Một bạn trẻ gửi đến câu hỏi: “Thưa cha, con đọc Kinh Thánh trên một trang mạng Công giáo thì nói “bị bỏ lại”, nhưng hôm nay con đi lễ thì lại nghe cha đọc là “được bỏ lại”. Vậy “bị bỏ lại” và “được bỏ lại” khác nhau thế nào? Nhờ cha giải thích cho con. Con cám ơn cha.”
***+****
Cho đến nay ở Việt Nam có hai bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt được xem là có giá trị nhất. Đó là bản dịch Kinh Thánh Trọn Bộ của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn (NTT), Dòng Chúa Cứu Thế và bản dịch Kinh Thánh Trọn Bộ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (PVGK). Tuy nhiên, khi so sánh giữa hai bản dịch giá trị này, chúng ta sẽ thấy có những điểm dịch thuật khác nhau đáng kể.
Câu hỏi bạn trẻ gửi đến cho tôi cụ thể là ở đoạn Tin Mừng Luca 17,26-37 và câu hỏi này liên quan đến cách giải thích và cách hiểu thần học khác nhau về bản văn Kinh Thánh, do đó, có cách dịch khác nhau. [Nếu cha xứ của bạn đọc bản dịch của Ủy Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì còn nhiều điểm dị biệt nữa! Ở đây tôi không có sẵn bản dịch này].
BẢN VĂN TIN MỪNG LUCA 17,34-36
Nhóm PVGK dịch thế này: “Thầy [Đức Giêsu] nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” (Lc 17,34-36).
Bản dịch của Cha NTT: “Ta [Đức Giêsu] bảo các ngươi: Ðêm ấy, hai người có trên một giường, thì một sẽ bị đem đi, và người kia sẽ được bỏ lại. Hai bà xay bột cùng một chỗ, thì một sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được bỏ lại. [“Hai người cùng trong một thửa ruộng, thì một sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được bỏ lại.”] (Lc 17,34-36).
ĐỘNG TỪ TIẾNG HYLẠP VÀ CÁC BẢN DỊCH
Vậy phải hiểu thế nào về sự khác biệt này: “một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” (PVGK) và: “một sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được bỏ lại” (NTT)?
Trong bản văn gốc tiếng Hylạp, động từ “sẽ bị/được đem đi” là παραλημφθήσεται (paralēmphthēsetai) bởi động từ παραλαμβάνω (paralambanó) có nghĩa là “lấy từ, nhận từ”. paralēmphthēsetai là cách chia động từ ở thời tương lai, thụ động, ngôi thứ ba, số ít (tiếng Anh hiểu là: it will be taken). Động từ “sẽ bị/được bỏ lại” là ἀφεθήσεται (aphethēsetai) bởi động từ ἀφίημι (aphiémi) có nghĩa là “nhượng lại, bỏ lại”. aphethēsetai là cách chia động từ ở thời tương lai, thụ động, ngôi thứ ba, số ít (tiếng Anh hiểu là: it will be left).
Trong những bản dịch sang các sinh ngữ Tây phương thì vẫn giữ nguyên được sắc thái của động từ, nghĩa là động từ chia ở thời tương lai, dạng thụ động. Chẳng hạn tiếng Anh: “One will be taken and the other left [will be left]; tiếng Ý: l’uno sarà portato via e l’altro lasciato [sarà lasciato]; tiếng Đức: Der eine wird mitgenommen und der andere zurückgelassen [wird zurückgelassen]. Lợi thế của các ngôn ngữ Tây phương là để ngỏ cho người đọc tự hiểu nghĩa và sắc thái của động từ ở dạng thụ động mang tính tích cực hay tiêu cực, nghĩa là “ai là người được/ ai là người bị”.
Tiếng Việt mình thì không có được lợi thế này. Khi dịch một bản văn tiếng nước ngoài, cụ thể là bản văn Kinh Thánh đây, người dịch hay Nhóm dịch phải quyết định cách hiểu của mình rồi mới chuyển ra ngữ nghĩa tiếng Việt. Liên quan đến dạng thụ động của động từ, tiếng Việt có hai cách để diễn tả. Một mang tính tích cực: ĐƯỢC; và một mang tính tiêu cực: BỊ. Chẳng hạn chúng ta nói: chúng ta ĐƯỢC cứu độ, chứ chúng ta không nói chúng ta BỊ cứu độ! Hoặc: BỊ bệnh, chứ không ai nói ĐƯỢC bệnh cả! [;))].
Như vậy, cách dịch của Nhóm PVGK: người “bị bỏ lại” là hiểu theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là người KHÔNG được [cứu độ]; người “được đem đi”là người ĐƯỢC [cứu]. Còn cách dịch của Cha NTT: người “được bỏ lại” là hiểu theo nghĩa tích cực, tức là người ĐƯỢC [cứu độ]; ngược lại, người “bị đem đi” là người KHÔNG được [cứu]. Thế thì ai được cứu độ đây?
HAI TRƯỜNG PHÁI GIẢI THÍCH BẢN VĂN
Thật ra hai cách hiểu và dịch này có lẽ là theo hai trường phái giải thích bản văn khác nhau. Có thể Nhóm PVGK hiểu và dịch theo cách giải thích của thánh Giáo phụ Ambrôsiô, Giám mục thành Milan (khoảng năm 333-397). Thánh Ambrôsiô giải thích rằng “người được đem đi” tức là những kẻ tin, còn “người bị bỏ lại” tức là những kẻ không tin. Vào Ngày Quang Lâm, những kẻ tin “sẽ được đem đi” cùng với Đức Kitô trong vinh quang; còn những kẻ không tin “sẽ bị bỏ lại” trong sự hư mất. Mặt khác, cách hiểu của Nhóm PVGK cũng dựa vào chính lời Chúa Giêsu ở Luca 17,29 nhắc đến trường hợp ông Lót: “Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Sôđôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả”. Câu chuyện về bà vợ ông Lót bị hóa thành tượng muối được thuật lại ở Sách Sáng thế 19,1-26. Đang khi cả gia đình ông Lót được Thiên Chúa dẫn ra khỏi thành Sôđôm thì bà vợ ông Lót ngoái lại đằng sau và ngay lập tức bà bị hóa thành cột muối và bà “bị bỏ lại”, còn ông Lót và hai người con gái của ông “được đem đi” khỏi thành đến nơi bình yên!
Cha Nguyễn Thế Thuấn có lẽ hiểu và dịch theo cách giải thích của thánh Giáo phụ Cyrilô thành Alexandria, một nhà chú giải Kinh Thánh lỗi lạc (khoảng năm 375-444). Giáo phụ Cyrilô giải thích trực tiếp câu 34 rằng bởi vì hai người cùng trên một giường là ý muốn nói đến sự nghỉ ngơi và dư giả. Điều này giả thiết là họ rất giàu có và quá bận tâm đến những hưởng thụ trần gian. Và chiếc giường là biểu tượng cho sự hưởng thụ, sự thư giãn và nghỉ ngơi. Vậy người tưởng mình đang được an toàn trong sự giàu sang và nhiều niềm vui hưởng thụ, thì lại là người bị giựt ra khỏi đó, “bị đem đi” khỏi sự an toàn thuộc về tính trần gian này. Hơn nữa, ở Luca 19,11-27, trong dụ ngôn về nén bạc, tức là nói đến những người biết sinh lợi trong mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giêsu nói: “Ta bảo các ngươi: phàm ai có, sẽ được cho thêm; còn tự tay kẻ không có, thì điều nó có cũng bị giựt mất” (Lc 19,26).
ĐÚNG/ĐÚNG HƠN
Vậy thì cách hiểu nào đúng hơn, “bị bỏ lại” hay “được bỏ lại”?
Có lẽ vấn đề quan trọng ở đây không phải là cách hiểu nào đúng, cách hiểu nào không đúng cho bằng thái độ và lối sống của người tin khi đối diện với sứ điệp Tin Mừng. LỜI CHÚA luôn luôn là sứ điệp mở ngỏ, mời gọi con người đến một chân trời mới của ơn cứu độ. Trên bước đường đáp theo lời mời gọi này mà vẫn còn mải mê ngoái lại đằng sau thì ta “sẽ bị bỏ lại”. Trên bước đường đáp lại lời mời gọi này nhưng vẫn cứ mải mê cậy dựa vào những đảm bảo trần gian thì ta “sẽ bị đem đi”, ngay cả những thứ mà ta tưởng là vững bền.
TÍNH SẴN SÀNG
Ngày nay cách chú giải và hiểu đoạn Kinh Thánh này không còn quá chú trọng đến vấn đề “kẻ ở người đi”, nghĩa là cố gắng nhận diện xem ai là người được cứu độ và ai là người bị luận phạt. Lối hiểu gần đây về bản văn Kinh Thánh này nhấn mạnh đến tính “đột xuất” của Ngày Đức Kitô Quang Lâm.
Cuộc Quang Lâm có thể xảy đến cho mỗi cá nhân, tức là cái chết đột ngột của một người hoặc Cuộc Quang Lâm xảy đến cho toàn thể nhân loại. Tính chất “đột xuất” này tiềm ẩn một khả năng chia cắt hãi hùng và bất ngờ như thể hai người đang cùng hoạt động, tức khắc một người ra đi một người ở lại. Cũng như thời ông Noê hay thời ông Lót: thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mua bán, trồng trọt, xây cất… thì đột nhiên nạn hồng thủy ập tới, đột nhiên mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả (x. Lc 17,26-29). Ngày Quang Lâm cũng xảy ra như vậy (Lc 17,30).
Một khi đã đón nhận Tin Mừng Đức Kitô, người tín hữu được mời gọi luôn sẵn sàng như thể đang sống trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ngay tự bây giờ! “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17,33).
Chúc các bạn trẻ và mọi người cảm được nguồn bình an trong Đức Giêsu Kitô!
Vincent Maria Phạm Cao Quý, CSsR.
Trung Tâm Mục Vụ DCCT