Thưa cha vợ chồng con có 7 người con: 3 trai, 4 gái. Tất cả đã trưởng thành. Con lo âu phiền não nhất về đứa con gái út. Ngay từ thuở nhỏ, tính tình, cách ăn mặc, và mọi sinh hoạt của nó giống hệt một đứa con trai. Con nghĩ rằng khi lớn nó sẽ thay đổi. Nhưng trái lại càng lớn lại càng trầm trọng, cho đến khi nó đòi bỏ nhà đi với một người như nó. Con chợt giật mình vì biết con mình không bình thường như những con gái khác. Con cố gắng khuyên dạy nó, nhưng nó không chịu nghe, còn nói rằng có thiếu gì đứa như vậy, đâu phải một mình nó.
Trong lúc bối rối, vợ chồng con và con gái út được sang Mỹ đoàn tụ với con thứ. Con hy vọng đây là cách giúp nó thay đổi con đường khác. Nhưng con thật sự đã lầm vì đất nước này quá tự do. Con không biết làm sao hơn là đêm ngày khấn xin Chúa và Mẹ soi lòng cho nó đi đúng đường, đừng sống ngụp lặn trong tội lỗi nữa. Anh của nó thường nói bệnh Aids thường truyền nhiễm qua sự chung chạ của đồng phái gây nên, phải coi chừng trong sự giao tiếp. Kết quả là nó cho rằng anh là người khó khăn.
Gần đây nó lại đánh tiếng rằng sắp sửa bỏ đi theo tiếng gọi của con tim, chưa biết lúc nào. Con hồi hộp sống trong lo âu vì biết con mình không sống đúng như lề luật của giới răn Chúa. Hơn nữa con biết vậy, nhưng không cản được. Thưa cha con phải làm gì bây giờ, vì con là người mẹ thất bại, không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người mẹ với con của mình Có phải Chúa đã sắp đặt hết không? Nhiều lúc thấy nó cũng thật tội nghiệp vì đâu phải nó tự tạo ra được đâu. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh”. Xin Cha giúp con để tâm hồn được thanh thản và bớt đi những lo âu phiền não, vì đã không làm tròn bổn phận của người mẹ, mà năm nay đã ngoài 70 tuổi. Kính cha vạn an. (Người mẹ khổ đau miền Ðông Bắc)
Kính thăm bà,
Xin thành thực thông cảm nỗi khổ của bà. Những lo âu phiền não của một bà mẹ thực lớn lao xâu xé giữa tình yêu thương dành cho cô út và quan tâm giữ luật Chúa. Không chỉ bà ngây thơ hy vọng lớn lên nó sẽ đổi vì đây là vấn đề nhức nhối mà cả các bác sĩ, tiến sĩ chuyên trị cũng phải thú nhận, “Sự phát sinh về tâm thần của nó vẫn còn nhiều điểm chưa lý giải được.” Trong lúc buồn bã này bà vẩn vơ ước mong “nếu như ngay từ nhỏ biết ngăn cản thì đâu xảy ra chuyện như hôm nay.” Mơ ước vẩn vơ cũng chẳng được gì. Ðó là chuyện quá khứ. Nếu có gì sai trái, chúng ta xin lỗi Chúa. Lợi dụng lầm lẫn quá khứ bao nhiêu có thể như hạ mình xuống vì lầm lỗi, như kính trọng người khác khi thấy họ lầm lẫn. Ngay cả với cô út, bà hãy tiếp tục yêu thương mà không đồng lõa với tội lỗi để bày tỏ cho cô thấy bà yêu thương cô và tiếp tục yêu thương cô. Chính vì yêu thương cô bà đã lạc quan tin rằng cô sẽ đổi khi lớn lên rồi chính vì yêu thương bà tin rằng sang Mỹ cô sẽ đổi tốt hơn dù bà biết con bà.
Tôi mạn bàn câu cô út trả lời bà “có thiếu gì đứa như vậy, đâu phải một mình nó.” Tôi không biết cô học ở đâu câu biện minh này. Có thể chúng ta quá chú ý đến danh gía gia đình hay cá nhân đôi lần nhưng thừơng cô học được ngoài xã hội. Một xã hội ai cũng đòi tự do nhưng khi được tự do chọn lựa người ta dựa vào người khác. Nhưng câu này chả biện minh gì hết chỉ chứng tỏ cô còn con nít: chưa trưởng thành để dám nhận trách nhiệm về hành động của mình. Nếu tất cả mọi người điên, chúng ta cũng không nên điên chút nào (dù gỉa hay thật).
Phải, bà “nhiều lúc thấy nó cũng thật tội nghiệp vì đâu phải nó tự tạo ra được đâu. Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh”. Sách Giáo Lý 92 đồng ý với bà khi ghi nhận,
“Một con số không nhỏ những đàn ông và phụ nữ cho thấy có những khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu xa. Họ đã không chọn lấy thân phận đồng tính luyến ái của họ đối với đa số trong bọn họ, đây là một thử thách. . . … (2358)”
Một thử thách, một đau khổ cho thân phận của họ.
Bà thừa biết cô út cũng rất khổ đau về con người của cô. Chúng ta nên phân biệt giữa khuynh hướng và hành xử đồng tính luyến aí. Do tội nguyên tổ, nhiều thích thú đến do tội lỗi và mê hoặc chúng ta phạm tội. Ðó là những tà dục. Chúng dụ chúng ta làm những chuyện trái phép như ăn uống quá độ, tham của quá độ. Khuynh chiều chưa phải là tội nhưng hành động theo khuynh hướng này. Một người có vợ chồng con cái rồi nhưng thấy hấp dẫn với người khác. Họ chưa có tội lỗi gì nhưng hành động theo hấp dẫn ấy lại là chuyện khác. Kinh nghiệm cho thấy, và không cần hẳn Mặc Khải cũng thấy, thấy hành vi phái tính ngoài hôn nhân gây tổn thương cho mình và người khác. Mặc dù chúng ta phải ghét tội nhưng với con người chúng ta phải kính trọng và thông cảm như Giáo lý nhắc nhở, “:Họ phải được người ta đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Người ta phải tránh tất cả những dấu hiệu của sự kỳ thị bất công đối với họ” (2358). Nhìn nhận những đau khổ, khó khăn của những người như cô út, Giáo Hội muốn cô coi đau khổ thách đố để vượt qua, ” Những người này được gọi thực thi ý Chúa trong đời sống của họ, và nếu họ là những Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp với hy sinh Thập giá của Chúa những khó khăn mà họ gặp phải trong thân phận của họ” (2358).
Cô nên tạo những tình bạn trong sạch, bền vững cả với người đồng tính hay dị tính vì “nhu cầu sâu xa hơn của con người là tình bạn chứ không phải biểu lộ tính dục.” Dĩ nhiên tình bạn với người như cô có thể được nhưng đề phòng khi đi quá giới hạn.
Uỷ Ban Mục Vụ GM Hoa kỳ cho rằng người đồng tính có thể sống trong sạch giữa đời với sự linh hướng thường xuyên gồm cả cầu nguyện, nhận lãnh Bí tích, vài việc Bác Ái cụ thể và ít là một tình bạn bền vững. Tại New York, một nhóm đồng tính “Courage” họp nhau hằng tuần để thi hành chương trình này. Họ nhìn nhận một mình họ quá yếu đuối nhưng họ tin có thể sống đạo, sống đời tốt đẹp với sự nâng đỡ, khích lệ của nhóm và ơn Chúa xuống qua nhóm. Họ tin rằng tình bạn trong sạch không những là có thể mà còn cần thiết cho đời độc thân của kẻ có đạo. Chương trình tương tự 12 bước của phong trào cai rượu AA (Alcohol Anonymous). Cai rượu không phải là không bạn bè nhưng là không rượu. Cô út cần có bạn bè nhưng bỏ hoạt động tính dục đi. Sách Giáo Lý cũng dạy,
“Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi giữ sự khiết tịnh. Nhờ những nhân đức của sự tự làm chủ được mình, tức những nhân đức giáo dục cho tự do nội tâm, và đôi khi nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi, nhờ lời cầu nguyện và ân sủng các bí tích, họ có thể và phải dần dần và cương quyết tới gần sự trọn hảo Kitô giáo.” (2359).
Lm. Francis Lương Minh Tri,CMC
Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ