Giuđa có được cứu rỗi hay phải phạt đời đời?

Hỏi:

Nhân Tuần Thánh, tưởng niệm sự  đau  khổ, sự chết và sống lại của Chúa Kitô, xin cha giải đáp  hai câu hỏi sau đây:   

1-  Giuđa có được cứu rỗi hay không?

2-  Phải chăng  Đức Mẹ đã được Thiên Chúa ban ơn cứu độ trước khi làm Mẹ Chúa Giêsu?

Trả lời :

1 Về câu hỏi thứ nhất, xin được trả lời như sau :

Nói  đến Giuđa thì  trước  hết, đây là điển hình cho loại người  quá đam mê tiền của đến quên tinh quên ân nghĩa và  phản bội. Đây cũng là gương xấu to lớn phải tránh cho mọi người có niềm tin nơi Chúa là  Đấng đầy lòng thương xót , công bình và hay tha thứ. Người thương xót và hay tha thứ, nhưng chúng ta phải tin tưởng và chậy đến xin Người  thứ tha  cho dù tội lỗi đến đâu. Chí có một tội không thể tha thứ được : đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần , tức  là tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và không còn tin tưởng  gì nơi lòng thương xót của Người nữa. Đó là điều Chúa Giêsu đã nói rõ  với các tông đồ trong Tin Mừng như sau:

“ Tôi bảo thật cho anh em : mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng , và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời. “ ( Mc 3: 28-29)

Nói rõ hơn, nhờ Chúa Thánh Thần soi mở lòng trí  để giúp ta nhận biết và tin có Thiên Chúa là Cha nhân lành , đầy lòng xót thương và hay tha thứ . Nên khi hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người , thì  người ta phạm đến Chúa Thánh Thần là Đấng đã giúp con người tin và yêu mến Thiên Chúa.Như thế, nếu Giuđa quả thực hết tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa đến nỗi  đi thắt cổ tự tử thì có thể Giuđa đã phạm tội mà Chúa Giêsu nói trên đây. Nhưng điều này chỉ có một mình Thiên Chúa biết và phán đoán Giuđa chiếu theo lòng khoan dung vô lượng và công minh tuyệt đối của Người. Nghĩa là chúng ta không thể căn cứ vào sự kiện bề ngoài để đưa ra một phán đoán nào,  vì chúng ta hoàn toàn không biết được Giuđa có thực sự mất hết tin tưởng nơi lòng thương xót tha thứ của Chúa,  hay trong một phút trước khi chết,  anh ta đã kịp ăn năn hối lỗi và được tha thứ  như người trộm lành ?

Điều này chỉ một mình Chúa biết  mà thôi.Do đó, Giáo Hội cũng không dám đưa ra một phán đoán chắc chắn nào về số phận đời đời của Giuđa.Nếu Giáo Hội mà không dám kết luận chắc chắn về phần rỗi của Giuđa thì chúng ta dựa vào đâu mà dám nghĩ rằng Giuđa đã sa hỏa ngục hay được cứu rỗi ?

Cũng vậy, đối với những người tự tử chết ngày nay, Giáo Hội vẫn cho phép cử hành lễ an táng cũng như cho chôn xác trong nghĩa trang công giáo, một điều không được phép làm  trước Công Đồng Vaticanô II . Sở dĩ trước đây Giáo Hội  cấm cử hành tang lễ cho người tự tử chết vì Giáo Hội lên án hành vi  xấu này chứ không vì phán đoán rằng người tự tử đã sa hỏa ngục rồi nên không còn ích gì để cầu nguyện cho ai đã tự hủy hoại đời mình vì  bất cứ lý do nào.

Như vậy, ta không nên phán đoán gì về trường hợp của Giuđa  cũng như  về những người đã tự tử chết, mặc dù đó là gương xấu  và cũng là tội  trọng phải tránh. Giuđa có tội rất lớn là đã tham tiền và cam tâm phản bội Chúa khi bán Người lấy 30 đồng bạc của bọn Thượng Tế Do Thái. Không ai có thể biện minh cho việc phản bội, tham tiền và thất vọng đi tự tử của Giuđa.

Chính Chúa Giêsu cũng lên án việc phản bội của Giuđa  như sau :

“ Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người : thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn !” ( Mc 14: 21)

Lại nữa trong lời cầu cùng Chúa Cha trước đêm bị trao nộp , Chúa Giêsu cũng than trách về Giuđa như sau :

“Khi còn ở với họ, con đã giữ gìn họ

Trong danh Cha mà Cha đã ban cho con

Con đã canh giữ và không một ai trong họ phải hư mất

Trừ đứa con hư hỏng để ứng nghiệm lời kinh Thánh.” ( Ga 17: 12)

Đứa con “ hư hỏng” vì đã phản bội  chứ không có nghĩa là đã sa hỏa ngục. Nhưng việc  Chúa phải  chịu khổ hình và chết  trên thập giá lại khác : không phải vì Giuđa phản bội, mà vì Chúa Giêsu muốn thi hành thánh ý Chúa Cha muốn Người hy sinh để đền tội cho cả loài người như Thánh Phaolô đã dạy:

“ Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thẩy chúng ta.” ( Rm 8:32)

Thánh Phêrô cũng quả quyết thêm như sau:

“ Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi. Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” ( 1 Pr 3 :18)

Cũng  chính vì vâng ý Chúa Cha để chiu khổ hình thập giá và chết thay cho kẻ có tội là mọi người chúng ta, nên trước khi  trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã phó linh hồn cho Chúa Cha với những lời thống thiết  như sau :

“ Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong Người tắt thở.” ( Lc 23:46)

Lời cầu xin phó linh hồn trên đây của Chúa Giêsu đã được tiên báo trước trong Thánh Vinh 131:

Trước khi Chúa đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha:

 “ Trong tay Ngài con xin phó linh hồn con.” ( Tv 131: 6)

Như thế, chứng tỏ  Chúa  Giêsu đã biết trước việc Người sẽ chết để đền tội cho nhân loại, đúng  như Người đã nói với các môn đệ trong khi còn đi rao giảng Tin Mừng với họ:

“ Này chúng ta lên Jerusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người,  khạc nhổ vào Người. Họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại. “ (Mc 10:33-34),

Do đó, không thể nói rằng nếu Giuđa không phản bội thì Chúa đã  không chết.

Sự thật  phải tin là Chúa Giêsu đến trần gian làm Con Người để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người, trong Chương Trình Cứu Độ nhân loại của Chúa Cha, như ngôn sứ Isaia đã loan báo từ 8 thế kỷ trước khi Chúa Giêsu sinh xuống trần gian :

“ Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn

Giơ má cho người ta giật râu

Tôi không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” ( Is 50: 6)

Hoặc :

“ Chính Người  đã bị đâm vì chúng ta phạm tội

 Bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm

Người đã chịu sửa trị để cho chúng ta được bình an

Đã mang lấy thương tích cho chúng ta được chữa lành. “ ( Is  53 :5)     

Như  vậy,  đủ cho thấy rõ là Chúa Cha đã dự liệu những khổ hình mà Chúa Kitô sẽ phải chịu để cứu chuộc cho nhân loại khỏi bị án phạt vì tội. Người chính là “ Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” như Gioan Tiền Hô đã tuyên xưng một ngày kia. Chúa Giêsu cũng đã xác nhận những điều đã được tiên báo về Người trong đêm bị nộp khi Chúa  quở mắng Phêrô vì đã  chém. đứt tai một đầy tớ của Thượng tế Do Thái:

“ Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn   mười hai đạo binh thiên thần. Nhưng như thế thì  lời Kinh Thánh ứng nghiệm  sao được ?”( Mt 26: 53-54)

Hay rõ hơn nữa ,  khi  Chúa bảo Phêrô “ Hãy xỏ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ? “ ( Ga 18: 11)

Chén đắng đây chính là việc Người bị trao nộp, bị đánh đập, nhạo báng, phỉ nhổ và cuối cùng bị  đóng đanh và chết trên thập giá.Như vậy, tuyệt đối không có vấn đề giả sử Giuđa đừng  phản bội thì Chúa đã không phải chết. Đây là chén đắng Chúa Cha đã định liệu cho Người uống để chuộc tội cho nhân loại trong chương trình cứu độ của Chúa Cha

Và Chúa Kitô đã vui lòng uống “ chén đắng”  đó khi Người  không kêu cứu Chúa Cha sai đạo binh  thiên thần đến giải thoát cho Người khỏi bị bắt và điệu đi hành hình.

 Dầu vậy, Giuđa vẫn có lỗi lớn là đã bán Chúa lấy 30 đồng bạc của các thượng tế và kỳ mục Do Thái. Và vì không ngờ việc bán Thầy lại trùng hợp với việc Chúa Giêsu vâng ý Chúa Cha để  vui lòng chiu tử nạn, nên y đã quá thất vọng đi tự tử, tức là phạm thêm một  tội trọng nữa là tự hủy hoại mang sống mình. Nhưng như đã nói ở trên, ta không biết được Giuđa có còn kịp sám hối trước khi chết hay không, nên không thể kết luận được gì về phần rỗi của y. Việc này Chỉ có Chúa biết mà thôi.

2- Đức Mẹ được cứu chuộc trước khi Chúa Kitô ra đời ?

Có thể nói vắn gọn là điều này không đúng, vì bằng chứng Kinh Thánh sau đây :

a-     “ Chỉ có một Thiên Chúa

Chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người

Đó là một con người : Đức Kitô- Giêsu

Đấng đã tự hiến làm giá chuộc cho mọi người.” ( 1 Tm 2 : 5-6)

b- “ Ngoài Người ( Đức Kitô) ra, không ai đem lại ơn cứu độ vì dưới gầm trời này

Không có một danh nào khác đã ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào

Danh đó mà được cứu độ.” (Cvtđ 4: 12)

Đức Trinh Nữ Maria được diễm phúc không mắc tội tổ tông và mọi tội khác, được trọn đời đồng trinh dù đã sinh Chúa Giêsu với quyền năng của Chúa Thánh Thần, cũng như được về trời cả hồn xác. Nghĩa là Mẹ không phải trải qua cái chết trong thân xác như mọi con người sinh ra trong trần thế này.  Hơn thế nữa, Mẹ còn được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa ( heotokos) vì là Mẹ thật của Chúa Giêsu, cũng là Thiên Chúa,  đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Mầu Nhiệm Ba Ngôi Một Thiên Chúa (The Holy Trinity).

Nhưng dù với địa vị cao trọng làm vậy, Mẹ cũng không cùng bản thể với Thiên Chúa hay cao hơn Chúa,  là Đấng được tôn thờ ở mức Latria trong khi Mẹ được tôn kính đặc  biệt  ở mức Hyperdulia, các Thánh Nam Nữ khác ở mức Dulia trong phụng vụ thánh của Giáo Hội. Đó là những  điều chúng ta cần biết, tin và thực hành như Giáo Hội dạy.

Mặt khác, nói về ơn cứu độ, chính Mẹ Maria đã nói khi đến thăm bà Ê-liza-bet như sau :

“ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa

Thần trí tôi hớn hở vui mừng

 Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi ( My Savior)  ( Mangnificat :47)

Như thế Đức Mẹ cũng nhận ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu-Kitô, Con của Mẹ là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa đã hoàn tất công nghiệp cứu chuộc này qua khổ hình thập giá, chết và sống lại  như Giáo Hội dạy.

Nhưng Giáo Hội chưa hề  dạy rằng Mẹ Maria đã được lãnh nhận ơn cứu chuộc của Thiên Chúa trước khi làm Mẹ Ngôi Hai. Thiên Chúa có Chương Trình cứu chuộc loài ngoài, và  đã nhờ Chúa Kitô thi hành Chương Trình này và Chúa đã hoàn tất  Công Trình đó qua khổ nạn thập giá, chết, sống lại và lên trời. Đó là nội dung  Mầu Nhiệm Vượt qua (Paschal Mystery) của Chúa Kitô mà Giáo Hội cử hành mỗi năm trong Tuần Thánh với cao điểm là Lễ Phục Sinh, tuyên xưng Chúa Kitô đã sống lại sau khi phải chiu khổ nạn và thực sự chết trên thập giá và được mai táng 3 ngày trong Mồ đá.

Như thế, trước khi Chúa Kitô hoàn tất Chương Trình cứu độ của Chúa Cha qua Mầu Nhiệm Vượt qua thì công nghiệp cứu chuộc đó chưa  có để ban phát cho ai, -dù là riêng  cho Mẹ Maria-  vì Chúa Giêsu chưa “uống chén đắng”  mà Chúa Cha muốn trao cho Người.

Chính vì ơn cứu độ chưa sẵn có, nên những người  lành thánh chết từ bao đời trước khi Chúa Giêsu hoàn tất công nghiệp  cứu chuộc của Người , thì đều phải ở nơi gọi là “Ngục tổ tông=Abode of the Dead” đợi chờ Chúa “ đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” ở đây. Vì thế,  sau khi Chúa chết trên thập giá, Người đã xuống nơi này với tư cách là Đấng Cứu Thế  để loan báo Tin mừng cứu độ cho họ và dẫn đưa họ vào Thiên Đàng ( x.1 Pr 3: 19; SGLGHCG số 632)

Do đó,  không thể nói rằng Chúa Cha đã ban ơn cứu độ riêng cho Mẹ Maria, Người đầy ơn phúc., vì đã sinh Con Chúa Trời và cộng tác tích cực vào việc thi hành Chương Trình cứu chuộc nhân loại của Chúa Giêsu-Kitô. Nghĩa là  mọi người – kể cả Đức trinh Nữ Maria- dù vẹn toàn vì  không mắc tội tổ tông  và mọi tội cá nhân- đều phải nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô để vào Nước Trời hưởng Thánh Nhan Chúa là hạnh phúc của các Thánh và các Thiên Thần. Lý do là chỉ có một mình Chúa Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài  người trong việc cứu độ nhân loại như lời Kinh Thánh trích trên đây.Cho nên, khi Người chưa hoàn tất công cuộc cứu chuộc loài người  qua Hy Tế Thập giá, thì ơn cứu độ đó chưa sẵn có để ban cho ai.Vả lại,  nếu ơn đó đã sẵn có, thì Chúa Kitô đã  không cần phải  đến trần gian “để hiến  mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20:28) và trở thành Đấng Cứu Chuộc duy nhất cho nhân loại ( Human Savior).

Đó là tất cả những điều người tín hữu Chúa Kitô  phải tin và thực hành để hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo là Mẹ, thay mặt Chúa là Cha để dạy dỗ con cái mình không sai lầm những gì thuộc phạm vị đức tin và luân lý.Amen Alleluia ! Alleluia!

Ước mong những lời giải thích trên thỏa mãn các câu hỏi được đặt ra.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Chia sẻ Bài này:

Related posts