Thưa Father, xin Father chỉ dạy cho con. Cha mẹ ruột con đã li dị lúc ở Việt Nam. Sau đó mẹ con và con và anh em con đã được đi Mỹ. Cha ruột con ở lại Việt Nam. Lúc ở Mỹ, mẹ con gặp cha nuôi con và hai người kết hôn. Mẹ và cha nuôi con đã có một người con rồi.
Trường hợp của mẹ con vậy thì phải làm sao bây giờ, thưa Father? Con có thể đi tu không, Father? (Không tên)
Không Tên thân mến,
Darling, I am very sorry. “Father” có dịp ghé qua tòa báo và được nghe, “Cái thư này ‘so cute’ trả lời sớm cho họ đi.”. Không ngờ cứ quen thói ăn sẵn (vì các thư khác được tòa báo đánh sẵn trong máy) nên quên bẵng thư con trong hộc đến hôm nay.
Ðiều thứ nhất, “Father” xin thành thật thông cảm hoàn cảnh đau khổ của con. Con hỏi mẹ con phải làm sao bây giờ? Riêng con, con không có tội lỗi gì nên không phải lo lắng gì hết. Con cứ tôn kính cha mẹ; cũng không nên để cha hay mẹ kéo về phía này, phía nọ. Nếu mẹ hay cha có phàn nàn, phân phô, con cứ thưa con yêu ba, con yêu má và con không muốn làm trọng tài trong vụ này.
Với mẹ con, con cố thông cảm và cầu nguyện cho mẹ con nha. Một thân một mình giữa xã hội xa lạ phải nuôi mình nuôi con, phải lặn lội nên gặp nhiều trường hợp oái ăm khôn dò. Con biết, cha và mẹ con đã hứa trước mặt Chúa và Giáo Hội sẽ yêu thương và kính trọng nhau suốt đời nhưng thực tế cuộc đời đã đưa họ không sống chung với nhau nữa hay đã ly dị tòa án đời (nhưng trước mặt Giáo Hội, chỉ là ly thân thôi). Bao lâu hôn ước của cha mẹ ruột con chưa được tòa án Giáo hội xét và tuyên bố vô hiệu (invalid), hôn ước mới của mẹ con với cha nuôi không được Giáo Hội chúc lành, nghĩa là rối, không thành về mặt đạo. Vậy mẹ con cần xin tòa án Giáo hội xét xem hôn phối cha mẹ ruột con có “thành” không. Con biết luật để kết hôn thành phải có một số điều kiện như về tuổi, về tự do ưng thuận, về nhân chứng … thiếu một trong những điều ấy thì dù có cưới to mấy cũng không thành. Con nói mẹ con vào cha sở ở đấy trình bày vấn đề xin ngài giúp đỡ để xin tòa án Giáo Hội điều tra vụ hôn phối của cha mẹ con. Cha mong mọi sự sẽ được giải tỏa êm đẹp.
“Con có thể đi tu không”? Có thể chứ! Chúa có nhiều kiểu, nhiều cách để gọi người ta vào tu. Hoàn cảnh gia đình cha mẹ tan hoang của con có thể là một cách. Cha muốn hỏi con tại sao con muốn đi tu? Con biết đi tu không phải để thoát nợ đời, hay chán đời đi tu. Tu là hiến dâng để làm chứng cho tình yêu Chúa với anh chị em.
Thánh tiến sĩ Gioan Thánh Giá cũng được Chúa dùng hoàn cảnh gia đình đau khổ để gọi đi tu vì ba ngài chết khi ngài mới sinh. Ngài đi tu và nên thánh lớn. Father cũng biết có người đi tu vì cha mẹ cứ hục hoặc với nhau. Khi người đó vào tu ít lâu thì cha mẹ ly dị. Nhưng xào xáo giữa cha mẹ tạo cho người đó một sự bất an mà các bề trên không ngờ để giúp đỡ. Dù người đó thông minh, nhiều tài, người đó vẫn không có an bình nên cũng “quậy” đủ trò. Người đó bỏ đời tu, lập gia đình nhưng rồi cũng theo vết chân cha mẹ hục hoặc nhau cho đến ngày vỡ đám.
Cha kể hai chuyện để nói rằng con cần biết ơn Chúa, lợi dụng ngay đau khổ để trưởng thành hơn, yêu thương hơn chứ đừng chấp nhận đau khổ miễn cưỡng sẽ tạo nên mối bất an trong con. Ðau khổ là một điều bây giờ chúng ta không hiểu được nhưng chắc chắn đau khổ có mục đích riêng của chúng. Chẳng hạn, có thể, có thể thôi, Chúa muốn con đau khổ để gọi con đi tu. Con sẽ là khí cụ tốt của Chúa chăm sóc các trẻ em ở trong các gia đình tan vỡ chẳng hạn. Con đã bao giờ nghĩ rằng nên cám ơn Chúa đã cho con khổ thế để con nghĩ đến đi tu chưa? Nếu chưa, con nên bắt đầu. Cha nhớ tới chị nữ tu Giuseppina Bakhita, người Phi châu, được đức Gioan Phaolô phong thánh trong năm thánh 2000 vừa qua. Chị bị bắt cóc và bán làm nô lệ. Vòng vo qua nhiều chủ, chị được ông bà đại sứ của Ý tại Sudan mua. Khi ông bà nghỉ việc đem theo Bakhita về Ý giúp việc. Tại Ý, Bakhita xin theo đạo. Một thời gian sau, Bakhita xin ông bà cho đi tu. Khi khấn dòng, một chị bạn hỏi Bakhita có căm thù kẻ đã bắt và bán chị làm nô lệ không? Chị cười và nói, “Em đã học cám ơn Chúa về chuyện đó vì nhờ đó mà bây giờ em được biết Chúa yêu em vô cùng.” Father sẽ cầu cho con trong giờ kinh đêm nay. Xin Chúa Ðức Mẹ nâng đỡ con để con biết hóa giải ngay cái khổ con đang chịu.
L.m. Francis Lương Minh Tri,CMC
Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ