Thưa cha, con đang có một số vấn đề về đức tin. Có lẽ con bị bệnh bối rối. Nhiều lần trong năm qua, con chỉ mắc những tội nhẹ nhưng lại hay lo lắng, cứ nghĩ là tội nặng nên không dám rước Chúa, hoặc có rước Chúa nhưng ko dám tin là Chúa đến trong lòng vì sợ tội nặng. Con lại hay nghĩ đến sự công bằng và đền trả nên con nghĩ rằng Chúa muốn con như vậy để đền tội trước đây đã phạm thánh. Vì trước đó, khoảng từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2012, con có mắc một tội trọng mà lại không xưng tội, cứ vậy mà rước Chúa từ tháng 3, đến tháng 9 năm 2012 mới chịu xưng tội với linh mục. Nay con có một số điều mà con áy náy trong lòng không biết có phải là tôi nặng không, nhưng nếu là tội nhẹ, xin cha cứ cũng nhắc con vì con thấy những điều này cũng không hay gì.
Trả lời:
1/ Chỉ có Chúa mới cất sự bối rối cho người Chúa để cho mắc, nên phải khiêm tốn cầu nguyện, nhất là cầu với Đức Mẹ.
2/ Nên biết (theo Luân Lý Thần học Công giáo) về người bối rối thường như thế này:
“Lương Tâm Bối Rối (Scrupulous Conscience)
*Lương tâm bối rối là khi dựa vào những tiêu chuẩn vô lý, vì sợ mất lòng Chúa, điều không có tội cho là tội, điều tội nhẹ cho là tội nặng.
Người bối rối rất đau khổ vì chứng bệnh của mình và gây khó khăn cho cha giải tội. Rất may là thời nay đã giảm bớt những quan niệm khắt khe về luật lệ, lên án và tu đức ngặt nghèo, nên số người bối rối không còn nhiều.
1/ Bối rối giao động (crisis) tạm thời trong tuổi mới lớn (puberty). Loại này có thể xảy ra nơi những tâm hồn mới vào đường tu đức, những người đang tập bỏ thụ tạo để đi vào tình yêu thiêng liêng của Chúa.
2/ Bối rối bù đắp (Compensatory scrupulosity) xảy ra nơi người lo để ý tới những chi tiết nhỏ nhặt, không vậy thì cho là không, là chưa quảng đại với Chúa.
Để giúp tâm hồn này, đòi phải có thái độ hiểu biết, kiên nhẫn và đòi họ đối thoại thành thực. Cho họ biết rằng, đây là một thay đổi trong nội tâm để đi sâu hơn vào tiếng gọi của ơn thánh.
3/ Bối rối “ám ảnh” (Obessive-compulsive scrupulosity). Đây là loại bối rối trầm trọng nhất, đúng nghĩa nhất, là bệnh tâm lý, phát xuất từ rối loạn tâm lý.
Người này thường lo sợ về đủ thứ tội, thường thì về đức tin, đức trong sạch, trách nhiệm với tha nhân, đọc kinh cầu nguyện, ăn chay…
Nhiều khi do kết quả một sự giáo dục quá nghiêm khắc, nghe kết án nhiều thứ, nên họ sợ sệt trước những đòi hỏi, đâm bối rối, hoặc phản ứng bằng cách bù trừ để tự vệ, chống lại các thúc đẩy bằng trốn chạy, từ chối, hoặc chiến đấu.
Vài Qui Luật tổng quát cho người bối rối:
1- Họ nên làm như cuộc sống chung chỉ định, dù trái ý họ.
2- Họ không nên bỏ dở, nếu việc không là tội.
3- Họ không cần xét mình tỉ mỉ về việc đã qua.
4- Họ không phải làm lại, nếu họ tưởng việc chưa tử tế. Ví dụ: Đọc kinh, ăn năn tội, xưng tội…,
5- Vì hoàn cảnh rối rít của họ, họ có thể được miễn vài điều thuộc luật tích cực. Ví dụ: Giữ chay Thánh Thể, xưng tội chung,…
*Vài điều Cha Linh hướng nên nhớ:
1- Đừng do dự nghĩ là họ thiếu điều kiện thành pháp (validity).
2- Đừng khuyên những điều có vẻ trái ngược.
3- Đừng để người bối rối đi bày tỏ với nhiều linh hướng, vì cần đồng nhất tư tưởng hướng dẫn.
4- Nên cho họ cơ hội đi giải trí.
5- Khi họ trình bày về những tư tưởng xấu ám ảnh, nên khuyên họ đọc những lời cầu nguyện tắt để lấn át những tư tưởng xấu. Ví dụ: “GiêsuMariaGiuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn” .
Lời cầu nguyện vắn tắt này được gọi là Tác Động mến yêu (Act of Love). Có phép in ấn của Đức Hồng Y Spellman, Tổng Giám mục New York (March 11, 1955) trong Sách tiếng Anh (Jesus Appeals to the World). Tùy ý tin và đọc, không ai bắt buộc.
Markb, CMC.