Con Rất Dễ Fall In Love

Kính thưa cha, con nay đã 25 tuổi đời, có vị hôn phu. Anh rất hiền, có kiến thức, thương con nhiều và con cũng thương anh lắm. Hai đứa con dự định cưới nhau trong thời gian gần. Xem ra dự tính của chúng con rất OK, nhưng cha ơi khổ cho con một nỗi, con không hiểu tại sao con lại rất dễ fall in love, dễ rơi vào cảm tình với những người con trai dễ mến. Tại sao vậy cha? Con biết đây là điều không tốt, không xứng đáng; không nên lẳng lơ đứng núi này trông núi nọ. Đó là điều không trong sạch, tội trọng. Sống thì tội lỗi, chết về hoả ngục; con biết và hiểu tất cả nhưng cha ơi con không điều khiển được con tim của con. Con phải làm sao bây giờ? Con cảm thấy bất công đối với bạn con, và thấy chán ghét bản thân con. Đôi lúc con bật khóc lên. Có phải con cần đi gặp bác sĩ tâm lý không cha? Con có phải là người con gái bị vấn đề không bình thường? Con phải làm sao để ra khỏi vòng lẩn quẩn non-sense này. Xin cha hãy dạy con. Con nhất định sẽ nghe và làm theo no matter what. Cám ơn cha. (Không Tên)

“Cô” Không Tên thân mến,
Trước tiên, xin chúc mừng cô Không Tên (KT) đã gặp được người có đức, có tài, có lòng thương cô nữa chứ. Nhưng đúng là con tim có lý lẽ mà “hổng” sao hiểu nổi. Tại sao vậy đa?

Biết phải, biết trái, khổ vì làm trái, không muốn làm trái, không thích làm trái mà sao cứ làm trái? Ở trường hợp này, trên lý thuyết người ta vẫn còn tự do nhưng thực tế còn rất ít; người ta gần như bị bó buộc trong trường hợp như thế. Thường sự cưỡng ép trong hành động (compulsory) xảy ra sau những ám ảnh trong tâm tưởng (obsessive). Tại Mỹ trong thập niên vừa qua, các bác sĩ như Carnes, Weiss, Earle và Griffin-Shelley đã đóng góp cho việc phục hồi cái mà họ gọi là mê nghiện tình dục và tình yêu (sex and love addict) hay vắn tắt là mê nghiện tình dục (sex addict). Hiện các bác sĩ trên viết khá nhiều sách. KT có thể đọc các sách này hay xem trên lưới điện www.sexaddict.com của bác sĩ Weiss. Bác sĩ Carnes điều trị bệnh lệch lạc tính dục tại trung tâm The Meadows ở Wickenburg, Arizona. Bs Weiss làm việc tại Heart to Heart C.C. ở Fort Worth, TX. Theo các chuyên viên này, bệnh này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Khoảng 6 – 8% người Mỹ mang bệnh này, nghĩa là vào khoảng từ 16 đến 20 triệu người. KT có thể thấy một số bà có chồng có con “như gông đeo cổ” nhưng còn muốn “chòng chành như nón không quai, như thuyền không lái” chút chơi. Tương tự nhiều ông dớ dẩn với nhiều tình lẻ “anh anh” “em em”, nhiều nghĩa “muội muội” “huynh huynh.” Thực tại vấn đề họ bị bệnh! Thế nào là bình thường? Nếu bình thường là tốt lành của con người thì chỉ có Chúa Giêsu bình thường và Chúa làm cho Đức Mẹ và các thánh nên bình thường còn tất cả chúng ta ai bình thường? KT thấy đó ở Mỹ có khoảng 20 triệu người! Dù tính dục và có lẽ cả mê nghiện này cổ như trái đất nhưng chỉ trong những năm cuối của thế kỷ vừa qua mới có người nhìn nhận như một chứng bệnh. Nếu có một bác sĩ tâm lý chuyên về loại nghiện này giải thích vấn đề cho KT là điều quá hay nhưng không biết tại địa phương KT có ai chuyên trị đặc biệt này. Ngoài ra điều tệ hại là khỏang 10% các người bệnh này gặp bác sĩ tâm lý lại bị lộn xộn với bác sĩ tâm lý. Một số chuyên trị như Bs. Weiss cũng nhận gặp qua điện thoại nhưng chắc không bằng gặp trực tiếp.

Bác sĩ Weiss hãnh diện ông được giải thoát khỏi mê nghiện này và ông tiếp tục giúp cho nhiều người được tự do. Theo ông, nguyên nhân đưa đến thói này phức tạp có thể ở nhiều khía cạnh khác nhau nơi sinh học, tâm lý, tinh thần. Việc chữa trị sẽ khác nhau ít nhiều tùy nguyên nhân chính. Theo Bs. Weiss, nguyên nhân sinh học có thể là tại não óc. Endorphins và enkephalins là hai hóa chất cần cho não óc được cơ thể cung cấp bằng nhiều cách khác nhau như khi hoạt động thể thao, nghệ thuật hay liên hệ thân mật. Trong thí nghiệm phản ứng có điều kiện, Pavlov đã cho con chó ăn mỗi khi rung chuông. Sau này, chỉ rung chuông mà không cho ăn, dịch vị trong dạ dày con chó đã tiết ra. Tương tự mê nghiện do sinh học là khi não óc quá quen nhận hóa chất này dùng hoang tưởng về thân mật. Vì liên kết đó, với óc não, không có gì khác biệt giữa endorphin và việc quen thuộc đó. Trong cuốn She has a Secret, Weiss đề nghị phương pháp tiêu cực để óc não liên kết những hành động đó với đau buồn. Vài đề nghị xem ngớ ngẩn với người ngoài như đeo dây thung ở cổ tay, mỗi khi có tư tưởng không thích đáng Đổi ngược dây thung để Đổi ngược nhắc nhớ những hành động đó liên hệ đến Đau buồn . Ông cũng đề nghị người mê nghiện viết một lá thư về những gì cảm thấy sau khi hành động, trong thư ghi nhận tất cả cảm giác tội lỗi, cô đơn, thất vọng, tủi hổ, thẹn thuồng, và thấy chán ghét chính mình, đau đớn mà chúng ta cảm thấy. Chọn hoàn cảnh thê thảm nhất và viết vào trong thư. Bây giờ hãy nói to tiếng một trong những ý tưởng lôi kéo ta làm những chuyện đáng tiếc, chẳng hạn, “Chỉ một lần này nữa rồi thôi!” Sau khi nói lời đó, đọc lại lá thư. Lặp lại như thế lần nữa và mỗi ngày vài lần trong ít là một tuần.

Tâm lý học cho biết khi không được thỏa mãn ở tuổi thơ, bị từ chối bị hất hủi, đứa trẻ đối phó bằng cách tìm chôn vùi cảm thức buồn tủi đó cho quên đi những buồn tủi. Nhưng cuộc đời đâu có dễ như vậy! Khi chôn vùi cảm thức, rắc rối cuộc đời nên phức tạp hơn, tệ hại hơn. Trường hợp khá cổ điển hay được trưng dẫn một bé gái nọ cần sự vỗ về nên hễ ba đi làm về cứ quấn quít bên ba nhưng vì bận nên ba em đuổi đi, “Đừng có nhõng nhẽo! ba đánh cho bây giờ!” Em rất thèm muốn nhưng sợ ba la nên đành chịu vậy. Lớn lên, nỗi thèm muốn kia vốn nằm trong vô thức điều hành cuộc sống của cô gái mới lớn. Nó làm cô sà vào bất cứ vòng tay nào hé mở!

Bs. Carnes nói về đau khổ như nguyên nhân khởi đầu của mê nghiện. Những đau buồn này đẩy đưa người mê nghiện khởi đầu cho một vòng nô lệ không lối thoát. Những đau buồn thường là một bất an tình cảm, một khó chịu (emotion discomfort) một xung đột chưa giải quyết (unresolved conflict), sự căng thẳng  (stress) và nỗi đơn côi (a need to connect). Khi KT bị cảm sốt, KT lấy dầu cù là ra thoa bóp, cạo gió và KT hết cảm cúm! Những đau buồn là cảm sốt về tâm lý! Nên người ta nghĩ nên dùng và phải  dùng các loại dầu cù là. Qua kinh nghiệm mỗi người có loại dầu riêng cho con bệnh đau buồn. Từ tấm bé, khi chưa học phân biệt các cảm tình, người mê nghiện thử và thấy dễ chịu. Từ đó, bất cứ khó chịu nào cũng được dùng thứ này như dầu cù là cho tạm thời êm dịu. Điều không may là có người dùng dục tính như thứ dầu cù là. Khi đó, người mê nghiện dùng hoang tưởng để sống tách khỏi thực tại đau buồn.

Một trong những thực tập Weiss đề nghị khi nguyên nhân tâm lý là viết thư cám ơn và từ biệt. Trong thư cám ơn mê nghiện đã làm cho ta từ thiếu thời mãi cho tới nay: nó thường giữ ta khỏi mang trách nhiệm; nó biện hộ cho ta cắt đứt nhiều liên hệ và làm cho ta cảm thấy uy quyền kiểm soát và thành công.  Tiếp theo là viết thơ từ giã mê nghiện với cả thế giới hoang tưởng.

Điều chắc chắn là mê nghiện có yếu tố tâm linh trong đó. Chúa dựng nên con người với một khoảng trống mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy. Người mê nghiện vì lý do tâm linh là người muốn lấp đầy khoảng trống đó bằng sự thân mật thể lý vì không biết Chúa hay không biết Chúa như nguồn yêu thương…

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nonsene này, KT phải tìm được ý nghĩa cuộc sống ở ngay phần tâm linh con người.  KT thấy mình khổ đau vì sao lại làm chuyện biết sẽ hại chính mình.  Không chỉ mình KT như vậy đâu! Chắc KT có đọc, suy nghĩ và cầu nguyện với Thánh Kinh rồi? Nếu thế, KT có thể hiểu phần nào tâm tình tương tự nơi thánh Phaolô! Thánh Phaolô cũng phải kêu, “Tôi không hiểu nổi hành động của tôi. Tôi không làm điều tôi muốn mà lại làm điều tôi ghét” (Rm 7:15). KT thân mến, ý chí con người tạo nên nhiều thành công rạng rỡ nhưng trong nhiều trường hợp ý chí mà thôi thì chưa đủ. Chỉ ý chí mà thôi thì chưa đủ bởi vì tội lỗi, tội nguyên tổ và tội mỗi người, đã làm ý chí ra yếu đuối. Thánh Phaolô tự hỏi,

“Ai sẽ cứu chúng ta? Tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi. Tôi là con người vô phúc, ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thế, chính tôi lấy tâm thần mà phục vụ lề luật Thiên Chúa; còn về xác thịt, thì vâng phục lề luật của sự tội.” (Rm 7, 18-25)

Phải, Chúa Kitô đã giải thoát thánh Phaolô được tự do. Ngài tìm được sự tự do nơi Chúa Kitô. KT cũng được sự tự do nơi Chúa. Vậy điều trước tiên là KT phải nhớ cầu nguyện nhá. Vừa thức dậy mỗi ngày, dâng mình cho Chúa Đức Mẹ. Xin Chúa giải thoát cho khỏi ách tội lỗi. Với ý thức Chúa bên cạnh, KT sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Bs. Weiss đề nghị chữa trị ban đầu gồm 5 việc:

1) Cầu nguyện ban sáng 2) Đọc Sách: hàng ngày đọc một ít tài liệu về chữa trị (Xem một số sách trên lưới sexaddicts.com)  3) tham dự nhóm cai nghiện 4) Điện thoại với vài người bạn cũng đang cai nghiện 5) Cầu nguyện ban tối để có thói quen cầu nguyện vì cai nghiện này nặng hơn về tâm linh hơn cai nghiện các loại khác. Đời cầu nguyện đòi hỏi một cương quyết nghiêm trọng. Một lòng tôn sùng với Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ là điều kiện cần cho đời sống trong sạch dù độc thân hay lập gia đình. Cha Groeschel nêu kinh nghiệm dành một giờ hằng ngày trước Thánh Thể với một người Tin Lành mê nghiện tính dục.  Ông ngờ ngợ nhưng cũng xin thử. Ông dành giờ hằng ngày đến nhà thờ Công giáo, Ông không những tìm được sức mạnh chống cám dỗ mà mặc cảm tội lỗi cũng như chán ghét bản thân mình bắt đầu tiêu tan. Tôi vừa dự một ít giờ “evaluation” của một số chủng sinh chúng tôi tại một chủng viện. Thú thật, tôi ra về với nhiều lo lắng. Vì bản câu hỏi gợi ý không đề cập đến gương mù lạm dụng tính dục của một số linh mục Mỹ, chỉ có vài chủng sinh đề cập đến chuyện này. Chẳng hạn có người nói: đứng trước gương mù này, tôi quyết tâm nắm giữ giới hạn (boundary). “Trời đất!” tôi phải kêu lên, “Bộ các linh mục ấy không biết ‘boundary’ hay không quyết tâm giữ ‘boundary’ sao?” Tôi nghĩ họ biết và có lẽ còn quyết tâm hơn các chủng sinh này! Nhưng tôi nghĩ họ phá rào vì ít lòng sùng mộ và chầu Thánh Thể!

Việc làm số 3 và số 4 còn giúp tránh những người con … ” dễ mến,” không gặp riêng, không nói điện thoại để “bớt” “dễ fall in love, dễ rơi vào cảm tình”. Về việc tham dự nhóm giúp cai nghiện, trong ít số báo gần đây, tôi đề cập đến phương pháp tâm lý thực nghiệm của 12 bước giúp cai chừa nghiện rượu. Một trăm người cai chừa thành công đầu tiên đã nhìn lại con đường đã đi qua và đúc kết thành 12 bước cai chừa ấy. Mười hai bước cai chừa này đã giúp cả trăm ngàn người Mỹ nghiện rượu thoát ách nô lệ của rượu qua các nhóm AA trên các thành phố nước Mỹ. Ngày nay chúng được áp dụng trên nhiều thứ mê nghiện khác.

Trong khi các nhóm nghiện rượu (Alcohollics Anonynous), nghiện ma túy (Narcotics Anonymous), mê bài bạc (Gambling Anonymous) áp dụng 12 bước khá đồng nhất,  các nhóm về nghiện tình dục lại thay đổi theo miền hay theo nhóm.  Nhóm Courage của cha Benedict chuyên hơn cho các người đồng tính luyến ái. Người ta thấy ít là ba nhóm phổ thông hơn Sex Addicts Anonynous, Sexaholics Anonymous, và Sex and Love Addicts Anonymous dù tất cả đều áp dụng phương pháp 12 bước. KT thử tìm địa chỉ các nhóm tại địa phương và tìm nhóm thích hợp. Trong trường hợp chỉ có một nhóm nên không còn chọn lựa. Có lẽ nên tham dự. Dù mỗi người nghiện một thứ khác nhau, nhưng trong khi can đảm thành thật chia sẻ, họ sẽ giúp chúng ta chia sẻ “nỗi đau đớn, nỗi buồn tủi, tội lỗi và kinh hãi” của kiếp sống mê nghiện. Một trăm người chừa được rượu đầu tiên đã nhìn nhận bước đường cai chừa như sau:

– Bước 1: Chúng tôi đã nhìn nhận chúng tôi bất lực với tật mê nghiện — đời chúng tôi đã nên bệ rạc không sao “quản lý” nổi nữa.

– Bước 2: Đã tin nhận ra cần một Quyền Năng lớn hơn từ trên có thể làm cho chúng tôi lành mạnh trở lại.

– Bước 3: Đã quyết định trao phó ý chí và đời mình cho sự săn sóc của Ông Trời như chúng tôi hiểu.

– Bước 4: Đã làm kiểm kê cách thẳng thắn luân lý đạo đức của chúng tôi.

– Bước 5: Đã nhìn nhận với Trời, với chính mình và người khác bản chất đích thực của những lỗi lầm của chúng tôi.

– Bước 6: Đã hoàn toàn sẵn sàng để Ông Trời cất bỏ mọi khiếm khuyết này.

– Bước 7: Đã khiêm tốn xin Trời tháo gỡ những khuyết điểm của chúng tôi.

– Bước 8: Đã liệt kê tên mọi người chúng tôi đã làm hại, và muốn đền bù lại tất cả .

– Bước 9: Đã trực tiếp đền bù những người ấy khi có thể, trừ khi làm thế gây tổn thương khác.

– Bước 10: Đã tiếp tục kiểm điểm, xét mình và khi chúng tôi sai lầm, đã chấp nhận mau lẹ.

– Bước 11: Đã kiếm tìm qua việc suy nghĩ và cầu nguyện để cải thiện mối liên hệ với Trời cách ý thức, đồng thời xin nhận ra ý trời cho mình và xin sức mạnh để thi hành.

– Bước 12: Thức tỉnh tinh thần nhờ những bước này, chúng tôi đã cố áp dụng các nguyên tắc thường ngày và quảng bá những bước này cho người khác.

Lm. Francis Lương Minh Tri, CMC

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment