ông bà đã dần dần thay đổi cách ứng xử với nhau và cuộc sống gia đình trở lại êm ấm như hồi mới cưới. Chai nước phép cha giảng phòng cho thực ra cũng chỉ là nước lã bình thường, nhưng chính thái độ không cãi lại chồng mới là nguyên nhân chính giúp gia đình được hòa thuận như cũ.

3. SUY NIỆM :

Khi cử hành hôn lễ, hai người nói lời thề hứa trước chủ sự và cộng đòan : “Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”, qua đó họ được Chúa tác hợp nên vợ chồng, và trở thành dấu chỉ sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy hai vợ chồng cần làm gì để đạt tới tình yêu đích thực là điều kiện xây dựng một gia đình hòa hợp hạnh phúc ?

1. Tình yêu đích thực đòi hai người phải tôn trọng lẫn nhau :

Tình yêu luôn đi đôi với sự tôn trọng. Tôn trọng trước hết là thái độ nhìn nhận chồng hay vợ là bạn ngang hàng : Người này không phải là đầy tớ, nhưng là nửa phần xương thịt của người kia. Tiếp đến, tôn trọng là đón nhận con người tòan diện cả ưu lẫn khuyết điểm, cả quá khứ hiện tại và tương lai của nhau… Tôn  trọng những khác biệt về cách suy nghĩ, cảm nhận của nhau… Nhờ biết lắng nghe nhau, đôi vợ chồng sẽ hiểu biết nhau hơn. Sự tôn trọng được biểu lộ qua lời xưng hô, thái độ và cách ứng xử với nhau. Không những tôn trọng khi được thành công, mạnh khoẻ, mà cả trong những lúc gian nan thất bại hay ốm đau. Tránh xưng hô “mày tao” với nhau, tránh những lời lẽ thô tục hoặc chê trách nhau trước mặt người khác. Luôn nói những lời âu yếm và đối xử trân trọng như người xưa dạy : “Phu thê tương kính như tân” (vợ chồng kính trọng nhau như khách).

2. Tình yêu đích thực đòi hai người phải năng thể hiện tình cảm với nhau :

Đối với tâm lý người nữ: “Tình yêu bởi tai nghe”. Người chồng cần nói những lời dịu dàng êm ái kèm theo những cử chỉ âu yếm với vợ. Những lời yêu thương này là gia vị giúp tình yêu thêm nồng thắm. Đừng đợi đến lúc gẫn gũi ái ân mới nói và bày tỏ tình yêu thương nhau. Giữa vợ chồng có trăm ngàn cách bày tỏ tình yêu: từ lời nói đơn giản nhất : “Anh yêu em” hay “em yêu anh”, đến thái độ ân cần, tỏ lòng biết ơn, tặng nhau lời khen thành thật, chân thành xây dựng sửa lỗi cho nhau, nhớ tặng quà mừng sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới…

3. Tình yêu đích thực đòi hai người phải dành nhiều thời gian bên nhau :

Yêu nhau, người ta hay nghĩ đến nhau và muốn được ở gần nhau. Nhiều cặp vợ chồng đã đổ vỡ hạnh phúc vì sống xa nhau lâu ngày hoặc một người quá lo công ăn việc làm mà không quan tâm đến người kia. Bởi vậy, vợ chồng cần dành nhiều thời giờ để tâm sự, chia sẻ vui buồn và các nỗi ưu tư gặp phải, nhờ đó sẽ nâng đỡ khích lệ nhau, làm cho cuộc sống chung ngày thêm hòa hợp hạnh phúc.

4. Tình yêu đích thực đòi hai người phải năng đối thoại với nhau :

Đối thoại là nói chuyện với nhau trong sự bình tĩnh và tôn trọng nhau. Đối thọai giúp duy trì và củng cố hạnh phúc gia đình. Nhờ năng đối thoại mà vợ chồng sẽ hiểu biết về nhau hơn, giảm bớt những bất đồng ý kiến. Đối thoại đòi phải “người nói kẻ nghe”. Cần nói cho nhau biết những điều mình suy nghĩ và mong ước, đồng thời cần nghe những suy nghĩ và ước mong của người kia. Không những phải nghe bằng tai, mà còn phải nghe bằng cả con tim. Vợ chồng cần trao đổi trước khi quyết định điều quan trọng liên quan đến các thành viên trong gia đình như : Thay đổi chỗ ở hay công ăn việc làm, đổi trường học cho con, tổ chức lại gia đình cho ngăn nắp hơn, thống nhất về cách dạy dỗ con cái, cách ứng xử với cha mẹ đôi bên, cách giao tế với bạn bè, hình thành một nếp sống đạo đức cho gia đình… Nếu biết thường xuyên trao đổi ý kiến, vợ chồng sẽ dễ đạt tới sự hòa hợp là điều kiện để thành công như người xưa dạy : “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

5. Tình yêu đích thực đòi hai người phải hy sinh cho nhau:

Một trong những bằng chứng cho thấy tình yêu chân thật hay không là có biết quên mình và hy sinh cho nhau hay không. Yêu thương mà không hy sinh vì nhau, thì chưa phải tình yêu thật sự. Càng hy sinh nhiều càng chứng tỏ yêu nhiều. Hy sinh mạng sống vì nhau là dấu hiệu của tình yêu tột đỉnh như lời Chúa dạy :  “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Trái ngược với hy sinh là thói ích kỷ, biểu hiệu qua cách cư xử gia trưởng độc đoán, chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ lo bảo vệ quyền lợi của mình và mặc kệ người kia. Hy sinh còn là nhẫn nhịn chịu đựng nhau. Vì “một sự nhịn bằng chín sự lành”. Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là về mặt luân lý đạo đức. Vì chịu đựng làm điều xấu theo ý chồng hay vợ không phải là hy sinh, nhưng là sự đồng loã với tội ác, làm hại cho hạnh phúc gia đình. Hy sinh cũng có nghĩa là tha thứ cho nhau vì . “Nhân vô thập toàn”. Sau hết, sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc năng nghĩ đến nhau, quan tâm chăm sóc phục vụ cho nhau, không quản ngại vất vả vì nhau, nhất là khi một người bị bệnh nan y hoặc lâm vào hòan cảnh khó khăn bất lợi…

6. Tình yêu đích thực đòi hai người phải thuỷ chung với nhau :

Khi cử hành hôn lễ, hai người đã thề hứa chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu… Do đó, hai vợ chồng đừng sử dụng tiền bạc, thì giờ, giải trí… theo sở thích riêng mình mà phải biết nghĩ đến chồng hay vợ nữa. Sau giờ tan sở người chồng cần nhờ mình còn một cái rờ-mọoc ở nhà, nên cần phải về nhà ăn cơm chung với vợ con. Cần tránh những giao tiếp với bạn bè khác phái có nguy hại cho sự chung thủy vợ chồng. Bên cạnh đó, cũng cần tránh thái độ ghen tương quá đáng vì dễ bào mòn tình yêu hoặc như con sâu đục khóet làm băng họai tình yêu giữa hai vợ chồng.

7. Tình yêu đích thực đòi hai người phải chu tòan bổn phận với nhau :

Thánh Phaolô khuyên các đôi vợ chồng : “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng. Cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ” (1 Cr 7,3-5). Hai người hòa hợp để nên một thân mình là một trong những yếu tố nòng cốt của tình yêu vợ chồng. Chẳng những cần nên một về tâm hồn mà cả về thể xác nữa. Họ muốn trao hiến cho nhau, hòa tan trong nhau, để đem lại hạnh phúc cho nhau. Đừng làm cho việc chăn gối trở thành việc nghèo nàn nhàm chán phải làm cho xong, nhưng cần làm cho nó nên mới mẻ phong phú, để mỗi lần trao hiến cho nhau, cả hai đều cảm thấy hạnh phúc. Để tình yêu ngày một hoà hợp, vợ chồng cần phải học hỏi thêm về tâm sinh lý nam nữ qua các sách giáo dục hôn nhân gia đình hoặc tham dự những khóa hội thảo chuyên đề về tâm sinh lý vợ chồng.

8. Tình yêu đích thực đòi hai người phải năng cầu nguyện với nhau và cầu cho nhau :

“Thiên Chúa là Tình yêu”. Chính Ngài đã thiết lập hôn nhân và gia đình. Ngài luôn đồng hành với hai vợ chồng để giúp họ yêu thương nhau và xây dựng cuộc sống gia đình ngày thêm hòa hợp hạnh phúc. Giờ cầu nguyện trong gia đình rất cần cho gia đình. Vì thế, ngay từ khi mới về chung sống, hai người cần nhất trí cầu nguyện chung với nhau mỗi tối như lời Chúa dạy : “Đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20). Hạnh phúc gia đình đòi phải có Chúa hiện diện để chia sẻ mọi biến cố vui buồn của gia đình. Ngài ở giữa như mối dây nối kết giữa hai vợ chồng, giúp họ lắng nghe nhau, hiểu biết nhau, thuỷ chung với nhau và cùng nhau vượt qua mọi gian nan thử thách trong cuộc sống.

4. THẢO LUẬN : Hãy cho biết gia đình của bạn hiện đã có tình yeu đích thực theo các tiêu chuẩn nói trên hay chưa ? Bạn cần làm gì để xây dựng cho gia đình bạn ngày một hòa hợp hạnh phúc hơn ?

5. LỜI CÀU :

Lạy Chúa Cha từ ái. Xin giúp chúng con là những người đang chuẩn bị hay đang sống trong cuộc sống gia đình, biết từ bỏ ý riêng cùng những đam mê, tật xấu, để xây dựng một gia đình hòa hợp hạnh phúc. Xin cho gia đình chúng con ý thức chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng lối sống yêu thương quên mình vị tha, hầu giúp người lương bên cạnh nhận biết Chúa và cùng chia sẻ nuềm vui ơn cứu độ với chúng con.- AMEN.

LM ĐAN VINH

Nguồn: hiephoithanhmau.com

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts