1. Luật Giáo Hội là luật chung cho mọi quốc gia trên hoàn cầu nhưng có chút thay đổi tùy hoàn cảnh mỗi quốc gia. Vậy người Công giáo Việt Nam sống ở hải ngoại theo giáo luật nước đó hay Việt Nam? Chẳng hạn, những ngày lễ buộc ở Việt Nam thường dời vào Chúa Nhật nhưng ở Hoa Kỳ thường giữ đúng ngày lễ.
2. Khi linh mục, phó tế hoặc thừa tác viên Thánh Thể trao Mình Máu Thánh Chúa Kitô cho giáo dân có buộc đưa Mình Thánh Chúa lên và đọc lớn, rõ (đủ để người sắp được rước Chúa nghe): “Mình Thánh Chúa Kitô”, và người giáo dân đáp: “Amen!” như các linh mục ở Việt Nam và các linh mục Mỹ thường làm. Theo con nghĩ, dù không buộc nhưng trong thánh lễ có 2 phần quan trọng: “Phụng vụ lời Chúa” được công bố trịnh trọng và rõ ràng thì “Phụng vụ Thánh Thể” cũng cần làm như vậy.
3. Khi giải thích về các phương pháp ngừa thai hoặc chích thuốc ngừa thai cho bệnh nhân thì có phạm tội không? Nếu trường hợp có người muốn phá thai, con đã khuyên họ “đừng” nhưng không thấy kết quả (vì thường bế tắc ở vấn đề tài chánh), con phải làm sao?
Con cám ơn cha nhiều. Con kính chúc cha được luôn mạnh khoẻ trên bước đường dấn thân phụng sự Chúa. (Người muốn biết Giáo luật)
Người muốn biết GL thân mến,
1. Luật địa phương:
Luật Giáo Hội có nhiều loại. Luật phổ quát bó buộc mọi nơi đối với hết mọi người mà luật chi phối. Luật địa phương được ban bố cho một lãnh thổ riêng biệt thì bó buộc những người mà luật nhằm đến, nếu họ có cư sở hoặc bán cư sở và hiện đang cư trú tại đó. Người Công Giáo Việt Nam sống tại Hoa Kỳ hay các quốc gia khác phải giữ các luật địa phương nơi mình cư ngụ. Do đó, luật về lễ buộc phải giữ theo qui định địa phương.
2. Ðọc: “Mình Thánh Chúa Kitô”
Luật phụng vụ về việc cho Rước Lễ đã qui định công thức thừa tác viên phải đọc khi đưa Mình và Máu Thánh Chúa cho giáo dân lãnh nhận. (Trong “Nghi Thức Thánh lễ” của Sách Lễ Rôma số 135 có ghi, “Rồi cầm đĩa hay chén đựng Mình Thánh đi đến từng người rước lễ, nâng bánh thánh lên một chút và nói: Mình Thánh Chúa Kitô. Người rước lễ thưa: Amen.Và cho rước lễ. Nếu phó tế hoặc một thừa tác viên khác cho rước lễ thì cũng làm như vậy.”)
Theo “common sense” các thừa tác viên nên đọc đủ để người sắp rước lễ nghe thấy, nhờ đó mới đáp được “Amen” một các hợp lý hợp tình. Không nên đọc thầm trong miệng và cũng chẳng nên đọc to quá làm người khác chia trí.
3. Ngừa thai và phá thai:
Khi “giải thích về các phương pháp ngừa thai” nhằm mở mang kiến thức mà thôi thì đâu có tội lỗi gì. Nhưng sự giải thích được làm với chủ ý chỉ dẫn, cộng tác hay khuyến giục người khác làm điều có tội thì chắc chắn không thể vô can được.
Việc chích thuốc ngừa thai phải coi là việc cộng tác chính thức (formal cooperation) vào hành vi ngừa thai của đương sự. Ðây không phải chỉ là một sự cộng tác thể lý như trường hợp người bán dao cho kẻ dùng dao giết người, nhưng với việc chích thuốc ngừa thai hay phá thai, tác nhân minh nhiên chủ ý cộng tác với đương sự thực hiện và hoàn thành việc xấu. Việc bán các dụng cụ ngừa thai như bao cao su, vòng xoắn … cũng phải kể là mặc nhiên cộng tác với người khác trong hành vi bất hảo của họ.
Trường hợp gặp một người muốn phá thai ta đã cố gắng khuyên răn họ đừng làm mà họ cứ cố tình vi phạm, ta có thể và nên tìm những phương pháp, kế hoạch khác hữu hiệu hơn. Một khi ta đã cố gắng hết sức mà không kết quả thì ta chỉ còn biết phó thác cho Chúa để tùy Ngài lo liệu theo chương trình của riêng Ngài đối với con người đó. Chúa không bao giờ đòi hỏi ta bất cứ sự gì ngoài khả năng của mình.
Khi “vì thường bế tắc ở vấn đề tài chánh” chẳng hạn, ta có thể liên lạc với Pro-life office của giáo phận để hỏi chương trình con nuôi. Rất nhiều người muốn có con nuôi và họ đủ kinh tế để trả cho người mẹ phải nghỉ việc.
L.m. Francis Lương Minh Tri, CMC
Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ