Đừng gọi tôi là hiệp sĩ

(Anh Đặng Văn Nỡ. – Ảnh: Trọng Văn)

Có lẽ dư vị đắng nhất mà năm Nhâm Thìn để lại trong tất cả chúng ta không phải là những lao đao bất ổn trong một nền kinh tế khủng hoảng, mà chính là sự suy thoái về đạo đức xã hội. Hàng loạt vụ án man rợ, trong đó không ít trường hợp gây án với cả người thân của mình, khiến bao người rúng động tự hỏi chừng nào sự băng hoại này mới chạm tới đáy? May mắn thay, lòng tốt vẫn còn. Các nhân vật trong chuyên đề cuối năm này đến từ nhiều tỉnh thành: Cà Mau, TP.HCM, Quy Nhơn, với những nghĩa cử gây xúc động lòng người, chính là niềm hy vọng còn lại của chúng ta.

——————–

(SGTT) – Vụ cô gái chạy xe SH bị cướp chém gần lìa tay dưới chân cầu Phú Mỹ diễn ra đã hơn 2 tháng. Nghi can đã bị bắt. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý, nạn nhân vụ cướp cũng đã xuất viện. Nhưng nhiều người vẫn xúc động với chi tiết được tường thuật qua báo chí: một người đàn ông đã chở cô gái tới bệnh viện cấp cứu trong khi số đông e ngại đứng nhìn nạn nhân bê bết máu nằm bên vệ đường. Chúng tôi vừa gặp lại người đàn ông ấy, anh Đặng Văn Nỡ, 43 tuổi.

Anh Nỡ gợi ý điểm hẹn là quán nước mía trên con đường nhỏ trước nhà anh ở quận 2. Mang khuôn mặt hiền lành, dáng ốm và nước da đen đặc trưng của người làm mướn, anh đề nghị không gọi anh là hiệp sĩ bởi “việc làm ấy là bình thường”.

Anh Nỡ kể: Trên đường về sau khi bán hàng cho người ta, lúc xe đổ dốc cầu Phú Mỹ một đoạn, qua ánh đèn xe qua lại anh thấy một nhóm người tụ tập. Cứ tưởng bọn trẻ đánh nhau gì đó, nhưng khi tới gần hơn anh thấy một cô gái đang nằm dưới đất, có mấy thanh niên tay cầm mã tấu vây quanh. “Tui chỉ kịp dừng xe cách một đoạn, kêu lớn nhằm doạ chúng: “Tụi bây làm gì đó?” Có một đứa trong nhóm trả lời: “Hỏi cái gì!”, rồi chạy tới phía tui”. Rất may cách đó không xa có một chốt dân phòng, anh liền chạy đến trình báo sự việc rồi lập tức quay lại hiện trường đuổi theo bọn cướp. Đuổi một đoạn đường dài thì mất dấu, anh quay lại xem cô gái có sao không. Lúc đó người tụ tập rất đông quanh cô gái bê bết máu do bị chém vào tay. Anh lập tức dìu cô gái lên xe, chở đến bệnh viện quận 2 trong tình trạng một tay lái xe, một tay vòng ra sau đỡ nạn nhân bởi cô gái đã ngất xỉu.

Trong lúc các bác sĩ sơ cứu, anh điện thoại về nhà kêu vợ mang tới 2 triệu đồng phòng khi phải đóng viện phí. Tiền chưa kịp mang đến thì các bác sĩ ở đây yêu cầu chuyển nạn nhân về Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Anh đề nghị được đi theo xe cấp cứu. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được yêu cầu chuyển tới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, anh lại theo xe: “Làm thủ tục cho cô gái ở phòng cấp cứu, nói tui là người dưng, thấy cổ bị cướp, thương tích nặng như vậy nên giúp, các bác sĩ không thu viện phí và chăm sóc tận tình. Sau khi cô gái tỉnh lại, tui chủ động liên lạc cho người nhà của cổ. Lúc họ tới thì tui mới an tâm đi về”. Khi đó là 4 giờ sáng…

Thông tin anh cung cấp cho cơ quan điều tra cùng đặc điểm nhận dạng 4 tên cướp đã góp phần giúp công an tóm gọn nghi phạm sau đó không lâu.

Ít ai biết đằng sau việc thiện anh làm, lại là nỗi lo của người vợ, dù cảm thông nghĩa cử của chồng. Đâu chỉ lo trong cái đêm anh theo xe cấp cứu từ bệnh viện này qua bệnh viện khác, còn nỗi sợ bị đồng bọn băng cướp trả thù – tâm lý bình thường của một người vợ toan lo nghèo khó với xe hàng rong cùng chồng nuôi hai con ăn học. Với vợ, anh cười xuề thuyết phục: “Cứu người thì tốt chứ không có sao đâu”. Với người bảo anh ôm rơm nặng bụng, anh cũng chỉ cười: “Hàng xóm giúp nhau có gì đâu mà kể công” (vì về sau này anh Nỡ mới biết cô gái mình cứu ở cách nhà không xa).

Vợ chồng anh vẫn đang quày quả mưu sinh, dồn tình thương và niềm kỳ vọng vào hai con. Mong ước của anh là công việc ổn định, để những dịp tết nhất như thế này sắm được đồ tết, mua đồ mới cho con.

Những việc làm của các anh đã được dư luận báo chí trong năm 2012 phản ánh nhiều. Bước qua những lời ngợi khen ấy, đến giờ điều gì còn đọng lại trong các anh khi nhớ lại việc thiện mình đã làm?

Đặng Văn Nỡ: Cứu giúp được người ta như vậy trong lòng tui cảm thấy vui. Hôm trực ở bệnh viện, cô gái nói với tui: “Chú là người đẻ ra cháu lần thứ hai, nếu không có chú thì chắc cháu không còn sống”. Nhưng tui cũng buồn. Lúc đuổi bọn cướp xong, tui quay lại xem tình hình như thế nào, nghĩ là ai đó đã chở cô gái vô bệnh viện rồi. Vậy mà thấy họ đứng coi đông lắm nhưng không ai chịu chở đi!

Rồi khi tui chở cô gái đi, ít ra phải có ai đó theo phụ đưa cổ vô bệnh viện, nhưng ai cũng dừng lại nhìn rồi đi. Có cả xe hơi đậu lại coi mà không chịu giúp. Thấy mấy chuyện bất bình như vậy mà ít ai ghé nên tui thấy buồn. Ở thành phố có nhiều người biết quan tâm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn thì chắc đỡ lắm.

Trương Trí Thiện(*): Chỉ đơn giản là mình có điều kiện thì giúp cho những người kém may mắn hơn để họ tự tin vào cuộc sống mà sống tốt hơn.

Hồ Công Danh(**): Hình như con người ngày càng ít tin tưởng nhau, nghi kỵ nhau hơn bởi từ khi em đưa chú Tùng từ Quảng Nam vào Bình Định chăm sóc, không ít người đã nghi ngờ những việc làm của em. Sau khi báo phản ánh, có một số người đến giúp đỡ hai chú cháu nhưng cũng từ đó có người nói gia đình em đang lợi dụng chú Tùng, khiến mẹ em rất buồn và bị đau đầu thời gian dài.

Cuộc sống của những nông dân ở quê vốn rất sợ dư luận. Nhưng đó chỉ là một số ít, còn đa số sau khi đọc báo đều nhắn tin chia sẻ về tinh thần và cũng có nhiều người giúp đỡ hai chú cháu về vật chất nữa. Với em, chỉ cần chú Tùng bớt đau đớn, khổ sở là thấy lòng mình đỡ ray rứt. Ngày mới đưa chú vào, em chỉ nghĩ rằng mình chăm sóc chú được ngày nào hay ngày đó, không ngờ càng ngày càng thấy gắn bó với chú.

Xã hội ngày càng nhiễu nhương, cái ác cái xấu ngày càng ngang nhiên lộng hành, cuộc sống ngày càng mất an toàn hơn, niềm tin người với người cũng dần hao khuyết… Theo các anh, có phải do con người ta đang sống ích kỷ, hẹp hòi và vô cảm hơn?

Trương Trí Thiện: Dù xã hội có phát triển đến đâu thì vẫn tồn tại nhiều loại người, hạng người khác nhau thôi. Trong đó có người tốt, kẻ xấu, người giàu, người hèn… Nhưng nếu con người biết sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa thì vẫn tốt đẹp hơn.

Hồ Công Danh: Em không nghĩ vậy đâu, có thể các bạn ấy sống trong sự đầy đủ, chưa tiếp xúc với những hoàn cảnh thương tâm nên lòng trắc ẩn chưa trỗi dậy. Đến một lúc nào đó, khi các bạn ấy tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh, số phận khốn cùng, những hình ảnh mà chỉ cần gặp một lần sẽ ám ảnh mãi mãi thì có thể các bạn ấy sẽ làm được những việc ý nghĩa hơn những việc em đang làm.

Đặng Văn Nỡ: Xã hội phức tạp thì phức tạp, nhưng thấy người ta bị cướp, sợ bọn cướp thì đã đành nhưng cô gái nằm lết đó mà không ai giúp thì kỳ quá. Thấy người ta máu me thế mà chỉ đứng nhìn thì tui không biết nói sao!

Thái độ bàng quan, không sẻ chia với cộng đồng ấy, theo các anh là do đâu? Làm sao để xã hội có nhiều hơn những việc làm nhân ái?

Hồ Công Danh: Lòng nhân ái không thể kêu gọi hay miễn cưỡng mà phải thật sự xuất phát từ tấm lòng, từ những việc làm chân tình, cụ thể của mỗi người. Khi thật sự cảm nhận cuộc sống, liệu mình có vui vẻ được không, có ăn ngon được không khi xung quanh còn nhiều cuộc đời bất hạnh, còn nhiều con người phải sống trong khốn khổ. Chính vì vậy, em nghĩ bố mẹ và những người lớn nên để cho các bạn trẻ có điều kiện tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn để các bạn ấy có sự cảm thông, chia sẻ. Một con người biết chia sẻ với nỗi đau của người khác thì con người ấy không thể làm tổn thương những người khác, xã hội sẽ tốt hơn, con người ít ích kỷ, bớt nghĩ về bản thân mình hơn.

Trương Trí Thiện: Tui nghĩ là nhiều người sợ phiền phức. Nhiều người nói tui nghĩa hiệp nhưng tui nghĩ đâu có gì là nghĩa hiệp, thấy cướp thì tôi tri hô, thấy người ta bị cướp, bị thương tích thì chở giúp họ vô bệnh viện. Cứu được người là tốt rồi.

Đặng Văn Nỡ: Tôi nghĩ khi con người ta sống có tình, có nghĩa với nhau thì họ sẵn lòng giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Để nhân rộng những nghĩa cử, những việc làm có ý nghĩa thì các phương tiện thông tin đại chúng cần mang những việc làm đó đi xa hơn. Chúng tôi chỉ làm từ thiện trong khả năng của mình, còn báo đài thì kêu gọi được lòng trắc ẩn của mọi người nên sẽ có nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ hơn.

Trọng Văn

—————–

 

(*) Hồ Công Danh, quê ở Quảng Nam, từ năm học lớp 10, đã tình nguyện chăm sóc người hàng xóm bị bại liệt toàn thân dù không phải là bà con họ hàng. Đến khi nhập học Trường ĐH Quy Nhơn, Danh đã đưa người hàng xóm này vào Quy Nhơn để tiện chăm sóc.

(**) Gia đình anh Trương Trí Thiện (ở ấp Tân Phong A, xã Hoà Thành, TP.Cà Mau) đã sẵn tự nguyện bỏ ra miếng đất có mặt tiền dài hơn 1.000m, sâu hơn 35m tại ấp Tân Trung, xã Hoà Thành, TP.Cà Mau (tổng diện tích gần 40.000m2; thời điểm hiện tại trị giá khoảng 4 tỉ đồng) để làm quỹ đất từ thiện, giúp đỡ những người dân trong vùng không có chỗ ở có chỗ xây nhà, ổn định cuộc sống.

——————–

Chàng trai nghèo 4 năm chăm sóc người hàng xóm bị bại liệt

(DT) – Không phải là bà con họ hàng nhưng hơn 4 năm qua, chàng trai quê Quảng Nam Hồ Công Danh tình nguyện chăm sóc người hàng xóm bị bại liệt toàn thân. Đến khi nhập học Trường ĐH Quy Nhơn, Danh đã đưa người hàng xóm này vào Quy Nhơn để tiện chăm sóc.

Em Hồ Công Danh (sinh năm 1993) quê ở thôn Phú Nam Đông, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hiện là tân sinh viên ngành Kỹ thuật điện, khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn.

Câu chuyện mới nghe tưởng như đùa lại là sự thật. Để xác minh thông tin, chúng tôi tìm về khu nhà trọ ở tổ 16, khu vực 3, phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn). Tại đây, chúng tôi gặp một chàng trai có khuôn mặt sáng sủa, hiền từ, phúc hậu, đó chính là em Hồ Công Danh. Còn người đàn ông bệnh tật đang nằm liệt giường là anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981), người ở cùng xóm của em Danh ở quê.

Đang chuẩn bị nấu cháo chuẩn bị bữa sáng cho anh Tùng, Danh vội nghỉ tay tâm sự: “Em đang nấu cháo cho chú Tùng, mấy bữa nay nhìn chú lại người, có da có thịt rồi đó, chứ mấy hôm trước mới từ quê vào do bệnh nặng lại phải đi xe ô tô nên nhìn chú thê thảm lắm, chỉ có da bọc xương”.

Qua trò chuyện với Danh, chúng tôi cũng mới biết về hoàn cảnh éo le mà anh Tùng gặp phải. Năm 2005, anh Tùng bị tai nạn bất ngờ vì té cây, chấn thương cột sống cổ, gãy đốt sống cổ, liệt tủy sống dẫn đến liệt toàn thân. Từ khi bị nạn, gia đình anh Tùng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Gần 7 năm qua, anh Tùng chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải có người khác giúp đỡ.

Từ năm 2008 (khi Danh đang học lớp 10), em thường xuyên qua lại nhà anh Tùng chơi trò chuyện, phụ giúp người nhà anh Tùng chăm sóc cho anh. Khoảng giữa năm 2011, khi cha mẹ anh Tùng đều qua đời, còn anh em ruột thì người bị bệnh tâm thần, người lập gia đình ở xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên để anh Tùng một mình. Kể từ đó, mọi sinh hoạt của anh Tùng từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều do Danh chăm sóc.

Khi được hỏi, xuất phát từ lý do nào mà em tự nguyện chăm sóc cho một người không phải là họ hàng thân thích lại bị bệnh bại liệt nặng, Danh tâm sự: “Nhà em ở gần nhà chú Tùng, lúc em đang học lớp 10 thì biết chú bị tai nạn nằm liệt giường, em thường qua chơi và xin bố mẹ ngủ lại trò chuyện để chú đỡ buồn. Đến khi bố mẹ chú ấy mất chẳng còn ai chăm sóc, em thấy thương nên xin bố mẹ qua nhà lo cơm nước, vệ sinh cá nhân cho chú. Thấy hoàn cảnh chú éo le nên cha mẹ em cũng đồng ý”.

Ngoài lúc chăm sóc anh Tùng, khi rảnh Danh tranh thủ học bài.

Khi học xong lớp 12, Danh thi vào Trường ĐH Quy Nhơn và đậu vào ngành Kỹ thuật điện, Khoa Kỹ thuật công nghệ. Ngày nhận giấy báo đại học, Danh lại suy nghĩ không biết làm thế nào để vừa học mà vừa chăm sóc được anh Tùng. Nghĩ đi nghĩ lại, Danh quyết định xin cha, mẹ được phép đưa anh Tùng vào Quy Nhơn để vừa học, vừa chăm sóc.

Danh chia sẻ: “Biết em có ý định đưa chú Tùng vào Quy Nhơn chăm sóc, cha mẹ không vui lắm vì sợ bất tiện và ảnh hưởng tới công việc học tập nhưng cha mẹ cũng rất hiểu hoàn cảnh éo le của chú Tùng nên đồng ý. Khi đó em nghĩ nếu để chú ở Quảng Nam thì sẽ không có ai chăm sóc. Thôi thì đưa chú vào Quy Nhơn để em vừa đi học, vừa chăm sóc với mong muốn chú sống được ngày nào hay ngày đó”.

Nằm liệt trên chiếc giường che kê tạm bợ, anh Tùng giọng nghẹn nói: “Nếu không có cháu Danh chăm lo từ cái ăn đến vệ sinh thì tôi đã chết lâu rồi. Khi Danh nói đậu đại học và sẽ đưa tôi vào Quy Nhơn vừa học, vừa chăm sóc, lúc đó tôi không muốn là gánh nặng và ảnh hưởng đến học tập của Danh. Tôi đã tuyệt thực 7 ngày không ăn uống để chết đi cho xong bởi có sống cũng vô ích”.

Bà Trương Thị Cậy (58 tuổi) – chủ nhà trọ – cho biết: “Quả thật khi cháu Danh đưa anh Tùng đến xin ở trọ, mới nhìn tôi cũng rất sợ vì thấy người bị liệt toàn thân, da bọc xương, sợ ảnh hưởng tới những phòng trọ khác nên mình cũng hơi ngại. Nhưng khi nghe cháu Danh trình bày hoàn cảnh mình thấy cháu chỉ là người dưng nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, khi đó nhìn cháu đáng thương nên để cháu ở trọ và giảm một phần nào tiền phòng để giúp cháu chăm sóc anh Tùng”.

Không bà con thân thích nhưng việc làm của em Hồ Công Danh thật đáng khâm phục và trân trọng. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của Danh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải vừa học tập, vừa lo chăm sóc cho một người bị liệt toàn thân.

Doãn Công

Nguồn: emty

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment