Kính thăm cha, con xin chúc cha được mạnh khoẻ và được nhiều hồng ân Thiên Chúa soi sáng. Mẹ con là người tốt và thương chúng con, nhưng mẹ con có vài cái sai và không bao giờ sửa đổi, hoặc mẹ không biết. Mẹ con hay thường so sánh chị con với người khác. Chị con không thích học như người khác. Đi học về bài vở không học bao nhiêu. Mẹ con hay nói chị con là: “Tại sao con không giống như H., đi học về lúc nào cũng lo học bài. Sao mẹ không thấy con học gì cả?” Tuy chị con sai, nhưng mẹ cũng sai nữa. Chị con nói với con là mẹ không nên so sánh chị ấy như vậy. Con nghe người ta nói là mẹ không nên so sánh con cái của mình; con cái sẽ buồn và chán. Nhưng con không biết mẹ có hiểu chúng con không? Con muốn nói nhưng sợ mẹ la: “Mới bây lớn mà bày đặt dạy đời!” Chị con đã có lần bị mẹ rầy như vậy nên con sợ không dám nói.
Thưa cha, chuyện thứ hai là chị con chẳng bao giờ đi party khi bạn mời. Mẹ có nói chị sao không chịu ra ngoài chơi cho hiểu biết. Chị con năm nay 21 tuổi. Chị nói với con là chị ấy không dám ra ngoài tại vì mỗi lần chị làm sai điều gì là mẹ la: “Học cái đó ở ngoài đường đó hả?” Thật ra chị con đâu có học tính xấu của ai đâu, nhưng mẹ con cứ la như vậy đấy. Con thương mẹ nhưng có lúc mẹ sai con buồn lắm. Xin cha giúp con làm sao để mẹ hiểu chị con; và giúp con có cách nào để chị con siêng học thêm chút nào, để khỏi uổng công bố mẹ con qua đây và khổ vì chúng con. Con xin cám ơn cha nhiều lắm. (Thúy Vi)
Thúy Vi thân mến,
Cám ơn Thúy Vi đã thương bố mẹ lại thương chị nữa chứ! Cha dám cá là Bố mẹ Vi phải hãnh diện vì có Vi đó!
Vì Vi thương bố mẹ nên cha cũng xin Vi chuyện này là thông cảm với bố mẹ vì chuyện dạy dỗ con cái vốn phức tạp lại càng phức tạp hơn trong xã hội hôm nay. Vi biết có người được kích thích bởi thất bại. Càng thất bại họ càng cố gắng nhưng một khi thành công đến liên tiếp là họ chán, không thèm cố gắng nữa. Loại này có lẽ phải chê một chút họ mới cố gắng. Phần đông hơn lại kích thích bởi thành công. Càng thành công họ càng gắng sức. Loại này phải khen một chút họ mới tiến lên! chê chê chút đỉnh là họ buồn chán đấy! Do đấy bố mẹ phải biết con cái và dạy chúng theo tính tình.
Cha nghĩ mẹ con đưa H. ra làm gương cho chị con là để kích thích chị con, challenge chị con; Cha không nghĩ mẹ con có ý khinh chê chị con. Vi biết Chúa dựng nên con người không ai giống ai nên Vi cũng đừng vội nghe người ta nói mà bảo mẹ sai. Điều mẹ con chưa làm được là cho chị con hiểu mẹ con challenge chị con để chị con chấp nhận challenge đó thôi. Nếu “Chị con nói với con là mẹ không nên so sánh chị ấy như vậy” Vi có thể nói cho chị nghe là mẹ challenge chị đấy. Chị có chấp nhận challenge để tiến lên hay buồn giận mẹ rồi lì ra, biếng hơn là quyền chị và trách nhiệm đời chị!
“Con muốn nói nhưng sợ mẹ la: “Mới bây lớn mà bày đặt dạy đời!” Chị con đã có lần bị mẹ rầy như vậy nên con sợ không dám nói.” Có lẽ mẹ con không nên nói như vậy! Nhưng Vi thấy đấy, mẹ con cũng nhận “học” ở hai cô “giáo” nhỏ chút ít. Nếu hai cô dạy thì mẹ phải học rồi! Nếu mẹ có thế, con cũng khen cho mẹ một câu “Học trò gìa của tôi giỏi biết nhận ra cô giáo!” Nói dỡn vậy thôi! Nếu Vi sợ mẹ la như la chị, Vi có thể chờ lúc mẹ rảnh rang, một mình Vi tâm sự với mẹ, Vi sẽ nhỏ nhẹ nói những gì Vi cảm thấy. Chẳng hạn, “Con cảm thấy chị hai buồn lắm, sau khi mẹ la và so sánh với H. Con cám ơn mẹ đã lo lắng việc học của chúng con. Con hổng dám dạy mẹ nhưng con nghĩ, con nghĩ thôi, không nên so sánh chị với ai vì so sánh làm chị chán học thêm.”
Chuyện thứ hai có lẽ cũng nên khen mẹ con. Một số cha mẹ để con cái quá tự do nên tụi nó sống buông thả hư thân. Một số khác lại giữ chặt quá, không cho đi đâu nên khi gặp tên cò bơ nào khen mấy câu là con cái dám “bỏ nhà” ra đi theo tiếng gọi của “trái tim mùa Đông.” Nếu mẹ con la “Học cái đó ở ngoài đường đó hả?” mẹ con cũng chỉ có ý nhắc nhở: không phải mọi cái người ta làm đều tốt; cần nhận định và phân biệt. Mình chớ vội học đòi chuyện vớ vẩn bên ngoài. Chuyện này cũng thế, nếu Vi thấy buồn, cứ nhỏ nhẹ tâm sự mẹ con. Chẳng hạn, “con cám ơn mẹ đã nhắc tụi con cẩn thận kẻo bị ảnh hưởng xấu của các bạn không tốt! Nhưng mẹ nói mạnh quá làm chị hai buồn nên ‘hổng’ dám đi đâu hết trọi đó!” Và tương tự chị em cũng nói cho nhau tâm tình của mẹ; la hay mắng cũng vì lo lắng chỉ muốn nhắc nhở kẻo hư thân uổng cuộc đời thôi. Nếu chị em Vi nhìn vào tấm lòng bà mẹ qua những la mắng đó, chị em sẽ yêu mẹ hơn, sẽ dám đi ” ra ngoài chơi cho hiểu biết” vì tin vào Chúa, vì có lời la mắng của mẹ làm bùa hộ mệnh khỏi hư thân mất nết. Vi có tin là có nhiều cô cậu thèm được la như thế đó. Vi nhớ cám ơn Chúa đã cho Vi có bà mẹ và Vi biết rằng Chúa yêu thương Vi và sẽ giúp Vi xây dựng tương lai!
L.m. Francis Lương Minh Tri, CMC